Bài giảng Tính chuẩn xác và hấp dẫn của văn bản thuyết minh

I. TÍNH CHUẨN XÁC TRONG VĂN BẢN THUYẾT MINH

1. Tính chuẩn xác và một số biện pháp đảm bảo tính chuẩn xác của văn bản thuyết minh

a. Mục đích

- Mục đích của văn bản thuyết là cung cấp những thông tin về sự vật khách quan nhằm giúp cho hiểu biết của người đọc (người nghe) thêm chính xác và phong phú. Công việc của thuyết minh sẽ không còn ý nghĩa, mục đích của thuyết minh sẽ không đạt được nếu nội dung của văn bản không chuẩn xác.

b. Một số biện pháp bảo đảm tính chuẩn xác của văn bản thuyết minh

- Tìm hiểu thấu đáo trước khi viết

- Thu thập đầy đủ tài liệu tham khảo, tìm được tài liệu có giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học có tên tuổi, các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề cần thuyết minh

- Chú ý đến thời điểm xuất bản của các tài liệu để có thể cập nhật những thông tin mới và những thay đổi thường có.

Ví dụ: Trả lời các câu hỏi sau đây để kiểm tra tính chuẩn xác của văn bản thuyết minh:

Ở lớp 10 Trung học phổ thông, học sinh chỉ được học văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, câu đố)

Gọi “Đại cáo bình Ngô” là áng thiên cổ hùng văn vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước.

Trả lời:

Viết như vậy không chuẩn xác về nội dung bởi chương trình Ngữ văn 10 không chỉ có văn học dân gian mà còn có văn học viết. Trong phần văn học dân gian không phải chỉ có ca dao, tục ngữ ; đồng thời lại không có câu đố.

Câu văn “Gọi “Đại cáo bình Ngô” là áng thiên cổ hùng văn vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước” không chuẩn xác. Cách giải thích cụm từ “thiên cổ hùng văn” không đúng. Nó là “áng hùng văn lưu truyền của nghìn đời” chứ không phải là “được viết ra từ nghìn năm trước”.

II. TÍNH HẤP DẪN CỦA VĂN BẢN THUYẾT MINH

1. Tính hấp dẫn và một số biện pháp tạo tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh

a. Tính hấp dẫn

- Văn bản thuyết minh không hấp dẫn (nghĩa là không có sức lôi cuốn, thu hút sự chú ý) người ta sẽ không đọc. Và khi người ta không đọc, văn bản thuyết minh sẽ không có tác dụng gì.

b. Một số biện pháp làm cho văn bản thuyết minh hấp dẫn

- Đưa ra những chi tiết cụ thể, sinh động, những con số chính xác để bài văn không trừu tượng, mơ hồ.

- So sánh để làm nổi bật sự khác biệt, khắc sâu vào trí nhớ người đọc (người nghe)

- Kết hợp và sử dụng các kiểu câu làm cho bài văn thuyết minh biến hóa linh hoạt, không đơn điệu.

- Khi cần, nên phối hợp nhiều loại kiến thức để đối tượng thuyết minh được soi rọi từ nhiều mặt.

Ví dụ:

Ví dụ: Phân tích tính hấp dẫn của đoạn văn sau:

[...] Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện, như nghiện nước trà tươi...

Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong, rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở: thật là cả một bài trí nên thơ.

Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó nhành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có,... Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

Trông mà thèm quá ! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp, ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được. [...]

(Theo Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội)

Trả lời:

Đoạn văn thuyết minh của Vũ Bằng sinh động, hấp dẫn vì:

a) Đề tài hấp dẫn : Đoạn văn nói về một món ăn có sức gợi cảm đối với hầu hết người dân Việt, và không chỉ người dân Việt mà phở đã là món ăn nổi tiếng đối với bạn bè quốc tế.

b) Cách thuyết minh sinh động, hấp dẫn :

- Nhà văn đã không đưa ra những nhận xét, những con số khô khan, mà giúp người đọc tiếp xúc với món ăn yêu thích trên nhiều góc nhìn: xa có, gần có, nhập vào vai của người ăn có, mà nhập vào vai của người đứng ngoài nhìn cũng có, khi thì được thưởng thức các sắc màu, khi thì bị quyến rũ qua hương vị, khi khác lại cảm nhận sự ấm áp của món ăn toả ra trong cái rét mướt của mùa đông; lúc thì gọi được sự tò mò (Qua lần cửa kính ta đã thấy gì ?), lúc thì bị thôi thúc bởi một cảm xúc được bộc lộ ra trực tiếp (Trông mà thèm quá!).

- Nhà văn còn làm cho món ăn ấy đẹp hơn, có hồn hơn, để thu hút sự chú ý của người đọc nhiều hơn bằng cách khơi gợi ra những liên tưởng bất ngờ mà hợp lí đến các vẻ đẹp hấp dẫn khác (mây khói chùa Hương, bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu,...).

- Để lột tả hết vẻ sinh động, hấp dẫn trên, tác giả đã sử dụng một vốn liếng ngôn ngữ thật phong phú, linh hoạt: từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gọi liên tưởng ; câu văn luôn thay đổi nhịp điệu, xen lẫn câu ngắn với câu dài, câu đơn với câu ghép, câu tường thuật với câu nghi vấn và câu cảm thán,..