Chứng minh Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi là áng thiên cổ hùng văn (4 mẫu)

Chứng minh Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi là áng thiên cổ hùng văn 1

   Nguyễn Trãi để lại sự nghiệp văn học đồ sộ, giàu giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Trong kho tàng tác phẩm ấy ta không thể không nhắc đến Bình Ngô đại cáo vốn được mệnh danh là áng thiên cổ hùng văn. Tác phẩm không chỉ xuất sắc về nội dung mà còn mang những đặc sắc về nghệ thuật.

   Tác phẩm được viết bởi Nguyễn Trãi dưới sự chỉ đạo của chủ tướng Lê Lợi sau khi nhân dân ta giành thắng lợi, đánh tan quân Minh xâm lược. Văn bản được viết ra nhằm tuyên bố với toàn dân về việc kết thúc thắng lợi vẻ vang chống quân xâm lăng. Đây được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc sau Nam quốc sơn hà. Đồng thời tác phẩm cũng được đánh giá là áng thiên cổ hùng văn tức áng văn chương hùng tráng được lưu truyền đến cả muôn đời sau. Để trở thành một áng văn bất hủ muôn đời như vậy chắc chắn Bình Ngô đại cáo phải có nội dung xuất sắc, lại đồng thời phải có một bút pháp điêu luyện, tài ba. Chỉ khi hội tụ đầy đủ hai yếu tố ấy, thì mới xứng danh áng thiên cổ hùng văn.

   Mở đầu tác phẩm, lời văn vô cùng đanh thép, dõng dạc, nêu lên luận đề nhân nghĩa, luận đề này cũng chính là yếu tố chi phối đến nội dung toàn bài :

    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

   Nhân nghĩa vốn là khái niệm đạo đức của Nho giao, để nói về đạo lí, cách ứng xử và tình yêu thương giữa con người với nhau. Ở đây Nguyễn Trãi không chỉ tiếp thu mà còn có sự phát triển đạo lý ấy, tình yêu thương phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể: cốt ở yên dân, làm cho nhân dân có cuộc sống yên ổn. Để thực hiện được điều đó cần phải trừng trị những kẻ tham tàn, bạo ngược, những thế lực hắc ám đã phá vỡ cuộc sống bình yên của dân chúng. Như vậy, với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa xuất phát từ nhân dân, vì yêu thương dân chúng, đồng thời nhân nghĩa còn gắn vời lòng yêu hòa bình, từ đó nhân nghĩa chính là lòng yêu nước. Đây chính là điểm mới mẻ, tiến bộ của Nguyễn Trãi.

   Không dừng lại ở đó, Nguyễn Trãi còn đầy tự tin, bản lĩnh khẳng định chủ quyền của dân tộc ta, ông không chỉ khẳng định trên phương diện cương vực lãnh thổ, mà còn khẳng định ở những phương diện mang chiều sâu, thuộc về vốn văn hóa, truyền thống của mỗi dân tộc: Như nước Đại Việt ta từ trước/…/ Song hào kiệt đời nào cũng có. Ông sử dụng những từ ngữ hết sức chuẩn xác: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác để khẳng định sự hiển nhiên, vốn có lâu đời của chân lí. Ông là người đã hoàn thiện quan niệm về quốc gia, dân tộc, đây là một bước tiến không hề nhỏ so với bản tuyên ngôn độc lập trước đó.

   Trên cơ sở khẳng định chủ quyền của dân tộc, Nguyễn Trãi đã vạch trần tội ác cũng như âm mưu xâm lược của chúng. Ông đã thật tài tình khi sử dụng các từ nhân, thừa cơ để vạch trần luận điệu bịp bợm, xảo trá của chúng phù Trần diệt Hồ. Chúng lấy cớ phù Trần diệt Hồ mà thực tế là để đàn áp, vơ vét tài sản, của cải của nhân dân ta. Chúng có những hành động vô cùng dã man: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ; thu thuế nặng nề: Nặng thuế khóa sạch không đầm túi, chúng độc ác đến mức còn không tha cho cả những sự vật vô tri: Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,… Tội ác của chúng không chỉ khiến nhân dân căm hận mà trời đất cũng không tha thứ. Đọc từng câu thơ ta cũng thấy xót xa cho thân phận của người dân khi phải chịu đựng ách áp bức của giặc Minh. Bởi vậy, những anh hùng hào kiệt bấy giờ sao có thể khoanh tay đứng nhìn cảnh đồng bào ta phải đổ máu trước lũ giặc ngoại xâm. Người anh hùng Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa trong khi còn gặp vô vàn khó khăn, nhưng bằng sự kiên trì, óc phán đoán sáng suốt ông đã dũng cảm vượt qua mọi trở ngại ấy. Nghĩa quân anh hùng, dũng cảm tiến đánh những vị trí khác nhau khiến kẻ thù sức cùng lực kiệt. Giọng văn, nhịp điệu đoạn thơ trở nên dồn dập, hứng khởi hơn bao giờ hết: Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay; Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm. Quân ta đã dành chiến thắng vang dội, điểm sáng ở đây chính là chiến thắng dựa trên tư tưởng nhân nghĩa: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo. Ta giành chiến thắng, không tiêu diệt kẻ thù đến tận cùng, mà vẫn chừa ra cho họ con đường sống: Họ đã tham sống sợ chết, mà hoà hiếu thực lòng/ Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức/ Chẳng những mưu kế kì diệu/ Cũng là chưa thấy xưa nay. Vì nhân dân nên mới khởi nghĩa, trong cuộc khởi nghĩa nhân dân cũng chính là lực lượng nòng cốt. Đến khi tha cho kẻ thù cũng để nhân dân nghỉ sức. Nhắc đến nhân dân với vị trí quan trọng như vậy chỉ xuất hiện trong tư tưởng của Nguyễn Trãi. Nhân dân là cốt lõi trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi.

   Kết thúc bài đại cáo là lời ngợi ca, là tiếng lòng hoan hỉ tuyên bố chiến thắng và khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa: Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Kiền khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh.

   Tác phẩm không chỉ xuất sắc ở nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật. Tác phẩm được coi là áng văn chính luận mẫu mực, với bố cục chặt chẽ, lập luận sắc sảo. Để tạo tiền đề triển khai toàn bộ tác phẩm, Nguyễn Trãi đã nêu luận đề nhân nghĩa ngay khi mở đầu bài cáo, tiếp đến là vạch trần tội ác của kẻ thù; buổi đầu kháng chiến gian lao và thắng lợi vẻ vang của ta; cuối cùng là lời tuyên bố chiến thắng, khẳng định sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Để làm nổi bật tội ác của giặc ông đã khéo léo sử dụng nghệ thuật đối lập tương phản: Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng đối lập với Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Ngoài ra sử dụng những hình tượng giàu giá trị gợi tả, gợi cảm: Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi. Để vạch trần tội ác man rợ, tàn bạo của kẻ thù. Giọng văn thống thiết, đau đớn, xót xa khi nói về thảm cảnh của nhân dân, lúc đanh thép, mạnh mẽ khi kết tội kẻ thù.

   Với sự xuất sắc ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, Bình Ngô đại cáo xứng đáng là “áng thiên cổ hùng văn” của muôn đời. Tác phẩm là áng văn bất hủ về sức mạnh tự lực, tự cường của dân tộc trong quá trình đấu tranh chống lại quân xâm lược, đem lại sự an yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Chứng minh Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi là áng thiên cổ hùng văn 2

   Nhắc tới Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, người ta nhớ ngay đến một văn kiện lịch sử, một khúc tráng ca khải hoàn của một đất nước đã trải qua những hai mươi năm khổ cực bởi ách đô hộ và chiến tranh chống giặc Minh. Tác phẩm là sự kết tinh của lòng yêu nước, ý chí đánh giặc quật cường của một dân tộc phải sống trong những ngày tháng đau thương, khổ nhục mà rất đỗi vinh quang. Thế nhưng bài cáo ấy đã được nhà văn kiệt xuất Nguyễn Trãi viết bằng nghệ thuật chính luận đỉnh cao, bậc thầy mà ít tác phẩm cùng thể loại ở thời trung đại có được. Để rồi Bình Ngô đại cáo xứng đáng được gọi là áng “thiên cổ hùng văn”.

   Áng “thiên cổ hùng văn” tức là áng văn hùng tráng được lưu truyền đến cả nghìn đời. Để có được danh xưng ấy, chắc chắn đòi hỏi ở đó phải là một tác phẩm văn chương xuất sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đồng thời cũng kể phải đến những giá trị lịch sử, tư tưởng vĩ đại, có dấu ấn và ý nghĩa đến muôn đời. Nhưng có lẽ, một tác phẩm hay có thể lưu truyền đến được nghìn đời như vậy phải chạm đến được trái tim, cảm xúc của các thế hệ bao đời; phải có ý nghĩa tư tưởng lớn lao phù hợp với mọi thời đại… Bình Ngô đại cáo là một áng văn bất hủ như thế.

   Đã trải qua bao nhiêu năm, nhưng chắc hẳn dân tộc ta vẫn luôn tự hào khi có một bản hùng văn tráng lệ như Bình Ngô đại cáo. Tác phẩm đã khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng hòa bình, ý chí bất khuất trên con đường đấu tranh bảo vệ đất nước. Biết bao nhiêu cảm xúc mà Nguyễn Trãi đã để tràn lên ngòi bút. Có sự kiên quyết, vững trãi trong lời mở màn đầu tiên:

    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

   Nhân nghĩa vốn là một tư tưởng đạo Nho, thể hiện cách hành xử tốt đẹp giữa người với người, chẳng hề xa lạ. Nhưng bốn chữ yên dân, trừ bạo Nguyễn Trãi đã nâng nó lên một tầm cao mới, trở thành một lý tưởng xã hội, một đạo lý dân tộc đến muôn đời. Đâu có phải ở ngay thời điểm ấy, giết giặc Minh để trừ bạo ngược mà bất cứ kẻ ngang tàng nào gây họa đều phải diệt trừ để nhân dân được sống yên ổn,, ấm no. Ấy là nhân nghĩa bắt nguồn từ “dân vi bản”. Cho nên, ngay ở khúc mở màn này mới thấy có cả niềm kiêu dũng, hiên ngang khi khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc:

    Như nước Đại Việt ta từ trước

    …

    Song hào kiệt đời nào cũng có.

   Khí chất tự chủ được toát lên từ sự so sánh đầy mới mẻ mà tiền lệ chưa từng có. Nó có giá trị hiển nhiên ở bất cứ thời điểm nào, cho bất cứ dân tộc nào. Nhưng vào lúc ấy, cách khẳng định chủ quyền với cường quốc bắc phương như thế là một đòn giáng chí mạng vào những kẻ đang thừa cơ gây họa đối với dân tộc ta.

   Và còn có cả nỗi căm hờn, uất nghẹn với tội ác tày trời của bè lũ cướp nước và bán nước. Làm sao chúng ta có thể quên những cảnh tượng đầy ám ảnh:

    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

   Suốt hai mươi năm bại nhân nghĩa, nát cả đất trời, từ con người thậm chí đến loài côn trùng cây cỏ cũng đều bị tàn sát thương tâm. Tội ác ấy nước Đông Hải không rửa sạch mùi, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, muôn đời chứng cớ còn ghi. Mỗi cảnh người, cảnh nhà, cảnh đất nước đều tan hoang dưới lưỡi lê của loài khát máu… Làm sao chúng ta quên? Nguyễn Trãi như chạm vào nỗi đau nhức nhối đến tận tim gan, xương tủy, mà hiển nhiên nhận ra biết bao kẻ thù, đâu chỉ giặc Minh trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước cũng đều mang chân tướng của những kẻ bạo tàn. Vì thế mà một nỗi đau như làm trỗi dậy nhiều nỗi đau để rồi không được quên sứ mệnh phải bảo vệ đất nước, đánh đuổi bè lũ kia.

   Hơn thế, có cả sự trăn trở, lo âu cho vận mệnh đất nước với tấm lòng ái quốc, thương dân chứa chan. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Trãi dùng đến hơn hai mươi câu văn để nói về chủ tướng Lê Lợi. Một hình mẫu của bậc anh hùng bước ra từ đời sống của nhân dân. Từ xuất thân đến cách xưng hô đều rất gần gũi, Lê Lợi đau nỗi đau dân tộc như dân mình, căm thù và nung nấu quyết tâm trả thù giặc như dân mình, khát vọng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đánh giặc như dân mình. Từ thấu hiểu, thương yêu đến hành động, vị lãnh tụ ấy đã biến yếu thành mạnh, lấy ít địch nhiều, sáng tạo ra những cách đánh xuất kì, mai phục dần dần tiến đến những thắng lợi vẻ vang. Nhưng đọc Bình Ngô đại cáo chắc chắn ai cũng biết, quân ta thắng đâu chỉ bởi có những thuận lợi trên, mà còn bởi nhân dân bốn cõi một nhà, tướng sĩ một lòng phụ tử và luôn nêu cao tinh thần:

    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

    Lấy chí nhân để thay cường bạo

   Đại nghĩa, chí nhân – chẳng phải là kim chỉ nam, là ánh sáng soi rọi cho dân tộc ta lập những chiến công oai hùng sau đấy. Và muôn đời sau tư tưởng này vẫn mãi mãi trở thành ngọn đuốc cho tinh thần đấu tranh chính nghĩa của Đại Việt trước mọi kẻ thù.

   Hay cả khí thế sục sôi, quyết liệt của những ngày tháng kháng chiến oai hùng. Có lẽ chất hùng văn của bản đại cáo được thể hiện rõ nhất ở đoạn tái hiện lại trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Liên tiếp những trận đánh, liên tiếp những đợt phản công của ta cũng là liên tiếp những lần thất bại của kẻ thù. Xuất phát từ xứ Nghệ, xứ Thanh rồi đến Đông Đô, Thăng Long, khung cảnh chiến trường đầy khốc liệt sấm vang chớp giật, trúc trẻ tro bay, máu chảy thành sông, thây chất đầy nội, sắc phong vân phải đổi, ánh nhật nguyệt phải mờ. Ta cứ thế mà thừa thắng xông lên bẻ gãy từng họng kìm, chặn đứng mọi ngả đường chi viện. Địch hiện lên hoàn toàn đối lập với lúc xưa. Trước đó thằng há miệng, đứa nhe rang, máu mỡ bấy no nê chưa chán vậy mà giờ nghe hơi mà mất vía, nín thở cầu thoát thân, bêu đầu, bỏ mạng, bó tay để đợi bại vong, trí cùng lực kiệt, thất thế, cụt đầu, bại trận tử vong, cùng kế tự vẫn, lê gối dâng tờ tạ tội, trói tay để tự xin hàng… Nguyễn Trãi đã tái hiện lại dường như không bỏ sót, chân tướng kẻ thù hiện lên thật nhục nhã, thảm hại. Tuy nhiên điều tâm phục, khẩu phục trong chiến thắng của ta chính là ở con đường hiếu sinh mở ra cho giặc. Một lần nữa tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời lại phát huy. Biết dừng đúng lúc, không dồn kẻ thù đến bước đường cùng, đó là đại nghĩa, chí nhân. Chiến thắng ấy mới trở thành bất tử, huyền thoại trong lịch sử nước nhà. Âm vang của một thuở oai hùng cũng vì thế mà vang vọng đến ngàn năm.

   Cuối cùng cảm xúc vút lên thành lời ca đầy trang trọng, hào sảng, hạnh phúc, vui sướng vì đất nước hoàn toàn độc lập, tự do. Giấc mơ về hòa bình nay đã trở thành hiện thực. Hẳn là người viết phải xúc động biết chừng nào!

    Xã tắc từ nay vững bền,

    Giang sơn từ đây đổi mới.

    Kiền khôn bĩ rồi lại thái,

    Nhật nguyệt hối rồi lại minh,

    Muôn thuở nền thái bình vững chắc,

    Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.

   Quy luật của tồn vong, suy thịnh là như thế, nhưng vẫn phải xuất phát từ sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân tướng sĩ, từ tài năng trác việt của những bậc anh hùng, từ nền tảng trọng nhân nghĩa, chuộng hòa bình. Điểm tựa ấy có từ hàng trăm năm trước và vẫn trở nên vững chắc cho hàng trăm năm về sau mà bài cáo như một lời nhắc nhở.

   Đúng là Bình Ngô đại cáo, khúc khải hoàn ca, anh hùng ca sáng chói cả một thời đã hội tụ biết bao nhiêu cảm xúc vậy như thể tiếng chuông ngân vang, đồng vọng từ quá khứ dội về, hướng chúng ta ở thời đại nào cũng thấy tự hào, kiêu hãnh. Nguyễn Trãi đã biến một văn kiện lịch sử mang tính khô khan, cứng nhắc, đầy chất sắc lệnh, trở thành một áng hùng văn say mê, trong sáng và có giá trị đến nghìn đời.

   Nhưng ý nghĩa “thiên cổ hùng văn” của tác phẩm còn thể hiện ở nghệ thuật viết văn chính luận tài tình, kiệt xuất của Nguyễn Trãi. Điều đáng nhớ của Đại cáo bình Ngô là đã đưa nghệ thuật viết văn chính luận trung đại đạt đến một trình độ mẫu mực, bậc thầy. Bản đại cáo hướng tới đối tượng là nhân dân bá tánh Đại Việt để tuyên bố về nền độc lập sau chiến thắng giặc Minh. Tuy nhiên, chiến tranh không còn nhưng tính luận chiến của nó vẫn sáng tỏ. Nhà văn vẫn hướng một mực tới kẻ thù, tới thế lực cực cường mà bao đời nay luôn nhòm ngó. Nền độc lập là quyền bất khả xâm phạm, không chỉ quân Lam Sơn đã bảo vệ thành công mà từ đời trước đến cả đời sau vẫn vậy. Nên bài cáo như một lần nữa chiến đấu trực diện với kẻ thù trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta có đầy đủ các yếu tố tương xứng để xác lập chủ quyền, đã kiên cường đứng lên chiến đấu để bảo vệ. Chiến thắng của ta là có thật, thất bại của kẻ thù không còn gì bàn cãi. Bản đại cáo vang lên như một lời phán xử cuối cùng tại tòa án nhân nghĩa. Lời phán xử ấy đanh thép, hùng hồn khắc sâu vào tâm khảm người dân đất Việt mãi ngàn năm.

   Bên cạnh đó, bản đại cáo có một kết cấu vô cùng chặt chẽ. Xuất phát từ cơ sở lí luận nêu chân lý chính nghĩa muôn đời đến vạch trần tội ác trời không dung đất không tha của kẻ thù để nói lên thực tiễn cần phải đấu tranh để bảo vệ chân lý ấy. Nguyễn Trãi đã đặt nền móng vững chắc rồi dần dần xây những bức tường thành vững trãi về quá trình bảo vệ độc lập của nhân dân ta. Lối văn biền ngẫu được Nguyễn Trãi sử dụng rất tài tình. Sự đối xứng trong từng câu văn kết hợp với bút pháp tương phản, ước lệ đậm chất sử thi đã dựng nên một bức tranh tráng lệ, oai hùng một thuở. Lập luận trong bài cáo đầy sắc bén khi lấy tư tưởng nhân nghĩa làm gốc. Mọi nội dung triển khai đều dựa trên tư tưởng này. Vì vậy mới vạch trần được bộ mặt xảo trá, thâm độc của kẻ thù, mới thấy cuộc kháng chiến đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc là chính nghĩa. Cứ từ nhân nghĩa thì việc đất nước được hòa bình là điều tất yếu mà thôi. Ngôn ngữ của bài cáo cũng là một trong những yếu tố làm nên giá trị, vì giàu chất tạo hình, tạo nên đa dạng sắc thái giọng điệu mang tới nhiều cảm xúc. Tuy nhiên một trong những yếu tố nữa để bản đại cáo mãi trường tồn là phần văn bản dịch rất thành công, đã chuyển tải một cách nguyên vẹn cảm xúc từ văn bản gốc để các thế hệ sau cảm nhận được dễ dàng.

   Xin được mượn lời của nhà thơ Xuân Diệu để thay cho lời kết: “Trước Lê Lợi, đã từng có chiến thắng oanh liệt đuổi sạch quân Nguyên xâm lược ở thời nhà Trần, sau thời Lê Lợi, sẽ có chiến thắng thần tốc của vua Quang Trung đánh đuổi 20 vạn quân Thanh xâm lược, nhưng trong văn học sử chỉ có một áng văn Bình Ngô đại cáo, bởi các lẽ: không có ba Nguyễn Trãi để viết ba áng văn khải hoàn mà lịch sử đòi hỏi ở ba thời điểm, mà chỉ có một Nguyễn Trãi cụ thể, hiệu Ức Trai, ở đầu triều Lê cùng với tài thao lược kinh bang tế thế, đã có cái thiên tài viết văn”.

Chứng minh Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi là áng thiên cổ hùng văn 3

   Nếu thế kỉ XI lũ giặc Tống hồn siêu phách lạc khi nghe âm hưởng của bài thơ thần Nam quốc sơn hà vang lên bên bến sông Như Nguyệt; hay đến thế kỉ XX thực dân Pháp cũng chẳng còn cái cớ nào cho là “khai hóa, mẫu quốc” An Nam sau khi nghe những lời dõng dạc của Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập, thì ở thế kỉ XV, sao chúng ta quên được áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ra đời sau chiến thắng giặc Minh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, bài cáo đã vút cao tinh thần độc lập dân tộc, tinh thần yêu nước mãi còn ghi nhắc đến muôn đời. Cho mãi đến ngày nay, Bình Ngô đại cáo vẫn là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc mình.

   Một tác phẩm được coi là bản tuyên ngôn độc lập thì trước hết tác phẩm ấy phải viết trong hoặc sau một cuộc chiến. Nội dung của bản tuyên ngôn bao giờ cũng có ba nội dung: khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc; tuyên bố thắng lợi; tuyên bố hòa bình. Đối chiếu với những tiêu chuẩn ấy, Bình Ngô đại cáo đáp ứng đầy đủ. Sau chiến thắng giặc Minh, vào mùa xuân năm 1428, thừa lệnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết bài cáo để thông báo nền độc lập dân tộc, chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn và tuyên bố nền hòa bình sau hai mươi năm ròng rã ách đô hộ và chiến tranh. Vì thế khúc tráng ca bất diệt ấy lại trở thành một khúc khải hoàn về một kỉ nguyên mới của dân tộc, kỉ nguyên hoàn toàn độc lập, tự do.

   Bằng lối văn biền ngẫu nhịp nhàng, giọng điệu đầy hào hùng, khí thế, Bình Ngô đại cáo đã mở màn với những lời khằng định “Đại Việt là đất nước của chúng ta”:

    Như nước Đại Việt ta từ trước

    …

    Song hào kiệt đời nào cũng có.

   Với thủ pháp liệt kê qua hàng loạt các yếu tố như: nền văn hiến, núi sông bờ cõi, phong tục, lịch sử và hào kiệt đã xác lập một cách trọn vẹn về nền độc lập của nước nhà. Còn nhớ trong Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt mới chỉ khẳng định bằng một phương diện đó là lãnh thổ, nhưng lại ở sách trời. Đến Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã nâng tầm chân lý độc lập lên nhiều phương diện rất cụ thể chứ không mơ hồ. Tuy nhiên sức thuyết phục trong cách khẳng định độc lâp chủ quyền này ở chỗ, nhà văn chính luận kiệt xuất ấy đem đặt trong thế so sánh giữa hai quốc gia Đại Việt với Đại Hán. Không xét đến các yếu tố lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, mà xét theo việc có hay không, thì cả năm yếu tố nhà văn chỉ ra hai đất nước, hai dân tộc đều tương xứng. Cách khẳng định chân lý độc lập vì thế mà có giá trị cao hơn, vừa chắc chắn vừa nâng tầm vị thế của dân tộc ta ngang hàng với dân tộc, quốc gia Đại Hán. Hơn nữa, các từ ngữ từ trước, đã lâu, đã chia, cũng khác,bao đời,… liên tiếp nhau càng nhấn mạnh tới việc khẳng định nền độc lập, chủ quyền ấy đã có từ rất lâu, cũng lâu như thể sự tồn tại của đế cường phương bắc vậy. Bởi thế, bản đại cáo mở màn với lời khẳng định đầy đanh thép, chắc chắn “không thể chối cãi” mà lịch sử đã từng xem xét, còn ghi.

   Bình Ngô đại cáo đã ghi nhận một chân lý độc lập đầy tinh thần nhân nghĩa. Độc lập ấy có được không phải do thiên định mà do nhân định. Chính nhân dân bao đời là người đã gây dựng nền độc lập. Bao xương máu đã đổ xuống, bao sự đồng cam cộng khổ, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của nhân dân cả nghìn năm. Vì thế đó là điều “bất khả xâm phạm”. Suốt cả sáu trăm năm khi đất nước độc lập tự chủ, lần đầu tiên chân lý chủ quyền dân tộc được vang lên một cách dõng dạc, khí thế, tự hào đến vậy. Đó chính là nền móng vững trãi, là cơ sở pháp lý, lí luận xác đáng để Nguyễn Trãi tiếp tục lên án những kẻ bạo ngược đã cố ý xâm phạm chủ quyền nước ta.

   Bản “tuyên ngôn” Bình Ngô đã đanh thép kết án tội ác của giặc Minh đã gieo rắc tai vạ cho dân ta trải suốt hai mươi năm trời. Từ âm mưu thâm độc đến những hành động man rợ, bạo tàn, trắng trợn mà Nguyễn Trãi đã viết trong căm hờn, uất nghẹn:

    Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

    Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

    Lẽ nào trời đất dung tha,

    Ai bản thần nhân chịu được.

   Vậy mà nén đau thương thành hành động, cả dân tộc cùng đứng lên:

    Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;

    Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.

   Cả bản đại cáo là bài tráng ca, anh hùng ca về những chiến công hiển hách, vinh quang mà dân tộc đã chung sức, chung lòng làm nên được. Đúng là chỉ có chân lý độc lập tự do mới đem đến khí thế, khát vọng cháy bỏng như thế. Nguyễn Trãi hẳn đã chờ, chờ suốt bao nhiêu năm để tự mình viết lên những khoảnh khắc lịch sử chẳng bao giờ quên ấy. Để hơn một lần ông khẳng định chắc chắn cuộc chiến này, sự đồng khởi này là xuất phát từ chính nghĩa. Dùng sức mạnh bạo lực của chính nghĩa để đập tan bạo lực phi nghĩa. Chiến thắng giặc Minh năm xưa một lần nữa ghi thêm vào lịch sử điếu phạt đối với những kẻ bạo ngược, vi phạm chủ quyền, tham công nên thất bại, thích lớn phải tiêu vong.

   Cũng bởi vậy sau bao gian khổ mà vinh quang, dân tộc đã đã đón được “trái ngọt”:

    Xã tắc từ đây vững bền,

    Giang sơn từ đây đổi mới.

    Kiền khôn bĩ rồi lại thái,

    Nhật nguyệt hối rồi lại minh.

    Muôn thuở nền thái bình vững chắc,

    Ngàn thu vết nhục nhã sạch lầu.

   Giọng thơ có phần thư thái nhưng vẫn vút cao, vang dội. Vững bền, đổi mới, vững chắc… là những lời tuyên bố đầy hào sảng trong hân hoan, sung sướng. Quy luật của cuộc đời là vậy bĩ rồi lại thái, hối rồi lại minh, nhưng chắc chắn trải qua được quy luật ấy là sự nỗ lực của cả dân tộc bao đời để giữ vững nền độc lập. Các hình ảnh xã tắc, giang sơn, kiền khôn, nhật nguyệt cứ tăng dần về độ lớn có sức mạnh vũ trụ, dường như mới đủ đo được cảnh thái bình. Chân lý độc lập cứ thế mà vang xa, vang rộng mãi. Nhưng Nguyễn Trãi vẫn không quên ơn nhờ có sự giúp sức, phù trợ của trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới có kết quả thắng lợi to lớn như vậy. Lời tuyên bố còn chứa đựng cả đạo lý uống nước nhớ nguồn. Bởi vậy mới nói, tác giả của bài cáo không chỉ tài năng trác việt mà đức độ cũng vô biên. Giá trị độc lập, chủ quyền của bản đại cáo được thiết lập bởi những tư tưởng nhân văn, truyền thống đạo lý gốc rễ như vậy.

   Trước tác của Binh Ngô đại cáo vốn là một văn kiện lịch sử và rồi tác phẩm còn được coi đó là một áng “thiên cổ hùng văn”, áng văn chính luận bất hủ. Nhưng dù ở giá trị nào cũng không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của nó vào hệ tư tưởng độc lập dân tộc mang tầm vóc quốc tế. Tầm vóc lớn lao ấy của nó một lần nữa khẳng định đây là một bản tuyên ngôn độc lập đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc muôn dân và khát vọng hòa bình của toàn nhân loại.

Chứng minh Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi là áng thiên cổ hùng văn 4

Núi kia ai lấp mà cao?

Sông kia, bể nọ ai đào mà sâu?

Ông cha ta ngàn đời đã gây dựng, giữ gìn núi sông, đất nước này để truyền lại cho chúng ta hôm nay. Đất nước, dân tộc ta tồn tại, phát triển chính là nhờ nhân dân ta có truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc.

Ba áng thơ cổ: “Sông núi nước Nam”; “Hịch tướng sĩ” và “Đại cáo bình Ngô” đã phản ánh sâu sắc truyền thống yêu nước nồng nàn và lòng tự hào dân tộc chân chính của ông cha ta xưa kia.

Khi quân xâm lược nhà Tông tràn sang nước ta, Lí Thường Kiệt đọc bài thơ “Thần" như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất khẳng định chủ quyền nước Nam là của dân Nam. Khi đại quân Mông Nguyên do Thoát Hoan cầm đầu kéo sang xâm phạm chủ quyền dân tộc, vào năm 1285, “Hịch tướng sĩ” đã được Trần Quốc Tuấn truyền dạy trong các cấp tướng sĩ của mình. Và khi kết thúc mười năm kháng chiến gian khổ chống quân Minh, thắng lợi trọn vẹn vào năm 1428, Nguyễn Trãi đã tổng kết bằng bản văn “Bình Ngô đại cáo” bất hủ.

Ba áng thơ văn đều vang lên tiếng nói yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm và niềm tự hào về một dân tộc anh hùng.

Yêu nước và tự hào dân tộc là một truyền thông vô cùng quí báu mà từ khi hình thành dân tộc này, đất nước này, ông cha ta đã truyền lại cho đến ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.

Lí Thường Kiệt khẳng định: Nước Nam có lãnh thổ riêng, có chính quyềnriêng.

“Sông núi nước Nam vua Nam ở”.

Điều này đã được ghi ở “sách trời”. Sách trời là cơ sở pháp lí, là “thiên định”. Lí Thường Kiệt đã ghi lại những điều ấy để quân giặc thấy rõ hơn và quân dân ta càng tin tưởng hơn!

Rành rành định phận ở sách trời.

Lí Thường Kiệt vịn vào “thần”, vào “sách trời” để nêu chính nghĩa của dân tộc. Trần Quốc Tuấn không nói đến “thần” nữa. Vì nước ta thật sự đã có chủ quyền, có văn hóa: Triều đình riêng, nhạc thái thường, thái ấp, tông miếu. Vậy mà quân giặc là loài dê chó dám xâm phạm, làm nhục nước ta!

Đến thế kỉ XV, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi viết bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai đã nêu đầy đủ niềm tự hào chân chính của dân tộc Đại Việt:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc - Nam củng khác...

Nước ta thật sự là một nước độc lập, có chủ quyền. Nhân dân ta đã ra sức bồi đắp thành nền văn hiến ngàn năm. Trên lãnh thổ này đã có dân Việt với nền văn hóa riêng, khác hẳn văn hóa phương Bắc. Anh hùng hào kiệt thì nước Đại Việt lại càng không thiếu.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập.

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương.

Tự hào dân tộc, cha ông ta càng yêu nước nồng nàn. Khẳng định “Sông núi nước Nam vua Nam ở” là một khẳng định yêu nước. Vua tức là nước, lúc bấy giờ nói vua Nam hay hoàng đế nước Nam chính là đối chọi lại với “Thiên triều” Trung Hoa. Không phải là tuyên chiến, mà là cảnh cáo quân giặc cướp nước, cho chúng biết trước cái thất bại thảm hại tất yếu sẽ đến với chúng.

Cớ sao lũgiặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Lí Thường Kiệt đã nói lên truyền thống yêu nước nồng nàn và niềm tự hào dân tộc chân chính. Không tự hào dân tộc chân chính thì không dám đánh giặc giữ nước. Ta phải đánh giặc vì giặc xâm phạm đất nước ta.

Ở“Hịch tướng sĩ”, niềm tự hào dân tộc càng sâu sắc hơn. Vì tự hào dân tộc nên cảm thấybao nhiêu cái nhục khi quân giặc xâm phạm chủ quyền:

“Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn...”.

Yêu nước là phải biết bảo vệ, gìn giữ đất nước, không thể ngồi yên, khoanh tay nhìn cảnh “sứ giặc đi nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ..., vơ vét tiền của bạc vàng”. Phải hướng tất cả lòng căm thù về phía quân giặc cướp nước: “Ta thường tới bữa quên ăn, nữa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù, dẫu chotrăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng...”.

Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi, cũng là viết thay nhân dân niềm tự hào chân chính của dân tộc. Quá trình dựng nước, giữ nước được tổng kết: “Song hào kiệt đời nào cũng có”. Vậy nên:

Lưu Cung tham công nên thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

Sông Bạch Đằng giết tươi ÔMã.

Việc xưa xem xét Chứng cớ còn ghi.

Nhân dân yêu nước đã tập hợp chung quanh Lê Lợi, người anh hùng áo vải của đất Lam Sơn:

“Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới, tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào...”.

Bởi chính vì Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng yêu nước hơn ai hết, hai người không thể ngồi yên nhìn quân Minh tàn bạo “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ...”, mà đã phải đau xót, căm hờn, quyết tiêu trừ giặc cướp nước: Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống. Đau lòng, nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời...”.

Ở“Bình Ngô đại cáo", chúng ta càng thấy trọn vẹn lòng yêu nước cao độ và niềm tự hào dân tộc chân chính. Chính lòng yêu nước, tự hào dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng quân xâm lược dù chúng đông hơn, mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, ông cha ta thường lấy lòng tự hào dân tộc chính làm chính nghĩa để tập hợp lực lượng, đoàn kết nhân dân chống giặc.

Nguyễn Trãi xác định lập trường chính nghĩa sáng ngời:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Trần Quốc Tuấn kêu gọi các tướng của mình, từ bỏ thái độ thờ ơ hưởng lạc trước cảnh đất nước lâm nguy, mà phải: “Huấn luyện quân sĩ, tập dợt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bành Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghị, có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở Cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Khai...”.

Có như vậy mới bảo vệ được “thái ấp” vững bền, xây dựng được hạnh phúc của mình và của đất nước.

Lí Thường Kiệt khẳng định sông núi nước Nam của vua Nam nên dân Nam quyết tâm chiến đấu giết giặc:

“Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Truyền thống yêu nước tự hào dân tộc của ông cha ta gắn bó, thống nhất với nhau làm nên sức mạnh không thể thất bại.

Ngày nay đọc lại ba áng thơ cổ trên, chúng ta vẫn còn nghe vang vọng truyền thông yêu nước bất khuất, niềm tự hào biết bao. Càng tự hào về những chiến công oanh liệt phá Tống, đuổi quân Mông - Nguyên, bình giặc Ngô xâm lược, chúng ta phải giữ gìn, phát huy truyền thông quý báu ấy;

Thế hệ hôm nay thừa hưởng biết bao truyền thông quý báu của ông cha ngàn đời để lại. Yêu nước là phải ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước “to đẹp, đàng hoàng”, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu. Tự hào dân tộc chân chính không phải là tự kiêu, tự mãn, mà phải biết phát huy, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Làm được như vậy thanh niên chúng ta mới xứng đáng là cháu con của dân tộc Việt Nam anh hùng.