Cảm nghĩ về mẹ của em 1
“Cái cò... sung chát đào chua...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Duy
Trong gia đình tôi bố là người nghiêm khắc, luôn hướng tôi theo những chuẩn mực nhất định, còn mẹ thì lại là người phụ nữ dịu dàng, mềm dẻo biết tính toán, chăm lo cho gia đình chu đáo hết mực. Trong lòng tôi mẹ luôn là người phụ nữ vĩ đại nhất, mạnh mẽ nhất và yêu thương tôi nhất trên đời.
Năm nay mẹ tôi đã gần 40 tuổi, đã bước qua hơn nửa đời người, cuộc đời của mẹ tôi vất vả, năm tháng đã mài mòn đi nhan sắc, vóc dáng của mẹ nhưng những vẻ đẹp từ tận sâu trong tâm hồn của mẹ vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi vẫn còn nhớ mãi dáng vẻ mẹ ngày trẻ, từ một tấm ảnh cũ mẹ chụp cách đây hơn 20 năm. Thuở ấy mẹ tôi là một cô gái đẹp, có nhan sắc, tôi cũng nhận ra điều đó khi nghe bố nhắc về chuyện ngày xưa phải vượt qua bao nhiêu tình địch để rước mẹ tôi về làm vợ bố. Thế nhưng làn da trắng hồng, vòng eo thon thả ngày xưa nay đã thay bằng làn da phong sương cháy nắng, vòng hông của mẹ cũng trở mập mạp, ngay cả mái tóc dài suôn mượt cũng bị mẹ cắt đi để cho tiện chăm sóc con cái, làm lụng. Khóe mắt của mẹ theo năm tháng cũng hằn đều những nếp nhăn mảnh, đôi bàn tay khi xưa vốn mềm mại, nõn nà nay cũng trở nên sần sùi thô ráp. Thế nhưng có những điều mãi không bao giờ thay đổi ấy là ánh mắt hiền từ, dịu dàng cùng với nụ cười xinh đẹp, xen chút ngại ngùng từ thuở đôi mươi. Có đôi lúc, tôi thấy mẹ lặng lẽ xem lại những tấm ảnh ngày trẻ, tôi lại thấy thương mẹ thật nhiều, tôi hay hỏi mẹ rằng mẹ có nuối tiếc tuổi thanh xuân đã phải hy sinh quá nhiều cho gia đình, phải lam lũ cực khổ vì chúng tôi mà không được sống cho bản thân không? Mẹ tôi cười cười rồi lắc đầu nói với tôi rằng: “Con người ai cũng sẽ phải già đi, không ai níu giữ được tuổi xuân mãi, mẹ chỉ cần biết rằng đã từng có lúc mẹ rực rỡ như thế. Quan trọng nhất là mẹ đã phấn đấu và nỗ lực hết mình vì gia đình, vì các con, mai sau các con khôn lớn, thì đó chính là thành công của cuộc đời mẹ rồi, chẳng có gì phải nuối tiếc”. Nghe những lời thấm thía của mẹ tôi lại càng thấy thương và kính trọng mẹ thật nhiều. Nhớ về những ngày thơ bé, vì nhà túng thiếu, mẹ phải gánh từng gánh rau đem đi bán, đôi quang gánh nặng trĩu đè nặng trên đôi vai vai gầy, đôi chân của mẹ đã đi mòn hết cả những con đường mà tôi biết. Giờ nghĩ lại lúc ấy mẹ thật sự quá đỗi vất vả, còn tôi chỉ biết mong những cái bánh rán, cái kẹo mút mẹ mang về, cái mùi vị ấy in sâu trong ký ức có lẽ cũng bởi vì nó đến từ những giọt mồ hôi vất vả của mẹ. Lại nhớ, những ngày tôi vào lớp 1, mẹ tự tay bọc từng cuốn vở, viết nắn nót từng cái nhãn tên cho tôi, thậm chí lặn lội đi mượn cả cái bàn ủi than về để ủi cho tôi bộ quần áo đi học. Rồi mẹ cũng trở thành người giáo viên thứ hai của tôi, trên lớp có cô giảng về nhà tôi lại được mẹ cầm tay dạy viết từng chữ a, b, c,... cùng tôi tập đếm, cùng tôi làm toán. Phải nói rằng, nét chữ của tôi được mềm mại và đẹp như hôm nay tất cả chính là nhờ công mẹ bao ngày uốn nắn.
Viết về mẹ có lẽ cả trăm ngàn lời cũng chẳng bao giờ nói cho hết, đối với tôi mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất thế gian, sự dịu dàng, ân cần, chu đáo của mẹ đã cho tôi một tuổi thơ tươi đẹp, cho tôi một nền tảng cuộc đời vững chắc, chắp cánh cho tôi vào đời, tặng cho tôi một tương lai tươi sáng.
Cảm nghĩ về mẹ của em hay nhất 2
"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời còn"
Trên đời này, có lẽ chẳng còn có điều gì hạnh phúc và sũng sướng bằng việc được ở bên cạnh những người mà chúng ta hết mực yêu thương, đặc biệt là được sống bên cha, bên mẹ mỗi ngày. Mẹ là người mang nặng đẻ đau, ôm ấp cho ta từng lời ru điệu hát ngọt ngào nâng bước ta vào đời, thế nên trong trái tim của tôi mẹ luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt và thiêng liêng.
Mẹ tôi đã 40 tuổi, không còn là cái tuổi xuân sắc, xinh đẹp nữa, bởi mẹ đã hy sinh hết cho chúng tôi rồi. Đôi tay mẹ chai sần thô ráp, thế nhưng khi bàn tay mẹ nắm tay tôi, hay ôm tôi vào lòng lại ấm áp hơn tất thảy, đôi mắt của mẹ gần đây đã xuất hiện rất nhiều nếp nhăn, nhưng ánh mắt hiền từ và nhân hậu ấy vẫn chẳng thay đổi qua bao nhiêu năm tháng. Dáng người mẹ hơi thấp, có chút mập mạp nhưng đối với tôi đó là dáng người hoàn mỹ nhất, bởi nó chứa đựng trong đó biết bao nhiêu sự hy sinh, bao nhiêu đắng cay gian khổ của cuộc đời. Nước da của mẹ có thể không trắng, nhưng nó lại đẹp lạ kỳ, đẹp bởi những ngày mưa nắng dãi dầu trên đồng ruộng, bán lưng cho đất bán mặt cho trời để nuôi chị em tôi khôn lớn. Bấy nhiêu cay đắng, tảo tần ấy quả thật dù có đi hết kiếp tôi cũng chẳng bao giờ hoàn trả lại cho mẹ được, bởi sự hy sinh ấy to lớn và thiêng liêng quá. Còn nhớ mãi những ngày tôi 4 tuổi, còn em gái tôi hai tuổi, thuở ấy bố mẹ tôi mới đi vào nam lập nghiệp, cuộc sống bấp bênh và khổ cực vô cùng, thế nên bố mẹ đã tạm gửi chị em tôi về Bắc cho ông bà nội chăm hộ. Vì còn quá nhỏ và không hợp khí hậu, nên chúng tôi bệnh tật liên miên, đặc biệt là em tôi, nó cứ gầy đét, rồi bị hết bệnh này đến bệnh khác. Vì xót chúng tôi xa cha mẹ, lại ốm đau nhiều, nên mới hơn một năm bố mẹ tôi đã vội khăn gói về quê để đón chúng tôi vào nam lại. Tôi vẫn nhớ mãi ngày ấy, khi nhìn thấy bố mẹ về đến cổng nhà ông nội, cô chú cứ bảo chị em tôi ra đón bố mẹ, nhưng chúng tôi thì do xa cha mẹ lâu quá nên cứ đứng nép sau chân bà nội không chịu ra đón. Chẳng biết ai đã nói câu rằng: “Chắc chúng nó quên cả bố mẹ rồi”, khiến bố tôi lặng cả đi, còn mẹ tôi thì bật khóc nức nở, cô chú phải an ủi mãi, từ đó trở đi mẹ chẳng bao giờ còn nghĩ sẽ xa chúng tôi nữa dù cuộc sống có khó khăn đến thế nào. Nghĩ lại đến giờ, tôi bỗng thấy vừa có lỗi, vừa xót xa, có nỗi đau, sự tổn thương nào bằng việc con cái quên đi cả người làm mẹ. Rồi tôi nhớ lúc 6, 7 tuổi, vào những ngày mưa dầm, bão bấc mẹ vẫn lặn lội cõng tôi ra trạm xá, để tiêm vắc-xin phòng bệnh, thậm chí có những lần mẹ còn dùng đôi quang gánh vẫn thường gánh rau đi bán, gánh chúng tôi đi. Một bờ vai nhỏ bé, nhưng gánh cả hai cuộc đời, nghĩ cũng đủ để hiểu có bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn. Thế nhưng tôi chưa từng thấy mẹ oán trách, than thở bao giờ, mặc cho những cơn đau lưng hành hạ, những cơn đau đầu hoành hành, mẹ cũng chỉ yên lặng chịu đựng vì không muốn chúng tôi lo lắng.
Ôi, thế gian này quả thật chẳng có ai hy sinh nhiều như mẹ, lấy chồng rồi, mẹ mất tất cả chỉ được lời mỗi mấy đứa con thơ dại. Con là tất cả của mẹ, mẹ chấp nhận đánh đổi cả cuộc đời, để cho con một tương lai tươi đẹp mà không hề tiếc nuối. Càng nghĩ tôi lại càng thương mẹ biết bao nhiêu.
Cảm nghĩ về mẹ của em cực hay 3
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Sống trên đời, thiêng nhất là tình mẹ, vĩ đại nhất cũng là tình mẹ và cao cả, ấm áp nhất cũng vẫn là tình mẹ. Đối với tôi mẹ luôn là người phụ nữ đặc biệt nhất, người đã cho tôi những bài học quý giá, nâng bước tôi vào đời từ thuở tôi mới lọt lòng bằng những lời ru ấm nồng tình mẫu tử yêu thương.
Mẹ tôi là một phụ nữ đẹp, ai cũng khen mẹ tôi trẻ hơn tuổi thật, dù đã bốn mươi tuổi đời, thế nhưng da của mẹ tôi vẫn khá trắng mà mịn, có lẽ thời gian chỉ để lại dấu vết nơi khóe mắt và đôi bàn tay của mẹ, để chứng minh rằng mẹ đã đi được nửa cuộc đời gian lao. Mẹ tôi có đôi mắt rất đẹp, sáng và trong, tôi cũng may mắn được hưởng nét đẹp này của mẹ nên tôi rất tự hào. Mái tóc của mẹ dày và đen nhánh, tuy không quá mềm mại, nhưng lại rất khỏe, tôi chẳng khi nào tìm ra được cọng tóc sâu hay ngọn tóc bị chẻ, có lẽ cũng vì mẹ là người tỉ mỉ, biết cách chăm sóc tóc tai. Có thể nói rằng mẹ tôi là một người phụ nữ có vẻ ngoài dịu dàng, mềm mại, tươi tắn, thế nhưng mẹ tôi lại có một nội tâm mạnh mẽ và cứng rắn. Mẹ là người sống có nguyên tắc, lại giỏi tính toán, chăm lo cho gia đình, điều ấy vừa vặn bù vào cái tính ít lo nghĩ, chỉ giỏi làm lụng của bố tôi. Mẹ tôi không phải là người hay nói những lời ngọt ngào, nhưng tôi biết rất rõ rằng mẹ thương chị em tôi nhiều vô cùng. Tôi cứ nhớ mãi, những năm tháng nhà tôi còn nghèo, cả nhà bốn người sống căn nhà tranh, vách nứa hai gian do chính cha mẹ tôi dựng lên, thế nhưng mẹ chưa bao giờ để chúng tôi khổ sở thiệt thòi. Mẹ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc, đi làm thuê cuốc mướn để dư chút tiền mua cho chúng tôi lọ thuốc bổ, mà vị của những viên thuốc ấy tôi còn nhớ mãi đến giờ, ngòn ngọt, thơm thơm mà chứa chan tình mẹ. Những bữa cơm đạm bạc, chỉ có bát canh rau với mấy con cá khô, nhưng chị em tôi vẫn có riêng mấy miếng thịt nạc kho tiêu, mà mẹ bảo rằng, trẻ con con ăn thịt cho mau lớn, chứ người lớn không cần ăn nữa. Nghĩ lại đến giờ tôi mới thấy lời nói dối của của mẹ thật đáng yêu, tất cả cũng vì thương con thương cái. Rồi cũng có những đợt trời mưa dần dề suốt cả tháng trời, tôi bị ốm, sốt liên miên, thế là mẹ lại khoác tạm cái áo mưa cắt ra từ bao phân bón, lặn lội đi cắt lá sả, lá bưởi về nhóm bếp củi đun một nồi nước thật to, cho tôi xông, ngày nào cũng như vậy. Có lẽ cũng nhờ mẹ cẩn thận chăm sóc, nên khi lớn tôi hiếm khi bị bệnh vặt. Về việc học, mẹ tôi cũng không chỉ dạy tôi được nhiều, vì thuở bé mẹ tôi chỉ học đến lớp 5 rồi vì nhà quá nghèo, ông bà ngoại ly hôn, mỗi người một ngả có hạnh phúc riêng, không ai quan tâm, nên mẹ tôi buộc phải nghỉ học. Thế nhưng mẹ vẫn cố gắng uốn nắn, dạy dỗ tôi, lúc mới vào lớp một mẹ cứ liên tục nói với tôi câu: “Nét chữ nết người”, ngày ngày mẹ cầm tay dạy tôi viết, sắm cho tôi những cây bút chì, bút mực thật đẹp để khuyến khích tôi học bài. Mẹ cũng thích kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích, câu chuyện tôi thuộc nhất vẫn là Tấm cám, mà đến giờ đối với tôi đó là câu chuyện hay và hấp dẫn nhất. Bây giờ khi tôi đã lớn, mẹ không thường can thiệp vào việc học của tôi nữa, mà chỉ thường xuyên động viên và cho tôi những lời khuyên tích cực mỗi khi tôi cảm thấy khó khăn.
Tôi chỉ muốn nói rằng, có mẹ ở bên, được sống trong vòng tay bảo bọc của mẹ thật tuyệt vời biết bao. Với tôi mẹ mãi mãi là người phụ nữ tuyệt vời, trẻ trung, xinh đẹp và tâm lý nhất, là người mà tôi yêu thương nhất. Tôi sẽ cố gắng học hành thật tốt, để kịp báo đáp công ơn mà mẹ cũng như bố đã dành cho tôi trong cuộc đời này.
Cảm nghĩ về mẹ của em 4
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trong gia đình, với em mẹ là người thân thuộc nhất. Mẹ đã đồng hành cùng em trong mỗi bước đường đời. Và mẹ chính là điều đẹp đẽ nhất mà Thượng Đế đã dành tặng cho em.
Mẹ em đã ngoài 40 tuổi, vóc người cao và hơi gầy. Đôi mắt sâu ẩn chứa những nỗi lo toan của cuộc sống, khoé mắt lộ rõ những vết chân chim khá dài. Mẹ có nụ cười rất đẹp và ấm áp, nhìn mẹ cười em thấy mình thật nhẹ nhõm và an yên lạ kỳ. Mẹ không cầu kì trong ăn mặc, giản dị trong lối sống và là người rất cẩn thận, tỉ mỉ. Là một người phụ nữ của gia đình nên mẹ rất chu đáo. Mỗi ngày mẹ phải thức dậy từ sớm để dọn dẹp và chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà rồi ra vườn làm việc. Nhìn đôi bàn tay gầy guộc, chai sần của mẹ mà em thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ đã phải lao động vất vả, lo toan mọi bề cho gia đình và cho chúng em. Mẹ luôn bảo "Dù vất vả, mệt nhọc mà các con được học hành tử tế sau này đỡ vất vả, mẹ cũng cam lòng".
Mẹ ơi! Có ai yêu con hơn mẹ, có ai chịu nhiều hi sinh vì chúng con như mẹ, có ai trằn trọc lo cho con từng bữa cơm, từng chiếc áo con mang như mẹ. Mẹ ơi! Với con mẹ như vì sao sáng, hiền dịu soi rọi cuộc đời con, rọi chiếu tâm hồn thơ ngây và tĩnh lặng của con. Suốt một đời mẹ hi sinh thầm lặng bao dung cho con. Bao nhiêu lần con ốm là là bấy nhiêu lần mẹ rơi nước mắt vì con. Bao nhiêu lần con phạm lỗi là bấy nhiêu lần mẹ thất vọng, khóc vì con. Bao nhiêu lần con vấp ngã là bấy nhiêu lần mẹ nâng đỡ, bảo ban con. Mẹ à, con thấy mình may mắn biết bao khi có mẹ. Tất cả đều từ mẹ, đều nhờ mẹ mà có con của ngày hôm nay.
"Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ."
Công sinh thành một đời con ghi nhớ, ơn dưỡng dục suốt đời con mãi không quên. Con hứa, sẽ cố gắng học thật giỏi, chăm ngoan để không phụ lòng mẹ. Mẹ hãy tin ở con, mẹ nhé!
Cảm nghĩ về mẹ lớp 10 hay nhất 5
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời còn"
Hạnh phúc vẹn tròn khi có cha, có mẹ ở bên. Mẹ luôn là một người đặc biệt và sống mãi trong lòng tôi. Là người tôi luôn yêu thương và kính trọng.
Năm nay em lên lớp 10 cũng là lúc mẹ tròn tuổi 40. Năm tháng qua đi nhanh quá, mới ngày nào em còn chập chững, mới ngày nào mẹ còn là một cô gái trẻ xinh đẹp vậy mà giờ đây cái tuổi tứ tuần cùng những lo toan vẫn vả cuộc cuộc sống đã khiến mẹ già đi. Những vết chân chim in hằn trên khoé mắt, làn da mẹ không còn mịn màng như trước. Dáng mẹ gầy mảnh khảnh, nặng trĩu trên vai những bộn bề cuộc sống, vì chồng, vì con, vì gia đình nhỏ thương yêu. Tóc mẹ dài có bao giờ buông thả, mẹ vẫn bối gọn gàng trên mái đầu cho tiện bề làm việc, nụ cười mẹ vẫn luôn dịu dàng và bao dung như thế, mỗi lúc mẹ cười em thấy mình yên bình đến lạ. Có lẽ, lúc mẹ cười là lúc mẹ đẹp nhất, tôi ao ước rằng mẹ có thể mãi vui cười như vậy, dẫu cho cuộc sống có nhiều những trắc trở khó khăn. Mẹ không cầu kỳ, phô trương trong mọi việc, là người luôn giản dị và khiêm tốn. Những chiếc áo mẹ mang không hề đắt tiền, mẹ cũng ít khi mua quần áo mới bởi dành tiền lo cho gia đình. Nhìn mẹ tiết kiệm cái ăn, cái mặc nhưng chưa bao giờ để tôi phải thiếu thốn một thứ gì, tôi càng thương mẹ vô cùng.
Mẹ ơi, con rất thương mẹ, những nhọc nhằn mà mẹ đã trải qua, những hy sinh mà mẹ phải đánh đổi vì con thật quá lớn lao. Còn nhớ những ngày thơ, mẹ là người kiên trì dạy con từng con chữ, uốn cho con từng nét bút, dạy cho con biết đọc biết viết như cô giáo của con vậy. Lớn lên rồi, con lại không may mắn có được sự khoẻ mạnh như bao bạn bè cùng trang lứa, mẹ lại phải chăm sóc, lo toan cho con nhiều hơn. Vậy mà, chưa bao giờ con thấy mẹ than vãn một lời, mẹ vẫn cứ thế, lặng lẽ hy sinh, thầm lặng yêu thương con như thế. Con còn nhớ ngày em trai bị tai nạn, mẹ đã đau đớn đến thế nào khi nghe tin rằng em không qua khỏi. Nhìn mẹ gục ngã trước phòng mổ của bệnh viện với nước mắt cả sự đau thương ấy con càng nhói lòng. Mất mát ấy làm sao có điều gì có thể bù đắp được mẹ nhỉ. Con biết mẹ làm sao có thể không thương, không đau lòng cho được, dù thời gian dài có khiến nỗi đau nguôi ngoài thì lòng mẹ và cả gia đình mình vẫn còn đó những vết thương lòng . Nhưng mẹ à, con mong rằng mẹ và con và cả ba nữa hãy thật mạnh mẽ, sống tiếp cuộc đời còn lại của em con. Chúng ta phải thật hạnh phúc thì em nơi ấy mới yên lòng mẹ nhỉ. Con và ba sẽ mãi bên mẹ, mẹ à.
Mẹ ơi, có đôi lúc trong cuộc sống này còn khiến mẹ buồn, mẹ lo lắng, lúc đó, có lẽ vì cái tôi của mình quá lớn mà còn không nghe lời mẹ. Thậm chí cãi lại cả lời mẹ. Những lần như thế, con luôn tự dằn vặt và thấy có lỗi với mẹ thật nhiều, vậy mà ngày cả ba từ" con xin lỗi" con vẫn không thể thốt ra. Còn biết mẹ buồn lòng vì con nhiều lắm, con hứa từ nay sẽ thay đổi, không làm mẹ buồn phiền hay lo lắng nhiều vì con nữa, mẹ hãy yên tâm ở con, mẹ nha.
Con cũng cảm ơn về những ân tình, những lời dạy bảo đầy ân cần về điều hay lẽ phải của mẹ. Những lời mẹ dạy dỗ luôn là hành trang cho con vào đời, cho con trưởng thành hơn nữa trong cuộc sống của mình.
Mẹ chính là nguồn sống đời em, là ý nghĩa và động lực để em cố gắng học hỏi và phát triển mỗi ngày. Mẹ luôn là bờ vai tin cậy và vững vàng nhất của con. Với em, mẹ là tất cả, em muốn nói với mẹ rằng: "mẹ ơi, con yêu mẹ thật nhiều"
Cảm nghĩ về mẹ của em 6
Mẹ thân yêu của con ! Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” . Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì. Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”. Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế. Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là … Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn. Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe. Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Cảm nghĩ về mẹ của em 7
Trên mỗi bước đi trong cuộc đời tôi đều có hình bóng một người phụ nữ; người ấy là người vừa nghiêm khắc bảo ban những lúc tôi trái tính trái nết lại vừa yêu thương che chở những khi tôi yếu lòng. Người ấy lúc nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho tôi, quan tâm tôi hơn chính bản thân mình. Người phụ nữ đó là mẹ của tôi. Rồi thì tôi lớn lên, học cấp 2 rồi lên tới cấp 3, cùng với đó là sự hiểu biết của tôi về cuộc sống, về lẽ đời cũng càng tăng lên; và rồi tôi hiểu mẹ hơn. Hiểu được những khó khăn mà mẹ đang chịu đựng, mang lấy và vượt qua nó hằng ngày. Tôi khờ quá, mà nói đúng hơn thì tôi mang trong mình sự ích kỉ nhỏ nhoi của con người tầm thường, tôi chỉ thấy những cái tôi thấy mà không để ý những gì mẹ làm hằng ngày cho mình. Sinh ra và nuôi ba anh em lớn khôn, mẹ chẳng quản ngại việc chi, cái gì mẹ cũng làm, bất chấp tất cả để cho anh em tôi cái ăn cái mặc, chả thiếu thốn thiệt thòi điều gì so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Mẹ lúc nào cũng tươm tất quần áo, đầu tóc cho con gái mỗi khi đi học; mua những món ngon tẩm bổ cho con gái khi tới mùa thi hay những lúc đau ốm khi trái gió trở trời. Có lần con gái đi học bị bạn bè xấu bắt nạt, mẹ tới tận nhà họ mắng vốn. Mẹ dạy con gái những điều hay lẽ phải ở đời, dạy con gái những thứ con cần để trở thành một cô gái xinh đẹp, cả tâm hồn và vẻ bên ngoài… chỉ là mẹ không nói ra, không dùng từ ngữ bóng bẩy trau chuốt cưng nựng con gái, mà là những câu nói bình thường thậm chí thô sơ như đôi bàn tay khô ráp của mẹ. Mẹ cứ âm thầm lặng lẽ như vậy, cùng các con mẹ yêu từ nhỏ cho tới lúc lớn lên, thậm chí quần áo của mẹ rách nát, nhàu nhĩ nhưng mẹ vẫn cứ không sắm nổi cho mình một bộ quần áo mới. Không có cả thời gian riêng dành cho mình nữa… Rồi thì con gái yêu mẹ hơn, thương mẹ hơn; con gái hối hận vì những suy nghĩ trẻ con của mình khi còn bé. Nhưng, mẹ bệnh, mẹ được bác sĩ kết luận là mắc bệnh tiểu đường vào một ngày cuối tháng 10, khi tôi đang học lớp 9. Căn bệnh đã cướp mất ông ngoại khi còn rất trẻ, và bây giờ thì chính mẹ cũng lại mắc căn bệnh giống ông. Tôi sợ lắm, tôi sợ khi mình chưa đủ khôn lớn, chưa kịp làm gì để cho mẹ vui nhiều, còn rất nhiều điều tôi vẫn đang muốn làm cho mẹ. Giờ đây, khi tôi đang học đại học năm cuối, mẹ vẫn đang chiến đấu với bệnh tật, mẹ luôn hi vọng nhìn thấy con cái lập gia đình, sinh con đẻ cái và sống hạnh phúc với tổ ấm riêng của mình. Cố lên mẹ nhé! Gia đình mình luôn yêu mẹ. Mẹ vất vả nhiều rồi, điều mẹ mong muốn sẽ trở thành hiện thực sớm thôi. Tôi sẽ sống trọn vẹn từng phút giây trong cuộc sống, sống có ý nghĩa và làm một người có ích như lời mẹ vẫn dạy bảo. Cuộc đời này, mẹ cho tôi cuộc sống, dạy dỗ tôi nên người, mẹ là người anh hùng theo bước chân tôi từng năm tháng, tôi hạnh phúc biết bao khi luôn có mẹ trên mọi cuộc hành trình. Và tôi muốn nhắn nhủ đến tất cả những ai đang mang nỗi oán hận như tôi ngày xưa thì hãy mau vứt bỏ suy nghĩ đó đi; những ai đang làm mẹ buồn phiền thì mau quay về sửa sai và xin lỗi mẹ, vì tình mẫu tử là thiêng liêng và là duy nhất, cho dù thế giới này có quay lưng lại với ta thì mẹ vẫn sẽ dang rộng cánh tay chờ đón ta quay về. Và tôi muốn nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Con hạnh phúc vì là con của mẹ, con yêu mẹ rất nhiều”.
Cảm nghĩ về mẹ của em lớp 10 hay nhất 8
Mọi người chúng ta ai cũng được sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền. Vẫn biết bên mình có biêt bao nhiêu người thân yêu - đến trường ta có bạn bè thân thương, có ngôi trường thương mến, có thầy cô kính yêu hằng ngày vỗ về, dạy dỗ ... nhưng chắc chẵn có ai không cảm nhận được tình yêu thương đầy ắp, nồng ấm của người mẹ hiền đi theo ta đến suốt cuộc đời là cao cả nhất.
Tình yêu đó cứ lớn dần theo năm tháng, đến bây giờ khi bước chân vào trường trung học phổ thông ta mới phần nào hiểu được tình yêu thiêng liêng của mẹ.
Một sớm mai thức dậy, ta đã cảm nhận được bàn tay mẹ hiền ôm ấp đêm qua, giờ đây lại chuẩn bị nắm cơm buổi sáng trước lúc ta đến trường. Khi ta vào lớp, bàn tay mẹ lại tần tảo nắng mưa ngoài nương rẫy lo cho ta buổi cơm thường nhật, từng mảnh áo ấm trong những tiết trời lập đông. Cứ thế, tình mẫu tử luôn hiện hữu, cứ mãi chở che, mơn trớn, vỗ về, yêu thương, trìu mến trên mỗi nẻo đường con đến lớp.
Tình mẹ tràn đầy, trinh trắng như mặt nước hồ thu buổi sớm mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con người còn chưa biết mặt chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dân gian xưa. Nay trên tất cả các phương tiện trao đổi thông tin, nghệ thuật, hình ảnh người mẹ lại càng được tôn vinh hơn nhưng chắc vẫn chưa bao giờ đủ để nói lên sự hy sinh và tình yêu người mẹ dành cho ta.
Từ tấm bé, khi biết cảm nhận cuộc đời, tình mẹ luôn dần lớn lên bên con theo năm tháng...
“ Ầu ơ ... ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, Khó đi mẹ dắt con đi...”
Câu hát ru con bất ngờ của nhà ai hàng xóm trong đêm sâu quạnh quẽ của miền quê có lẽ cũng đủ đưa ta theo nguồn yêu thương của tình mẹ bao la! Tình mẹ thể hiện mọi nơi trên trái đất nầy với bất kỳ không gian nào.
Một sớm mai trong bài giảng của thầy ở lớp, vẫn còn nhớ như in câu hò đầm ấm, du dương mà mênh mông tình mẫu tử:
“Hò ơ! Mẹ già như chuối chín cây, Gió lay mẹ rụng... gió lay mẹ rụng ... con phải mồ côi”.
Buổi chiều về, đem cảm xúc nầy thổ lộ với ba, con lại nghe ba sụt sùi tiếc thương đã một lần lầm lỡ khi vô tình để mẹ buồn lúc tuổi thời cắp sách. Ba rất sợ mồ côi chăng? Có lẽ thế! Mồ côi với tình yêu thiêng liêng bất tận! Mồ côi bàn tay chăm bẵm tự buổi sơ sinh! Mồ côi sự chở che từ tấm bé! Mồ côi ngay cả lúc đã là người lớn như ba! Mồ côi sự nuông chiều trong thời thơ dại! Mồ côi cả trong buổi xế chiều!... Ba chỉ ngậm ngùi đọc câu ca dao xưa cũ:
“Công cha như núi Thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Ta chợt rùng mình sợ hãi thật sự nếu trên đời nầy, ta hay bất kỳ ai lỡ thiếu vắng đi một tình yêu thương của mẹ hiền!
Một đêm sốt xoàng thôi ta đủ biết mẹ chẳng bao giờ yên giấc, bàn tay mẹ nhẹ nhàng sờ trán thăm khám nhiệt độ, đắp chăn, tất tả lo thuốc men, rồi mẹ nấu lá xông mà khi nhỏ ta cứ ngỡ nồi lá xông là thuốc thần để con hết bệnh!
“Con ho lòng mẹ tan tành. Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”.
Cơn sốt của con đã là cơn lửa đốt lòng mẹ! Cơn ho của con chắc đã làm khuôn mặt mẹ thêm hằn những vết chân chim!
Hình ảnh người mẹ luôn bên đời ấm áp, mãi hy sinh, chở che! Cất tiếng khóc đầu tiên chào đời là ta đã nằm trọn trong tình yêu thương đó. Từng bước đi chập chững trước tiên của đời người, ai đã cầm tay ta dắt đi từng bước một? khi lỡ ngã đau, ai lên tiếng xít xoa? Cảm nhận được nổi đau lúc nầy là ai ngoài mẹ? Ai mừng vui nhất khi ta cất tiếng nói bi bô? Khi bước chân vào trường, đằng sau ta không bao giờ thiếu vắng cặp mắt dõi theo đầy lo lắng của mẹ hiền! Và có ai tả được ánh mắt mừng vui của mẹ mỗi khi ta được điểm mười ?
Giờ đây, khi ngồi trên ghế nhà trường với những trang sách mới thơm tho như còn phảng phất mùi hương lúa mới đồng quê và những giọt mồ hôi tảo tần của mẹ, với bộ trang phục màu xanh hôm nay đây chắc không thiếu đi niềm hy vọng cho con nên người tự miền quê xa lắc. Khi phố lên đèn ta chắc mẹ mới rời công việc đồng áng, thoăn thoắt bước chân về nhà dưới làn sương đêm mà mẹ chưa một lần ta thán.
Còn nhớ như in những lúc học bài khuya, mẹ vẫn thức cùng con và ngồi bên may vá, khâu lại từng chiếc khuy, đắp bạ từng mãnh vai áo đã sờn. Ngồi bên con, chắc mẹ sợ con thức khuya không đủ sức mai dậy sớm đến trường, mẹ lại tất tả lo cho con từng ly nước cam ngọt lịm tình yêu thương. Đến khi con chim nhạn lạc bầy kêu sương đâu đó giữa không gian miên mang của đêm miền quê xứ Quảng, con lại lo rằng để mẹ cùng thức quá khuya làm sao ngày mai mẹ tiếp tục ra đồng dưới nắng?
Cũng đã có nhiều lần phạm lỗi, sau cái nhìn nghiêm khắc của mẹ, ta vẫn nhận được sự vỗ về bằng những lời khuyên mộc mạc, chân tình nhưng lắng sâu nỗi bao dung. Mỗi lần như vậy, con như lớn thêm lên, cứng cáp hơn lên và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ phạm lỗi. Ta có biết đâu tuổi thơ vẫn cứ êm đềm trôi đi trong lúc lưng mẹ ngày thêm còng xuống theo dấu ấn ngiệt ngã của tháng năm, lỗi lầm xưa con e rằng chưa có dịp nào chuộc lại, tóc mẹ lại trắng thêm khi ta chưa kịp nên người.
Ngày tựu trường phổ thông trung học chuyên, hai mẹ con rụt rè trên phố như không khí “ngày tựu trường đầu tiên” của Thanh Tịnh. Trong trang phục của quê nghèo lạ lẩm tại góc phố phồn hoa nhưng con vẫn cảm nhận được sự rắn rỏi, cứng cáp của mẹ để con vững tin mà tiếp xúc môi trường mới mẽ. Có ai đó thì thầm xót xa, ái ngại nhưng có gì đâu? Người ta có thể có nhiều thứ hơn nhưng con vẫn tin rằng con đã có một gia sản quí nhất trên đời chưa chắc ai sánh kịp đó là tình mẹ của con.
Hôm nay trên chiếc xe đạp mẹ mua cho con vẫn còn thơm mùi sơn mới, con đến trường trong niềm hân hoan như đang trong vòng tay mẹ, con đã tiếp cận môi trường mới, Thầy cô mới, bạn bè mới trong veo tuổi thơ học trò, con chắc vẫn không bao giờ thiếu sự lo lắng, nhớ thương của người mẹ hiền tần tảo.
Cuộc đời mẹ là cả một đời mãi hy sinh cho con, tình yêu của mẹ dành cho con mênh mông như trời biển vẫn như câu ca dao xưa đó thôi: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, và nước trong nguồn vẫn luôn chảy mãi như để tình mẹ luôn tồn tại vĩnh hằng.
Giờ đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tưởng như báo đáp công ơn trời biển của mẹ bằng cả sự quyết tâm học hành của con! Con hứa với mẹ con sẽ giữ mãi màu xanh đồng phục của con bên cạnh bạn bè con, của trường con luôn trong sáng như niềm tự hào của chính con, như niềm hy vọng ngọt ngào vô tư của mẹ hiền dành cho con.
Mẹ ơi! Tình mẹ thật bao la! Con chỉ là đứa bé thích luôn được nằm trong vòng tay âu yếm, trìu mến của mẹ, của gia đình! Con nguyện sẽ gắng học thật tốt để rèn luyện bản thân con nên người, góp một phần nhỏ bé cho xã hội, đem lại nguồn vui, niềm hy vọng cho mẹ, cho gia đình thương yêu của mình.
Cảm nghĩ về mẹ của em 9
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - Câu tục ngữ này luôn đúng trong mọi thời đại. Dù theo thời gian, những quan niệm về chuẩn mực của người phụ nữ có nhiều thay đổi thì phụ nữ vẫn là người thắp lửa trong gia đình, vẫn là người có tác động đặc biệt quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình, nhất là đối với con cái của họ.
Từ xa xưa, việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đã là thiên chức của người mẹ. Niềm hạnh phúc vô bờ bến của mỗi người phụ nữ đó là được làm mẹ, được chăm sóc cho những người mình yêu thương. Điều đó không hề thay đổi theo tiến trình lịch sử, dù quan niệm của mỗi thời đại có khác nhau đi chăng nữa.
Ai đã từng làm mẹ sẽ cảm nhận sâu sắc về tình yêu thương, sự nhọc nhằn, hy sinh, tảo tần nuôi con khôn lớn của người mẹ. Mẹ là người mang nặng đẻ đau và nuôi con khôn lớn nên người. Chín tháng mười ngày nuôi dưỡng những bào thai, khi con mẹ cất tiếng khóc chào đời dù đang trong cơn đau đớn để cho con ra đời nhưng mẹ vẫn mỉm cười hạnh phúc. Không quản ngày đêm, mẹ chăm lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Nhà thơ Trần Quốc Minh đã có những câu thơ ngọt ngào và sâu lắng nhất khi nói về tình cảm, tấm lòng của người mẹ dành cho con:
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.
Mẹ không chỉ là người đã cho con một hình hài và nuôi dưỡng con nên người mà mẹ còn là cô giáo đầu đời của con.
Mẹ đã phải dành rất nhiều thời gian luôn bên con để cùng con đọc sách, nói chuyện, cười đùa, mẹ dạy con học chữ, dạy con học hát, dạy con đạo lí làm người. Với tâm tình dịu hiền, đảm đang, người mẹ dạy con mình nên người, biết sống theo đạo lí với bản chất lương thiện. Niềm hạnh phúc của người mẹ là mong muốn được nhìn thấy con mình trở thành những người hữu ích cho gia đình, quê hương và xã hội.
Trong gia đình, thường thì người cha giáo dục con cái về chí hướng, sự nghiệp và nghị lực; còn người mẹ thường thiên về bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con. Nhờ công lao sinh thành, dưỡng dục của những người mẹ hiền, nhiều người con đã thành đạt, hiển vinh, nhiều người con đã thành những anh hùng, thậm chí đã trở thành thiên tài. Một văn hào đã từng nói: Không có phụ nữ thì không có người mẹ. Không có người mẹ thì không có các anh hùng”.
Một gia đình có nề nếp, gia phong thì cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo. Trong đó, vai trò giáo dục con cái vẫn thuộc về người mẹ đúng như câu tục ngữ mà dân gian vẫn lưu truyền: Phúc đức tại mẫu”. Dù trong mọi hoàn cảnh nào, mẹ vẫn luôn là người bao dung, che chở, dõi theo bước con đi. Trên bước đường thành công của con mẹ luôn là hậu phương, là chỗ dựa vững chắc nhất của con về mọi mặt. Mẹ luôn là bờ vai ấm áp để cho con tựa vào, mỗi lúc con vui mẹ vui cùng con, lúc buồn con sà vào lòng mẹ để được mẹ ôm ấp, vỗ về, động viên: con mẹ hãy mạnh mẽ lên và tiếp bước trên con đường tương lai. Những gì mẹ dành cho con, những gì mẹ dạy cho con sẽ là hành trang con mang theo suốt cuộc đời. Mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy suốt đời của con.
Ngày nay, vai trò của người mẹ càng được đề cao. Mẹ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang, gìn giữ hạnh phúc gia đình mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo, những cán bộ có năng lực…Chính vì thế, ảnh hưởng của người mẹ đối với việc giáo dục con cái cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình càng tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt” (trích Bài nói tại Hội nghị Cán bộ thảo luận: Dự thảo luật Hôn nhân và gia đình” 10-10-1959). Con cái chính là tấm gương phản ánh thực trạng đạo đức, nếp sống mỗi gia đình, của việc giáo dục con cái của những bậc làm cha, làm mẹ. Xã hội phát triển khi có những gia đình tốt, những công dân tốt. Hạt nhân đó chính là thành quả do những người cha, người mẹ gây dựng nên. Đặc biệt, bàn tay người mẹ chăm sóc, gieo trồng cho những hạt giống đó được đâm chồi, nảy lộc và tỏa sáng.
Cảm nghĩ về mẹ của em 10
Vũ trụ có rất nhiều kì quan nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất lại là “ trái tim của người mẹ”, câu nhận định của George Bemard Shaw đã khiến con vô cùng xúc động, có gì có thể thiêng liêng cao đẹp hơn tình cảm của mẹ đối với con mình. Mẹ là mẹ của con nhưng mẹ cũng là một người bạn thân thiết luôn luôn chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn cùng con, con chợt nghĩ về mẹ của con, con nhìn vào khoảng không và nhớ về ngày xưa.
Tiếng thở dài của mẹ đã cắt ngang những sự sôi nổi của chương trình ca nhạc đang phát trên tivi. Con giật mình và quay ra nhìn mẹ, mẹ vừa đi làm về, hôm nay công việc quá bận rộn nên mẹ phải đi làm nhiều khiến mẹ mệt nhừ, đáng lẽ giờ này con phải ngồi ở ngoài kia, vo gạo, nhặt rau, nấu cơm để mẹ được nghỉ ngơi, thế mà giờ con lại ngối trong nhà ung dung xem tivi, đùn đẩy mọi việc đáng lẽ con phải làm cho mẹ. Con đã vô tình như thế đấy. Mẹ ơi, đã bao lần con được mẹ nhắc nhở rằng hãy quét nhà, quét sân, tập làm mọi việc nhưng do con mải chơi, con đã quên việc, mẹ lại cắm cúi làm. Mẹ nhắc con hãy học hành chăm chỉ để có tương lai nhưng con đã không học bài, bị điểm kém, mẹ nhắc nhở, dạy bảo, phân tích thiệt hơn cho con nhưng con lại đâu đóng đấy, chẳng hề sửa sai. Mẹ buồn, tóc mẹ thêm sợi bạc. Mẹ ơi, đã bao lần con cư xử thiếu lế độ, mẹ lại nhắc nhở, con vẫn chứng nào tật nấy, chẳng chịu nghe lời nhưng mẹ vẫn tha thứ, vẫn che chở, vẫn chỉ bảo cho con mặc dù con đã bỏ ngoài tai những gì mẹ nói. Mẹ luôn cố gắng làm việc để có tiền cho con ăn học, cho con được bằng bạn bằng bè cùng trang lứa, mẹ muốn con ngoan ngoãn học hành tấn tới, biết vươn lên so với thực tại, đó là mong ước, là khao khát lớn nhất của mẹ. Bao lần mẹ mong con nói được một tiếng “ con yêu mẹ”, chỉ một lần thôi cũng đã quá đủ làm mẹ sung sướng, vui mừng và tan đi phần nào mệt mỏi của công việc và cuộc sống đang ngày càng bon chen, mẹ đã mong chờ nhưng con đã không làm được dù chỉ một lần. Mẹ đã thức trắng đêm chăm sóc cho con khi con bị ốm, mẹ lo lắng chẳng hề rời con dù chỉ một phút giây, thế mà con lại không hiểu được tình cảm ấy. Mà cũng có thể con đang cố tình không hiểu khi con lao vào thú vui tiêu khiển, đó là trò chơi điện tử mặc dù đã được mẹ nhắc nhở, con chạy theo thời thế, chạy theo những gì mà giới trẻ cho là “hot” nhất. Con sắn sàng bỏ học để thỏa mãn thú vui ấy, mẹ nhắc nhở con không được, mẹ đã mắng mỏ con, con lại nghĩ rắng mẹ đã không còn yêu thương con như ngày xưa, con chạy vào phòng tắm và ngồi đó khóc một mình, giận mẹ con lại càng lấn sâu vào, con đã lẻn ra quán nét chơi rất lâu, chẳng còn để ý gì đến suy nghĩ của mẹ, con đã tàn nhẫn như vậy đấy. Khi con bước chân ra khỏi quán net thì cũng đã muộn lắm rồi, con trở về nhà đứng nép bên cửa sổ mà chẳng dám vào nhà. Qua khe cửa sổ con thấy mẹ đang ngồi yên lặng, nét mặt thoáng buồn. Thỉnh thoảng mẹ lại nhìn ra ngoài, chắc mẹ đang mong chờ con về lắm. Bất chợt con thấy trên khuân mặt mẹ nhòa nước mắt. Mẹ đã khóc vì quá thương con hay vì đang lo lắng cho con? Không! Có lẽ đúng hơn là vì: Mẹ khóc vì con đã không biết vâng lời mẹ, bỗng nhiên con nhớ đến câu tục ngữ “ thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, con bước chân vào, mẹ lau vội những giọt nước mắt, mẹ nói “ sao con đi chơi về khuya thế?”. Mẹ cố tình giấu đi những giọt nước mắt xót xa đau khổ vì con, tại sao mẹ lại làm vậy? Mẹ giấu đi thì làm sao con có thể biết được mẹ đang đau khổ vì con như thế nào?. Con thấy hối hận quá, con vội nói “ xin mẹ đừng buồn nữa, con đã biết lỗi rồi, con cầu xin mẹ hãy tha thứ cho đứa con khờ dại, ngỗ nghịch và hư hỏng này”. Mẹ ôm con vào lòng và tha thứ cho con. Giật mình trở về với thực tại, giờ đây, con đã biết làm việc nhà, tự chăm lo cho bản thân mình, mẹ rất vui. Khi đi thi, con đỗ danh hiệu học sinh giỏi, mẹ đã rất vui sướng nói với con rằng “ Hãy cố gắng học nhiều nữa, lúc đó con sẽ mang về nhiều giấy khen cho mẹ”.
Bỗng nghe thấy tiếng xe máy ngoài sân, con liền chạy ra, mẹ đã đi làm về rồi, con gọi “ Mẹ ơi!” và chạy ra ôm mẹ, con cất tiếng gọi thiết tha “Mẹ ơi! Con yêu mẹ!”
Cảm nghĩ về mẹ cực hay 11
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn thương con...”
Mẹ! Chính là tiếng gọi thiêng liêng nhất. Mẹ là món quà quý giá nhất của bất kỳ ai trên thế gian này. Mẹ là tuổi thơ ngọt ngào, là hạnh phúc trọn đời mà con có. Mẹ đối với tôi cũng là người thân yêu nhất.
Khi tôi bắt đầu bước vào lứa tuổi đẹp nhất, mẹ tôi đã lặng lẽ đi đến gần nửa cuộc đời mình. Mẹ tôi năm nay đã 40 tuổi. Thời gian đã in dấu vết lên dáng hình của mẹ. Mẹ gầy gầy, nhỏ nhắn. Mái tóc dài đã có hoa râm lúc nào cũng gọn gàng sau gáy. Khuôn mặt trái xoan với đôi mắt luôn đong đầy yêu thương dành cho chúng tôi. Khuôn mặt ấy mỗi khi mẹ nở nụ cười mới ấm áp biết bao! Đôi tay của mẹ qua bao thăng trầm cuộc đời đã xuất hiện những vết chai sạn, mỗi lần nắm đôi tay ấy, tôi lại thấy lòng mình trào dâng nỗi xót xa.
Mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ nông dân bình thường, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đấy bán lưng cho trời, dù nắng dù mưa vẫn bận rộn với cánh đồng và hoa màu trên những dải đất nâu. Mẹ dậy từ sớm và bận đến tối muộn. Nhưng sự vất vả ấy không ảnh hưởng đến tình yêu thương, sự chăm sóc mà mẹ dành cho chị em tôi. Mẹ là người đã 9 tháng mang nặng đẻ đau, đưa tôi đến với cuộc đời này.
Những ngày còn bé, mẹ dành trọn vẹn thời gian để bảo bọc, chở che, dành mọi thứ tốt nhất và hi vọng tôi bình an trưởng thành, khỏe mạnh, hoạt bát. Tiếng nói đầu tiên tôi líu lô gọi là "mẹ". Bước đi đầu tiên của tôi là tay mẹ đỡ nâng, dìu dắt.
Tới khi tôi lớn lên, mẹ lại dành tất cả thời gian vừa làm lụng vất vả để đem đến cho tôi một cuộc sống tốt đẹp vừa cẩn thận lo lắng, chăm lo cho tôi. Quên sao được những đêm dài mẹ chẳng hề chợp mắt, một mực canh giữ bên giường khi tôi lên cơn sốt cao. Quên sao được những ngày dài mệt mỏi, mẹ vẫn dành thời gian nghỉ ngơi để nấu những món ăn ngon cho tôi, quan tâm hỏi thăm một ngày ở trường của tôi như thế nào.
Và quên sao được những nụ cười hạnh phúc nở trên môi mẹ khi tôi được điểm tốt, khi tôi ngoan ngoãn, vâng lời? Tất cả yêu thương và những gì quý giá nhất, mẹ sẵn sàng dành chọn cho tôi. Còn điều gì hạnh phúc hơn được ăn cơm mẹ nấu, được mẹ xoa đầu và được xà vào lòng mẹ mỗi khi mệt mỏi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên chuyện xảy ra từ 3 năm trước. Một lần ngang bướng, tôi cãi lại mẹ, lời nói có phần vô lễ, mẹ lỡ tay đánh tôi rồi tôi thấy mẹ khóc, lần đầu tiên tôi hiểu được, mẹ đánh tôi, tôi đau một chút còn mẹ đau đớn gấp nhiều lần. Từ đó, mẹ không bao giờ mắng mỏ tôi một chút nào, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo mà thôi.
Mẹ của tôi là người phụ nữ hiền lành, ấm áp và chu đáo lắm. Bà con lối xóm ai cũng yêu cũng quý sự khéo léo, tấm lòng lương thiện thương người của mẹ. Người ta nhờ có bao giờ tôi thấy mẹ từ chối, lúc nào cũng vui vẻ sẵn lòng. Mẹ nói "yêu thương trao đi là yêu thương giữ được mãi mãi". Đôi bàn tay của mẹ nhỏ nhắn, chai sạn thế thôi nhưng khéo tay vô cùng. Từng đường kim mũi chỉ may áo cho tôi ngày bé đều chuẩn xác như chiếc máy khâu. Những món ăn bình thường dưới bàn tay mẹ cũng mang hương vị đặc biệt hấp dẫn.
Mẹ với tôi còn là cả tuổi thơ với kho tàng truyện cổ tích nhiệm màu. Cô Tấm dịu hiền, anh Khoai thật thà chất phác, Sọ Dừa, Thánh Gióng, Thạch Sanh... và rất nhiều nhân vật cổ tích khác đều được mẹ đưa vào tuổi thơ tôi bằng giọng kể nhẹ nhàng, cuốn hút.
Tôi luôn cố gắng ngoan ngoãn, cố gắng học tập và hiếu thảo với mẹ để mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc. Mẹ đối với tôi chính là món quà vô giá mà cuộc đời ban tặng. Tình yêu thương và đức hi sinh của mẹ là điều thiêng liêng nhất. Vũ trụ đích thực có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất chính là trái tim người mẹ.
Cảm nghĩ về mẹ của em 12
‘Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá
Sao đong đầy hai tiếng : Mẹ ơi ! ”
Trong cuộc đời này, chẳng mấy ai không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru, lời ầu ơ ngọt ngào, mấy ai không được chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè ơi ả. Vẫn biết bên mình còn biết bao người thân yêu nhưng đã mấy ai thương con bằng mẹ, mấy ai suốt đời vì con giống mẹ và sẵn sàng sẻ chia ngọt bùi cùng con như mẹ.Và mẹ tôi chính là người phụ nữ bình dị mà cao cả như vậy đấy! Dẫu chưa một lần cất lên tiếng yêu thương ngọt ngào nhưng từ trong sâu thẳm trái tim tôi , mẹ luôn là một bà tiên vĩ đại từ thế giới cổ tích bước vào cuộc đời tôi, là một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho tôi, là tất cả những gì tôi cần trân trọng, nâng niu và yêu thương thật nhiều trong cuộc sống này.
Tôi vẫn thường ngây ngô tự hỏi :’Tại sao thời gian trôi qua nhanh quá, thời gian đã mang theo cả tuổi thanh xuân của mẹ- cái tuổi mà đáng lẽ mẹ được sống bình yên và thoải mái nhất nhưng mẹ đã chọn cách hi sinh cả cái thời con gái ngọt ngào ấy cho hạnh phúc gia đình .” Chao ôi, mẹ của con thật vĩ đại biết nhường nào! Ở cái tuổi 43, mẹ đã nếm trải mọi đắng cay , gian truân của cuộc đời, đã gói gọn cho mái ấm gia đình tất cả nhan sắc, tuổi tác, thế nhưng vối tôi, mẹ vẫn rất đẹp. Vẻ đẹp ấy không nằm ở bề ngoài bởi mẹ tôi vốn đã không có nước da trắng , khuôn mặt tròn phúc hậu hay đôi mắt long lanh…mà mẹ chỉ có khuôn mặt gầy gò, rám nắng, vầng trán cao cùng những nếp nhăn của bao lo âu trong đời in hằn trên khoé mắt. Mẹ tôi đẹp hơn bao người phụ nữ khác ở cái vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao thượng, ấm áp luôn toả sáng từ trong con người mẹ.
Mỗi sớm mai thức dậy, tôi thấy thật may mắn và hạnh phúc khi có mẹ ở bên, bàn tay mẹ hiền âu yếm vuốt mái tóc tôi rồi nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng càng khiến tối thấm thía hơn hai chữ ” thiêng liêng” của tình mẫu tử. Một cảm giác lâng lâng, xao xuyến khó tả như bao trùm lấy trái tim tôi, cảm giác như chưa bao giờ tôi được đón nhận yêu thương nhiều đến thế. Dường như, một dòng yêu thương mãnh liệt qua bàn tay mẹ truyền vào sâu trái tim tôi,qua ánh mắt, đôi môi trìu mến, qua nụ cười ngọt ngào …qua tất cả những gì của mẹ,cảm xúc ấy chỉ khi người ta gần bên mẹ lâu rồi mới cảm nhận được. Qủa thực,đôi bàn tay gầy gò, chai sạn của mẹ tôi có sức mạnh lớn lao biết bao. Chính đôi bàn tay ấy đã dạy tôi nắn nót những nét chữ đầu tiên,bàn tay ấy đã làm lụng vất vả, trải qua bao mưa nắng để nuôi tôi khôn lớn và đặc biệt, đôi bàn tay ấy đã xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình tôi. Tình yêu thương bao la, sự hi sinh vô điều kiện của mẹ đã cho tôi thấu hiểu: Tình mẹ tràn đầy, trắng trong như mặt nước hồ thu mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi tựa như trang giấy học trò.
Mẹ tôi là một công nhân thuỷ lợi, công việc của mẹ vô cùng vất vả nhất là khi đến mùa mưa bão hay những vụ mùa gặt hái. Công việc của mẹ tôi không quá lớn lao,cao cả nhưng nó lại góp phần quan trọng đến những mùa màng, đến những bát cơm ngon, hạt gạo trắng ngần và đến đời sống của bao người. Chính vì vậy, tôi vô cùng tự hào và mãn nguyện khi được sinh ra làm con của mẹ. Mỗi khi mùa mưa bão đến, chứng kiến mẹ tôi phải đi sớm về khuya,chẳng được ăn no cũng chẳng được ngủ yên giấc, tôi thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ tôi vất vả là thế, khổ cực là thế, nhưng chưa một giây phút nào mẹ quên đi trách nhiệm và việc lo lắng chăm sóc cho gia đình. hờ có mẹ, mái ấm gia đình tôi luôn được sạch sẽ, chan hoà và luôn âm vang tiếng cười, tràn ngập niềm hạnh phúc, sự sẻ chia. Công việc dù có bận rộn nhưng mẹ vẫn cố gắng dành thời gian để ở bên gia đình, nấu những bữa cơm ngon cho gia đình và cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc. Hơn nữa, mẹ tôi luôn dành thời gian để dạy tôi học bài, chia sẻ cho tôi những câu chuyện hằng ngày trong cuộc sống để từ đó dạy tôi những bài học làm người vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Khi còn thơ bé, tôi vẫn thường nghĩ mẹ mình thật nghiêm khắc thế nhưng khi đã lớn khôn rồi tôi đã thấu hiểu được rằng:đó chính là cách mẹ yêu thương con cái, là cách mẹ đưa tôi vào đời. Chính vì thế, mẹ tôi chính là người thầy đầu tiên của tôi – một người thầy vô cùng đặc biệt, luôn kề vai, sát cánh bên tôi từ thuở bạp bõm biết đi, bi bô biết nói. Mẹ tôi – người phụ nữ ấy thật tuyệt vời! Mẹ không chỉ làm tròn trách nhiệm của một người mẹ hiền mà mẹ còn ở bên tôi, sẻ chia cùng tôi như một người bạn, dạy dỗ tôi giống như một người thầy… và mẹ là tất cả của tôi.
Các cụ xưa từng nói:
”Con ho lòng mẹ tan tành
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi.”
Điều này quả thật không sai. Những lúc tôi bị ốm dường như mẹ còn đau hơn tôi. Nỗi đau của mẹ không giống những cái đau đứt da, đứt thịt mà nó là nỗi đau thật khó diễn tả hết bằng lời. Một nỗi đau như xâm chiếm lấy trái tim mẹ, nỗi đau đến quặn lòng bởi mẹ đang vô cùng lo lắng cho tôi. Hình ảnh của mẹ, dáng người gầy bé của mẹ, bàn tay mềm dịu của mẹ bên tôi những đêm như thế thật là ấm áp, thật dịu hiền biết nhường nào! Mẹ thức cả đêm để chăm sóc cho tôi, nhẹ nhàng chườm khăn lên chán tôi, đôi bàn tay dù đã quá mỏi mệt nhưng vẫn cố gắng cho tôi gối đầu để tôi được ngủ ngon giấc. Vậy mà, chưa bao giờ tôi tự đặt câu hỏi: ”Tại sao mẹ chấp nhận hi sinh vô điều kiện vì con.” Những lúc như thế, tôi đã nhận ra: Từ nhỏ đến lớn, tôi đón nhận tình yêu vô hạn của mẹ như một ân huệ, một điều đương nhiên. Một người con như tôi khó có thể đền đáp hết được công ơn trời biển mà mẹ dành cho tôi.
”Mẹ ơi, mẹ hi sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi trả công”. Cuộc đời của mẹ là cả một đời mãi hi sinh cho tôi, tình yêu của mẹ dành cho tôi mênh mông như trời biển, vẫn như câu ca dao xưa đó thôi:”Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và nước trong nguồn vẫn luôn chảy mãi như tình mẹ luôn tồn tại vĩnh hằng. Tình mẹ bao la quá! Với mẹ, tôi vẫn mãi là đứa bé thích được nằm trong vòng tay âu yếm, trìu mến của mẹ, của gia đình. Tình mẹ ấm áp như dòng sữa nóng ngọt lành, to lớn và vĩ đại như một mặt trời thứ hai đem đến cho con nguồn ánh sáng bất diệt của tình yêu thương, nguồn động lực, niềm tin trong cuộc sống.
Ngày một trưởng thành, tôi càng thấm thía sâu sắc hơn tình yêu thương và sự hi sinh to lớn của mẹ dành cho mình. Tôi nguyện sẽ gắng học tập thật tốt, rèn luyện bản thân nên người như lời mẹ dạy để co thể góp một phần nhỏ bé cho xã hội, đem lại niềm hy vọng, tự hào cho mẹ và cho cả gia đình thương yêu của mình. Vì thế, tôi rất muốn mẹ biết rằng:
”Mẹ yêu ơi
Người dũng cảm tuyệt vời là mẹ, mẹ ơi
Giờ con lớn khôn rồi
Và con sẽ nên người
Thành người tốt trên đời, mẹ tự hào sớm thôi
Mẹ ơi, mẹ chỉ được hạnh phúc thôi
…………..Suốt đời”’