I. Tìm hiểu chung Cuộc tu bổ lại các giống vật
1. Xuất xứ
Theo Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 77-78.
2. Thể loại
Thần thoại.
3. Bố cục: 3 phần
- Phần 1: Từ đầu đến “thỏa mãn”. (Ngọc Hoàng tạo ra vạn vật).
- Phần 2: Tiếp theo đến “giơ lên trên không”. (Thiên thần tu bổ cho loài chó và vịt).
- Phần 3: Đoạn còn lại (Thiên thần tu bổ cho các loài chim).
4. Tóm tắt
Ngọc Hoàng trước khi sáng tạo ra con người đã nặn ra vạn vật nhưng lúc sơ khởi còn thiếu nguyên liệu và do sự nóng vội nên có một số động vật vẫn chưa có cấu tạo hoàn chỉnh. Vì vậy, Ngọc Hoàng đã phái ba vị Thiên thần mang nguyên liệu xuống núi để thực hiện việc tu bổ, bù đắp cho những con vật mà cơ thể còn khiếm khuyết. Nghe tin, các con vật tìm đến nơi để xin những thứ mình cần, dần dần mọi nguyên liệu cũng vừa hết. Lúc này, con vịt và con chó đều thiếu một cẳng nên đến xin nhưng vì đã hết nguyên liệu nên Thiên thần từ chối. Sau một hồi chó và vịt nài nỉ, ngài quyết định tạm bẻ chân ghế chắp một chân cho con vịt và một chân sau bị thiếu cho con chó và dặn rằng khi ngủ chớ để cẳng xuống đất. Từ đó, hai giống vật này khi ngủ đều giơ một cẳng lên trên không.
Tiếp đến, mấy loại chim khác cũng đến cùng lúc như chiền chiện, đỏ nách,... Do hồi đó, Ngọc Hoàng làm vội nên tất cả đều thiếu hai chân. Cuối cùng, một trong ba vị Thiên thần bẻ một nắm chân hương, gắn cho mỗi con một đôi làm chân cùng lời dặn chịu khó giữ gìn, khi nào muốn dùng hãy nhớm chân xuống đất xem vững không rồi hãy đậu. Từ đó, các loài chim vẫn giữ thói quen chới với ba lần để thử đặt chân trước khi đậu.
II. Giá trị nội dung và nghệ thuật Cuộc tu bổ lại các giống vật
1. Giá trị nội dung
Truyện giúp người đọc hình dung sự hình thành của thế giới muôn loài. Từ đó, lí giải những thói quen, đặc điểm của một số loài vật theo trí tưởng tượng phong phú của dân gian.
2. Giá trị nghệ thuật
- Truyện thần thoại Cuộc tu bổ lại các giống vật cho thấy sự sáng tạo của dân gian trong việc lí giải các sự vật, hiện tượng.
- Mọi chi tiết kể và tả đều điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại.