Thuyết minh về hồ ông Thoại
Thoại Sơn là một trong những điểm du lịch gắn liền với tên tuổi Thoại Ngọc Hầu và dòng kênh Thoại Hà, một trong những công trình được lưu danh lịch sử thời khai khẩn đất phương Nam. Hàng năm, vào ngày lễ hội văn hóa của huyện, đông đảo du khách từ nhiều nơi đã tụ hội về đây để dâng hương chiêm bái và vui chơi, thưởng ngoạn phong cảnh, trong đó không bao giờ vắng mặt hậu duệ của Thoại Ngọc Hầu và chính quyền huyện Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, quê hương của ông.
Với Khu du lịch Lòng Hồ có khung cảnh thiên nhiên đẹp cùng nhiều di tích được khai quật từ thành cổ Óc Eo, Thoại Sơn trở thành nơi luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách lẫn những nhà khoa học. Nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học đã dành bao công sức để khám phá, nghiên cứu và tái hiện nền văn minh cổ đại thuộc Vương Quốc Phù Nam. Và trong gần hai thập niên qua, khi nền du lịch An Giang bắt đầu khởi sắc, những người làm du lịch cũng sớm nhận ra đây là một vùng đất giàu tiềm năng để phát triển ngành Du lịch, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tâm linh.
Nằm ngay trong lòng thị trấn Núi Sập, Khu du lịch Lòng hồ vẫn giữ gần như nguyên vẹn vẻ mộc mạc với ngọn núi đá vôi cổ kính và những hồ nước trong xanh lăn tăn gợn sóng rất đỗi nên thơ. Các hồ nước thông nhau và được người dân kể về truyền thuyết đem một quả dưa hấu bỏ vào khe núi ở lòng hồ, nó sẽ trôi ra tận biển Hà Tiên. Có thể vì truyền thuyết này mà ngày nay trên một triền đá dưới chân tượng Thoại Ngọc Hầu, người ta đã dựng nên hình ảnh vợ chồng Mai An Tiêm đang chăm sóc ruộng dưa hấu của mình.
Hồ Ông Thoại hay hồ số 1 là hồ lớn nhất, đã được đầu tư, tôn tạo làm cho cảnh quan càng trở nên tươi đẹp. Những chiếc cầu vãn cảnh nối liền những mỏm đá rời rạc giúp cho du khách có thể đi bộ vòng chân núi, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình và tham gia các trò chơi dưới nước như đi thuyền rồng, thiên nga. Tại đây còn có một tranh thư pháp được xác lập kỷ lục Việt Nam. Nhưng điều đặc biệt nhất ở hồ Ông Thoại là đàn cá tra màu hường và 6 con cá vồ cờ – loài cá đặc biệt quý hiếm có tên trong sách đỏ – đang sinh sống. Đàn cá vồ cờ sống ẩn sâu dưới đáy hồ, nơi có nhiệt độ lạnh và hiếm khi nổi lên mặt hồ. Trong năm, chỉ một đôi lần cá vồ cờ nổi lên mặt nước, thường vào thời điểm thanh vắng, khí trời thật se lạnh. Khi ấy, chúng giương cờ tung tăng khắp mặt hồ, tạo nên một sự kiện kỳ thú, lạ lùng mà bất cứ ai một lần được chiêm ngưỡng sẽ không thể nào quên.
Trong nỗ lực để tạo ra những nét mới hấp dẫn du khách đến với Thoại Sơn, địa phương đang nỗ lực để hoàn chỉnh cảnh quan các khu lòng hồ. Hiện khu lòng hồ số 2 đã được đầu tư cơ sở hạ tầng như điện chiếu sáng và sinh hoạt, lối đi nội bộ và hàng rào bảo vệ cùng đường thủy xuyên núi. Tại đây có hai lối đi thuyền xuyên núi với một nhánh có chiều dài 200m và một nhánh có chiều dài 100m để đưa vào phục vụ du khách. Huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư khu lòng hồ số 3 để đến năm 2012, tất cả các khu lòng hồ sẽ nối giáp với nhau và tạo nên một quần thể du lịch đặc trưng của Thoại Sơn – An Giang.