Phân tích giá trị nhận thức lịch sử của nhân dân ta qua truyền thuyết An Dương Vương - Mị Châu Trọng Thủy
Đứng trước một thần thoại, truyền thuyết, hay một truyện cổ tích, người nghe, người đọc vẫn thường chú ý hơn đến sự hấp dẫn của các lực lượng thần kì. Nhưng nếu nghiền ngẫm cho kĩ, chúng ta sẽ thấy đằng sau mỗi hư cấu nghệ thuật đó là những bài học nhân sinh, những nghĩ suy mang đậm tinh thần nhân ái của người dân lao động. Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ là một trong những truyền thuyết thấm đượm tinh thần nhân văn, thể hiện sâu sắc tấm lòng nhân đạo của các tác giả dân gian.
Nhân đạo là một trong những truyền thống lớn trong văn học Việt Nam. Truyền thống này khởi nguồn từ trái tim giàu tình yêu thương, từ lòng vị tha ở mỗi người và trong văn học, nó khởi phát từ những câu chuyện xa xưa như Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy. Tấm lòng nhân đạo của dân gian trong câu chuyện này được thể hiện ở việc phản ánh lịch sử một cách độc đáo thông qua những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhuốm màu sắc thần kì mà vẫn thấm đẫm cảm xúc đời thường. Mỗi yếu tố kì ảo, mỗi tình tiết nghệ thuật được dựng lên gắn với từng nhân vật không chỉ đơn thuần đem lại sức hút của truyện mà quan trọng hơn, chúng là phương tiện biểu đạt thành công tư tưởng tình cảm của người dân lao động.
Truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy xoay quanh ba nhân vật có thực trong lịch sử là An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ. Hành động, lời nói cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật đó đều đóng vai trò nhất định đối với sự phát triển của cốt truyện. Tất nhiên, chúng cũng chính là đối tượng bình giá, phán xét của các tác giả dân gian.
Trong cái nhìn của nhân dân ta, An Dương Vương đã và mãi là một vị anh hùng dân tộc, có công đầu trong quá trình dựng nước, giữ nước. Khi phản ánh quá trình xây thành, chế nỏ của An Dương Vương, tác giả dân gian đã đưa vào truyện lực lượng thần kì nhằm ca ngợi tài trí, công đức của nhân vật này. Cụ già từ phương Đông báo tin về sứ Thanh Giang, Rùa Vàng giúp An Dương Vương xây thành Ốc là những nhân vật kì ảo nhằm đề cao tính chất đúng đắn của việc xây thành đắp lũy. Hành động đó của nhà vua được cả thần và người đồng tình ủng hộ. Nỏ thần làm bằng móng rùa, bắn một phát chết hàng vạn tên giặc chính là yếu tố kì ảo nhằm thần thánh hoá sức mạnh của vũ khí trong tay người Âu Lạc và khẳng định tinh thần cảnh giác, chuẩn bị chống giặc ngoài của An Dương Vương.
An Dương Vương cậy có nỏ thần, lơ là, mất cảnh giác, giặc tiến đánh mà vua vẫn điềm nhiên đánh cờ, đến lúc thấy nỏ thần đã mất mới bỏ chạy. Lịch sử không cho chúng ta rõ liệu rằng An Dương Vương có thoát khỏi sự truy sát của quân thù hay không. Nhưng với truyền thuyết này, chúng ta đều thấy dân gian đã đứng về phía vị anh hùng của dân tộc mình mà sáng tạo ra một kết cục khá tốt đẹp. An Dương Vương không chết mà cầm sừng tê theo Rùa Vàng đi xuống biển. Yếu tố kì ảo này thể hiện thái độ và tình cảm của nhân dân đối với An Dương Vương. Nhân dân thương tiếc vị vua anh dũng của mình nên không muốn ông bất tử. Chi tiết biển cả bao dung đón người anh hùng trở về đã thể hiện sự ngưỡng mộ và thương tiếc của họ. Không ai phủ nhận sự mất cảnh giác dẫn tới bi kịch nước mất nhà tan của An Dương Vương nhưng không ai xem đó là tội trạng và kết án ngài. Xét đến cùng, việc An Dương Vương không chết mà đi xuống biển là cách thức nhân dân ta bất tử hoá hình tượng mà họ đã suy tôn, kính trọng.
Với Mị Châu, cái nhìn của nhân dân có phần nghiêm khắc hơn. Mị Châu là người mang tội với nhân dân Âu Lạc. Nàng là nguyên nhân trực tiếp gây nên sự sụp đổ của cơ đồ. Lời Rùa Vàng: “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó!”chính là lời kết tội đanh thép của công lý, của nhân dân về hành động vô tình mà phản quốc của nàng. Hành động An Dương Vương rút gươm chém Mị Châu là hành động quyết liệt, dứt khoát đứng về phía công lý và quyền lợi dân tộc để xử án. Và bài học Mị Châu để lại cho hậu thế cũng chính là một bài học về cách xử lý đúng đắn giữa riêng và chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân với cộng đồng:
Em hoá đá ở trong truyền thuyết
Cho bao cô gái sau em
Không còn phải hoá đá trong đời (...)
Người dân nào xưa đưa em về đây
Như muốn nhắc một điều gì (...)
(Trước đá Mị Châu - Trần Đăng Khoa)
Mặc dù rất nghiêm khắc trước hành động của Mị Châu nhưng nhân dân ta cũng rất khoan dung với nàng bởi lễ Mị Châu không cố ý gây nên lỗi lầm của mình. Để minh oan, chiêu tuyết cho tâm hồn ngây thơ, trong trắng của người con gái ấy, truyền thuyết đã để cho lời nguyền của nàng linh ứng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ trở thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Máu Mị Châu chảy xuống biển, loài trai ăn phải biến thành hạt châu là minh chứng cho sự vô tình gây tội của Mị Châu và thể hiện thái độ thương xót của nhân dân Âu Lạc đối với nàng. Hình ảnh ngọc trai biểu trưng cho sự quý giá, trong sáng, thanh cao - đó cũng chính là những nét đẹp trong tâm hồn Mị Châu. Không bao dung, khoan hoà, nhân dân ta sẽ không bao giờ dành hình ảnh đẹp đẽ, viên mãn, trong sáng nhường vậy để minh oan, chiêu tuyết cho lỗi lầm nàng gây ra.
Trong nỗi oan nghiệt mà Mị Châu phải gánh chịu có phần trách nhiệm lớn của Trọng Thuỷ - chồng nàng và cũng là kẻ thù của quốc gia do cha nàng làm chủ. Trọng Thuỷ là kẻ biết làm lợi cho đất nước của mình nhưng để đạt được mục đích ấy, hắn đã lợi dụng tình yêu chân thành của Mị Châu, lừa nàng cho xem rồi đánh tráo nỏ thần. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cha hắn Triệu Đà giao phó, chúng ta những tưởng Trọng Thuỷ sẽ có những giờ phút thư nhàn, sung sướng tận hưởng vinh hoa, phú quý. Nhưng không, đến lúc đứng trên đỉnh cao của danh lợi, Trọng Thuỷ mới thấm thía nỗi đau của riêng mình. Hắn đã vĩnh viễn mất Mị Châu, vĩnh viễn mất đi người vợ yêu dấu. Hành động nhảy xuống giếng tự vẫn thể hiện lòng hối hận chân thành của Trọng Thuỷ. Rõ ràng dân gian đã không quá cực đoan khi kết án tội trạng của nhân vật này. Giếng nước Trọng Thuỷ trẫm mình khi đem ngọc trai rửa vào thì ngọc càng trong sáng thêm. Điều đó chứng tỏ nỗi oan của Mị Châu được hóa giải trong sự hối hận của Trọng Thuỷ. Đồng thời, tình yêu, niềm xót thương của Trọng Thuỷ chỉ được chứng thực bởi Mị Châu. Lỗi lầm của Trọng Thuỷ đã tìm được sự hoá giải trong tình yêu thương của Mị Châu.
Hình ảnh ngọc trai - giếng nước trở thành một kết tinh nghệ thuật của câu chuyện. Tất nhiên, nó không biểu trưng cho mối tình chung thuỷ, cho tình yêu sáng trong, sự gắn kết của đôi trai gái mà chỉ là hình ảnh của nỗi oan tình được hóa giải. Hình ảnh này thể hiện tập trung nhất nhận thức về lịch sử, đồng thời là sự cảm thông của nhân dân đối với nhân vật trong truyện.
Đọc Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ, chúng ta không chỉ được lắng nghe một câu chuyện, không chỉ được tiếp nhận những bài học quý báu mà còn được chứng kiến một cách xúc động về tấm lòng bao dung, nhân ái của nhân dân Việt Nam:
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang
(Tôi yêu truyện cổ nước tôi - Lâm Thị Mỹ Dạ)
Sáng tạo nên câu chuyện, dân gian đã truyền lại cho các thế hệ sau những kinh nghiệm sống, những cái nhìn, cách nhìn thấm đượm tinh thần nhân văn với cuộc đời, con người. Để rồi chính tinh thần đó sẽ còn được tiếp nổi ở bao áng văn thơ muôn đời sau.