Nghị luận câu: "Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu. Trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối" hay nhất

Nghị luận câu: "Trước một trí tuệ vĩ đại, tôi cúi đầu. Trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối"

Một con người được gọi là hoàn thiện cần phải có ít nhất hai thứ: “Trí tuệ” và “Trái tim”.

Trí tuệ được hình thành từ quá trình học tập, lao động, rút ra từ thực tiễn đời sống. Muốn tồn tại trong xã hội, muốn thành đạt trong cuộc sống, tất nhiên, trí tuệ là quan trọng. Chẳng ai muốn sống cùng một gã ngốc. Những người có một “trí tuệ vĩ đại” luôn được người khác nể phục, nể phục vì mình không bằng họ, không được như họ và nếu như muốn sánh với họ thì quả là một chuyện khó. Họ tài năng, trí tuệ và như có lẽ, lúc nào họ cũng đúng trên ta một bậc thang, vì vậy, ta cúi đầu.

“Trái tim” nghĩa là lương thiện, là hiền lành. Nó được hình thành từ quá trình cọ xát với cuộc sống. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đó gần như là một chân lý của cha ông ngày trước ý muốn nói: trong một hoàn cảnh, môi trường khác nhau sẽ hình thành những nhân cách khác nhau, tốt có, xấu có. Thật sự, một trái tim vĩ đại không dễ gì có được vì trong thời đại xưa cũng như bây giờ, để thành công, người ta thường “sống bằng lừa lọc”, hay “Sống là phải biết tàn nhẫn, phải biết ác” dù xã hội luôn cần một “Thiên lương cao cả”. Người có một trái tim vĩ đại sẽ cân bằng hai điểm cực ấy. Họ yêu mọi người, yêu cuộc sống như yêu chính bản thân họ. Họ làm tất cả vì người khác mà không cần ai đáp trả. Họ cũng sẽ sẵn sàng cho người khác chén cơm của mình trong khi họ đói lã, họ sẽ sẵn sàng nhường chăn trong khi họ đang lạnh cóng- Họ sẽ làm tất cả vì họ biết, những con người tội nghiệp ấy còn đói, còn lạnh hơn mình. Đứng trước một con người như vậy, ta chẳng biết làm gì để xứng với họ, bản thân ta tự nhiên thấy quá nhỏ bé, quá yếu đuối trước một con người như vậy. Và mặc dù, ta và họ cùng đứng trên một con đường nhưng thật ra, tự bản thân họ đã cao hơn ta hàng vạn bậc thang, vì thế, ta bó gối trước trái tim vĩ đại ấy.