Cảm nhận của em về tác phẩm Chuyện lạ nhà thuyền chài trích trong Thánh Tông di thảo
"Chuyện lạ nhà thuyền chài” có bao yếu tố li kì rất hấp dẫn và thú vị. Một câu chuyện cổ viết cách chúng ta hơn năm thế kỉ mà thật giàu ý nghĩa.
Nhân vật Thúc Ngư con nhà thuyền chài, bố mẹ gần 60 tuổi mới sinh ra cậu; đêm cậu sinh ra thì cha cậu lại đánh bắt được con cá to. Cái tên Thúc Ngư của cậu được đặt ra là vì thế. Mười lăm tuổi mà cậu không muốn học hành. Cậu hỏi bố: “Đi học là như thế nào? ", "Trong sách có cá không?”, "Lời nói và việc làm của Thánh hiện có đánh cá được không?”. Ta cứ tưởng cậu ta ăn nói "rất ngu”và chí thích chơi bời, lêu lổng. Suốt ba năm trời, Thúc Ngư thường bỏ nhà đi chơi xa. Có lần đến hai ba hôm mới về nhà. Sau này, ta mới biết, cậu ta đi tìm vợ, tìm vợ tận “đảo ấp ” cách xa nhà cậu chừng một vạn dặm. Vợ là dòng dõi “hải tiên ”, con nhà giàu sang, rất xinh đẹp.
Phải chăng qua nhân vật Thúc Ngư người viết truyện muốn nói về việc học: học trong sách vở thánh hiền có hay bằng học trong cuộc sống; có đi đó đây mới nhìn rộng biết nhiều. Câu tục ngữ: “Có người là có của” mà Thúc Ngư nhắc lại, câu tục ngữ: “Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng” của ông chài nói ra để khen con trai, và việc Thúc Ngư lấy được vợ đẹp một “hải tiên” nơi “đảo ấp” xa xôi chứa đựng bao ý nghĩa: phải có niềm tin trong cuộc sống, và “hạnh phúc là sự kiếm tìm”, đâu có chuyện cứ “há miệng chờ sung”. Việc Thúc Ngư lấy được vợ tiên nơi hải đảo còn thể hiện một triết lý của người xưa: có duyên mới nên vợ nên chồng; tình yêu trai gái là do “thiền duyên Qua nhân vật Thúc Ngư, mỗi người sẽ có cách cảm nhận riêng của mình. Có thể nói, nhân vật Thúc Ngư thật “dễ thương” nên mới lọt vào mắt xanh cô “hải tiên” chứ!
Nhân vật “hải tiên” nơi "đảo ấp” tên là "Ngọa Vân”, nghĩa đen là áng mây nằm, áng mây đứng yên một chỗ. Nàng là con gái thứ 89 của một ông già mà “dưới cằm có hai cái râu rất dài”. Nàng có thuật "rút đường” rất kì diệu: đường xa vạn dặm sẽ được rút ngắn lại bằng gang tấc. Sau khi đã thành vợ của Thúc Ngư, hình như nhờ có nàng dâu mà ông chài “mỗi lần buông lưới là được toàn cá ngon, chốc lát đã đầy nửa thuyền, chiều đem về chợ bán, thường được giá đắt”.
Đang sống hạnh phúc, nhưng trước cơn bão biển (sóng thần) kinh khủng, Ngọa Vân đã "giơ tay bắt quyết, hô to một tiếng “Biến! 'Tức thì nàng biến thành một con cá to, dài độ ngàn thước, mình lớn ước tới ba mươi quầng…” ngăn chặn làn sóng dữ, bảo vệ sự bình yên cho gia đình nhà chồng. Cho dù có làm “thiên cơ tiết lộ” không thể cùng Thúc Ngư “chung mộng đẹp nữa” nhưng Ngọa Vân vẫn làm. Người xưa đã qua hành động phi thường chắn sóng dữ của Ngọa Vân để ca ngợi đức hi sinh, tính đảm đang gánh vác của người vợ, người mẹ, người phụ nữ trong cuộc sống. Tiếng khóc của Ngọa Vân, "một điểm rãi” gửi lại cho chồng trước lúc hoá rồng bay về phương tây bắc cũng thể hiện tình ân nghĩa sâu nặng của Ngọa Vân, của người vợ hiền thảo, thuỷ chung trong cuộc đời.
Nhân vật Ngọa Vân đã làm cho "Truyện lạ nhà thuyền chài” thêm “lạ” Nhưng nhân vật này rất đời, rất sống vì mang bao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa nay.
“Chuyện lạ nhà thuyền chài” còn có nhiều yếu tố li kì nữa. Những món ăn "ngon tuyệt phẩm, thơm lạ thường” mà cha Ngọa Vân thết đãi ông bà thông gia; hình ảnh “gã bán kinh” kéo thuyền, đẩy thuyền như bay trên biển, với “vảy rồng, mồm giải, mật thú, thân xà”, thoắt hiện, thoắt biến – đã đem đến cho người đọc bao cuốn hút, thú vị!
Gấp trang sách lại, nhưng ta vẫn còn nghe tiếng hát của nàng Ngọa Vân; tiếng hát của tình thương, của đạo lí, của đức hi sinh.