Câu 1 trang 133 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh bởi cũng giống như nàng, nhà thơ có tài năng văn chương nhưng lại có số phận nhiều thăng trầm, định mệnh nghiệt ngã.
Câu 2 trang 133 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Câu thơ Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi có nghĩa là nỗi hận cổ kim khó mà hỏi trời được.
+ Nỗi hận ở đây là vì sao những người tài năng, nhan sắc như Tiểu Thanh và biết bao người giống như nàng lẽ ra phải được trân trọng, được sống hạnh phúc nhưng lại chịu bất hạnh, dập vùi.
=> Đó là mối hận chung của cả người xưa và người nay.
- Tác giả cho rằng mối hận đó không thể hỏi trời vì nó không có lời giải đáp, trời vô tình và xã hội cũng tàn nhẫn bỏ mặc những người có tài năng văn chương nghệ thuật.
Câu 3 trang 133 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Sự thương xót và đồng cảm của Nguyễn Du với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh đã cho thấy tấm lòng nhân đạo sâu sắc bởi ông đã đặt ra vấn đề quyền sống của người nghệ sĩ, bày tỏ thái độ trân trọng, thông cảm đối với họ.
- Đây là điểm mới trong tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du, không chỉ quan tâm tới những người nghèo khổ mà còn thương xót những chủ nhân của các giá trị văn hóa tinh thần.
Câu 4 trang 133 SGK Ngữ văn 10, tập 1
- Chủ đề toàn bài là đặt vấn đề về số phận bất hạnh của người nghệ sĩ tạo ra giá trị tinh thần. Mỗi đoạn thơ có vai trò đối với chủ đề như sau:
+ Hai câu đề: từ cảnh hoang phế nơi Tiểu Thanh sống một đời buồn tủi, hình dung những di cảo còn sót lại của nàng mà dấy lên cảm xúc.
+ Hai câu thực: bày tỏ suy nghĩ về số phận bất hạnh của Tiểu Thanh.
+ Hai câu luận: liên hệ đến bản thân và khái quát, nâng cao vấn đề mối hận chung.
+ Hai câu kết: tiếng khóc thương xót cho những nghệ sĩ tài năng, bất hạnh.