Câu tục ngữ: “Chết trong còn hơn sống đục”
Mỗi con người trên đời chỉ sống có một lần mà thôi, cuộc sống ấy có thể ví dài như dòng trường giang, mà cũng có thể ngắn ngủi như dòng thác đổ, lao xuống một chóc là ngừng lúc nào chẳng hay. Vì thế người ta chẳng lấy thời gian mà đo ý nghĩa cuộc sống con người. Ngược lại, ý nghĩa cuộc sống ấy cao đẹp và đáng giá ra sao, hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của bản thân. Có người sống hàng chục năm, nhưng vì làm những việc phi nghĩa nên cứ sống mãi trong chui nhủi. Ngược lại có người đã ngừng nhịp tim ở tuổi hai mươi, nhưng được nhớ mãi nhớ những hành động cao đẹp của họ. Nhân dân ta từ xưa đã ý thức rất rõ về sự quan trọng của cách sống đôi với danh dự, với tiếng thơm của mình, vì vậy đã để lại cho hậu thế lời khuyên qua một câu tục ngữ quen thuộc “Chết trong còn hơn sống đục”.
Từ thuở còn nằm trên nôi, hẳn mỗi con người Việt Nam đã được nghe lời giảng giải ân cần của người bà, người mẹ về câu tục ngữ ấy, hoặc ít nhất, đã hiểu được một phần của lời dạy qua những bài hát ru, chẳng hạn như:
“Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
Xin mượn lời cầu khẩn chân thành của con cò — một biểu tượng cho người nông dân trong xã hội xưa, để một lần nữa lý giải cho câu tục ngữ. Sống đục là sống với những hành động bán rẻ nhân cách và lương tâm của mình, coi thường danh dự phẩm cách mỗi con người. Thuở trước đây, người ta phân biệt rạch ròi giữa trong và đục. Con người trung với đất nước, hiếu với cha mẹ, nhân từ với mọi người, tín nghĩa với bè bạn được coi là con người sống trong, nghĩa là bậc quân tử. Ngược lại, những kẻ bất trung phản loạn, bất hiếu với nghiêm từ đã dày công sinh dưỡng, vong ơn bội nghĩa với bạn bè hay người có ơn với mình, tất cả đều xem như sống đục. Kẻ 'không biết làm ăn lương thiện, chỉ buôn gian bán lận, trộm cắp đạo tặc đều bị xã hội rẻ rúng coi thường, vì họ đã làm mất đi của chính mình cái cốt cách cao đẹp nhất của đạo làm người.
Ngược lại với coi thường sống đục, con người rất trân trọng và khâm phục những con người vì nghĩa lớn mà chết trong. Thời trước các bậc tiền nhân xem chết trong là những cái chết cho một mục tiêu cao đẹp hơn. Ca dao, văn thơ cũng vì thế mà xướng danh những con người có cái chết oanh liệt. Người bình dân tưởng như học thức ít ỏi, mà đã biết ngợi ca Lê Lai vì liều mình cứu chúa mà chết trong vòng vây của giặc, Trần Bình Trọng thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc, đó là những sự hi sinh ngời sáng lên chữ trung. Họ cũng ngợi ca những con người vì thương nhân dân sống trong cảnh bạo tàn của phong kiến mà đứng lên dấy nghĩa như “Ớ làng Minh Giám có vua Ba Vành" hay “Chiều chiều én lượn Truông Mây - Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”. Ấy là những hy sinh làm sáng thêm chữ nghĩa. Cũng học từ đạo lí của nhân dân và một phần của Nho học mà cụ Đồ Chiểu đã sáng tác nên những án Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc hay Văn tế Trương Công Định làm xúc động lòng người. Thì ra quan niệm rạch ròi về chết trong và sống đục đã được ông bà ta khẳng định từ xưa, trở thành một trong những chuẩn mực sống tiêu biểu nhất cho người Việt Nam từ xưa đến nay.
Và để tạo nên những con người có khí tiết, có phẩm chất, có đạo đức, biết đâu là trong đâu là đục mà sống; nhân dân ta đã mượn triết lý của đạo Nho, đạo Phật mà dạy cho con cháu. Những người bình dân không có học thức, cũng biết dùng ca dao tục ngữ mà giáo dục cho thế hệ sau. Những tấm gương về Trần Minh khô chuối, về Kiều Nguyệt Nga với cuộc đời sáng trong; những câu chuyện về Nguyễn Trãi chịu hàm oan, Trạng Trình từ quan cáo lão để gìn giữ thanh bạch đã bao nhiêu thế kỉ nuôi dưỡng tinh thần người Việt Nam. Vì thế dù thời thế có đổi thay nhưng không thời nào không có bậc trung thần nghĩa sĩ hay bậc quân tử vì nghĩa trong nhân dân. Thời Pháp mới đánh Bắc Kì, hai vị tổng đốc Hà thành là Nguyễn Trì Phương và Hoàng Diệu đều tuần tiết để khỏi rơi vào tay giặc. Chín năm kháng chiến chống Pháp, quân dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã tình nguyện đốt nhà ngăn giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đến thời chống Mĩ, gương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân vẫn còn sống mãi, dù các anh đã hi sinh trước họng súng của kẻ thù. Ta chợt cúi mình, các bậc cha anh của chúng ta cao thượng quá, trung nghĩa quá, sự ra đi của họ đã hóa thành bất tử trong mỗi thế hệ người Việt Nam đời sau, càng chứng minh cho chúng ta thấy cách sống trong sạch, nghĩa khí là quan trọng như thế nào đối với mỗi con người.
Nhưng ta bỗng giật mình, hình như thời đại ngày nay đã khác rồi so với ngày xưa. Chiến tranh khốc liệt đã trôi qua từ lâu, cuộc sống của con người càng ngày được cải thiện. Mà sao có những điều làm ta nhức nhối quá. Đọc báo, ta thấy vẫn còn có những con người tham nhũng của nhân dân đến hàng chục tỉ đồng, để cho nhà cao không vững chãi, cầu đường hư hại, nỗi khổ đè lên bao nhiêu con người. Nghe đài, xem tin, ta thấy buồn thương cho nạn trộm cắp ngày càng tràn lan, bao nhiêu con người thuộc thế hệ trẻ, sức vóc dẻo dai sao không làm những công việc lương thiện, mà lại luồn lách “ăn đêm” như thế. Mắt thấy tai nghe, những biểu hiện sống đục không chỉ diễn ra ở một nơi, một ngành; mà nhan nhản nhiều nơi có một vài con sâu làm rầu nồi canh như vậy, làm cho khắp nơi, khắp ngành cũng phải nhón nháo. Chẳng phải vậy ư? Có người bán công thức bản quyền của công ty mình cho một đối thủ khác vì tiền, bỏ đi công sức của bao nhiêu người làm ra công trình ấy, đó chẳng phải là một thứ sống đục sao? Lắm người chạy quyền chạy chức cho những kẻ bất tài, chạy án cho những kẻ phạm pháp, đó lại chẳng phải là một thứ sống đục sao? Làm bằng giả, làm chứng chỉ giả, cho người thi đại học thuê... Còn quá nhiều thứ biểu hiện làm nhơ nhớp xã hội này, làm mất đi ý nghĩa và niềm tin của con người vào cuộc sống vốn dĩ rất tốt đẹp.
Phải chăng thời đại ngày nay không cần đến chết trong, sống đục nữa. Phải chăng trong đục giờ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, quan trọng chăng, chỉ còn lại quyền lợi cá nhân của mỗi con người?
Câu trả lời là không. Xin khẳng định một điều chắc chắn rằng: sống trong vẫn là cần thiết và được coi trọng, sống đục vẫn bị khinh bỉ và coi thường. Dù thời đại này hay thời đại nào tiến bộ hơn về sau, với những thay đổi hàng loạt trong cuộc sống, thì xã hội vẫn ngợi ca những hi sinh cho đất nước, cho nhân dân, cho những người xung quanh; sẵn sàng phê phán, lên án những kẻ vì quyền lợi cá nhân của mình bán rẻ lợi ích của bao nhiêu con người khác. Nghĩa là truyền thống từ xưa của nhân dân ta sẽ mãi tồn tại lâu dài dù cho vòng xoáy thời gian sẽ đổi thay tất cả.
Chúng ta có quyền tin tưởng điều đó, vì không phải trong xã hội chỉ toàn là những con người vị kỷ, vẫn còn bao nhiêu con người vị tha sẵn sàng cống hiến cho đất nước, cho mọi người sức lực và tâm huyết của họ. Ta sẽ không nói về chết trong nữa, vì thời đại đã đổi thay. Thay vào đó ta sẽ nói về sống trong. Có những vị cán bộ đồng lương ít ỏi, nhưng ngày ngày trôi qua, họ tận tình làm việc vì dân, không mảy may nghĩ đến lợi ích riêng tư, càng không bao giờ làm những việc sai trái với pháp luật; vị cán bộ ấy chẳng phải là những điển hình cho việc sống trong trong thời đại ngày nay đấy sao? Có người cựu chiến binh đã từ chối chức vụ cao trong chính quyền địa phương để về lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, lòng không lo nghĩ đến sự nghiệp của bản thân mình, lại chẳng phải là một con người sống trong nữa sao? Người thầy giáo già suốt đời vì giáo dục, không làm điều gì vì cá nhân mà quên lợi ích của học sinh; người chiến sĩ biên cương tặng tuổi xuân cho những vùng núi và miền hải đảo; những nhà báo chân chính không sợ sự đe dọa của cường quyền, công khai viết bài tố cáo những hành vi tiêu cực trong xã hội... Tất cả đã hóa thành biểu tượng cho một lối sống trong sạch, cao đẹp và ý nghĩa trong xã hội đang thay đổi từng ngày.
Hiểu được những nhân tố ảnh hưởng đến lối sống của con người từ lúc trẻ là như vậy, ta phải hành động như thế nào để ta và những người thân trở thành những con người hữu tâm, biết sống sao cho đúng với phẩm cách, danh dự, lương tâm của mình. Từ thuở con cái mới sinh ra, hẳn vai trò to lớn nhất sẽ thuộc về cha mẹ trong gia đình. Thật buồn rằng ngày nay dường như còn ít người mẹ biết ru con, nếu không từ thuở nằm nôi chắc đứa bé cũng học được nhiều điều qua những lời ru ngọt ngào ấy. Ngược lại, nếu người mẹ nào vẫn còn những khả năng tuyệt vời là tiếng ru chân chất, lời kể chuyện thiết tha, chắc chắn sẽ làm nảy sinh trong lòng con mình những sự hướng thiện và lối sống trong sách, giống như măng sinh ra vốn mọc thẳng vậy. Lớn lên, cha mẹ phải luôn là người gần gũi con và chia sẻ với con những điều xảy ra trong cuộc sống. Đặc biệt, người cha, người mẹ là những tấm gương sáng nhất để con noi theo. Xin đừng quá vùi đầu vào công việc, đừng chỉ nghĩ đến tiền bạc và những lợi ích nhỏ của riêng gia đình mình, bạn sẽ vô tình làm cho con học theo và trở thành một con người vị kỉ đấy.
Nhà trường có vai trò tiếp theo trong uốn nắn học sinh thành người có ích, trong đó vai trò của người thầy là cực kì quan trọng. Người thầy thanh bạch sẽ tạo ra nhiều thế hệ học sinh trong sạch, biết vì mọi người thậm chí quên bản thân mình và ngược lại. Ngày nay đang có phong trào chống bệnh thành tích trong giáo dục, tức là trị cái ung nhọt xấu nhất, trị cái lối sống đục nhất của ngành giáo dục. Nếu phong trào ấy thành công, tin rằng tương lai sẽ có một thế hệ thanh niên trẻ vừa có tài năng đích thực vừa biết cống hiến cho mọi người, chứ không chỉ làm việc vì đồng lương của minh thôi.
Xã hội là nhân tố thứ ba làm thay đổi nhận thức con người. Song môi trường xã hội không phải bao giờ cũng là lí tưởng. Vì thế lập trường của mỗi con người phải là quyết định trong mọi tình huống. Đừng vì người khác bảo ta là nguyên tắc, là bảo thủ mà thay đổi đi cách sống vốn là đúng đắn của mình. Hãy quan sát những hành động của người khác, suy nghĩ về lời nói của người khác nhưng không phải bao giờ cũng được nói theo họ, làm theo họ, Sống trong môi trường với nhiều người xung quanh, đừng để ảnh hưởng bởi những thói xấu của mọi người, nhưng cũng đừng cố chấp mà không nhìn thấy những điều tốt đẹp mà người khác đã tạo ra trước mắt mình. Phải sống hài hòa, biết quan sát, lắng nghe và suy nghĩ, như thế ta mới biết mình cần phải sống ra sao: thế nào là trong, thế nào là đục trong xã hội này. Xin một lần nữa nhắc lại về lẽ trong đục ở đời. sống trong là sống đúng theo phẩm cách, lương tâm của con người, là làm những việc có lợi cho mọi người, rộng ra là cho đất nước. sống đục là sống coi thường nhân cách con người, chỉ nghĩ đến mình, làm những việc sai trái có hại cho muôn người. Và hãy nhớ lấy câu tục ngữ như phương châm định hướng của người Việt Nam xưa nay: Chết trong còn hơn sống đục.
Hoa đẹp được người đời ca ngợi nhờ cả hương thơm chứ không chỉ nhờ cái hình thức. Cây đứng vững chãi qua trăm năm là nhờ cái gốc rễ vững vàng. Lòng người cũng như cây, cái trong sạch trong dạ phải vững bền như gốc rễ của loài cổ thụ, cái vị tha cao cả phải ngào ngạt, nồng nàn như hương hoa tỏa khắp muôn nơi. Người sống sẽ được xã hội coi trọng thế nào, khi mất đi liệu còn được danh thơm, tất cả phụ thuộc vào cách sống và những cống hiến cho xã hội lúc sinh thời. Xin hãy ghi nhớ bài học về lẽ trong đục để tìm ra lối sống và hành động cho riêng bạn.