Thuyết minh lễ hội đua voi
Tây Nguyên một vùng đất hùng vĩ với những cao nguyên đất đỏ xếp tầng, được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cánh rừng xanh thẳm bạt ngàn, những mảnh đất bazan màu mỡ, khí hậu quanh năm ôn hòa. Nơi đây quy tụ nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, những con người thật thà chất phác mang đậm bản sắc của núi rừng cao nguyên.Có thể nói Tây Nguyên là cái nôi của những sử thi huyền thoại, là vùng đất giàu có với những truyền thống văn hóa độc đáo, đậm chất núi rừng linh thiêng.Đua voi là một trong những lễ hội cuốn hút, độc đáo nhất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Lễ hội được tổ chức vào tháng ba âm lịch, cứ hai năm lại có một lần lễ hội như vậy. Người ta chọn mùa xuân là mùa tổ chức lễ hội đua voi nhằm thể hiện mong muốn một khởi đầu năm mới, tốt đẹp, ấm no hạnh phúc cho người dân khắp các thôn bản, tạo nên một không khí tưng bừng, nhộn nhịp, làm say đắm bất kỳ những ai đã từng đặt chân đến nơi đây. Voi là con vật biểu tượng cho núi rừng Tây Nguyên, từ lâu đã được thuần hoá là vật nuôi rất có ích và chung sống thân thiện với con người. Chúng giúp người dân kéo gỗ, chở đồ, vận chuyển hàng hoá, và đặc biệt chúng còn được huấn luyện để biểu diễn trong các lễ hội, trong các sở thú. Voi là loài động vật to lớn nhưng hiền lành, thông minh và có khả năng ghi nhớ rất nhanh, chính vì lẽ đó mà chúng từ lâu trở thành người bạn thân tình, gắn bó với người dân Tây Nguyên cả trong chiến tranh và trong đời sống hàng ngày. Đây được coi là loài động vật linh thiêng và được nhân dân yêu quý, tôn kính như một biểu tượng mạnh mẽ của mảnh đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió.
Quả thật Tây Nguyên là một vùng đất có không khí thích hợp để tổ chức các lễ hội vui tươi. Lễ hội Đua Voi được tổ chức tại Đăk-Lăk nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá, tinh thần thượng võ và tài nghệ cưỡi voi của đồng bào Tây Nguyên. Hội Đua Voi được tổ chức cùng với các lễ hội khác như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho Voi, Lễ Ăn Trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), Lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), Văn hóa cồng chiêng... Đồng bào tin vào một năm mới tràn đầy niềm vui, mùa màng bội thu, nhà nhà được ấm no hạnh phúc.
Hội Đua Voi được tổ chức rất hoành tráng nhộn nhịp nhưng chỉ kéo dài trong vòng một ngày duy nhất. Tuy nhiên công việc chuẩn bị đã diễn ra từ trước đó vài tháng, những con voi dự thi sẽ được chủ của chúng đưa tới những bãi cỏ xanh ngát, được ăn uống no nê đủ các loại trái cây, rau cỏ như: Đu đủ, mía,...Chúng không phải làm việc mà nghỉ ngơi để dưỡng sức thi đấu thế nên chú voi nào cũng béo tốt, tràn đầy năng lượng. Tới ngày hội, đàn voi nô nức tập trung về một bãi đất trống rộng lớn để thi tài, tại những bãi đất bằng phẳng các chú voi phải trải qua ba phần thi gay cấn: Voi chạy tốc độ, Voi bơi vượt sông Sêrêpốk, Voi đá bóng. Người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên kéo đến để thưởng thức lễ hội, các bộ y phục sặc sỡ màu sắc, tiếng vỗ tay cổ vũ náo nhiệt, khiến cho lễ hội thêm phần náo nhiệt, rộn rã. Ngoài ra khi du khách đến tham quan được hoà vào không khí hội, còn được thưởng thức những món ăn đặc sản đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Hội Đua Voi bắt đầu bằng khi vị trọng tài thổi một tiếng tù vang vọng báo hiệu trận đua sắp bắt đầu, những chú voi thông minh, mạnh mẽ, dưới sự chỉ huy dẫn dắt của các chàng trai dũng cảm, khỏe mạnh bậc nhất từng buôn làng lần lượt tiến vào vạch xuất phát, từ từ quỳ bốn chân xuống, như một lời chào thân thiện dành cho những người cổ vũ. Thông thường một đội đua gồm hai chàng trai gọi là các Man-gát, mang trên mình những bộ quần áo thổ cẩm có màu sắc sặc sỡ, có thể cột thêm một dải vải màu để phân biệt các đội. Sau khi xong thủ tục chào hỏi, trọng tài lại thổi tiếp một hồi tù khác, hồi tù này dứt khoát và mạnh mẽ hơn nhiều, để bắt đầu cuộc đua, những chú voi tiến lên phía trước trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả, tiếng gõ chiêng, tiếng reo hò vang dội như tăng thêm nhuệ khí cho từng vận động viên. Đàn voi cứ thế lao đi, chàng trai ngồi đầu dẫn voi, luôn cúi rạp mình áp sát vào lưng voi để ổn định cơ thể, tránh sức cản của không khí góp phần khiến voi chạy nhanh hơn. Đôi mắt lúc nào cũng thận trọng quan sát tứ phía và điều khiển chú voi bằng một thanh sắt nhọn dài khoảng 1 mét, mỗi khi voi chạy chậm lại họ lại dùng cây sắt đâm vào mông khiến voi đau, nó liền lồng lên và chạy nhanh hơn nữa. Nhưng không chỉ chạy nhanh là được, voi còn phải chạy đúng đường của mình, đây là nhiệm vụ của người ngồi phía sau, họ sẽ dùng một cái búa gọi là búa Kốc, nện vào mông voi để voi chạy thẳng hướng, tránh lấn sang làn của đội khác, theo đúng lộ trình đã vạch ra. Càng về gần đích, tiếng hò reo cổ vũ cùng tiếng chiêng, trống hòa nhịp gõ vang, rộn ràng náo nhiệt cả một vùng lại càng to, voi thấy thế lại càng hăng, cố sức phóng về đích. Hội đua kết thúc, các chú voi trở về buôn làng trong sự tự hào, kính trọng khôn xiết của người dân nơi đây.
Hội Đua Voi kết thúc buôn làng kéo nhau quây quần cùng nhau ăn uống, vui chơi. Tiếng cồng chiêng vang lên nồng cháy, những chàng trai cô gái nắm tay nhau nhảy múa quanh quanh đống lửa sáng rực. Những cụ già say sưa trò chuyện vui vẻ. Lễ hội dường như gắn kết con người lại với nhau, khiến họ trở nên gần gũi thân tình, mang một màu sắc tươi mới phủ lên vùng đất cao nguyên hùng vĩ.
Lễ hội Đua Voi từ lâu đã trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên vùng đất Tây nguyên đầy nắng và gió, chứa đựng màu sắc anh hùng thượng võ, lối sống mạnh mẽ của đồng bào nơi đây từ thuở xa xưa. Đến với Bản Đôn du khách sẽ được thỏa sức thả hồn vào thiên nhiên núi rừng thơ mộng, được khám phá những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, được thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng. Ngày nay lễ hội Đua Voi không còn chỉ gói gọn trong văn hoá buôn làng Bản Đôn mà đã được phát triển thành một lễ hội du lịch thú vị, hấp dẫn du khách gần xa.