Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể

Sách chân trời sáng tạo

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện là đưa ra những cảm nhận, quan điểm dưới dạng bài nghị luận, phân tích về một tác phẩm truyện.

II. Yêu cầu

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện (nhan đề, tên tác giả,...) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm.

- Tóm tắt tác phẩm truyện (vừa đủ để người đọc nắm được nội dung chính).

- Phân tích cụ thể, rõ ràng về tác phẩm truyện (chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng) với những cứ liệu sinh động.

- Đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

- Khẳng định giá trị của tác phẩm truyện.

III. Hướng dẫn quy trình Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Bước 1: Chuẩn bị viết

- Lựa chọn một tác phẩm truyện mà bạn yêu thích, gợi cho bạn nhiều hứng thú và suy ngẫm. Chú ý đến yêu cầu về thể loại để lựa chọn tác phẩm phù hợp.

- Đọc lại để nắm bắt tác phẩm ở mức độ khái quát nhất; xác định những yếu tố hay vấn đề của tác phẩm sẽ được phân tích, đánh giá.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

1. Tìm ý

Để tìm ý, có thể đặt ra các câu hỏi:

- Vì sao tác phẩm này được lựa chọn để phân tích, đánh giá? Điều gì khiến bạn yêu thích tác phẩm?

- Câu chuyện trong truyện diễn ra như thế nào?

- Chủ đề của truyện là gì?

- Truyện có những nét đặc sắc nào về nghệ thuật.

- Những câu, đoạn nào trong truyện cần được trích dẫn và phân tích để làm sáng tỏ chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật?

- Cần nhận xét, đánh giá như thế nào về thành công hay hạn chế của tác phẩm?

2. Lập dàn ý

Phân bố các ý tìm được ở trên vào từng phần của của bài viết theo gợi ý sau:

- Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm. 

- Thân bài:

+ Tóm tắt nội dung chính của truyện.

+ Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm.

+ Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. 

- Kết bài: Tóm lược các nhận định trong phần thân bài, khẳng định giá trị của tác phẩm, đưa ra một số ý tưởng mở rộng,...

Bước 3: Viết

Viết bài theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần chú ý:

- Mở bài cần thu hút được sự chú ý của người đọc. Nêu được lí do bạn yêu thích tác phẩm truyện từ góc nhìn cá nhân. 

- Các luận điểm triển khai ở thân bài cần tập trung vào chủ đề và những nét đặc sắcvề nghệ thuật của  truyện. 

- Tránh lối phân tích, đánh giá chung chung. Mỗi luận điểm trong bài viết đều cần đượclàm sáng tỏ bằng  các chi tiết, dẫn chứng cụ thể từ tác phẩm truyện.

- Thể hiện được ý kiến đánh giá riêng của người viết về tác phẩm truyện.

- Khi dẫn các ý kiến phân tích, đánh giá của người khác về tác phẩm, cần ghi rõ nguồn.

Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Đọc lại bài và chỉnh sửa theo hai cấp độ: ý lớn và chi tiết. 

- Xem xét các luận điểm đã được làm sáng tỏ bằng những chi tiết cụ thể từ văn bản chưa.

- Bài viết đảm bảo tuân thủ các quy định về chính tả và quy tắc ngữ pháp. 

IV. Ví dụ

Phân tích tình huống truyện của tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

Bài làm

    Với bàn tay tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống truyện vô cùng độc đáo trong “Chữ người tử tù”. Bởi đối với truyện ngắn, tình huống truyện có ý nghĩa then chốt vì nó góp phần giúp cho cốt truyện phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ và tư tưởng nhà văn được sáng rõ.

    Trong “Chữ người tử tù” tình huống truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kỳ ngộ giữa Huấn Cao và quản ngục. Đó là một tình huống có tính chất éo le, kịch tính và ngang trái, bởi Huấn Cao là tử tù cò quản ngục là quản tù; Huấn Cao đứng đầu đội quân phiến loạn triều đình còn quản ngục lại là công cụ bảo vệ triều đình, đại diện cho triều đình.

    Huấn Cao là một anh hùng có chí khí, khí phách hiên ngang và có tài viết chữ thư pháp được ví như người tài lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa còn quản ngục mặc dù sống trong chốn cặn bã, lừa lọc, tàn nhẫn nhưng lại yêu cái đẹp, trọng người tài. Huấn Cao bị cầm tù về nhân thân nhưng tự do về thân cách còn quản ngục tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù bởi nhân cách. Trên bình diện xã hội, họ ở hai chiến tuyến đối lập nhau, chính vì thế tình huống truyện càng gay gắt và kịch tính hơn.

    Tình huống truyện giúp cho cốt truyện phát triển từ cuộc gặp gỡ đến sự biệt đại của quản ngục cho Huấn Cao rồi đến sự hiểu nhầm của Huấn Cao trước tấm lòng của quản ngục để rồi sự trân trọng và quý mến khi nhận ra tấm lòng chân thành và sự biệt đãi của quản ngục, một người biết quý trọng người tài, yêu cái đẹp. Đồng thời tính cách nhân vật cũng được bộc lộ: Huấn Cao là người tài hoa uyên bác, anh hùng có khí phách có thiện lương; quản ngục trong văn của Nguyễn Tuân dù sống trong chốn cặn bã, quay quắt nhưng tấm lòng yêu cái đẹp biết trọng người tài của ông giống như một thanh âm trong trẻo trong bản nhạc xô bồ, hỗn loạn.

    Hoàn cảnh không thể nào thay đổi bản chất lương thiện và tốt đẹp trong tâm hồn con người. Cũng qua tình huống ấy, tư tưởng nhà văn được bộc lộ: Nguyễn Tuân một cây bút suốt đời đi tìm cái đẹp bị ẩn dấu và khuất lấp, thậm chí là cái đẹp độc đáo, mãnh liệt và ấn tượng ông đã qua tình huống này ca ngợi cái đẹp, cái đẹp của tâm hồn và nhân cách con người, cái đẹp của tài năng. Đồng thời việc ca ngợi và tìm ra cái đẹp kín đáo bị ẩn lấp ấy cũng chính là một biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước khi ca ngợi những con người dân tộc.

    Bằng tài năng và tấm lòng yêu con người, yêu cái đẹp. Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra được tình huống truyện đặc sắc và hấp dẫn, chỉ có thể là một cây bút tài năng mới thành công như vậy. "Chữ người tử tù" luôn là một truyện ngắn hấp dẫn bởi giọng riêng của Nguyễn Tuân.