Thuyết minh về sông Bạch Đằng hay nhất (2 mẫu)

Thuyết minh về sông Bạch Đằng 1

Theo sử sách xưa kia sông có tên gọi là Vân Cừ, nhưng trong dân gian nó lại mang một một cái tên mộc mạc: sông Rừng. Người dân bảo rằng do ngày xưa hai bên bờ có rất nhiều cây cổ thụ và thường có sóng bạc đầu nên còn có tên gọi là Bạch Đằng giang.

Chính cái tên ấy đã được ghi vào sử sách để nhắc nhở người đời về những chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước chống lại các thế lực ngoại xâm. Bắt đầu với chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 chống quân Nam Hán, tiếp theo đó, năm 938 cũng chính tại con sông này, Lê Hoàn đã hạ gục quân Tống. Cuối cùng năm 1228, trận thủy chiến lịch sử giữa Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông đã một lần nữa khẳng định sức mạnh của quân dân nước Việt.

Sông Bạch Đằng tuy không dài, chỉ khoảng 32km, nhưng bao la hùng vĩ, là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh: Hải Phòng và Quảng Ninh. Đồng thời là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa) từ miền nam Trung Quốc, từ cửa sông Nam Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Các loại tàu thuyền có tải trọng 300-400 tấn tham gia vận tải được cả 2 mùa.

Sông Bạch Đằng là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử, là người Việt, học sử Việt mà một lần được diện kiến con sông, ta sẽ không khỏi ngạc nhiên, xúc động trước sự oanh liệt của khí thế chiến đấu và lòng yêu nước của ông cha ta. Đi vào các làng ven sông Bạch Đằng, du khách sẽ được nghe các sự tích thành hoàng, hay thấy bản sắc phong ở đình miếu do vua chúa các triều đại ban cho các vị danh tướng, công thần trong đó nhiều nhất là đời Trần. Họ được nhân dân ghi công và lập đền thờ: đình và đền thờ Ngô Quyền, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ bà cụ bán nước có công giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc... Ở bãi sông Chanh dưới chân núi Tràng Kênh còn tìm thấy nhiều cọc gỗ lim đầu vạt nhọn, cao đến ba, bốn mét, hiện được trưng bày ở Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam. Hàng năm trên dòng sông lịch sử này thường tổ chức những Hội thi bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài: "Nghệ thuật cắm cọc sông Bạch Đằng", tác giả Vũ Xuân Xuê - Chi hội khoa học lịch sử huyện Vĩnh Bảo và các cộng sự đã sưu tầm được một số nguồn tài liệu có liên quan đến việc quân và dân thời nhà Trần áp dụng kinh nghiệm cắm cọc quai đáy trên dòng chảy của ngư dân đánh cá Hạ Bì (tên nôm là làng Quát), thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vào việc xây dựng trận địa cọc trên sông Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ 3 (năm 1288).

Theo các tác giả thì chính danh tướng Yết Kiêu, người con giỏi nghề sông nước của trang Hạ Bì xưa là người đã trực tiếp giúp Trần Hưng Đạo chỉ huy và tổ chức xây dựng trận địa cọc trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Tại buổi sinh hoạt khoa học, ông Vũ Xuân Xuê đã giới thiệu bằng trực quan rất sinh động và có tính thuyết phục cao về kỹ thuật sử dụng phương tiện thuyền, bện dây nháng bằng rễ cây dứa dại cũng như kỹ thuật làm cọc nháng, dây nháng, que ngang, cọc kháp (khuyết), kỹ thuật đẽo cọc gỗ vát hình lưỡi mai… trong nghệ thuật cắm cọc trên sông.

Đặc biệt, ông Xuân đã giới thiệu một cách thuyết phục, tỉ mỉ quy trình cắm cọc gỗ lớn trong điều kiện nước chảy xiết như: kỹ thuật cắm cọc nháng, cách cố định đầu cọc kháp, phương pháp thả và định vị cọc gỗ dưới nước, thao tác dùng thuyền và các công cụ hỗ trợ cắm cọc, phương pháp liên kết bãi cọc trong thế liên hoàn…

Thuyết minh về sông Bạch Đằng 2

Bắt nguồn từ hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, sông Bạch Đằng hiểm yếu mà hùng vĩ chảy giữa hai huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh). Khi thuỷ triều lên, mặt sông ở vùng Tràng Kênh trải rộng hơn 1.200m. Theo sông Đá Bạc chảy xuống đến đầu bắc dãy núi Tràng Kênh, sông Bạch Đằng phình to hẳn ra. Đó là nơi tập trung của 5 con sông: sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn và sông Giá, sông Thái, sông Gia Đước bên hữu ngạn đổ ra cửa Nam Triệu. Trong cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi lại chép tên sông là Vân Cừ: “Sông Vân Cừ sâu, sông rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước, núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thực là nơi hiểm yếu. Nước ta khống chế người Bắc, sông này là cổ họng”. Đặc điểm địa hình nổi bật của thượng lưu sông Bạch Đằng là sông núi tiếp liền nhau. Từng ngọn núi nhấp nhô của vùng núi đá Tràng Kênh ở phía đông huyện Thuỷ Nguyên kéo nhau chạy sát tới bờ sông. ở đây có nhiều thung lũng nhỏ nằm gọn giữa những núi đá vôi nối liền với lạch nước ra tận bờ sông. Các con sông bên tả và hữu ngạn chạy theo các thung lũng, len qua các dãy núi là đường giao thông thuận lợi. áng núi và lạch sông là nơi có thể tập trung quân thuỷ bộ với khối lượng lớn, giấu quân kín đáo, xuất kích bí mật và dễ dàng, nhanh chóng.

Đại Nam Nhất thống chí - Quốc sử quán nhà Nguyễn, dẫn sử cũ chép: Đời Ngũ Đại, năm Thiên Phúc thứ 3 nhà Hậu Tấn, Lưu Hoằng Thao nước Nam Hán xâm lấn. Ngô Vương Quyền trồng cọc gỗ ở sông, đem quân khiêu chiến bắt được Hoằng Thao. Năm Thiên Phúc thứ 2, đời Lê Đại Hành, tướng Tống là bọn Hầu Nhân Bảo, Lưu Trừng xâm lấn đến đây, Lê Đế (tức Lê Hoàn) sai sĩ tốt trồng cọc gỗ ở sông để ngăn cản, bắt giết được Hầu Nhân Bảo. Năm Trùng Hưng thứ 4 đời Trần Nhân Tông, quân Nguyên xâm lấn, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cự chiến, trồng cọc gỗ ở sông, phá tan quân Nguyên...”. Trong 3 chiến công trên, chiến công đại phá quân Nguyên năm 1288 được coi là vang dội nhất, được nhiều sử gia ghi nhận là đã tạo bước ngoặt quan trọng đối với cục diện thế giới, làm đảo lộn kế hoạch bành trướng của đế quốc Nguyên Mông hung hãn lúc bấy giờ.

Kể từ cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, việc phát hiện ra các bãi cọc gỗ ở Yên Giang, Nam Hoà, Điền Công (Yên Hưng) đã làm sáng tỏ những ghi chép có phần sơ lược trong các tư liệu lịch sử cũ để lại. Các nhà nghiên cứu đã đi sâu phân tích và nhận định đó là những cọc gỗ của trận địa mà Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên năm 1288. Cũng từ phát hiện bãi cọc, bằng thực tiễn và cơ sở lý luận nhà sử học Đào Duy Anh đã phân tích và cho rằng do có sự thay đổi của sông Hồng phía trên mà dẫn tới sự đổi dòng của sông Bạch Đằng. Sông Bạch Đằng cũ chính là dòng sông Chanh bây giờ. Nơi đào được bãi cọc Yên Giang ngày nay chính là nằm trong lòng sông Bạch Đằng xưa.

Chiến công vĩ đại của quân dân nhà Trần lập trên sông Bạch Đằng năm 1288, đã khiến cho con sông đi vào lịch sử trên nhiều góc cạnh khác nhau. Bao thế kỷ qua, Bạch Đằng luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều bậc hoàng đế, danh nhân, thi sĩ tụng ca khi có dịp đi qua đây. Nhiều tác phẩm trong đó đã nổi tiếng như Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu, Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi, Bạch Đằng Giang của vua Trần Minh Tông... Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã lấy tên Bạch Đằng để đặt cho tên đường, trường, phường, cảng biển v.v. Sông Bạch Đằng cũng là địa danh duy nhất của Quảng Ninh được triều đình nhà Nguyễn chọn khắc vào Nghị đỉnh (là 1 trong 9 “cửu đỉnh”) bằng đồng, đặt tại kinh đô Huế. Hiện ở hai bên bờ sông có 8 di tích liên quan mật thiết tới Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia; như đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà, đình Yên Giang, hai cây lim Giếng Rừng, đền Trung Cốc v.v. Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng đã và đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành nhiều quan tâm trong việc đầu tư tôn tạo cho tương xứng với vị thế của nó, nhằm biến nơi đây không chỉ trở thành quần thể di tích lưu niệm chiến công vĩ đại trong lịch sử dân tộc mà còn thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế.

Cuộc sống đôi bờ sông Bạch Đằng ngày một đổi mới. Người dân Yên Hưng, Quảng Ninh nói riêng, người Việt Nam nói chung, mãi tự hào về Bạch Đằng giang - một thiên anh hùng ca ngàn năm sáng mãi!