Bình giảng bài thơ Cảm hoài
Nhận xét về bài thơ Đặng Dung, nhà thơ Lý Tử Tấn đã từng nhận xét “Phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (Không phải kẻ sĩ hào kiệt thì không làm nổi). Quả đúng như vậy, bằng tấm lòng yêu nước cao đẹp cùng ý thức sâu sắc về trách nhiệm của “kẻ làm trai”, Đặng Dung trong Cảm hoài đã thể hiện được khát khao cống hiến, cứu nước giúp đời mạnh mẽ đồng thời thể hiện tâm trạng xót xa, đau khổ khi chưa kịp hoàn thành nghiệp lớn thì tuổi già đã đến.
Mở đầu bài thơ, Đặng Dung đã phản ánh được tình hình thế sự của nước ta vào những năm 1407 – 1409 khi quân Minh kéo vào đóng chiếm Đại Việt. Bất bình trước sự cuồng loạn của giặc Minh, mong muốn được mang sức lực ra cứu nước, cứu đời nhưng bất lực vì tuổi đã già. Nhìn thế sự đảo điên trong sự bất lực, bi kịch của người anh hùng lỡ thời thể hiện rõ nét qua hai câu thơ đầu tiên của bài:
“Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.”
(Sự đời dằng dặc mà ta già rồi, biết làm sao đây
Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao)
“Thế sự du du” phản ánh được cái dằng dặc, phức tạp của xã hội trong cơn biến loạn dữ dội. Thời thế đảo điên với sự ngông cuồng cướp phá của giặc đã khơi dậy sự bất bình sâu sắc, nhà thơ khát khao được nhập cuộc, góp phần công sức cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ non sông, đất nước nhưng đành bất lực trong tiếng thở dài vì tuổi đã già. Câu thơ mang hình thức của câu hỏi đã thể hiện sự trăn trở, day dứt khôn nguôi của người anh hùng lỡ thời có chí lớn nhưng lực bất tòng tâm.
Để vơi đi nỗi đau đớn, uất hận nhà thơ đã tìm đến những cuộc rượu dài, đắm chìm vào những lời hát nghêu ngao. Từ những trải nghiệm về cuộc đời, nhà thơ Đặng Dung đã thể hiện quan điểm về vận khứ của người anh hùng trước sự thành bại của sự nghiệp:
“Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”
(Khi gặp thời thì anh hàng thịt, người câu cá cũng dễ lập công
Nếu thời vận đã qua thì anh hùng cũng chỉ uống hận)
Câu thơ đã sử dụng điển tích về thuở hàn vi của Phàn Khoái (khi trẻ từng là người bán thịt chó), Hàn Tín (làm nghề câu cá), từng làm những công việc tầm thường nhưng sau này đã giúp Lưu Bang làm nên sự nghiệp lớn. Nhà thơ đã thể hiện quan niệm về thời thế, khi gặp thời những kẻ đồ điếu, những người làm công việc tầm thường cũng có thể làm nên nghiệp lớn. Những người anh hùng dẫu tài năng, mạnh mẽ nếu lỡ thời cũng phải nếm trải những cay đắng, uất hận.
Trong hai luận của bài thơ, Đặng Dung đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng đầy kì vĩ, tráng lệ với khát vọng lớn lao:
“Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà”
(Muốn giúp vua chúa, ôm hoài bão nâng trục trái đất mà xoay chuyển lại
Mong rửa sạch giáp binh nhưng không có lối để kéo ngân hà xuống)
Để nói lên chí khí, khát vọng của bản thân, Đặng Dung đã sử dụng hai hình ảnh kì vĩ, mang tầm vóc vũ trụ là “phù địa trục” và “vấn thiên hà”. Đó là khát vọng thành thực, đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của người anh hùng Đặng Dung. Nhà thơ khát khao xoay chuyển trái đất, xoay vần thế sự, mong muốn được đóng góp sức lực,. tài năng cho sự nghiệp cứu nước của vua chúa. Không chỉ khát khao cống hiến tài năng mà nhà thơ Đặng Dung còn có mong muốn đầy nhân văn, mong muốn tẩy rửa giáp binh, nhà thơ ước mơ về một tương lai hòa bình thịnh trị không còn đao binh, chết chóc.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỉ độ long tuyền đới nguyệt ma
Hình ảnh người anh hùng mài kiếm dưới ánh trăng mang đến bao xúc động, dù mái đầu đã bạc theo thời gian nhưng chí khí của người anh hùng Đặng Dung chưa lúc nào vơi bớt, lí tưởng cứu nước cứu đời vẫn mãi sục sôi. Hình ảnh “long tuyền” (gươm báu) ẩn dụ cho khát vọng giết giặc, trả mối thù cho đất nước, mang đến thái bình thịnh trị cho nhân dân đã làm nổi bật tấm lòng đẹp đẽ, cao cả của Đặng Dung. Đây cũng là hai câu thơ đẹp nhất, chói sáng hào khí đông a trong thơ văn Lý- trần
Cảm hoài là bài thơ thấm đượm tinh thần yêu nước, phản ánh hào khí đông A đầy mạnh mẽ thời Lý Trần, qua bài thơ ta cũng cảm nhận được lí tưởng, khát vọng cao đẹp của người anh hùng lỡ thời Đặng Dung.