1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về Ba-sô: là nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Nhật Bản.
- Giới thiệu khái quát về thể loại thơ Hai-cư: thơ Hai-cư là một thể thơ truyền thống đặc biệt của Nhật Bản, phản ánh tâm hồn người Nhật - ưa hòa hợp với thiên nhiên.
2. Thân bài
a. Bài 1
Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương.
- Quý ngữ: Mùa sương - mùa thu
- Nội dung: Đất khách, đất lạ hóa thành quê hương khi đã có thời gian sống, gắn bó và xa cách.
- Bằng trải nghiệm cũng như cảm nhận trong cuộc đời ở khoảng thời gian mười năm xa quê, nhà thơ khắc họa trước mắt chúng ta hai vùng đất khác nhau, hai khoảng không gian, thời gian xa vời; đất khách và quê hương, xưa và nay.
+ Trước cái vô hạn của không gian thời gian ta bắt gặp cái hữu hạn trong cuộc sống con người khi tuổi mỗi ngày một qua đi, sự gắn bó với quê hương mỗi ngày một ngắn lại, từ đó nhà thơ cảm thấy yêu cuộc sống này hơn và "ngộ" ra một điều: đâu cũng là quê hương.
+ Ê-đô là cố hương => trước cái hữu hình rộng lớn, nhà thơ biến thành cái vô hình nhỏ bé trong lòng tự mình biết để cảm nhận và diễn tả trải dài tình cảm nỗi niềm của mình đối với quê hương và đất nước.
=> Bài thơ ngắn gọn còn là một triết lí sâu sắc trong quy luật tình cảm của con người với bất cứ nơi đâu khi bước chân mình đã qua, dù ngắn hay dài thì chuỗi thời gian ấy khó vơi trong mỗi chúng ta, một lúc nào đó chợt nhớ mình lại cảm thấy day dứt xót xa như còn mang một món nợ lớn trong đời.
b. Bài 2
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
- Quý ngữ: Chim Đỗ quyên - mùa hè
- Sự chuyển đổi cảm giác: Tiếng chim gợi nhớ đến kinh đô. Ở kinh đô mùa hè gợi nhớ kinh đô ngày xưa kỷ niệm đã qua.
- Bài thơ được viết khi tác giả trở lại Ki-ô-tô sau nhiều năm phiêu bạt. Đây là cuộc gặp gỡ của những cố nhân. Một cuộc gặp gỡ đầy tâm trạng.
- Tứ thơ đơn giản nhưng sâu sắc:
+ Âm thanh của tiếng chim đỗ quyên hót đã gợi tả sự tĩnh lặng của không gian. Hai-cư vốn đề cao cái vắng lặng, đơn sơ, hiu hắt, u huyền… bởi đó là không khí dễ gợi và dễ cảm nhận tâm trạng nhất.
+ Dùng âm thanh để gợi tả sự tĩnh lặng là bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thi ca cổ điển phương Đông. Kinh đô vốn là chốn phồn hoa đô hội, vậy mà lại nghe được âm thanh của tiếng đỗ quyên hót.
- Chỉ một thứ âm thanh gợi một nỗi nhớ nhưng gợi mở bao nhiêu ý nghĩa:
+ Đứng giữa kinh đô mà nhớ kinh đô. Đây là kinh đô ở hai thời điểm khác nhau. Một kinh đô đồng hiện: kinh đô của quá khứ và kinh đô của hiện tại.
+ Nỗi nhớ ở đây là "niềm tiếc nuối" của nhà thơ. Gặp lại kinh đô hoang tàn của hiện tại, nhớ kinh đô xưa tươi đẹp.
=> Cũng có thể hiểu rằng, bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với đất nước mà hiện thân của đất nước là kinh đô. Tình cảm tha thiết ấy trào dâng trong lòng khi con người ngược thời gian trở về với miền mong nhớ.
c. Bài 3
Lệ tràn nóng hổi
tan trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
- Quý ngữ: Làn sương thu - mùa thu.
- Cuộc đời ngắn ngủi, mong manh như làn sương hay dòng nước mắt của người con đối với mẹ.
- Chuỗi hình ảnh kết hợp: giọt nước mặt - mớ tóc bạc - làn sương thu tạo nên trường liên tưởng, gợi mở các lớp nghĩa:
+ Tóc mẹ như sương - con khóc cho đời mẹ buồn thương trong nỗi ngậm ngùi.
+ Giọt nước mắt như sương - hòa tan nỗi đau của con vào thiên nhiên.
+ Cuộc đời mỏng manh như hạt sương ngắn ngủi, vô thường.
=> Bài thơ mơ hồ, đa nghĩa, ghi dấu khoảnh khắc thiêng liêng của tình mẫu tử, nối kết giữa mất - còn, hữu hạn - vô hạn.
d. Bài 4
Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?
gió mùa thu tái tê.
- Tiếng hú của con vượn như xoáy vào nỗi niềm trắc ẩn. Nghe tiếng vượn hú, Ba-sô lại liên tưởng đến tiếng trẻ con. Ba câu thơ, hai cảnh ngộ (hồi ức và hiện tại) đan quyện và cộng hưởng.
=> Dường như tiếng vượn kêu não nề trong gió cũng khiến lòng người tái tê.
- Âm thanh thứ nhất gợi không khí hoang vu, nặng nề. Âm thanh thứ hai gợi bao điều trắc ẩn. Tiếng trẻ tha thiết rên rỉ trong cô đơn, trong cảnh ngộ không nơi nương tựa.
=> Bài thơ khắc hoạ một hình ảnh vô cùng xúc động, làm đau đớn trái tim người đọc:
+ Âm thanh của tiếng vượn hú đã thê lương nhưng "tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc" còn thê lương, thảm thiết hơn nhiều.
+ Bao trùm cả bài thơ là âm thanh và không khí u trầm, buồn đau. Khí trời mùa thu tái tê càng làm cho bài thơ thêm phần ảm đạm.
=> Bài thơ thể hiện niềm cảm thông sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người bất hạnh.
e. Bài 5
Mưa đông giăng đầy trời
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi.
- Bài thơ này Ba-sô sáng tác khi du hành ngang qua một cánh rừng, ông thấy một chú khỉ nhỏ đang lạnh run lên trong cơn mưa mùa đông.
- Hình ảnh chú khỉ đơn độc trong bài thơ gợi lên hình ảnh người nông dân Nhật Bản, gợi hình ảnh những em bé nghèo đang rét co ro.
=> Bài thơ thể hiện tình thương yêu sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người nghèo khổ. Chú khỉ đã được nhân hoá để nói về suy nghĩ và ước mơ của con người về một cuộc sống hạnh phúc.
- Bài thơ đã khái quát hoá một vấn đề rất lớn và rất phổ biến của nhân sinh, đó là khao khát, là ước mơ:
+ Con người luôn khao khát và ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn. Những ước mơ rất đỗi giản dị, như chú khỉ ước có được chiếc áo tơi trong cơn mưa đông.
+ Đó là ước muốn có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Giữa những phút giây bề bộn của cuộc sống, con người luôn hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Và điều đó khiến cho xã hội loài người ngày càng phát triển.
f. Bài 6
Từ bốn phương trời xa
cánh hoa đào lả tả
gợn sóng hồ Bi-oa.
- Quý ngữ: Hoa đào - mùa xuân.
- Hoa đào rụng lả tả như mây hoa rơi xuống làm mặt nước hồ gợn sóng.
=> Triết lý sâu sắc: Sự tương giao giữa các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, thiên nhiên.
- Chuỗi hình ảnh liên kết sự vật: không gian (ánh sáng) - hoa anh đào (màu sắc) - làn sóng hồ (vật thể) => Bức tranh mùa xuân giao hòa, mềm mại, nhẹ nhàng, thể hiện quan niệm vạn vật tương giao.
=> Gợi nỗi buồn man mác trước sự rơi rụng của cái Đẹp trong mùa xuân.
g. Bài 7
Vắng lặng u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm.
- Quý ngữ: tiếng ve - mùa hè.
- Bài thơ ra đời trong một lần Ba-sô leo lên núi đá để thăm chính điện chùa Riu-sa-ku-ji. Tiếng ve là thanh, đá là vật. Nhưng trong cảnh u tịch, vắng lặng của chiều tà, khi tất cả đều im ắng hết lại có thể nghe được tiếng ve rền rĩ như nhiễm vào, như thấm vào đá.
- Ngôn từ của bài thơ đậm đà chất hai-cư. Ngay dòng thơ mở đầu đã là cái không khí rất thâm trầm, rất phương Đông.
- Nghệ thuật đảo trật tự cú pháp, nhà thơ đã nói lên được sự tương giao màu nhiệm giữa thiên thiên với thiên nhiên, có sự tương giao màu nhiệm giữa tâm hồn nhà thơ và vũ trụ nhân sinh.
+ "Vắng lặng u trầm" là nhóm tính từ chỉ trạng thái của "tiếng ve ngâm thấm sâu vào đá".
+ Mùa hè được cảm nhận bằng những giác quan của một con người thâm trầm. Người ngắm cảnh như nghiêng mình trước buổi chiều yên ắng để lắng nghe, để chiêm nghiệm, để hoà hợp tâm hồn mình cùng những biến thái, những chuyển động rất tinh vi của tự nhiên. Thâm trầm vốn là bản chất của vũ trụ. Rất nhẹ nhàng nhưng có một sức tác động mạnh mẽ, mọi vật tồn tại trong thế giới này đều lặng lẽ hoà hợp với nhau, tạo nên sự bền vững cho thế giới.
3. Kết bài:
Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ hai-cư của Ba-sô: bằng những hình ảnh thơ giàu sức gợi, Ba-sô đã khơi gợi trong lòng người đọc về nỗi nhớ quê hương.