Thuyết minh về lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái
Từ rất xa xưa, tất cả các bản làng người Thái đều tổ chức lễ hội Xăng Khan, có thể nói đây là ngày hội có quy mô và ý nghĩa cộng đồng lớn nhất của đồng bào. Mỗi địa phương có thể gọi tên hội khác nhau, đồng bào Thái ở Nghệ An và Thanh Hóa gọi lễ hội này là Xăng Khan, một số nơi khác gọi là Kin chiêng boóc mạy, Hội Chá Chiêng... Nhưng dù gọi thế nào đi chăng nữa, mục đích và ý nghĩa của nó vẫn là ngày tạ ơn các ông mo đối với tổ tiên và những người thầy đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu vớt chúng sinh.
Cứ 3 hoặc 5 năm một lần vào khoảng tháng 11 Âm lịch, khi bắp ngô trên nương đã gùi hết về nhà, lúa ngoài đồng đã gánh hết về bản, hoặc tháng 2, tháng 3 Âm lịch của năm sau là tháng tốt, tháng lành, ở nhiều bản Thái mở hội Xăng Khan để chào mừng xuân mới và mong sức khỏe. Thời gian mở hội từ 2 đến 3 ngày.
Theo các bậc cao niên ở các bản làng đồng bào Thái thuộc huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong thì lễ hội Xăng khan có từ xa xưa. Thủa đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, Xăng khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học mỗi thầy khác nhau; mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau nên cách thức tổ chức lễ hội Xăng khan ở mỗi nơi cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, phần cơ bản trong lễ hội Xăng khan đều được các thầy mo thống nhất theo trình tự như sau:
Vào dịp đầu xuân mới, thầy mo chủ (mo môn) khơi vò rượu cần xin phép tổ tiên chọn ngày lành, tháng đẹp để tổ chức lễ hội Xăng khan. Sau khi chọn được ngày, mo chủ nhờ người nhà mang trầu, cau, rượu sang mời các mo bạn tới dự lễ. Số lượng mo bạn được mời giới hạn từ 8 đến 24 người (gồm cả mo ông và mo bà). Nếu mo bạn nhận lời thì gửi làm tin cho mo chủ một cái quạt và một chiếc khăn. Ngoài mời mo bạn, mo chủ còn mời một nhóm nam, nữ thanh niên khoẻ mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt đến giúp mo chuẩn bị đồ lễ cúng tế. Trước thời điểm mở hội 3 ngày, nhóm nam nữ thanh niên tập trung về nhà mo chủ. Ai đến trước sẽ được chọn làm người phụ trách: được theo mo chủ đi tìm cây làm hoa và được têm trầu, mời rượu các thầy mo bạn.
Trong lễ hội Xăng khan có một cây hoa to (xăng tan) được làm từ cây nứa già, cao chừng 3 mét. Trên cây nứa có chạm trổ nhiều hình chim, hoa và được khoan nhiều lỗ để cắm tượng trưng các loại hoa quả, muông thú. Hoa quả, muông thú được làm từ bấc cây tang, cây sắn hoặc ruột bầu phơi khô hay các hình vẽ trên giấy được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng... Riêng loại hoa làm từ bấc cây tang thì được cắt thành từng mẩu dài chừng 2 – 3 cm, xâu vào sợi lạt nhỏ (đã được chẻ làm 2 -3 nhánh). ở phần ngọn các nhánh hoa, người ta gắn vào một bông hoa (được cắt từ cành dâu) để giữ các bông hoa phía trong không bị tuột khỏi cành, đồng thời để tạo ra một loại hoa khác gọi là tang chò. Một loại hoa khác được xâu vào sợi vải dài rủ từ ngọn cây xăng tan xuống đất gọi là xái mường (tượng trưng cho con đường thánh thần đi từ Mường Trời xuống trần gian dự lễ hội). Ngoài cây xăng tan, người ta còn dựng hai cây mía để nguyên lá và một cây xăng boọc (cây hoa thật) được cắm vào nhiều loại hoa rừng.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm, dân làng, họ hàng gần xa tập trung đến nhà mo chủ dự lễ. Vào khoảng 3 - 4 giờ sáng, sau lệnh của mo chủ, mọi người xúm lại dựng cây xăng tan lên chính gian giữa, sau đó dùng sợi vải buộc vào chum rượu. Dưới sự điều hành của mo chủ, mỗi mo bạn mở một vò rượu nhỏ để cúng thông báo cho ông, bà tổ tiên biết buổi hành lễ này chỉ là đi giúp, không phải việc tư. Mo chủ tay cầm quạt cúng, đầu đội khăn trắng, ngồi trên ngựa (bằng gối đệm) hành lễ. Bên cạnh mo chủ là hai chàng trai ngồi chúc rượu và hai người phụ trách trong trang phục váy áo truyền thống, đội hoa tang chò để thõng xuống như hai bím tóc của thiếu nữ. Sau khi mo chủ cúng báo cáo với tổ tiên lý do tổ chức lễ hội xong, các mo bạn bắt đầu hành lễ. Buổi hành lễ có 54 muột, mỗi muột là một trò diễn do mo chủ hoặc các mo bạn thể hiện gồm các tiết mục: quét nhà, chống nhà, chặt củi, làm rẫy, múa kiếm, ngồi vào kiềng sắt nóng đỏ, hút thuốc bằng bột ớt giã nhỏ..… Trong mỗi lễ, mỗi muột đều xuất hiện một nhân vật là thần linh từ Mường Trời xuống. Để chuyển muột, người ta gõ nhẹ 3 hồi 9 tiếng cồng theo lệnh của mo chủ và môn (người phụ trách công việc). Xen kẽ giữa các muột, người ta tổ chức đánh cồng, múa giã chày, múa tăng bula, hát điệu nhuôn, lăm, khắp, xuối...Mo chủ thể hiện điệu múa Xăng khan cùng các thiếu nữ. Khi múa, mo đi trước, các cô gái (xoã tóc, đội vòng kê - biểu tượng trinh nữ) đi theo sau che ô và thực hiện động tác giống mo: khi nghiêng mình, khi quay trái, quay phải. Một số thiếu nữ khác đeo lục lạc trên đôi bàn tay múa lượn vòng quanh cây hoa.
Các bài cúng của thầy mo trong lễ hội Xăng khan là những trường ca, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích bằng văn vần kể về thủa khai bản lập mường, về những người anh hùng dân tộc Thái, về cuộc sống của thần linh, ông bà, tổ tiên trên Mường Trời.
Xăng khan là ngày vui của họ hàng của bản mường, là dịp của gái trai gặp gỡ, là ngày để dân bản trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho mình. Không phải chỉ những người trong bản mà cả du khách thập phương, già có, trẻ có kéo về dự hội. Sau lễ cúng, dân làng múa hát xung quanh cây hoa, càng về khuya không khí hội càng nhộn nhịp với những trò diễn độc đáo hài ước đầy ắp tiếng cười, nhộn nhịp hơn là múa tập thể. Tất cả những người đến dự hội từ già đến trẻ đều vào cuộc múa, múa hết mình hoà lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng chiêng, trống, tiếng khua luống, tiếp dập của ống nửa (tẳng bù), tượng trưng cho sấm, mưa cho sự phồn thực với mong ước của một mùa màng tươi tốt. Hái hoa (Kếp boóc) là phần cuối của lễ hội Xăng Khan, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại, và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.
Lễ hội Xăng Khan là một lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều bản làng Thái không còn lễ hội Xăng Khan nữa, nguyên nhân thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là con người và cách ứng xử của con người đối với lễ hội.