Có ý kiến cho rằng: “Viết Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du đã mượn chén rượu của người để rót chén rượu mình” hay nhất

Trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau: “Viết Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du đã mượn chén rượu của người để rót chén rượu mình”

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh trong cuốn “Lí luận văn học – Vấn đề và suy nghĩ” cho rằng: Sáng tác văn chương nghệ thuật là do một sự thôi thúc từ bên trong, do muốn trình bày những ấn tượng mới mẻ, độc đáo, đầy ắp trong con người mình. Người nghệ sĩ luôn cảm thấy trong tác phẩm, mình sẽ nói một điều ai chưa nói hoặc chưa ai nói như mình. Ý kiến ấy thật đúng khi hơn ba trăm năm trước, Nguyễn Du, một đại thi hào dân tộc đã khóc thương cho nàng Tiểu Thanh, một kiếp hồng nhan, bạc mệnh của đất nước Trung Hoa qua “Độc Tiểu Thanh kí”. Và có thể nói: “Viết Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du đã mượn chén rượu người để rót chén rượu mình”.

“Văn chương không có gì riêng sẽ không có gì cả”. Thật vậy, thơ văn trung đại Việt Nam có rất nhiều tác phẩm đặc sắc viết về vẻ đẹp và những số phận tài hoa nhưng bạc mệnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nguyễn Du khi viết về người phụ nữ đã có những điểm gặp gỡ trong tư tưởng với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều… Nhưng bên cạnh đó, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du vẫn cất lên được những tiếng nói riêng, tiếng nói có sức mạnh làm xúc động lòng người. Và vì thế, qua “Độc Tiểu Thanh kí”, người đọc có thể thấy khi “Viết Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du đã mượn chén rượu của người để rót chén rượu mình”. Nguyễn Du viết bài thơ là để thể hiện niềm cảm thông, xót thương cho nàng Tiểu Thanh tài hoa nhưng bạc mệnh. Nhưng không chỉ vậy, qua bài thơ, từ cảm hứng xót thương cho Tiểu Thanh, Nguyễn Du còn “mượn chén rượu người để rót chén rượu mình”. Nguyễn Du từ thương người mà hướng đến thương mình, coi mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh và gửi niềm băn khoăn đến hậu thế. Như vậy, qua “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du khóc cho nàng Tiểu Thanh và khóc cho chính mình.

Theo một số nhà nghiên cứu, Nguyễn Du viết “Độc Tiểu Thanh kí” khi ông đi sứ Trung Quốc, nghĩa là khi Nguyễn Du đã trải qua cuộc đời dâu bể, tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau của con người. Sống như một người dân thường trước thế gian, nhờ thế, Nguyễn Du cảm thông sâu xa với mọi kiếp người, đặc biệt là người phụ nữ.

Trước hết, câu chuyện cuộc đời nàng Tiểu Thanh đã tạo nên niềm xúc động, cảm thương chân thành ở Nguyễn Du. Không chỉ khóc nàng Tiểu Thanh hồng nhan bạc mệnh, cái đẹp bị vùi dập, đọa đày, Nguyễn Du còn tri âm để thấu hiểu tận cùng nỗi đau, nỗi xót, cũng là nỗi oán hận mà Tiểu Thanh phải mang theo xuống suối vàng:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn).

Có thể nói, “Độc Tiểu Thanh kí” là tiếng nói tri âm của một cá nhân dành cho một cá nhân. Nguyễn Du thấu hiểu nỗi khổ của Tiểu Thanh một người con gái sống khác dân tộc, khác thời đại. Có một khoảng không gian và thời gian diệu vợi, hun hút ngăn cách hai người nhưng chính văn chương xóa nhòa biên giới địa lí, biên giới lịch sử để họ tìm đến với nhau. Nguyễn Du đã cất lên nhiều tiếng kêu thương xót lòng cho cảnh ngộ của Tiểu Thanh. Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ nói về quy luật nghiệt ngã của cuộc đời. Dòng đời lạnh lùng, chảy trôi cuốn theo bao con người, bao số phận, tàn phá bao cảnh sắc. Hồ Tây xưa đẹp đẽ, rực rỡ là thế, giờ chỉ còn là đống đất hoang lạnh, vắng vẻ, tiêu điều. Một sự biến đổi thật ghê gớm, dữ dội! Nhà thơ sử dụng từ “tẫn” có nghĩa là biến đổi hết, sạch trơn. Cảnh xưa đã không còn, câu thơ nghe cứ ngậm ngùi, thoáng gợi sự đời dâu bể. Đó là quy luật tự nhiên, cớ sao ta không khỏi day dứt? Bởi lẽ cùng với sự đổi thay ấy là sự ra đi của kiếp người, đời người. Sự hiện diện của Tiểu Thanh trên cõi đời sẽ không có gì nếu không có những vần thơ sót lại, nhưng may thay cho những vần thơ ấy – tấc lòng của nàng đã đến được bến bờ tri âm - ấy chính là Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Tiên Điền đã hiểu lắm nỗi oan nghiệt của nàng:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư

(Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương không mệnh đốt còn vương).

Cả cuộc đời Tiểu Thanh hiện lên qua hai hình ảnh “chi phấn” và “văn chương”. Nói đến “chi phấn: là nói đến tài sắc, nói đến “văn chương” là nói đến tài năng. Tiểu Thanh là người có nhan sắc và tài năng vẹn toàn, nhưng tại sao cuộc đời nàng lại đau khổ như vậy. Nhà thơ đã thổi hồn vào son phấn văn chương để chúng cất lên tiếng nói bi phẫn xót xa. Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết còn văn chương không có mệnh mà còn bị đốt bỏ. Hỡi cuộc đời! Văn chương son phấn có tội tình gì mà bị đọa đày, oan nghiệt đến thế? Nguyễn Du phải chăng đã nhập vào chi phấn, văn chương đã cất lên bao tiếng nói bi thương thống thiết:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái oán phong lưu khách tự mang)

Thế đâu chỉ là Tiểu Thanh, đó còn là số phận bất hạnh của biết bao con người. Hai chữ “cổ kim” gợi dòng thời gian miệt mài chảy trôi, vô thủy vô chung từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, trên đó thấp thoáng tiếng khóc của nàng Kiều, tiếng ai oán của cô Cầm, tiếng hát của người ca nữ đất Long Thành, người hát rong ở Thái Bình, tiếng van lơn của mẹ ăn xin. Đó là mối hận của biết bao kiếp người, bao cuộc đời, bao thời đại, giờ đây tất cả cùng ùa về đổ bóng xuống câu thơ Tố Như. Như mối hận chất chứa, dày đặc thế mà trời không hỏi. Ý thơ thể hiện sự gắn bó giữa Nguyễn Du với người tài hoa bất hạnh ở trên đời. Như vậy, qua những lời thơ đầu, Nguyễn Du đã cất lên tiếng khóc đau thương cho một kiếp người, đó chính là Tiểu Thanh. Cảm hứng ấy không chỉ được Nguyễn Du gửi đến Tiểu Thanh, mà Nguyễn Du cũng từng thể hiện rõ nét cho số phận của Thúy Kiều.

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Viết “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du đã mượn chén rượu người để rót chén rượu mình. Quả vậy, cảm thương cho bi kịch của Tiểu Thanh, Nguyễn Du bắt nhịp cầu giao cảm để tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với mình. Ông đã “mượn rượu người, rót rượu mình” và mong mỏi tìm người như mình khóc Tiểu Thanh. Từ tiếng khóc người, thương người, “Độc Tiểu Thanh kí” còn là tiếng khóc mình, nỗi thương mình, là mối tự hận, tự thương, khát khao tri kỉ của Nguyễn Du:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Tiểu Thanh đau khổ, bao con người đau khổ chính từ nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Thì ra chính chi phấn và văn chương là nguyên nhân tất yếu gây ra nỗi đau ấy. Nhà thơ tự coi mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh và những kiếp người tài hoa bạc mệnh. Thế là Nguyễn Du đã lấy hồn tôi để thổi hồn người, điều đó thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp của tác giả. Thương người rồi mới thương mình. Thương người càng sâu sắc thì thương mình lại càng da diết. Tiểu Thanh đã có may mắn là tìm được người tri âm là Nguyễn Du. Vậy ai sẽ tri âm Nguyễn Du?

Bài thơ kết thúc mà nỗi đau cứ khắc hoải, đau đáu khôn nguôi. “Khấp” là khóc không thành tiếng, nghĩa là nước mắt lặn vào trong, ngưng đọng, kết tụ bằng nỗi hận, u uất. Vậy, vượt qua thời gian và không gian, Nguyễn Du khóc cho Tiểu Thanh nhưng Nguyễn Du lại băn khoăn không biết hậu thế ai sẽ là người khóc cho mình, khóc thương cho mình. Nhưng ý nghĩa của câu thơ không chỉ dừng lại ở một phạm vi hẹp là cuộc sống cá thể, cá nhân bởi Tố Như cũng như Tiểu Thanh chỉ là đại diện cho một kiếp người tài hoa bạc mệnh. Nhà thơ nói đến mình như là nhân danh cho tất cả những người “phong vận” mà phát ngôn. Vì vậy, thương xót Tiểu Thanh cũng là một cách nhà thơ tự thương mình thương cho những người có tài mà cuộc đời lại long đong, lận đận. Người đọc đến đây có thể thấm thía về nhận định của giáo sư Trần Đình Sử về bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du: “Đọc Độc Tiểu Thanh kí, người đọc thấy được tấm lòng thương người, tiếc tài, mong gặp được người đồng điệu thông cảm. Tấm lòng ấy đương thời các bạn ông đã cảm phục và ngày nay, cả dân tộc, cả nhân loại đã hiểu ông”. Phải chăng, ngày nay, Nguyễn Du đã tìm được biết bao tiếng nói tri âm, đồng cảm của biết bao đời thơ:

Ông hỏi đời sau ai khóc mình

Mà hay bốn biển lại hừng danh

Cho hay mọi cái đều thay đổi

Còn với non sông một chữ tình.

(Đào Duy Anh)

Cả dân tộc chúng ta đều bị chinh phục bởi những lời thơ thấm đẫm tình người của Nguyễn Du:

Ta nhớ Tố Như đọc chậm lại Kiều

Đọc chậm từng vầng trăng, từng nỗi buồn li biệt

Ta yêu Nguyễn Du có lúc như gió lùa nhanh ào ạt qua đèo

Không hướng rừng

Nào ngăn lại kịp.

(Thơ bình phương – Đời lập phương, Chế Lan Viên)

Viết “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du đã mượn chén rượu người để rỏ chén rượu mình. Nguyễn Du đã viết “Độc Tiểu Thanh kí” bằng tấm lòng chân chính, bằng niềm xót thương cho một kiếp người đau khổ. Với cách sử dụng từ ngữ chọn lọc và giàu sắc thái biểu cảm thể thơ thất ngôn bát cú kết hợp với những lời thơ giàu hình ảnh, nhịp điệu, hàm súc, các biện pháp tu từ,… Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét sự cảm thông sâu sắc đối với những con người tài hoa bạc mệnh.

Nguyễn Du có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương, một trái tim nhân đạo lớn dành cho con người mà trước hết là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Nhờ vậy, vừa có ý nghĩa tố cáo phê phán xã hội bất công, tàn bạo, vừa chứa đựng tư tưởng nhân đạo, nhân văn lớn lao, sâu sắc. Nguyễn Du cũng là một con người khổ đau, cô đơn, không có tri kỉ. Tâm sự đó của Nguyễn Du cần được hậu thế thấu hiểu qua những thi phầm của ông. Bởi lẽ, tiếng nói tri âm giữa người đọc và người viết là điều văn học dân tộc nào, thời đại nào cũng hướng tới. Chẳng vậy mà nhà văn Bùi Hiển cho rằng: “Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông chia sẻ giữa người đọc và người viết là trên hết”.

“Cuộc đời trăm năm rách nát với văn chương” – cả cuộc đời ông đều gửi gắm vào trong văn, trong những vần thơ, mọi cung bậc tình cảm. Những nỗi lòng, tâm sự suy nghĩ, tấm lòng ông bao la ôm tất cả những kiếp đời nhỏ bé. Bởi vậy mà dẫu thời gian có qua đi, mọi thứ có đổi thay thì những vần thơ ấy vẫn rung động lòng người, vẫn có những ngòi bút nhỏ lệ của ông