Thuyết minh về lễ hội làng Vạc – Nghệ An
Cứ mỗi độ xuân về, Thị Xã Thái Hòa lại tổ chức lễ hội Làng Vạc để nhân dân trong vùng và du khách muôn phương về dâng hương tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân khai dân lập ấp từ thuở hồng hoang, khai sinh ra vùng đất Phủ Quì.
Năm nay, Lễ hội Làng Vạc được tổ chức trong 3 ngày (11 đến 13/3). Hàng ngàn người các dân tộc trên địa bàn và các vùng lân cận đã về tham gia lễ hội. Trong phần lễ, có lễ rước Vạc đồng. Hội rước đông vui, trống dong cờ mở, đồng bào các dân tộc mặc những trang phục truyền thống dân tộc mình bằng vải thổ cẩm hoa văn rực rỡ. Những cô gái Thổ, Thái, Thanh xúng xính trong những trang phục rực rỡ sắc màu, những cô gái Kinh thướt tha tà áo dài tham gia Hội rước Vạc đồng, đây là nét độc đáo của lễ hội làng Vạc. Sau lễ rước là lễ tế tại đền được tổ chức tôn nghiêm, thành kính theo lễ nghi truyền thống được các cụ cao niên trong làng thực hiện, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân được ấm no, hạnh phúc và ngày càng phát triển. Phần hội náo động, tấp nập. Sau ba hồi trống khai hội của Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa Lê Phúc Ân, các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, chọi gà, đấu võ, cờ thẻ, cờ bàn, hội vật,… được mở ra rộn ràng với đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Các cuộc thi đặc sắc như: thi hội cồng chiêng, thi người đẹp làng Vạc, thi kéo co, đẩy gậy nam, nữ, đấu võ, thi vật, bóng chuyền nam, nữ, cắm trại… Sau đó mọi người cùng vui vẻ bên chóe rượu cần. Lễ hội Làng Vạc còn có hội diễn văn nghệ quần chúng với các tiết mục tự biên tự diễn độc đáo của các bản làng, phường xã như: múa cồng chiêng, khắc luống, các tiết mục múa hát truyền thống, hiện đại ca ngợi quê hương đất nước, thể hiện rõ bản sắc văn hóa đặc trưng vùng Phủ Quỳ, một đô thị trẻ năng động trên miền tây đang chuyển mình vươn lên. Hơn 10 năm phục dựng và tổ chức, lễ hội Làng Vạc càng phong phú đa dạng, thu hút ngày càng nhiều du khách, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân trong vùng và trở thành điểm hội tụ của các cộng đồng dân tộc. Đặc biệt năm nay khu đền đã được xây dựng khang trang, có thêm khu trưng bày hiện vật cổ làng Vạc, đã có nhiều người dân trong vùng đã tự nguyện đem hiện vật sưu tầm được đến trưng bày tại đền.