Cảm nghĩ của em về truyện Chử Đồng Tử
Chử Đồng Tử, một nhân vật dân dã, thần kì của cổ tích sống mãi trong tâm hồn của con người Việt Nam chúng ta. Câu chuyện kể về mối tình yêu tuyệt đẹp của nàng công chúa lá ngọc cành vàng kết duyên với chàng trai mồ côi, nghèo khổ, mò cua bắt ốc ven sông Hồng thủa Hùng Vương xa xưa.
Cha con Chử chỉ có một cái khổ. Nghèo đến thế là cùng. Trước lúc nhắm mắt qua đời, người cha dặn con hãy táng trần cha, giữ chiếc khố lại để mặc mà làm ăn nuôi thân. Lời cha trăng trối nhưng con không thể nào làm theo, vì Chử Đồng Tử không nỡ táng cha khi không một mảnh vải che thân. Tình tiết ấy rất cảm động, nói lên tấm lòng chí hiếu của Chử Đồng Tử đối với cha. Con người Việt Nam từ xa xưa đã sống rất đẹp, có thể “nghèo” cơm áo chứ không thể sống “nghèo” nhân nghĩa, tình nghĩa.
Tiên Dung, một cái tên đẹp, sinh ra từ chốn lầu son gác tía. Công chúa con vua, tất nhiên rất đẹp, như cái tên đầy kiêu hãnh diễm kiều của nàng. Tiên Dung lại có một tâm hồn rất đẹp, thích du ngoạn để tận hưởng vẻ đẹp hữu tình, kì thú của thiên nhiên xứ sở. Nàng sống khác lạ, không màng chuyện chồng con, mà “chỉ thích chèo thuyền đi xem sông núi”
Nếu như “dưới cầu nước chảy trong veo” là nơi kỳ ngộ của Kim Trọng và Thuý Kiều, mái tây hiên chùa Phổ Cứu là nơi ước hẹn của Thôi – Oanh – Oanh và Trương Quân Thụy (Truyện Tây Sương), những trai tài gái sắc một thời, thì ta cũng có thể nói, bãi cát làng Chử Xá, bên bờ sông Hồng ngày xửa ngày xưa ấy cũng là nơi kỳ ngộ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử, chàng trai nghèo quê mùa. Bãi cát vàng dân dã như một bài thơ trữ tình đưa mọi tâm hồn của con người Việt Nam trở về với huyền thoại cổ tích.
Một mối duyên tình kỳ lạ đã diễn ra trên bãi cát. Công chúa trinh trắng vây màn tắm mát trên bãi cát, chính nơi chàng trai mò cua bắt ốc, không một chiếc khố che thân, đang vùi mình trong cát. “Nước" như một bà mối diệu kỳ. Nước đã làm chàng trai mò cua bắt ốc hiện lên trên bãi cát. Như trong mơ, trong mộng tưởng. Nhờ nước mà nàng “biết” chàng, chàng "biết” nàng trong dáng vẻ trần thế nguyên sơ. Người đọc từ bao đời nay, mọi giới tính, mọi lứa tuổi không khỏi bối rối trước cái “nút” của truyện cổ tích này. "Nào ai đã một lần dám nói?” (Phan Thị Thanh Nhàn). Nhưng Tiên Dung, cô gái từng không màng chuyện chồng con, đã đinh ninh, tin tưởng, coi cuộc kỳ ngộ nơi bãi cát này là “tự trời xe duyên”. Câu nói của Tiên Dung không chỉ làm cho anh con trai họ Chử sửng sốt, mà nhiều chàng trai xưa nay “bàng hoàng”:
“Thiếp với chàng là tự trời xe duyên việc gì mà từ chối!”
Cuộc hôn nhân của Tiên Dung với Chử Đồng Tử đã làm cho vua cha tức giận là một điều thường tình.
Chử Đồng Tử đem sản vật đi đổi hàng hóa rồi lên núi Quỳnh Viên tầm sư học đạo, lúc xuống núi được nhà sư Ngưỡng Quang cho báu vật: một cái gậy và một chiếc nón màu nhiệm. Tình tiết này chẳng có gì xa lạ với nhân dân ta, với những con người từng tắm mình trong thần thoại, cổ tích: đôi hài vạn dặm, quyển sách ước, chiếc chìa khóa vàng, cây đàn thần, niêu cơm Thạch Sanh… Cái nón và chiếc gậy của sư Ngưỡng Quang làm cho truyện cổ tích “Chử Đồng Tử” đậm màu sắc thần kì.
"Cái đêm hôm ấy đêm gì…” (Cung oán ngâm khúc), trên bãi cát, đôi vợ chồng trẻ dùng gậy làm cột, dùng nón làm mái lều che sương. Hai người tựa lưng vào nhau ngắm trăng sao mà hưởng làn gió mát rượi bên bờ sông Hồng… rồi chìm trong giấc điệp. Giữa cảnh khuya, chàng và nàng chợt tỉnh giấc, ngơ ngác trước cung điện nguy nga, cảnh trần thế hay thần tiên? Mộng hay thực? Nhìn giường sập, màn trướng lộng lẫy, nhìn tiểu đồng, thị nữ, quân quan đi lại rộn ràng… Tiên Dung và Đồng Tử chập chờn trong hoan lạc. Cổ tích thần kì hấp dẫn người đời, xưa và nay chính là nhờ những yếu tố kì diệu ấy.
Tin “lạ” ấy bay về Triều đình. Vua cha nổi giận. Khi quan quân Triều đình kéo đến bắt tội, thì Chử Đồng Tử và Tiên Dung “bay cả lên trời”. Dấu tích của người – tiên lưu lại cõi trần, cho đến nay vẫn còn đó: bãi Tự Nhiên, đầm Nhất-Dạ (đầm một đêm). Tựa như động Từ Thức, những tên bãi, tên đầm ấy, trải qua hàng ngàn năm vẫn phủ che một lớp sương mờ huyền thoại, làm xúc động lòng người.
Truyện cổ tích thần kỳ “Chử Đồng Tử” không chỉ là một bản tình ca mỹ lệ, ca ngợi tình duyên và hạnh phúc lứa đôi mà còn là một khúc tráng ca về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Làng Chử Xá, bãi Tự Nhiên, đầm Nhất Dạ, công chúa Tiên Dung, chàng mò cua bắt ốc Chử Đồng Tử, v,v… những tên làng, tên đất, tên người ấy… đã tạo cho truyện cổ tích vừa thực vừa huyền ảo, hấp dẫn vô cùng. Truyện cổ tích "Chử Đồng Tử’’ mang ý nghĩa nhân văn như một viên ngọc quý lấp lánh trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam, nó tỏa sáng mãi ngàn đời. Nó là một truyện cổ tích thần kì đậm màu sắc truyền thuyết kì diệu.
Chử Đồng Tử là người anh hùng văn hóa. Tiên Dung là nàng tiên ở cõi trần. Họ đã trở thành “bất tử” trong những con người bất tử.