I. Khái niệm Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
Phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch là kiểu bài nghị luận văn học sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự (sử thi, truyện kể, truyện ngắn, tiểu thuyết, kí,..) hoặc tác phẩm kịch (chèo, tuồng, hài kịch, bi kịch,...).
II. Yêu cầu Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
- Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi thì cần tập trung vào cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,...
- Với các tác phẩm truyện kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự,... thì cần tập trung vào các yếu tố tạo nên tính xác thực của sự kiện, chi tiết,... góc nhìn, thái độ, quan điểm, cảm xúc và ngôn từ của tác giả.
- Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,...
- Bố cục:
+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự/ tác phẩm nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.
+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định (chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).
+ Kết bài: khẳng định lại một cách khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức phẩm.
III. Hướng dẫn quy trình Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
Bước 1: Chuẩn bị viết
Xác định đề tài
- Tham khảo các bài trước (Bài 1, Bài 6) để xác định đề tài cho phù hợp. Với hai đề bài nêu trên, phạm vi cho phép bạn lựa chọn rất rộng. Bạn có thể chọn một tác phẩm truyện hoặc một màn kịch nào đó để phân tích, đánh giá. Xem danh mục tác phẩm dưới đây.
- Truyện: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Giang (Bảo Ninh), Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê), Hai vạn dặm dưới đáy biển (Giuyn Véc-nơ), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần),...
- Kịch: Xã trưởng – Mẹ Đốp (trích Quan Âm Thị Kính, chèo cổ); Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lõm Thị Hến (trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến, tuồng đồ); Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ),...
- Việc xác định mục đích viết, người nghe, thu thập tư liệu, bạn thực hiện như đã tiến hành ở các bài học trước.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
- Để xác định các nội dung chính của bài phân tích, bạn có thể đặt và trả lời các câu hỏi: Chủ đề của tác phẩm này là gì? Những tác phẩm nào có cùng chủ đề? Chủ đề của tác phẩm cần phân tích, đánh giá đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào và được khơi sâu nhờ bút pháp thế nào? ,... (Tìm ý cho việc phân tích, đánh giá chủ đề).
- Hoặc các câu hỏi: Tác phẩm được sáng tác theo thể loại nào (truyện, kịch)? Thể loại ấy có những điểm gì đáng lưu ý (trong cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, điểm nhìn, lời kể lời thoại,...)? Các yếu tố hình thức nghệ thuật của tác phẩm có gì đặc sắc và đã góp phần thể hiện chủ đề thế nào? (Tìm ý cho việc phân tích, đánh giá các nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật).
Lập dàn ý
Sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý (theo bố cục nêu trong Tri thức về kiểu bài). Riêng với dàn ý phần thân bài, bạn cần:
- Lần lượt chi tiết hoá các luận điểm.
- Thân bài cần trình bày ít nhất hai luận điểm, một luận điểm phân tích, đánh giá chủ đề và một luận điểm phân tích, đánh giá những nét đặc sắc vẻ hình thức nghệ thuật của tác phẩm (gắn với đặc trưng thể loại), hoặc trong mỗi luận điểm, kết hợp phân tích, đánh giá chủ đề với phân tích, đánh giá nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và chỉ ra tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề.
Ví dụ: dàn ý cho bài phân tích, đánh giá về nghệ thuật kể chuyện trong truyện
Cô bé bán diêm, các luận điểm đã được sắp xếp như sau:
Lời kể theo dòng tâm trạng (Lí lẽ và bằng chứng)
Lời kể xen kẽ thực tế và mộng tưởng (Lí lẽ và bằng chứng)
Nhiều kiểu lời văn (Lí lẽ và bằng chứng)
Bước 3: Viết bài
Dựa vào dàn ý, bạn hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết cần:
- Thể hiện được các đặc điểm của kiểu bài Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt.
- Chú ý cách diễn đạt sáng rõ, khúc chiết, linh hoạt.
Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện
- Đọc lại bài và chỉnh sửa theo hai cấp độ: ý lớn và chi tiết.
- Xem xét các luận điểm đã được làm sáng tỏ bằng những chi tiết cụ thể từ văn bản chưa.
- Bài viết đảm bảo tuân thủ các quy định về chính tả và quy tắc ngữ pháp.
IV. Ví dụ Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch
Phân tích tình huống truyện của tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).
Bài làm
Với bàn tay tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống truyện vô cùng độc đáo trong “Chữ người tử tù”. Bởi đối với truyện ngắn, tình huống truyện có ý nghĩa then chốt vì nó góp phần giúp cho cốt truyện phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ và tư tưởng nhà văn được sáng rõ.
Trong “Chữ người tử tù” tình huống truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kỳ ngộ giữa Huấn Cao và quản ngục. Đó là một tình huống có tính chất éo le, kịch tính và ngang trái, bởi Huấn Cao là tử tù cò quản ngục là quản tù; Huấn Cao đứng đầu đội quân phiến loạn triều đình còn quản ngục lại là công cụ bảo vệ triều đình, đại diện cho triều đình.
Huấn Cao là một anh hùng có chí khí, khí phách hiên ngang và có tài viết chữ thư pháp được ví như người tài lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa còn quản ngục mặc dù sống trong chốn cặn bã, lừa lọc, tàn nhẫn nhưng lại yêu cái đẹp, trọng người tài. Huấn Cao bị cầm tù về nhân thân nhưng tự do về thân cách còn quản ngục tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù bởi nhân cách. Trên bình diện xã hội, họ ở hai chiến tuyến đối lập nhau, chính vì thế tình huống truyện càng gay gắt và kịch tính hơn.
Tình huống truyện giúp cho cốt truyện phát triển từ cuộc gặp gỡ đến sự biệt đại của quản ngục cho Huấn Cao rồi đến sự hiểu nhầm của Huấn Cao trước tấm lòng của quản ngục để rồi sự trân trọng và quý mến khi nhận ra tấm lòng chân thành và sự biệt đãi của quản ngục, một người biết quý trọng người tài, yêu cái đẹp. Đồng thời tính cách nhân vật cũng được bộc lộ: Huấn Cao là người tài hoa uyên bác, anh hùng có khí phách có thiện lương; quản ngục trong văn của Nguyễn Tuân dù sống trong chốn cặn bã, quay quắt nhưng tấm lòng yêu cái đẹp biết trọng người tài của ông giống như một thanh âm trong trẻo trong bản nhạc xô bồ, hỗn loạn.
Hoàn cảnh không thể nào thay đổi bản chất lương thiện và tốt đẹp trong tâm hồn con người. Cũng qua tình huống ấy, tư tưởng nhà văn được bộc lộ: Nguyễn Tuân một cây bút suốt đời đi tìm cái đẹp bị ẩn dấu và khuất lấp, thậm chí là cái đẹp độc đáo, mãnh liệt và ấn tượng ông đã qua tình huống này ca ngợi cái đẹp, cái đẹp của tâm hồn và nhân cách con người, cái đẹp của tài năng. Đồng thời việc ca ngợi và tìm ra cái đẹp kín đáo bị ẩn lấp ấy cũng chính là một biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước khi ca ngợi những con người dân tộc.
Bằng tài năng và tấm lòng yêu con người, yêu cái đẹp. Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra được tình huống truyện đặc sắc và hấp dẫn, chỉ có thể là một cây bút tài năng mới thành công như vậy. "Chữ người tử tù" luôn là một truyện ngắn hấp dẫn bởi giọng riêng của Nguyễn Tuân.