I. Tìm hiểu chung bài Thần trụ trời
1. Xuất xứ
Trích từ tuyển tập (Theo Tuyển tập Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tr.67 - 68 )
2. Thể loại
Thần thoại suy nguyên (thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài).
3. Bố cục: 3 phần
- Phần 1: Từ đầu đến “sang đỉnh núi kia”. (Sự xuất hiện của thần trụ trời).
- Phần 2: Tiếp theo đến “trên trời dưới đất”. (Những việc làm thay đổi tạo vật của thần trụ trời).
- Phần 3: Đoạn còn lại (Ca ngợi tài năng của các vị thần).
4. Tóm tắt
Từ thuở xưa, khi trời đất còn hỗn độn và tối tăm, có một vị thần to lớn đã xuất hiện. Thần đội trời, đào đất, tạo núi non, các hòn đảo và hình thành nên vũ trụ. Sau đó không ai biết tung tích của vị thần đâu, có người cho rằng thần đã trở thành Ngọc Hoàng cai quản đất trời. Sau thần Trụ Trời có một số thần khác được phân công cai quản đất trời như thần sao, thần đào sông, thần tát biển, thần trồng cây,…
II. Giá trị nội dung và nghệ thuật bài Thần trụ trời
1. Giá trị nội dung
Truyện Thần Trụ Trời giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên bằng trí tưởng tượng của nhân dân như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo.
2. Giá trị nghệ thuật
Truyện thần thoại Thần Trụ Trời cho thấy sự sáng tạo của người Việt cổ. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước.
- Mọi chi tiết kể và tả Thần Trụ Trời đều gợi những vòng hào quang, điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại.
- Truyện đã nhân cách hóa vũ trụ thành một vị thần.