Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ.

Sách chân trời sáng tạo

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ

Bài viết báo cáo kết quả nghiên cứu là kiểu bài trình bày quy trình, phương pháp, các dữ liệu và kết quả của một quá trình nghiên cứu.

II. Khái niệm Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ.

Bài viết báo cáo kết quả nghiên cứu là kiểu bài trình bày quy trình, phương pháp, các dữ liệu và kết quả của một quá trình nghiên cứu.

III. Yêu cầu viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ.

- Nội dung trình bày chính xác, đầy đủ, hợp lí các kết quả nghiên cứu.

- Ngôn ngữ chính xác, khách quan.

- Sử dụng hợp lí cước chú và các phương tiện phi ngôn ngữ như số liệu, hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ.

- Trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo đúng quy cách.

- Bố cục bài viết đảm bảo các phần:

+ Nhan đề: khái quát được đề tài nghiên cứu.

+ Tóm tắt: nêu bối cảnh nghiên cứu, câu hỏi và phương pháp nghiên cứu.

+ Cơ sở lí thuyết: nêu khái niệm, lí thuyết nền tảng để triển khai đề tài.

+ Kết quả nghiên cứu: trình bày các kết quả nghiên cứu với các lí lẽ và bằng chứng thích hợp.

+ Kết luận: khái quát những ý chính từ kết quả nghiên cứu; đề xuất giải pháp, hướng phát

triển của đề tài.

+ Tài liệu tham khảo: sắp xếp tài liệu liên quan đến đề tài theo tên tác giả, tên tài liệu,

năm xuất bản, nhà xuất bản (trình tự alphabet).

IV. Hướng dẫn quy trình viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ.

Bước 1: Chuẩn bị viết

* Xác định đề tài:

Đề tài của bài viết chính là đề tài lựa chọn để nghiên cứu. Khi tiến hành nghiên cứu, bạn nên chọn đề tài có tính thiết thực, khơi gợi được ở người đọc mối quan tâm, hứng thú.

Sau đây là một số gợi ý:

  • Tìm hiểu mức độ quan tâm của học sinh lớp bạn đối với âm nhạc truyền thống.
  • Tìm hiểu mức độ quan tâm của học sinh lớp bạn đối với một địa danh lịch sử hoặc di sản văn hoá truyền thống tại địa phương.
  • Tìm hiểu một số nét văn hoá của một chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ.
  • Tìm hiểu cảnh sắc quê hương trong một số bài ca dao, dân ca Nam Bộ.
  • Tìm hiểu một số nét đặc sắc trong sáng tác của một nhà văn, nhà thơ Nam Bộ.
  • Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của một số thể loại tự sự dân gian.
  • Đặc điểm về vần, nhịp của một số thể thơ được sử dụng trong ca dao và trong kịch bản sân khấu dân gian.

Để việc nghiên cứu được thuận lợi, bạn cần điều chỉnh để làm cho đề tài cụ thể, rõ ràng, phù hợp với điều kiện nghiên cứu của bản thân. 

* Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc

Bạn cần trả lời các câu hỏi: Bản báo cáo này được viết với mục đích gì? Người đọc bản báo cáo này là ai? Từ đó, xác định nội dung, cách viết báo cáo phù hợp.

* Thu thập tư liệu

Khi có được đề tài cụ thể, bạn tiến hành đặt câu hỏi nghiên cứu. Đó là câu hỏi đặt ra vấn đề nghiên cứu. Những câu hỏi nghiên cứu luôn đòi hỏi câu trả lời cụ thể, đầy đủ, tránh những câu hỏi mà chỉ trả lời “có/ không”.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

* Tìm ý

Bạn xử lí các tư liệu đ ã thu thập được và phác thảo các ý tưởng để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu; dự tính những trích dẫn, cước chú và các phương tiện phi ngôn ngữ sẽ sử dụng để hỗ trợ cho bài viết.

*Lập dàn ý

Từ các ý đã tìm được, bạn sắp xếp các ý sao cho đảm bảo các phần trong bố cục bài báo cáo.

Để phần nội dung được mạch lạc, rõ ràng, bạn có thể chia thành các đề mục, mỗi đề mục thể hiện một luận điểm trình bày kết quả nghiên cứu. Các đề mục cần được diễn đạt rõ ràng dưới dạng cụm từ, đảm bảo tính lô-gíc, tính liên kết, cùng hướng về làm sáng tỏ câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra.

Bước 3: Viết bài

Từ dàn ý đã lập, bạn tiến hành viết bài báo cáo hoàn chỉnh. Khi viết, cần chú ý:

– Nhan đề cần ngắn gọn, súc tích, giới thiệu được nội dung chính của bàibáo cáo, có chứa từ khoá (là những từ, cụm từ quan trọng thể hiện nội dung chính của bài báo cáo).

– Cần sử dụng ngôn ngữ khách quan, phù hợp với bài báo cáo khoa học. Sử dụng lớp từ ngữ chung, không dùng từ địa phương, biệt ngữ xã hội. Cần sử dụng thuật ngữ một cách chính xác, thống nhất.

– Sử dụng trích dẫn và cước chú đúng quy cách để bổ sung thông tin cho bài báo cáo. Ngoài ra, có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ phù hợp như bảng biểu, hình ảnh, sơ đồ để giúp các thông tin trở nên trực quan, dễ theo dõi.

– Chú ý đến vấn đề chống đạo văn và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Đạo văn là hành vi sử dụng ý tưởng, sản phẩm, tư liệu của người khác và xem như là của mình. Để tránh đạo văn và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bạn cần luôn chú ý dẫn nguồn các tư liệu tham khảo, trích dẫn đúng quy cách và diễn giải vấn đề theo cách hiểu của bản thân, bằng lời văn của mình.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, hãy đọc lại bài viết của mình và chỉnh sửa theo gợi ý sau:

Bảng kiểm kĩ năng viết bài báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ

Nội dung kiểm tra

Đạt

Chưa đạt

Tóm tắt

Nêu ngắn gọn các nội dung của bài viết như bối cảnh nghiên cứu, phương pháp và kết quả nghiên cứu

   

Cơ sở lý thuyết

Nêu ngắn gọn khái niệm, lý thuyết làm cơ sở, nền tảng cho đề tài

   

Kết quả nghiên cứu

Trình bày đầy đủ các kết quả nghiên cứu đã thu nhận

   

Đưa ra lí giải và bằng chứng để làm sáng tỏ kết quả nghiên cứu

   

Kết luận

Khái quát những nội dung chính từ kết quả nghiên cứu

   

Đề xuất giải pháp và hướng phát triển của đề tài (nếu có).

   

Tài liệu tham khảo

Nêu các tài liệu tham khảo có liên quan đến đề tài.

   

Trình bày tài liệu đúng quy cách, sắp xếp theo tên tác giả (trình tự an-pha-bê).

   

Yêu cầu về trình bày, diễn đạt

Bài báo cáo được chia thành các đề mục rõ ràng, logic, sắp xếp theo trình tự hợp lý.

   

Sử dụng trích dẫn và cước chú đúng quy cách.

   

Sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ một cách hợp lý

   

Ngôn ngữ chính xác, khách quan, đảm bảo tính khoa học.

   

V. Ví dụ viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ.

Nghiên cứu Văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hoá

1. Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá – cách tiếp cận văn học của người nghiên cứu hiện nay

     Không còn tìm tòi, thể nghiệm như trước đây, tìm hiểu văn học dưới góc nhìn văn hoá hiện đang là cách tiếp cận đã được khẳng định và khá phổ biến. Tính từ sau năm 1975, các công trình nghiên cứu theo hướng này có sự tiếp nối và ngày càng có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu hơn.

     Cụ thể, có các bài viết về mối liên hệ giữa văn học – văn hoá và tìm hiểu văn học từ văn hoá: Vai trò của văn học dân gian trong văn học Việt Nam, trong văn hoá Việt Nam thời kì tự chủ – Đỗ Bình Trị (1978), Từ góc độ phát triển không đồng đều của văn hoá dân tộc nghiên cứu Nguyễn Thông – Trần Đình Hượu (1985), Về bản sắc dân tộc trong văn học Việt Nam và con đường của thơ – Trần Đình Sử (1994), Văn học truyền thống và những truyền thống văn hoá của dân tộc – Đinh Thị Minh Hằng (2001), Văn hoá như là nguồn lạch sáng tạo và khám phá văn chương – Nguyễn Văn Hạnh (2007), Văn học và văn hoá truyền thống – Huỳnh Như Phương (2009), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hoá – Nguyễn Trọng Bình (2010), Nguyễn Du và Truyện Kiều từ góc nhìn giáo dục – văn hoá – Nguyễn Thị Quế Anh (2014),… Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu đã cho xuất bản những công trình nghiên cứu dày dặn, tập hợp những bài viết tập trung về văn học – văn hoá, chẳng hạn: Từ cái nhìn văn hoá của Đỗ Lai Thuý (1999), Những kiếp hoa dại của Vương Trí Nhàn (2001) (trong đó có bài “Thạch Lam, về với cội nguồn từ văn hoá” và “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng và một cảnh quan văn hoá độc đáo), Văn học và văn hoá từ một góc nhìn của Phùng Quý Nhâm (2003), Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian của Chu Xuân Diên (2004), Về bản lĩnh văn hoá Việt Nam của Hồ Sĩ Vịnh (2005) (trong đó có Phần thứ hai: Văn học nghệ thuật và bản sắc văn hoá dân tộc), Cảm nhận về văn hoá và văn học trong hành trình đổi mới của Nguyễn Duy Bắc (2006) (trong đó có bài Về mối quan hệ văn hoá và văn học được viết từ năm 1993, bài Văn hoá – một hệ thống kí hiệu và việc giải mã văn hoá của văn học được viết năm 1996), Nghiên cứu văn hoá cổ truyền Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh (2007) (trong đó có Chương III – Phần hai: Văn hoá gia đình Việt Nam nhìn qua văn học nghệ thuật),… Ngoài ra, những năm 2000, nhiều luận văn, luận án đã tập trung nghiên cứu sáng tác của các nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, Sơn Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Tư, Ma Văn Kháng, Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thuý,… từ góc nhìn văn hoá. Hầu như ngay từ tựa đề, các bài viết, các công trình nghiên cứu đã xác định rõ cách tiếp cận này.

     Dẫu các công trình nghiên cứu chưa được thống kê thật đầy đủ nhưng kết quả nói trên cũng đã cho thấy thực tiễn phát triển của việc nghiên cứu văn học từ góc độ văn hoá.

     Tìm hiểu văn học Việt Nam trong mối quan hệ với văn hoá và dưới góc nhìn văn hoá là cách nghiên cứu được lựa chọn xuất phát từ nhiều lí do.

     Trước hết, gốc gác sâu xa là dựa trên cơ sở nền tảng: văn học phản ánh, biểu hiện văn hoá, là một bộ phận quan trọng của văn hoá. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, 1993 khẳng định: “Văn học nghệ thuật là một bộ phận trọng yếu của nền văn hoá dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân – thiện – mĩ”. M. Bakhtin – nhà nghiên cứu triết học, văn học và các khoa học nhân văn – cho rằng: “Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hoá. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hoá một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hoá” [Dẫn theo 1, 157]. Không thể phủ nhận rằng giữa văn hoá và văn học có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Đó vừa là cơ sở lí luận vừa là cơ sở thực tiễn về mối quan hệ giữa văn hoá và văn học.

     Mối quan hệ trên thể hiện ở nội dung phản ánh của văn học. Văn học phản ánh tiến trình văn hoá của nhân loại nói chung, trong đó con người và đời sống xã hội là đối tượng trung tâm. Huỳnh Như Phương khẳng định: “Văn học là tấm gương của văn hoá” và “Trong tác phẩm văn học, ta tìm thấy hình ảnh của văn hoá qua sự tiếp nhận và tái hiện của nhà văn” [5, 20]. Cụ thể hơn, Nguyễn Duy Bắc cho rằng: “Văn học phản ánh văn hoá, chính là phản ánh, biểu hiện con người mà thực chất là sự phản ánh văn hoá người, năng lực người kết tinh trong các hiện tượng đời sống” [1, 158]. Theo Đinh Thị Minh Hằng, “văn học phản ánh con người và đời sống xã hội, tức là phản ánh môi trường văn hoá, trong đó có những mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội [3, 652]. Có thể nói, từ nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội, đến quá trình tổ chức đời sống, ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội,…tất cả đều là các vấn đề thuộc về văn hoá, là đối tượng nghiên cứu của văn hoá học. Phản ánh những hiện thực ấy, tất nhiên, văn học đã trực tiếp phản ánh văn hoá.

     Ngoài mối quan hệ giữa văn học và văn hoá, việc nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá còn xuất phát từ thực tiễn: những năm qua, văn hoá đã trở thành vấn đề chung của các dân tộc trên thế giới; là nền tảng, động lực, mục tiêu của sự phát triển ở các quốc gia. Theo Hồ Sĩ Vịnh, “xu thế toàn cầu hoá trong thế kỉ XXI đưa lại sự phát triển tăng tốc về kinh tế, tăng cường về ý thức một thế giới hoàn chỉnh và tư duy con người càng được mở rộng về không gian, văn hoá toàn cầu càng có những dấu hiệu dung hoà hơn” [7, 346]. Khi sự giao lưu, hội nhập văn hoá trở thành ý thức và nhu cầu của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới thì vấn đề bản sắc văn hoá được chú trọng. Người Việt Nam, hơn ai hết, là những người tự hào và trân trọng văn hoá dân tộc Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế và giao lưu văn hoá. Bản sắc văn hoá dân tộc, văn hoá truyền thống được phản ánh cụ thể, sinh động trong văn học là vì văn hoá là đối tượng phản ánh của văn học và còn là do bản thân nhà văn quan tâm, chú trọng đến văn hoá. Chọn cách tìm hiểu văn học dưới góc nhìn văn hoá, các nhà nghiên cứu văn học vừa khai thác bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống đã được duy trì qua bao thế kỉ, vừa khai thác những yếu tố văn hoá hiện đại làm phong phú thêm nền văn hoá của dân tộc và những yếu tố không phù hợp với văn hoá dân tộc.

     Mặt khác, chính sự vận động, chuyển biến của đời sống văn học với sự phát triển của đội ngũ nhà văn và với sự chuyển hướng, đổi mới đề tài, phương thức phản ánh,… đã có những tác động mạnh mẽ đến sự tiếp nhận của công chúng, trong đó có giới nghiên cứu, phê bình. Không chỉ những nhà văn trẻ (bước vào con đường sáng tác từ sau công cuộc đổi mới), ngay cả những nhà văn quen thuộc từ lâu như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu,…cũng đã có những tìm kiếm, khám phá và có hướng tiếp cận mới về hiện thực, cụ thể là những vấn đề thuộc về đời sống xã hội, con người. Người nghiên cứu khám phá giá trị khác nhau của các tác phẩm ấy từ những cách tiếp cận khác nhau. Dưới góc nhìn văn hoá, hiện thực phản ánh ấy được khai thác ở phương diện môi trường văn hoá và con người văn hoá. Thực tiễn cho thấy, có nhiều sáng tác phản ánh môi trường văn hoá rất phong phú và con người văn hoá rất đa dạng.

     Ngoài ra, trong nghiên cứu khoa học hiện nay, cách tiếp cận liên ngành là xu hướng nghiên cứu đang được áp dụng. Khi khoa học và kinh tế phát triển, trình độ của con người càng cao, việc nâng cao hiểu biết về nhiều lĩnh vực trở thành những đòi hỏi tự thân của mỗi cá nhân. Nó cũng trở thành nhu cầu hiển nhiên đối với người nghiên cứu. Cách tiếp cận liên ngành đòi hỏi cao về kiến thức và năng lực tư duy của người nghiên cứu. Đó là kiến thức về nhiều lĩnh vực và tư duy phức hợp để có thể “tiếp cận một đối tượng bằng nhiều cách thức” từ cứ liệu của các chuyên ngành khác nhau. Văn học là một bộ phận quan trọng của văn hoá. Văn học là một ngành gần với ngành văn hoá học, giữa hai ngành có sự tương tác qua lại. Nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hoá là cách tiếp cận liên ngành giữa văn học và văn hoá học. Cụ thể, người nghiên cứu tìm hiểu văn học từ hiểu biết về văn hoá, về lí thuyết và phương pháp của văn hoá học với sự vận dụng sáng tạo những kiến thức đa ngành. Tất nhiên, các môn khoa học khác như xã hội học, sử học, mĩ học, ngôn ngữ học,… cũng được vận dụng ở những mức độ khác nhau – là yếu tố chính hay phụ trợ – tuỳ thuộc vào vấn đề nghiên cứu và năng lực của người nghiên cứu.

     Cũng có những trường hợp, từ mối quan tâm về văn hoá, chiêm nghiệm, nhìn lại những nội dung biểu hiện văn hoá hoặc liên quan đến văn hoá trong các tác phẩm văn học trước đây (như các sáng tác của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, Sơn Nam,…), các nhà nghiên cứu chọn hướng tìm hiểu văn học dưới góc nhìn văn hoá.

     Đó là những lí do phần nào lí giải về sự phát triển của xu hướng tìm hiểu văn học từ góc nhìn văn hoá.

2. Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá – nội dung nghiên cứu

     Nguyễn Duy Bắc cho rằng: “Văn học phản ánh toàn bộ những sắc thái, diện mạo của văn hoá biểu hiện trong đời sống từ kinh tế, xã hội, chính trị, đạo đức, pháp luật đến phong tục, tập quán, lối sống, đi đứng, nói năng,…” [1, 158]. Nói cách khác, hiện thực được phản ánh trong tác phẩm văn học phong phú như chính cuộc sống. Tìm hiểu văn học từ góc nhìn văn hoá là lựa chọn khai thác các giá trị, các yếu tố văn hoá bản sắc được thể hiện trong văn học, trong đó có những giá trị đặc thù của từng vùng miền, của từng giai đoạn văn hoá, những giá trị tinh hoa trong đời sống, trong những mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội,… Những thành tố văn hoá cụ thể biểu hiện các giá trị trên có thể là phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật truyền thống hay ngôn ngữ, tính cách con người,…

     Trong các bài viết, các công trình nghiên cứu theo hướng tiếp cận nói trên, nhìn chung, từ nội dung phản ánh khá cụ thể trong sáng tác của các nhà văn, người nghiên cứu chủ yếu khai thác những vấn đề sau:

     Theo không gian, nhìn từ đặc trưng văn hoá vùng miền, sáng tác của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng được tìm hiểu ở cảnh quan, văn hoá Hà Nội và các vùng miền phía Bắc; ở lối sống, tính cách người Hà thành. Sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Võ Hồng, Võ Quảng được khai thác ở dấu ấn văn hoá miền Trung. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường là dấu ấn văn hoá Huế gồm cảnh sắc thiên nhiên, nhà vườn, truyền thống lịch sử, văn hoá tâm linh, tính cách Huế. Với Võ Hồng là làng mạc, là nếp sống, nền văn hoá miền Trung, cụ thể là Phú Yên. Với Võ Quảng là làng quê và con người xứ Quảng. Sáng tác của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư được nghiên cứu ở văn hoá Nam Bộ, cụ thể là thiên nhiên, lối sống và tính cách con người vùng sông nước. Nhiều sáng tác của Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thuý được tìm hiểu ở góc độ văn hoá miền núi phía Bắc với đặc trưng không gian văn hoá, tư duy và tính cách các dân tộc vùng cao.

     Theo chiều sâu, nhìn từ văn hoá tổ chức đời sống cá nhân, từ văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, sáng tác dân gian và sáng tác của các nhà văn được nghiên cứu ở những giá trị tinh hoa mang tính chất truyền thống về nếp sống, phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực, giao tiếp, ngôn ngữ,… Cụ thể: tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội trong thần thoại và cổ tích Việt Nam, mối quan hệ gia đình, quê hương,… trong ca dao; phong tục tập quán trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Trần Tiêu; những vẻ đẹp của văn hoá truyền thống như phong tục và những thú chơi tao nhã của người yêu quý cái đẹp trong sáng tác của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng; văn hoá ẩm thực trong sáng tác của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường; văn hoá tâm linh trong văn xuôi Vũ Bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Huy Thiệp,… Nếp sống, lối sống, tính cách con người hầu như đều được khai thác trong văn học từ xưa đến nay như con người yêu nước, yêu gia đình, cần cù trong văn học dân gian; nhà Nho tài tử, con người cá nhân trong văn học cổ và con người ý thức, trách nhiệm trong văn học hiện đại,… Tuy nhiên, được khai thác nhiều nhất ở góc độ con người là con người mang tính cách đặc trưng gắn với yếu tố văn hoá vùng miền: người Hà Nội lãng mạn, thanh lịch, yêu quý cái đẹp trong sáng tác của Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Khải,…; người Huế trầm lặng, kín đáo và tinh tế trong sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Thuỳ Mai; người Nam Bộ bộc trực, phóng khoáng, chân thành trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư,…; người miền núi chất phác, chân thật và tình cảm trong sáng tác của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thuý,…

     Ngôn từ phản ánh tâm hồn, tính cách con người và những đặc trưng cơ bản của văn hoá. Từ địa phương trong tác phẩm văn học được sử dụng với dụng ý rõ rệt: phản ánh tâm hồn, tính cách con người của từng địa phương và những đặc trưng cơ bản của văn hoá vùng miền, dù rất nhiều từ địa phương đã được xã hội hoá và trở thành ngôn ngữ toàn dân. Vì vậy, ngôn ngữ vùng miền đặc biệt được các nhà nghiên cứu chú trọng khai thác khi tìm hiểu văn học từ góc nhìn văn hoá. Chẳng hạn, tiếng địa phương Phú Yên qua miêu tả hoặc đối đáp của người Phú Yên trong sáng tác của Võ Hồng; từ địa phương tái hiện hồn quê và con người xứ Quảng trong tiểu thuyết của Võ Quảng; tiếng địa phương, khẩu ngữ Nam Bộ miêu tả môi trường sống và tính cách người miền Tây trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư; ngôn ngữ mộc mạc, giàu liên tưởng thể hiện tính cách và mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên, bản làng của người miền núi trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thuý,…

     Nghiên cứu văn hoá trong văn học gồm nhiều nội dung, có khi là vấn đề khái quát, mang tính chất chung của văn hoá trong văn học nói chung; có khi là một vấn đề mang tính chất đặc trưng trong bộ phận hoặc một giai đoạn, thời kì văn học, hay một thể loại văn học. Cụ thể: Bản sắc văn học trong dân tộc (Hồ Sĩ Vịnh), Cội nguồn truyền thống văn hoá dân tộc trong thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại (Nguyễn Duy Bắc); các nội dung nghiên cứu trong Nghiên cứu văn hoá cổ truyền Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh: Gia đình Việt Nam qua văn học dân gianGia đình Việt Nam qua những tác phẩm văn học Việt Nam và truyện NômGia đình Việt Nam qua một số tiểu thuyết trước năm 1945.

     Đó là những nội dung nghiên cứu văn học chủ yếu từ góc nhìn văn hoá mà chúng tôi điểm qua những công trình nghiên cứu theo góc độ này. Tất nhiên, tuỳ theo nội dung phản ánh của tác phẩm văn học, người nghiên cứu sẽ khai thác các nội dung thuộc về văn hoá ở những mức độ khác nhau.

3. Ý nghĩa của nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hoá

     Văn học có vai trò to lớn trong việc sáng tạo và phát triển văn hoá. Nhà văn Vũ Bằng đã khẳng định tác dụng, chức năng của văn học trong sự vận động, phát triển của văn hoá: “Một trong những vấn đề văn hoá phổ cập nhất, đồng thời cũng có tác dụng thâm nhập, tiêm nhiệm nhất, là văn học” [2, 5]. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hoá là cách tiếp cận văn học cần thiết và có nhiều ý nghĩa.

     Trước hết, cách nghiên cứu này làm phong phú thêm cách nhìn về văn học, tương tác đến sự phát triển của văn học.

     Mặt khác, người nghiên cứu có thể soi rọi lại những giá trị văn hoá được phản ánh về chiều sâu trong văn học, vốn là “sự thâm nhập và tồn tại của văn hoá trong các hiện tượng đời sống”. Sự phản ánh này mang những đặc trưng của loại hình văn học. Đó là một quá trình phản ánh nghệ thuật bằng ngôn ngữ, hình tượng mang tính cá biệt và tính khái quát cao. Từ phương pháp nghiên cứu khoa học, từ kiến thức tích luỹ, năng lực cảm thụ của cá nhân, khi thâm nhập vào thế giới sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, người nghiên cứu sẽ có những khám phá riêng về giá trị văn hoá của tác phẩm.

     Ngoài ra, người nghiên cứu có thêm kiến thức về các lĩnh vực liên ngành để có cơ sở nghiên cứu thích hợp và có thể phát hiện nhiều mặt, hợp lí và hay về các yếu tố văn hoá trong tác phẩm văn học. Nó cũng giúp họ thích ứng với xu hướng nghiên cứu đang thịnh hành.

     Các nhà văn tiếp nhận và tái hiện văn hoá dân tộc bằng tình cảm yêu thương, gắn bó bền lâu, bằng ý thức trân trọng, đề cao những giá trị văn hoá truyền thống – những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, được truyền lại nên là những giá trị vô giá.

     Không chỉ có muốn lưu giữ, họ còn có ý thức gắn kết văn hoá dân tộc truyền thống với con người của thế hệ ngày nay. Từ chức năng phản ánh và chức năng giáo dục của văn học, có thể thấy, các vấn đề thuộc về văn hoá trong tác phẩm văn học, qua nghiên cứu, không chỉ làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần mà còn giúp người đọc nhận ra các giá trị văn hoá của dân tộc một cách sinh động. Nó tạo nên ý thức chung về văn hoá dân tộc, góp phần nâng cao cảm quan, nhận thức, tri thức và niềm tự hào của công chúng về văn hoá dân tộc. Ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hoá Việt Nam vì vậy cũng được đề cao.

4. Kết luận

Nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hoá là một xu hướng nghiên cứu đang phát triển. Nó không chỉ là xu hướng đáp ứng nhu cầu về mặt phương pháp, kiến thức,… của nhiều người nghiên cứu hiện nay, mà còn là xu hướng đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá qua văn học của công chúng. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc nhìn văn hoá đã góp phần khẳng định bản sắc văn hoá và sức sống mãnh liệt của văn hoá Việt Nam trong đời sống người Việt nói chung, trong văn học Việt Nam nói riêng. Đây cũng là xu hướng nghiên cứu tác động đến sự phát triển của cả văn hoá lẫn văn học.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Nguyễn Duy Bắc, Cảm nhận về văn hoá và văn học trong hành trình đổi mới, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2006.
  2. Vũ Bằng, Đông Tây cổ học tinh hoa, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1992.
  3. Hà Minh Đức (chủ biên), Những vấn đề lí luận và lịch sử văn học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.
  4. Vũ Ngọc Khánh, Nghiên cứu văn hoá cổ truyền Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.
  5. Huỳnh Như Phương, Văn học và văn hoá truyền thống, Nhà vănsố 10, 2009.
  6. Đỗ Lai Thuý, Từ cái nhìn văn hoá, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1999.
  7. Hồ Sĩ Vịnh, Về bản lĩnh văn hoá Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.