Thuyết minh về làn điệu chèo

Thuyết minh về làn điệu chèo

Cái nôi của sân khấu chèo là Đồng bằng Bắc Bộ, địa bàn phổ biến là từ Nghệ Tĩnh trở ra. Khởi đầu chèo bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ 11. Lúc đầu xuất hiện ở các làng quê, dần trở thành một loại hình sân khấu tiêu biểu của người dân đồng bằng Bắc Bộ.

Nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn chèo đậm màu sắc trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở chèo rất rõ nét. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập, được khẳng định. Các vở chèo cổ bao giờ cũng kết thúc có hậu theo truyền thống phương Ðông. Nhiều vở được xếp vào vốn quý của sân khấu cổ truyền dân tộc.

Từ khi ra đời đến nay, tiếng trống chèo vẫn có ma lực cuốn hút bao thế hệ khán giả, không kể tuổi tác, địa vị xã hội hay quốc tịch. Nhưng có giai đoạn sân khấu chèo đã trải qua những khó khăn tưởng chừng không đứng vững nổi. Giờ đây, sân khấu chèo đang được khôi phục nhằm giữ gìn và bảo tồn một loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

Đã có một thời, Hội chèo đôi khi kéo dài cả tuần lễ, mặc dầu còn lâu mới đến Hội nhưng trong mỗi gia đình nông dân đều đã có sự chuẩn bị tham gia kỳ Hội với những vai chèo yêu thích.

Đã từ lâu, nghệ thuật chèo đối với người nông dân Việt Nam vừa là sân khấu, vừa là thơ ca và âm nhạc và là nguồn duy nhất trong đời sống tinh thần của mình. Trong các vở chèo cổ thường vạch mặt bọn quan lại phong kiến và thực dân áp bức giống nòi. Ở các vở diễn, người nông dân thấy được sự phản ánh đời sống của mình với những mặt tích cực và phản diện, những ước mơ và ý niệm của mình về cái thiện và cái ác. Mọi người đã yêu và càng yêu nghệ thuật chèo bởi tính nhân đạo và sự tươi mát của nó, và bởi nó mang màu sắc dân tộc độc đáo.

Những vở chèo - đó là các mẩu chuyện sân khấu của những tiểu thuyết thi ca, nó đặc trưng bởi chất thơ mộng, hành văn nhuần nhuyễn, nó có những truyền thống lâu đời của thi ca phương Đông. Ngoài việc chèo là một nghệ thuật được nảy sinh từ quần chúng nông dân, nó còn được sử dụng rất nhiều tục ngữ và ca dao dân gian do nhân dân sáng tạo ra qua hàng ngàn năm.

Nghệ thuật cơ bản trong các vai của diễn viên là múa mà qua đó nó có thể hiện được tất cả sự uyển chuyển nhịp nhàng của con người. Những nghệ nhân lớp trước thường nói rằng: "Múa hình tượng đẹp đẽ của nội tâm". Song song với cái đó, điệu múa trong chèo không hoàn toàn mang tính trừu tượng và tượng trưng, ước lệ như một số loại hình nghệ thuật thông thường khác bởi một lẽ nguồn gốc của nó là những hình ảnh sinh hoạt, lao động qua các buổi diễn ở nông thôn.

Một vai trò quan trọng trong chèo là âm nhạc. Ở Việt Nam người ta thường nói "đừng diễn chèo" mà phải là "hát chèo". Âm điệu trong nghệ thuật chèo ngày càng hấp dẫn, nó có cả màu sắc âm nhạc dân tộc và hiện đại độc đáo.

Hiện nay, tại thủ đô và một số thành phố khác đã thành lập những đoàn nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền bá nền nghệ thuật này và đồng thời hỗ trợ cho các đoàn nghệ thuật nghiệp dư.

Nghệ thuật chèo ngày nay vẫn được nhân dân ưa thích. Trong chèo mỗi người Việt Nam đều thấy được sự phản ảnh của những giá trị đạo đức cao quý như: lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình, sự trung thành, sự từ thiện. Do vậy, ở các vở chèo cổ, nội dung của nó ta tưởng như khác xa thực tế ngày hôm nay; vậy mà nó vẫn làm xúc động lòng khán giả của nhiều thế hệ già cũng như trẻ. Điều đó nói lên tính tươi trẻ và sức sống của nghệ thuật chèo, đồng thời cũng đặt ra trước nghệ thuật chèo những vấn đề mới phức tạp.