Phân tích chi tiết Thơ duyên

Sách chân trời sáng tạo

Đổi lựa chọn

I. Khổ 1 Thơ duyên

Bài thơ mở đầu bằng mối giao cảm kì diệu của thiên nhiên. Dường như đoạn thơ “duyên” trong từng dao động tinh vi của cảnh vật, của đất trời

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”.

- “Chiều” trở thành “chiều mộng”, “nhánh” trở thành “nhánh duyên”. Đặc biệt “nhánh duyên” thể hiện năng lực cảm thụ tinh tế của Xuân Diệu – nó vừa gợi nét thanh thoát vừa gợi sức sống trẻ trung.

- Trên nền không gian ấy, hình ảnh đôi chim hiện ra xiết bao thơ mộng, tình tứ: “Cây me ríu rít cặp chim chuyền”.

-> Tiếng hót ríu rít vui tươi của thiên nhiên cũng là tiếng lòng của tình yêu, tiếng lòng đôi lứa vừa rộn ràng, trong trẻo, vừa xao xuyến, bâng khuâng.

- “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”: nghệ thuật đảo ngữ: không phải “trời xanh đổ ngọc” mà là “đổ trời xanh ngọc” tạo nên sức sống cho câu thơ. Trời thu ăm ắp no đầy nghiêng mình rót từng giọt xanh qua muôn ngàn lá biếc. Đó cũng là màu của tuổi trẻ, màu của tâm hồn đang ở độ trẻ trung, rạo rực nhất.

- “Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”: đó phải chăng là hợp âm của thiên nhiên, đất trời hay tự chính lòng người. Nếu ở trên Xuân Diệu thành công trong việc miêu tả sắc thu, thì đến đây ông cũng tinh tế nhạy cảm khi cảm nhận thấy hồn thu êm ái, mơ hồ và dịu nhẹ.

II. Khổ 2 Thơ duyên

Khổ thơ tình sau đây là tiêu biểu cho sự tương giao, hòa hợp giữa thiên nhiên, tạo vật và lòng người:

“Con đường nhỏ nhỏ gió siêu siêu

Lả lả cành hoang nắng trở chiều;

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn

Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.

- Từ láy toàn phần “nhỏ nhỏ”, “siêu siêu”, “lả lả” vừa khắc họa vẻ đẹp duyên dáng tinh tế của cảnh vật, vừa tạo nên nhạc điệu êm dịu, quyến luyến cho câu thơ mà không từ ngữ nào thay thế được.

- Con đường “nhỏ nhỏ” chứ không phải “nho nhỏ”, không miêu tả cụ thể mà thiên về cảm giác, khiến con đường trở nên xinh xắn, thơ mộng hơn.

- Hai tiếng “xiêu xiêu” đã hữu hình ngọn gió vô hình, và cành cây thành “cành hoang” mơ hồ, huyền ảo, tô đậm cái “nắng trở chiều” đang thưa nhạt dần của mùa thu.

- Từ đó, ý niệm về hạnh phúc cũng khơi lên và lan tỏa trong lòng người.

“Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn

Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.

-> Chính sự sóng đôi của thiên nhiên không chỉ xui khiến lòng người vang ngân, rung động mà còn thức dậy trong tâm hồn niềm khát khao giao cảm, gắn bó.

Những rung động tih vi trong đoạn thơ là biểu hiện của một sức sống nội tâm mãnh liệt trong hồn thơ Xuân Diệu.

III. Khổ 3 Thơ duyên

“Em bước điềm nhiên không vướng chân,

Anh đi lững đững chẳng theo gần

Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu

Anh với em như một cặp vần”.

 - "Em" và "anh" cùng dạo bước trên đường. "Em" bước đi "điềm nhiên", trông tự nhiên, hồn nhiên, duyên dáng. Anh cũng đang say sưa ngắm cảnh đất trời, bước chân "lững đững" - thong thả, ung dung. Cuộc ngẫu gặp của đôi lứa thanh tân, tưởng "vô tâm" mà hình như đã có cái "duyên" trời sắp sẵn.

- Một cặp vần ở đây là sư hòa hợp giữa hai tâm hồn, hòa hợp trọn vẹn đến độ hoàn toàn. Xuân Diệu còn nhấn mạnh đây là sự hòa hợp của một cặp vần trong "một bài thơ dịu”. Sự hòa hợp ấy được nâng lên đến độ tuyệt đối.

IV. Khổ 4 Thơ duyên

“Mây biếc về đâu bay gấp gấp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

Chim nghe trời rộng dang thêm cánh

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”.

- Dáng bay gấp gấp không chỉ gợi vẻ mềm mại tinh tế mà còn đầy duyên dáng uyển chuyển chất chứa trong đó là thoáng nghi ngại ngập ngừng của một cái tôi luôn bị ám ảnh về thời gian trôi chảy và ý thức được cái hữu hạn của đời người.

- Bằng tất cả sự tinh tế, Xuân Diệu đã cảm nhận được cái ngập ngừng băn khoăn trong gân cốt cánh cò không biết nên sà xuống cánh đồng rộng lớn mênh mông hay vút lên khoảng trời thăm thẳm bao la. Chỉ một từ “phân vân” nhưng nó đã níu cả sắc xanh của nền trời xuống gần với màu xanh của cánh đồng để cánh cò trắng vút lên trở thành gam màu chủ đạo, trở thành điểm nhấn trong không gian.

-> Cái “phân vân” của cánh cò, cái “gấp gấp” của làn mây chính là nét tâm trạng điển hình của thơ Mới mà ta chưa hề gặp trong thơ cổ.

- Chiều thu tàn, bầu trời như trải rộng thêm ra. Cảm nhận ấy được diễn tả qua hai câu thơ tuyệt bút:

"Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần".

- Lấy cái hữu hạn, cô đơn, bé nhỏ (cánh chim) để diễn tả cái vô hạn, mênh mông (bầu trời) là một nét vẽ tài hoa. "Chim nghe...” – nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đầy thi vị. Cánh chim nhỏ nhoi, bay miết, in dáng trên nền trời chiều bao la. Hoàng hôn buông xuống, sương thu chớm lạnh. Hoa khép cánh dần...

V. Khổ 5 Thơ duyên

“Ai hay tuy lặng bước thu êm

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,

Lòng anh thôi đã cưới lòng em”.

- Thời gian nhẹ nhàng trôi "bước thu êm", con người bước đi êm ả giữa mùa thu. Trong khung cảnh ấy, mọi tâm hồn sẽ tự tìm đến với nhau mà chẳng cần băng nhân.

- “Lòng anh thôi đã cưới lòng em”: từ “cưới" mà Xuân Diệu dùng ở đây, độc đáo đến lạ lùng. Lòng anh cưới lòng em, đó là sự hòa hợp hai tấm lòng, hai tâm hồn đến độ trọn vẹn. tuyệt đối, sự hòa hợp trong mức độ cao nhất của cảm nhận về hạnh phúc. Từ “thôi” trong câu thơ này cũng rất lạ. Thôi nghĩa là đành vậy, đành phải chấp nhận như vậy, không còn cách nào khác, không thể từ chối được. Như vậy, cái việc lòng anh cưới lòng em, cái việc lòng anh hòa hợp với lòng em là việc tự nhiên, như của trời đất, con người không thể tạo ra, con người không thể chối bỏ.