Phân tích chi tiết Lí ngựa ô ở hai vùng đất

Sách chân trời sáng tạo

Đổi lựa chọn

I. Cảm xúc của nhân vật trữ tình về câu hát lý ngựa ô

“Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu

gặp câu hát bền lòng giong ruổi mãi

đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi

Lí ngựa ô em hát đợi bên cầu

 

Hoá vô tận bao điều mơ tưởng ấy

bao câu hát ông cha mình gởi lại

sao em thương câu lý ngựa ô này

sao anh nghe đến lần nào cũng vậy

sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy

chỉ riêng mình em hát với anh đây”.

-  Bài thơ mở đầu thật tự nhiên, cho thấy câu hát lí ngựa ô đã gắn liền với tuổi thơ của tác giả, trở thành niềm yêu, nỗi nhớ thương đi theo suốt cuộc đời tác giả.

- Nghệ thuật điệp cấu trúc cú pháp: “sao em”, “sao anh”, “sao chỉ thấy” thể hiện niềm tự hào của tác giả về câu hát lý ngựa ô.

- Giọng thơ chứa chan tình cảm, cách xưng hô “anh – em” tạo cho người đọc trào dâng cảm xúc yêu thương, bình yên trong tâm hồn.

II. Lý ngựa ô ở “làng anh”

“Làng anh ở ven sông

sắp vào tháng tư

mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng

mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bẫng

ai cũng ngỡ mình đang đi trong mây

ai chẳng tin mình đang gióng ngựa sắt

cả một vùng sông ai chẳng hát

sao không nghe câu lý ngựa ô này”.

- Làng anh: ở ven sông, ''quen hát Lí ngựa ô rồi'', hát vào tháng tư khi Hội Gióng. Câu hát Lí ngựa ô ở ''làng anh'' hát theo đường đánh giặc, ai nghe cũng ngỡ mình đang di trong mây, ai chẳng tin mình đang gióng ngựa sắt. Có thể thấy câu hát Lí ngựa ô như một khúc ca vang lên khi họ đi hành quân.

III. Lý ngựa ô ở “bên em”

“Thế mà bên em

móng ngựa gõ mê say

qua phá rộng duềnh doàng lên dợn sóng

qua truông rậm đến bây giờ anh buộc võng

gặp mối dây buộc ngựa gỗc lim già

suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện

suốt miền Trung núi choài ra biển

nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua”.

- Bên em: ''móng ngựa gõ mê say”, ''qua phá rộng duềnh doàng lên đợt sóng''. Ở bên em, câu hát Lí ngựa ô như một lời mời gọi, mang cảm giác mộc mạc của làng quê, sông nước miền Trung.

- Anh ra trận, đến quê em lại nghe câu hát lí ngựa ô. Dường như câu hát đi theo anh từ thưở ấu thơ, đến lúc trưởng thành, tiếp thêm cho anh niềm tin, sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

IV. Sự gặp gỡ, hòa hợp giữa những câu Lí ngựa ô hát ở “hai vùng đất”

“Hay vì làng anh ở ven sông

những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng

đã hát quen lý ngựa ô rồi

khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng

móng gõ mặt thời gian gõ trống

khen câu miền Nam như giục như mời

ngựa tung bờm bay qua biển lúa

ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa

tiếng hí chào xa khơi...

hay em biết quê anh ngoài đó

câu hát bắc cầu qua một thời quan họ

câu hát xui nhau nên vợ nên chồng

lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc

có điều gì như thể ẩn vào trong?

 

Em muốn về hội Gióng với anh không

để anh khoe với họ hàng câu lý ấy

em muốn làm dâu thì em ở lại

lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi

đồng đội của anh đã chọn mùa thắng giặc

cũng sắp về chia vui”.

- Câu hát lí ngựa ô ở hai vùng đất tuy có sự khác nhau về âm điệu nhưng vẫn có sự gặp gỡ, hòa hợp bởi ẩn trong mẫu câu hát là những tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình, là tình yêu lứa đôi.

- “Em muốn về hội Gióng với anh không

để anh khoe với họ hàng câu lý ấy

em muốn làm dâu thì em ở lại

lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi”.

- Câu thơ vừa như lời gọi vừa như một lời an ủi, vỗ về, giọng thơ nhẹ nhàng tha thiết gợi cảm xúc mênh mang, dàn trải, nó làm cho bài thơ nhẹ nhàng, như ru như hát gợi dậy trong lòng người bao nỗi niềm bâng khuâng. Hội Gióng, câu hát lí ngựa ô chính là điểm đến trong tâm tưởng của tác giả. Ngay cả lời tỏ tình với người em gái cũng hướng về câu hát đầy kỉ niệm ấy.

-> Bằng sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp tu từ: điệp cấu trúc, ẩn dụ, điệp từ; thể thơ tự do dạt dào xúc cảm, tác phẩm Lý ngựa ô ở hai vùng đất đã thể hiện được vẻ đẹp và sức sống của những điệu lý, điệu hò, ẩn sâu trong những câu hát đó là nét đẹp tâm hồn, là khát vọng của người dân. Họ đưa vào đó những mong ước, khát khao về sự yên bình, tình yêu lứa đôi, những tâm tư tình cảm, cùng với đó là lòng yêu quê hương, đất nước.