Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Tiễn dặn người yêu
Tiễn dặn người yêu là câu chuyện là tình yêu đôi lứa. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm mang âm hưởng ngợi ca tình yêu tự do, chống lại mọi sự ràng buộc tinh thần, bày tỏ khát vọng đổi thay số phận người phụ nữ giữa đời thường, khi mà cái xấu xa đáng lên án lại được nêu lên thành chuẩn mực, cái tốt đẹp đáng được nâng niu trân trọng lại bị dập vùi. Có lẽ vì cái lệ ngược đời ấy đã trở thành phổ biến ở ngoài đời phải được yêu thương đã trở thành nguồn cảm xúc tuôn chảy dào dạt, khiến cho mỗi khúc trong tác phẩm đều có thể được coi như là một khúc đoạn trường. Hơn thế, cái tên Anh yêu và Em yêu được đặt cho hai nhân vật chính trong tác phẩm và được cố định trong văn bản bằng chữ viết hoa đã nâng giá trị tư tưởng tình cảm thẩm mĩ của tác phẩm lên một bậc thang mới, có ý nghĩa khái quát rất rộng lớn. Phải chăng, sự lao động đấu tranh mà con người đã phải tổn hao nhiều nước mắt, mồ hôi, xương máu bao thế hệ vì nó, xét cho cùng thì cũng là để được gọi nhau bằng Anh yêu và Em yêu.
Bức tranh hiện thực bi thảm lay động lòng người. Tiễn dặn người yêu đưa hai nhân vật chính vào những tình huống cực đoan. Đúng như Đỗ Bình Trị nhận xét: chỗ tinh vi của truyện ở đây là đã thay vào cái vô lí, cái ngang trái của cuộc đời, dường như để tô đậm cái – không – thể – hiểu nổi thường được gọi là số mệnh. Chính nó đã khiến cho mối tình đẹp bỗng hóa ra một chuyện đời ngang ngửa nát tan. Thật cay đắng và bi thảm khi Em yêu bị ép duyên với một kẻ đầu trơ trọc lốc và nói năng giả dối ngọt xớt mà từ bà mẹ đến người thân trong nhà đều không mảy may động lòng, đều quay lưng ngoảnh mặt. Thật lạnh lùng và tàn nhẫn khi người ta thản nhiên biến một người con gái ngoan nết và tốt bụng, lại xinh đẹp thành một món hàng để bán mua một cách điêu trá, để dìm giá một cách dã man. Mối tình đẹp như trong mộng của chàng trai và cô gái kia càng ngời lên trong ý nghĩ và cung cách ứng xử của họ, thì những thói đời phũ phàng lại như tầng lớp sóng dữ sông Đà chồm tới, xô đẩy hai tâm hồn đã từng ứ mật dâng hương vào một ốc đảo cô đơn đến rợn người. Ở đó, số phận trớ trêu đã biến mọi niềm vui thành nỗi đau, mọi niềm tin thành sự thất vọng ấm ức ê chề. Thật ra, cái kết thúc có hậu trong tác phẩm là hợp đạo lí nhưng cũng không đủ giá trị lập lại thế cân bằng. Có điều, những thảm cảnh trong câu chuyện lay động lòng người ấy đã thật sự có ý nghĩa thức tỉnh, thanh lọc tâm hồn con người, nêu cao sự phấn khích tranh đấu.
Tiễn dặn người yêu có kết cấu độc đáo, tràn đầy kịch tính và có thủ pháp hư cấu nghệ thuật một cách chân thực, sâu sắc, có khả năng tái hiện thẩm mĩ cái bản chất của đời sống được chọn lựa phản ánh đạt đến giá trị khái quát cao độ, trong phong cách dân gian trữ tình đằm thắm.
Trước hết, Tiễn dặn người yêu là chuyện trong thơ. Ở đây, câu chuyện tình bi thảm được kể lại trong không gian nghệ thuật đa chiều, đồng hiện, nghĩa là nhiều sự kiện trái ngược nhau cùng hiện ra đến tận chi tiết, trong cùng một bối cảnh chứa đầy mâu thuẫn. Vì thế, thời gian thực của chuyện đời rõ ràng được tính bằng hàng chục năm, nhưng thời gian tâm lí dường như lại dồn nén kì lạ đến độ dằng dặc buồn thương.
Mặt khác, Tiễn dặn người yêu là thơ trong truyện. Ở đây, câu chuyện ngôn ngữ kể chuyện nhiều khi đã được gọt giũa trở thành lời thơ, câu thơ đầy sức gợi cảm, có thể diễn tả được mọi chiều sâu tinh tế của thế giới bên trong tâm hồn con người, trong những trạng thái éo le phức tạp nhất. Đó là thứ ngôn ngữ nghệ thuật dân gian Thái, nhuần thấm điệu tâm hồn Thái giữa cảnh vật thiên nhiên miền Tây Bắc trập trùng hoa ban nở, trong mây trắng bồng bềnh, trên ngọn thác sông Đà gió thốc. Chính đặc điểm này có ý nghĩa quyết định tạo thành bản sắc nghệ thuật riêng của Tiễn dặn người yêu, khiến tác phẩm trở thành vật báu của mọi nhà trong truyền thống văn hóa của đồng bào Thái.