Thuyết minh về món Chả lụi 1
Ở xứ biển, nơi mà thực đơn hải sản dường như rải đều cả năm thì những miếng chả lụi, nướng đều trên lửa than hoa, với đủ thứ rau, chấm nước mắm ngon được xem như một trong những món xen kẽ thú vị.
Ngoài chả nướng, tùy nơi mà mâm chả lụi sẽ có thêm trứng gà luộc, nem chua, chả chiên...
“Lụi” được hiểu đơn giản là xiên những que tre nhỏ, nhọn qua những miếng chả rồi đem nướng trên bếp than. Bánh tráng, tôm, thịt ba rọi là những nguyên liệu chính yếu để làm thành những xiên lụi nhỏ xinh.
Để phần nhân bánh được đậm vị, tôm biển tươi, thịt ba rọi sau khi được xay vừa, ướp gia vị sẽ được giữ lạnh, sau đó trút vào cối lớn quết thêm lần nữa cho quyện vào nhau thật mịn trước khi cuốn lớp bánh tráng mỏng.
Bánh tráng mỏng để cuốn chả lụi là loại bánh tráng gạo địa phương, khá mềm dẻo. Sau khi tỉ mẩn gói từng cuốn chả nho nhỏ, người bán sẽ xiên chúng qua chiếc que nhọn. Trước khi nướng, để tăng thêm hương vị cho món ăn, họ thường quết sơ qua một lớp dầu hoặc chiên sơ qua dầu một lượt.
Khi ăn, dùng đũa tuốt chả ra khỏi xiên, cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm đậu phộng
Lửa nướng chả không quá lớn để đảm bảo những cuốn chả được nướng chín đều từ trong ra ngoài, vừa giữ vị ngọt ngon của tôm thịt vừa để phần nhân có đủ thời gian túa đều lớp mỡ trong thịt ba chỉ ra khắp cuốn chả.
Ngoài những cuốn chả nướng, nước chấm là thứ không thể thiếu. Chả lụi có nước chấm ăn kèm tương tự như nước mắm ăn bánh xèo Phan Thiết. Tùy từng nơi có kiểu pha chế nước chấm riêng, nhưng thường gồm những nguyên liệu cơ bản như ớt sừng, tỏi, đường, đậu phộng rang và nước mắm ngon.
Nhiều hàng quán còn thêm chút cà chua, me vắt để nước chấm có vị cay, chua, mặn, ngọt, lẫn béo của đậu phộng rang. Nước chấm sánh, dẻo cũng là một ưu thế, khi chấm rất dễ bắt vị với những cuốn chả thơm lựng.
Để món chả lụi nướng trọn vị không thể thiếu đĩa rau to với nhiều loại rau: húng quế, húng thơm, xà lách, rau xá xị, vạn thọ... Ngoài rau, chả lụi còn được ăn kèm xoài xanh, khế, dưa leo thái mỏng và cả ớt xanh.
Nếu bạn đã từng nếm thử chắc chắn sẽ nhận ra những thành phần này không chỉ góp hương, góp sắc mà còn giúp cân bằng vị, làm cho món ăn thêm ngon mà không ngấy. Bên cạnh những thành phần trên, nhiều nơi còn đa dạng thực đơn bằng việc kết hợp thêm nem chua, chả chiên Huế...
Trước khi nướng, người bán thường quết sơ qua một lớp dầu vừa nóng hoặc chiên sơ qua dầu một lượt
Sau khi mâm chả lụi với những xiên chả nướng, chả chiên, rau sống, nước chấm, bánh tráng mỏng được bày ra, bạn chỉ việc đặt miếng bánh tráng mỏng vuông vức lên tay, cho lên đó vài món rau sống yêu thích, lát dưa leo, khế, xoài và sau cùng là cuốn chả nhỏ kẹp giữa, cuộn tròn rồi chấm ngập nước chấm và thưởng thức.
Cũng như hầu hết các món nướng khác, chả lụi ngon nhất là khi được ăn tại lò. Chính vì thế mà muốn ăn ngon, người ăn thường kiên nhẫn đợi từ 5-10 phút để từng mẻ chả mới được nướng chín, nóng hổi phục vụ tận bàn.
Có hai cách thưởng thức món chả Lagi, bạn có thể ăn từng xiên với nước chấm, ngon đơn giản, nướng vừa tới còn nóng giòn thì ăn ngay. Cách thứ hai thì cuốn với bánh tráng, thêm rau sống, dưa chuột, xoài bào mỏng, cuộn lại với nhau, chấm với nước chấm, có nơi còn cho thêm trứng để cuốn vào, cho thêm nem thịt để tăng vị, kiểu nào cũng hấp dẫn, cũng nhanh chóng làm thực khách say mê.
Từ thị trấn Lagi, món chả lụi nhanh chóng lan ra nhiều nơi khắp miền Trung, Nam. Có thể mỗi nơi sẽ nêm nếm khác nhau, thay đổi khẩu vị đôi chút nhưng chung quy vẫn ngon, vẫn giữ cái nét đẹp của món chả lụi. Dù biết như thế, nhưng cảm giác ngồi trong một quán sang trọng ồn ã giữa Sài Gòn mà ăn chả lụi thì cảm giác ngon lại vơi vơi đi, chẳng giống không gian có cái bếp than của một chiều heo hắt nắng nơi thị trấn vốn dĩ là buồn.
Thuyết minh về món Chả lụi 2
Nếu Phan Thiết có món mì quảng vịt được dân Nam bộ khá ưa chuộng, thì tại thị xã La Gi (Bình Thuận), người dân cũng “sáng chế” ra món chả lụi, ăn một lần rồi sẽ khó quên.
Thoạt đầu, chả lụi do chị Căn người khu phố 3, phường Phước Lộc, mày mò chế biến nên. Nguyên liệu tạo ra chả lụi, chủ yếu tôm tươi, thịt ba rọi. Hai món này sau khi ướp đủ các loại gia vị thì cho vào cối xay nhuyễn. Xay xong lại cho vào cối lớn quết thêm lần nữa, để thịt và tôm quyện vào nhau, thật mịn.
Bánh tráng mỏng cắt thành miếng nhỏ đều nhau, cho nhân vào giữa, quết thịt và tôm (giã mịn) chung quanh, rồi gói như kiểu gói nem, cũng có thể gói thành cuốn như cuốn ram.
Công đoạn cuối là dùng que nhọn đâm xuyên qua gói chả đã gói, rồi đặt lên vĩ (bên dưới có lò lửa than) để nướng. Khi nguyên liệu bên trong đã chín, bánh tráng cuốn bên ngoài đạt độ vừa giòn thì lấy xuống. Cần nhớ, lửa than không được lớn quá, vì như thế dễ cháy và không giữ được vị ngọt béo tự nhiên.
Rau sống và nước chấm là hai món phụ nhưng đặc biệt quan trọng với món chả lụi. Rau sống phải là rau xanh thật tươi, cộng với xoài xanh thái nhỏ, khế, dưa leo. Nước chấm phải đầy đủ: ớt, me, đậu phộng giã nhuyễn… Nói chung, chén nước chấm phải đạt đủ các yếu tố vừa cay, vừa chua, vừa ngọt, vừa bùi. Đây là món ăn rất hợp với giới trẻ, một phần chả chỉ 10.000 đồng, hai người muốn ăn no chừng 50.000 đồng là đủ.
Khi ăn, chỉ việc cho chả, rau nếu cần thêm nem, trứng vào miếng bánh tráng cuốn, dùng tay cuộn thật gọn vậy là xong, chấm mắm và ăn.
Xuất xứ từ La Gi khoảng chừng mươi năm trở lại, nhưng món chả lụi đã nhanh chóng có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả đều cùng mang thương hiệu: “Chả lụi La Gi”. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chả lụi La Gi được bán ở số 385 Quang Trung, phường 10, Gò Vấp. Tại Biên Hòa, chả lụi La Gi bán đường Huỳnh Văn Nghệ, khu vực Bửu Long. Ngoài những điểm nổi tiếng ở hai thành phố lớn trên, ở các tỉnh thành khác như: Huế, Phan Thiết, Vũng Tàu... đều có món chả lụi La Gi.