Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên hay nhất (2 mẫu)

Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên 1

Lễ mừng lúa mới (Mừng cơm mới) là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng ở Tây Nguyên. Lễ mừng năm mới thường được tổ chức trong vài ba ngày liền, với nhiều lễ thức linh thiêng để cúng khấn thần linh và các hoạt động múa hát làm cho không khí của ngày hội mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh.

Hàng năm, khi những cánh đồng lúa vào mùa chín rộ, đồng bào Xê Đăng (nhánh Xơ Teng), huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum lại nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch và mở hội mừng lúa mới. (ảnh: Thế Dương/Đảng cộng sản Việt Nam) Trước đây, Lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình những ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Để chuẩn bị cho Lễ hội, trước đó cả tuần lễ, già làng sẽ tập trung các gia đình tại Nhà Rông để thông báo thời gian tổ chức và phân công công việc cho các các thành viên trong buôn làng. Thường thì phụ nữ sẽ lo các công việc nội trợ chuẩn bị gạo, gùi nước, hái rau, dọn dẹp nhà cửa, đàn ông thì đi rừng săn bắt các loại thú rừng, đốn củi, sửa sáng lại Nhà Rông.

Theo phong tục, lễ Mừng lúa mới được chia làm hai phần: Phần thứ nhất mừng tại nhà (Ka pa neo); Phần thứ hai là mừng lúa mới tại cộng đồng (On đrô tơ triêng). (ảnh: Thế Dương/Đảng cộng sản Việt Nam)

Trong lễ hội, Già làng là người đứng ra điều hành mọi sinh hoạt chung và đại diện cho buôn tế lễ cảm ơn thần linh cho mọi gia đình có một mùa lúa bội thu. Bà Lương Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu dân tộc Tây Nguyên, cho biết: "Lễ cơm mới diễn ra thường sau mùa thu hoạch vào đầu năm mới của năm Dương lịch. Sau một mùa vụ dù được vụ hay mất mùa thì đồng bào cũng tổ chức Lễ mừng lúa mới nhằm tạ ơn Thần linh đã ban cho họ mùa màng bội thu. Nếu không bội thu thì trong lời cúng của Già làng sẽ xin thần linh trong mùa lúa mới sẽ ban cho mùa màng bội thu."

Để tiến hành nghi lễ theo cách thức truyền thống, đồng bào trang trọng chuẩn bị các vật phẩm cần thiết cho buổi lễ, tiếp đó chủ hộ chọn những thửa ruộng lúa chín đều, bông đẹp làm lễ xin thần Lúa (Noa Sai) cho rước lúa về làng…

Lễ mừng lúa mới vẫn luôn là lễ hội chung của cả cộng đồng, là dịp để các gia đình chuẩn bị những ché rượu cần ngon nhất, nướng cơm lam, nướng thịt góp với cộng đồng buôn làng để tổ chức nghi lễ. Đúng ngày giờ chính lễ, các gia đình sẽ mang lễ vật ra Nhà rông để cùng già làng làm lễ cúng và mời Thần linh về ăn cơm mới. Lễ vật để cúng cho Thần linh bao giờ cũng có thịt heo, cơm nấu từ gạo của vụ mùa vừa kết thúc. Bà Lương Thanh Sơn cho biết: Đầu heo để cũng Trời đất phải chọn từ con heo ngon nhất và mâm lễ vật không thể thiếu thịt chuột đồng: "Trong lễ cúng, đặc trưng nhất là phải có con chuột. Trong lễ thì ai cũng phải ăn thịt chuột để con chuột không còn để đi phá hoại mùa màng… Điều này dường như cũng là quan niệm của đồng bào Xơ Đăng cầu mong cho sang năm mùa màng bội thu, không bị thất thoát từ những loài vật phá hoại."

Trong lễ cúng diễn ra tại Nhà Rông, Già làng báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong buôn làng cùng những đồ lễ mà bà con làm ra như cơm, thịt gà, thịt heo… Đồng thời cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh hay bị thú rừng phá hoại để mọi người có cuộc sống ấm no.

Khi mang lúa về đến nhà, các gia đình lấy lúa rang cho khô và giã, lấy gạo nấu một nồi cơm lớn. Thức ăn của mỗi gia đình để làm lễ cơm mới gồm: thịt rừng, cá suối, cơm lam, đầu heo, rượu ghè… Sau lễ cúng, toàn bộ người dân tụ hội tại Nhà Rông để cùng nhau ăn bát cơm gạo mới, cùng uống những ché rượu cần ngon nhất. Cùng lúc đó, dàn chinh goong (cồng chiêng), đàn klông pút bắt đầu nổi lên vang động núi rừng để đón chào một vụ mùa bội thu mới. Già làng A Khao, xã Đak Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết: Trong những ngày lễ hội, mọi người đều tập trung tại nhà Rông để đánh cồng chiêng, cùng múa hát. Với đồng bào Xơ Đăng, Lễ hội mừng lúa mới cũng là dịp để các gia đình làm lễ trưởng thành cho các chàng trai, cô gái và đây cũng là dịp cho các đối nam nữ giao duyên, kết bạn: "Lúc đó các buôn làng tổ chức đánh chiêng, hàng xóm mời nhau qua nhà nhau về nhà ăn cỗ, cùng nấu gạo mới trong các ống nứa, ống lồ ô. Ngày đó tất cả theo chỉ đạo của Già làng, từ già trẻ, gái trai… đều cùng tập trung ăn uống và dự lễ."

Từ nhà rông, già làng và các thành viên trong buôn làng bắt đầu đi đến từng gia đình để chúc mừng một mùa lúa mới thóc luôn đầy ắp trong nhà. Tại các gia đình, cũng tổ chức ăn cơm gạo mới, uống rượu, đánh cồng chiêng, múa hát quanh bếp lửa. Cơm sẽ được tung vãi xung quanh nhà, bởi đồng bào Xơ Đăng quan niệm làm như vậy mùa vụ sau mùa màng sẽ tốt tươi hơn, lúa ngô sẽ nhiều hơn, tha hồ vung vãi như hôm nay.

Trong hai, ba ngày lễ hội, núi rừng Tây Nguyên luôn rộn ràng tiếng cồng chiêng, tiếng hát cùng những trò chơi gian đặc sắc… Để sau đó, bà con lại trở về với công việc đồng áng của mình, cùng một niềm tin về những mùa vàng bội thu, về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình và buôn làng của mình.

Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên 2

Lễ mừng lúa mới của các tộc người Tây Nguyên sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có từ lâu đời và được gìn giữ, phát huy cho tới ngày hôm nay.

Đây là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của các tộc người này với mong ước mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng ở các buôn làng có truyền thống sản xuất trên nương rẫy.

Lễ mừng lúa mới của các tộc người Tây Nguyên thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 dương lịch năm trước cho đến tháng 1 năm sau, đây là thời gian rảnh rỗi của con người sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và cũng là thời gian cho đất "nghỉ ngơi" theo tập quán.

Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức theo từng buôn làng, sau đó mới tỏa về từng nóc nhà. Trong quá trình thu hoạch, già làng sẽ quyết định chọn một đám lúa tốt nhất dành để lại và chọn "ngày lành tháng tốt" tổ chức lễ cúng thần Ia Pôm (thần lúa, thần nông nghiệp) ngay tại chân ruộng.

Vào ngày này bà con trong làng đều có mặt, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thức ăn của mình phục vụ buổi lễ, như một vài ché rượu cần hoặc một con gà, miếng thịt...

Thầy cúng (Riu Yang) cùng già làng soạn mâm lễ cúng theo nghi thức và khấn để mong thần Ia Pôm mang lại sự ấm no cho dân làng, không để cho con chồn, con cheo phá hoại mùa màng...

Khoảng 10 người khỏe mạnh trong đám thanh niên, thanh nữ làng được chọn để đại diện dân làng xuống ruộng, từng người tay nắm lấy từng bụi lúa. Sau mỗi lời khấn của thầy cúng, đám thanh niên giơ cao bó lúa lên trời và đồng thanh hô, hát và múa theo, thể hiện cảnh tượng vừa thiêng liêng lại vừa ấm áp tình đoàn kết của cộng đồng.

Lễ cúng mừng lúa mới diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, sau đó đến đốt lửa và cồng chiêng nổi lên âm vang khắp một vùng. Mọi người đều ăn uống no say và vui chơi tại chỗ qua ngày thứ hai, thậm chí đến ngày thứ ba mới ra về.

Sau khi lễ hội chung của làng kết thúc, bà con lại tiếp tục lễ cúng mừng lúa mới theo từng nóc nhà. Nhà nào khá giả thì giết lợn (có thể vài con) và mời cả thầy về cúng lễ, sau đó chia thịt cho những nóc nhà lân cận cùng ăn. Có nhà thì đơn giản hơn với một miếng thịt nhỏ, chai rượu mua và tự cúng thần Ia Pôm.

Dù lễ cúng lớn hay nhỏ thì điều quan trọng nhất là mâm cơm phải bằng được nấu bằng hạt lúa mới. Theo các tài liệu có được, Hội mùa của các tộc là một trong những lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội của các tộc người ở vùng Tây Nguyên, gắn liền với nền sản xuất nương rẫy tự cung tự cấp.

Hội mùa không chỉ có nghi thức cúng lễ mà còn là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa người với thiên nhiên-cảnh vật. Cộng đồng coi đây là sự tồn tại không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của đời người. Ngày nay, lễ hội mừng lúa mới ở các buôn làng không còn diễn ra linh đình trong nhiều ngày như trước nữa, bà con đã ý thức được việc tiết kiệm và giữ gìn sức khỏe nên đã rút ngắn lại chỉ một ngày, thậm chí chỉ một buổi.

Lễ mừng lúa mới sẽ được phục dựng lại tại Công viên văn hóa Đồng Xanh trong chương trình hoạt động của đại lễ Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ I diễn ra tại thành phố Pleiku vào trung tuần tháng 11/2009 này. Hơn 100 người dân tộc J'rai ở làng Mơ Rông Yố thuộc xã Ia Ka (huyện Chưpảh) trực tiếp tham gia tái hiện lễ hội với quy mô tưng bừng và hoành tráng bên mái nhà rông mới được xây dựng trong khuôn viên rộng và thoáng mát.

Những người tham gia đều ăn mặc theo trang phục của người Tây Nguyên, đội cồng chiêng của làng sẽ biểu diễn những bài chiêng hay của các chàng trai và điệu múa Xoang đẹp, uyển chuyển của các cô gái.

Theo ông Nguyễn Trần Hanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch-Văn hóa, sự tái hiện lễ mừng lúa mới diễn ra trong vòng một buổi, không những chỉ phục vụ cho du khách đến tham quan trọng dịp festival mà còn là điều kiện để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này của tộc người Tây Nguyên.