Cảm nghĩ của em về truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy
Truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy", là một trong những truyền thuyết nằm trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên đây là một truyện đặc biệt, bởi nó vừa là một câu chuyện bi kịch gia đình lại vừa là truyền thuyết bi tráng nhất, bài học và ý nghĩa của truyện còn vang vọng mãi trong lòng nhân dân và xuyên suốt các thời đại lịch sử Việt Nam.
Câu chuyện cảm động, thấm thía về tình nghĩa cha con và tình cảm vợ chồng giữa An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy được tác giả dân gian kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố lịch sử và các yếu tố kì ảo, phản ánh bài học đắt giá về lòng tin và cảnh giác đối với kẻ thù. Vua An Dương Vương sau khi được thần Kim Quy giúp đỡ xây thành Cổ Loa xong còn tặng cho một chiếc vuốt để làm nỏ thần. Chiếc nỏ thần đã giúp cho quân của An Dương Vương đánh thắng quân của Triệu Đà, đất nước Âu Lạc thái bình vắng bóng quân xâm lược. Tuy nhiên An Dương Vương đã không cảnh giác lại gả con gái Mị Châu cho chính con trai của Triệu Đà là Trọng Thủy, hai nước vốn là kẻ thù của nhau nay lại có chung hôn sự không thể tránh khỏi hiểm họa về sau. Và đúng như vậy, việc xin cưới Mị Châu chẳng qua là âm mưu của Triệu Đà muốn gài gián điệp phục vụ cho dã tâm cướp nước Âu Lạc. Cha con Triệu Đà mưu sâu kế hiểm là vậy, thế nhưng An Dương Vương lại chủ quan có nỏ thần trong tay nên khinh địch, an nhàn và lơ là cảnh giác. Sai lầm này đã khiến vua An Dương Vương rơi vào cảnh nước mất nhà tan, vào bước đường cùng nhà vua mới biết con gái của mình là người đã nối giáo cho giặc xâm lược. Chính tay vua đã phải cầm kiếm chém đầu con gái rồi kết thúc cuộc đời mình, tức giận và đau xót muôn phần nhưng đó là sự trừng phạt thích đáng và cái giá phải trả cho sự chủ quan, thiếu cảnh giác. Mị Châu vốn là một người vợ có lòng chung thủy, tình nghĩa với chồng nhưng lại thiếu sáng suốt và thiếu trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc. Nàng đã ngu muội và tin tưởng Trọng Thủy một cách mù quáng, không chỉ tiết lộ bí mật thiên cơ về nỏ thần mà còn đưa nỏ thần cho quân giặc, chẳng khác nào là một kẻ bán nước. Tuy nhiên chính Mị Châu cũng không ngờ Trọng Thủy lại lợi dụng lòng tin và tình yêu của nàng để thực hiện dã tâm cướp nước. Nhân dân ta biết tội của Mị Châu nhưng vì cảm động tình máu mủ cha con nên vẫn lập đền thờ cha con Mị Châu ở gần nhau, nhằm hóa giải nỗi oan và thù hận giữa cha với con. Tình yêu và tình nghĩa vợ chồng giữa Mị Châu và Trọng Thủy là một chuyện tình đẹp gắn liền với chi tiết giếng ngọc và ngọc trai, khi Mị Châu chết, Trọng Thủy đã rất đau xót và nhớ thương nàng, bản chất của hắn là một người có tình nghĩa, coi trọng tình cảm vợ chồng với Mị Châu. Suy cho cùng Trọng Thủy cũng là vì nghĩa vụ trung quân với cha và với nước mà trở thành gián điệp, phản bội tình yêu của Mị Châu, ăn cắp nỏ thần của u Lạc. Có thể ngàn đời sau nhân dân ta vẫn oán hận Trọng Thủy vì đã đánh cắp nỏ thần, cướp nước nhưng ta cũng cảm thấy thương cho hắn khi phải trở thành tay sai của Triệu Đà, phải đứng giữa nghĩa vụ Tổ quốc và tình yêu sâu đậm. Hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" chính là biểu tượng cho tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy, ngọc trai tượng trưng cho tấm lòng trong sáng, ngây thơ của Mị Châu, còn giếng ngọc có hồn Trọng Thủy là tượng trưng cho sự hối hận của hắn.
Truyền thuyết "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ" tuy có một kết thúc đầy bi kịch và đau buồn nhưng đã hóa giải được những nỗi oan, niềm oán giận và sự hối hận trong các nhân vật. Kết thúc đó vừa thể hiện được truyền thống yêu nước gắn liền tự tôn dân tộc lại vừa thể hiện sự bao dung độ lượng của nhân dân ta. Truyện đã để lại cho đời sau bài học quý giá để bảo vệ đất nước, phải biết đề cao cảnh giác trước kẻ thù, đặt cái chung của dân tộc lên trên cái riêng của cá nhân.