Câu 1 (trang 16, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Nhân vật “tôi” đã thể hiện tình cảm, cảm xúc gì trong bài thơ? Tình cảm, cảm xúc đó được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ.
- Chú ý những từ ngữ, hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhân vật “tôi”.
Lời giải chi tiết:
- Nhân vật “tôi” đã thể hiện tâm trạng nhớ mẹ, nhớ về những ngày xưa cùng mẹ.
- Tình cảm, cảm xúc đó được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh:
+ Từ: nhớ, chửa xóa mờ.
+ Hình ảnh: phơi áo đỏ, nụ cười đen nhánh sau tay áo.
Câu 2 (trang 16, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Bạn có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ, ngắt nhịp, gieo vần và tác dụng của chúng trong bài thơ?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ.
- Chú ý cách sử dụng từ ngữ, cách ngắt nhịp và gieo vần.
Lời giải chi tiết:
- Từ ngữ trong bài thơ khá giản dị, gần gũi với đời sống thường nhật và mang đậm màu sắc làng quê Bắc Bộ.
- Cách ngắt nhịp trong bài thơ: 3/4, 4/3, 2/5; gieo vần chân.
→ Tác dụng: tạo nên cảm giác quen thuộc, gần gũi và dễ tìm được sự đồng cảm nơi người đọc; nhịp thơ nhịp nhàng, phù hợp với tâm trạng của chủ thể trữ tình.
Câu 3 (trang 16, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trong tâm tưởng nhân vật “tôi”?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ.
- Chú ý những chi tiết, hình ảnh nhân vật “tôi” nhớ về mẹ.
Lời giải chi tiết:
Trong tâm tưởng của nhân vật “tôi”, hình ảnh người mẹ hiện lên với những vẻ đẹp quen thuộc, bình dị, hiền hậu như: phơi áo đỏ ngoài giậu, nét cười đen nhánh sau tay áo.
Câu 4 (trang 16, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì? Cảm hứng đó thể hiện giá trị đạo đức truyền thống nào của người Việt Nam?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ.
- Chú ý những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc của chủ thể trữ tình.
- So sánh với đạo đức truyền thống người Việt Nam.
Lời giải chi tiết:
- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình.
- Cảm hứng đó đã thể hiện giá trị đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng hiếu thuận của người Việt Nam.