Đề 1: Dân tộc có truyền thống Tôn sư trọng đạo. Theo anh/chị truyền thống đó được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay?
Bài làm
"Tôn sư trọng đạo" không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào "Tôn sư trọng đạo" vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.
Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mối người "Không thầy đố mày làm nên". Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi vậy, "tôn sư trọng đạo" không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.
Trên thực tế, vấn đề "tôn sư trọng đạo" ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.
"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.
Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề "tôn sư trọng đạo" càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.
Đề 2: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính.
Anh/chị thấy ý kiến này như thế nào?
Bài làm
Khi mà những thành tựu khoa học kĩ thuật ngày càng nhiều, khi mà xã hội phát triển vượt bậc, con người khám phá ra nhiều điều mới lạ thì vai trò của đời sống đạo đức tinh thần, tính nhân văn của con người ngày càng được coi trọng. Chống lại những thói quen xấu là điều hết sức cần thiết, bởi vì: “Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính".
Ý kiến trên là một lời nhận định hết sức đúng đắn cho cuộc sống và đáng để chúng ta tìm hiểu, bàn luận. Trước hết, về mặt nội dung ý nghĩa, nó chứa đựng một hàm ý hết sức sâu xa mà càng đọc lâu, càng suy ngẫm kĩ ta càng nhận ra cái hay của nó. Chỉ với ba từ ngắn gọn súc tích “tập quán xấu", đã nói lên tất cả những thói quen xấu, những hành vi cử chỉ không tốt đã thành nếp của con người. Những “tập quán xấu" ấy lúc “ban đầu" chỉ đơn thuần là “khách qua đường" là "người” mà trong lúc tình cờ, trong một khoảnh khắc vô tình, tự nhiên gặp, không hề hẹn ước. Vị khách ấy đến và đi nhanh chóng cũng như một vài tính xấu, đôi lời nói dối, vài ba hành động lầm lỗi mà nhiều khi vô tình hay cố ý ta đã làm. Tuy nhiên, tai hại không chỉ dừng lại mà thường thì nó còn tiến triển, và nhân rộng ra hơn. Từ chỗ lạ, nó (tật xấu của con người) dần dần "trở thành người bạn ở chung nhà”, trở nên quá gần gũi và quen thuộc với chúng ta. Chúng ta xem điều đó như là một việc bình thường, những thói hư tật xấu ấy lặp đi lặp lại trở thành quá quen, thành một nếp sống tự nhiên bám chặt lấy ta. Để rồi đến "cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính". Từ địa vị một người “bạn thân" cùng sống chung với nhau, cùng gắn bó không rời, rồi đã trở thành "ông chủ nhà khó tính". Nội dung lời nhận định thật sâu sắc. Với lối so sánh ngầm sử dụng những hình ảnh ngôn từ gần gũi thân thuộc, vị trí của "tập quán xấu" dần được nâng lên thật cao, chiếm vị trí độc quyền trong ngôi nhà hay nói rộng ra là trong con người, trong suy nghĩ nhận thức và hành động của chúng ta. Nó “khó tính", ra lệnh cho chúng ta, bắt phải phục theo ý muốn của nó, làm những việc xấu hoặc đồng lõa cùng nó và tội lỗi mà nó gây ra. Với từ ngữ thân quen, dễ hiểu cùng cách diễn đạt khéo léo mà không kém phần sâu sắc, lời nhận định trên tạo một chuỗi hình ảnh liên quan chặt chẽ với nhau, thành một chuỗi móc xích những tình huống diễn ra hằng ngày, thật sự đã phản ánh được hiện thực của cuộc sống hết sức khách quan.
Thật vậy, trong thực tế, xã hội ngày nay có biết bao nhiêu điều hay điều tốt nhưng tồn tại song song với nó vẫn còn vô số những tệ nạn xã hội đang diễn ra hằng ngày. Đó thật sự cũng là kết quả của quá trình tiếp cận với cái xấu lâu ngày và dần dần không những không bài trừ được mà còn chịu ảnh hưởng để rồi tiếp nhận nó như những chuyện rất bình thường, không có gì phải lưu tâm. Không phải sinh ra, ai cũng có thói xấu, có tội lỗi. Ban đầu cái xấu ở bên ngoài, ở xa như người qua đường thôi. Khi đã nhiễm phải rồi thì nó dần dần kết với ta, ra lệnh cho ta, biến ta thành đầy tớ của một ông chủ nhà khó tính, xấu tính. Nếu ta đủ bản lĩnh, khôn ngoan thì kẻ qua đường nguy hại kia sẽ không bao giờ vào được nhà ta. Cụ thể một số thực tế cho ta thấy những điều trên. Nạn ma túy đang được xã hội quan tâm chống lại mỗi ngày, đối với ai đó bắt đầu một cuộc vui đua đòi, ham chơi thử một lần cho biết. Lúc ban đầu chỉ là một vài điếu thuốc, một mũi chích, chứng tỏ mình là người từng trải, đó chính là lúc đã gặp “khách qua đường" tai hại rồi. Thế nhưng, sự việc đâu chỉ đơn giản là ngừng lại tại đây, cái xấu thường có sức quyến rũ, nó còn trở lại, trở thành “người bạn thân" cho đến lúc kẻ nghiện hút trở thành nạn nhân của nó, mặc sức cho nó hoành hành thì từ cái giới hạn “người bạn thân", nó đã chuyển sang ông chủ nhà khó tính.
Quay trở lại với cuộc sống của tuổi trẻ. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi mà hầu hết ai cũng năng động, cũng tích cực hăng hái đồng thời cũng dễ bồng bột lao đầu vào những cuộc vui một cách mù quáng. Ban đầu chỉ là lời nói dối cha mẹ, thầy cô trốn học xem phim, đi chơi cùng bạn bè, sau tham gia vào những cuộc vui quá giới hạn của tuổi học sinh và dần dần sa sút về mặt học tập, đạo đức cũng xuống thấp trầm trọng. Tới lúc đó “ông chủ nhà khó tính" ấy liệu buông tha cho không? Không đâu, những thói hư tật xấu ấy ngày càng gia tăng và lấn át những phẩm chất tốt đẹp từng được trau dồi trước đấy của ta. Để rồi kết quả là một ngày nào đó ta không còn là người con ngoan, trò tốt hữu dụng cho đất nước, không là người mà xã hội đang cần. Ta chỉ là những người xấu bị phê bình chỉ trích, đôi khi bước ra khỏi ngưỡng cửa tốt đẹp của cuộc sống. Chỉ một lần tò mò, thử cho biết có thể ta đã mở toang cánh cửa ngăn cách bản chất con người mình với thế giới của muôn ngàn tệ nạn đang chực chờ, là chính ta đã tự hủy hoại con người mình và gián tiếp hủy hoại những mầm xanh của cuộc sống. Đừng tự cho rằng mình có thể lúc nào cũng tỉnh táo trước cám dỗ, đừng nghĩ rằng đối với mình "tập quán xấu" chỉ là “khách qua đường" và duy chỉ như vậy mà thôi. Không đâu, ông bà ta đã chẳng từng dạy: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” hay sao? Nếu không biết cách loại trừ, kiên quyết từ bỏ những cái xấu đã và đang dần hình thành trong con người của mình thì trước hay sau, sớm hay muộn ta sẽ trở thành tên nô lệ, thuộc dưới quyền sai khiến của tội lỗi, của tập quán xấu mà thôi. Không ai là người hoàn thiện, không ai từ lúc bé cho đến lớn lên mà không có lầm lỗi, tuy nhiên đối diện với những mặt yếu đó của con người mình, chúng ta phải mạnh dạn quyết định khai trừ cái xấu, không để nó ăn sâu vào tiềm thức, không để nó trở thành thói quen thành bản chất của con người và về sau rất khó sửa đổi. Đương đầu với thói hư tật xấu với những tâm tư không tốt luôn có sẵn trong mỗi con người, chúng ta cần lên án, phê bình những hành động những biểu hiện trái ngược với cái thiện, với mặt tốt của nhân cách và cần khuyến khích học tập những điển hình những cá nhân đóng góp tích cực trong việc bài trừ tính độc hại của những tội lỗi, các tệ nạn của xã hội diễn ra hằng ngày. Để “ông chủ nhà khó tính” sẽ là chúng ta, khó tính trong việc rèn luyện, trau dồi phẩm hạnh của mình, khó tính để không cho phép mình thua trong trận chiến gay gắt giữa cái thiện và cái ác.
Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày có biết bao chuyện diễn ra xung quanh ta. Vui có, buồn có, và đó không phải là vấn đề then chốt, quan trọng. Cái quan trọng là chúng ta cần thẳng thắn trực diện để đối mặt và tìm ra phương hướng giải quyết cho những rắc rối. Lời nhận định trên thật sự rất đúng và rất sát hợp với thực tiễn cuộc sống con người. Dù tật xấu là “ông chủ khó tính", “người bạn thân ở chung nhà" hay là “khách qua đường” đi chăng nữa thì chúng ta không được phép chấp nhận mà cần phải quyết tâm thật cao để loại trừ cái xấu ra khỏi cuộc sống nhằm vun trồng, xây đắp cho mình cũng như những người xung quanh những điều tốt lành và hạnh phúc.
Chỉ bằng vài dòng ngắn với lối thể hiện đặc sắc, lời nhận định “Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung một nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính" thật sự là một lời nhận định hết sức đúng đắn cho mọi người và cho mọi thời đại. Ngày nay, ta cần tiếp nhận nó như một câu châm ngôn, một lời cảnh báo sống cho mình trong việc hoàn thiện nhân cách cũng như làm vũ khí sắc bén đấu tranh cho việc chống cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đẹp, cái thiện và vươn lên. Đó cũng chính là điều mà chúng ta hôm nay và mai sau cần đạt đến: "Đối diện với cái tốt anh hãy là người tốt và đối diện với cái xấu anh buộc phải là người tốt”.
Đề 3: Hưởng ứng đợt thi đua Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp.
Anh/chị hãy viết bài tham gia hội thảo đó.
Bài làm
Thưa các bạn!
Hiện nay, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nghiêm trọng ở khắp nơi trên Trái Đất, đe dọa cuộc sống của nhân loại. Để khắc phục tình trạng đó, có rất nhiều cuộc vận động nhân dân được tổ chức nhằm kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường.
Góp phần vào cuộc đấu tranh chung để bảo vệ môi trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ta đã phát động đợt thi đua "xây dựng mái trường xanh- sạch-đẹp". Chi đoàn 12A chúng tôi cũng tổ chức hội thảo với chủ đề "Bạn suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần xây dựng trường ta thành một mái trường luôn xanh, sạch, đẹp?"Đây là một chủ đề sinh hoạt vô cùng có ý nghĩa.
Thưa các bạn!
Môi trường là cái nôi của loài người, nơi con người sinh sống và làm việc. Nơi tổn tại của rất nhiều hệ sinh thái để giữ cân bằng sự sống trên Trái Đất. Cuộc sống chúng ta càng ngày càng phát triển, dân số tăng lên nhanh đến chóng mặt, cùng với đó là sự ra đời của nền công nghiệp ngày càng tiên tiến và hiện đại cao. Sự xuất hiện của nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp... đồng nghĩa với lượng rác thải khổng lồ không qua xử lí, thải bừa bãi vào môi trường sống, làm cho Trái Đất bị đe dọa bởi sự nóng lên, cùng với những cơn lũ to, bão lớn. .làm thiệt hại cho không ít quốc gia.
Hàng năm, những thiệt hại do thiên nhiên đem đến có nguyên nhân trực tiếp từ ô nhiễm môi trường có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ USD, với sự thiệt hại hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người! Trái đất đã lên tiếng báo động! Mọi nơi trên hành tinh thân yêu này, đâu đâu cũng xuất hiện lời kêu gọi, những cuộc vận động lớn, nhằm kêu gọi mọi người hãy bảo vệ lấy môi trường sống của mình.
Trường PTTH là nơi đào tạo thế hệ trẻ những người chủ tương lai của Đất nước, vì vậy, mỗi học sinh phải giác ngộ ý thức bảo vệ môi trường từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Cuộc thi "Xây dựng mái trường xanh-sạch- đẹp" là một phong trào rất hữu ích, giúp cho việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vê môi trường trong toàn xã hội. Hơn nữa nhà trường được coi là một môi trường mẫu mực, "xây dựng mái trường xanh - sạch- đẹp" là xây dựng bộ mặt của xã hội.
Trường chúng ta nằm ở trung tâm thị trấn huyện, nên lượng bụi rất lớn. Trường có một khuôn viên khá rộng nhưng chưa có nhiều cây xanh nên bốn bề ngập nắng và còn nhiều cỏ rác. Các lớp trực nhật đổ rác chưa đúng nơi quy định. Sân trường vào mùa khô còn quá nhiều bụi khi bị gió tạt qua...
Để xây dựng trường thành một mái trường xanh- sạch- đẹp, việc đầu tiên là phải vận động tất cả các bạn đoàn viên trong chi đoàn và trong toàn trường phải có ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp, không thải rác bừa bãi và có ý thức trong việc bảo vệ và chăm sóc cây cối. Đầu năm phát động phong trào trồng cây xanh như lời Bác Hồ dạy "Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Giao nhiệm vụ chăm sóc cây cho các lớp. Xây dựng vườn cây cảnh thực hành, đồng thời làm vườn cảnh cho trường, để tạo một khuôn viên trường vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những cuộc vận động lớn như cuộc hội thảo này cần được tổ chức định kì hàng năm để nâng cao ý thức của mọi người. Thành lập đội cờ đỏ kiểm tra việc vệ sinh thường xuyên ở các lớp, và có kỉ luật nghiêm minh với những đoàn viên, học sinh nào vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường…
Một môi trường xanh- sạch - đẹp là mục tiêu phấn đấu của tất cả chúng ta.
Đề 4: Học bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện của một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước.
Hãy cho biết ý kiến của anh/chị.
Bài làm
Đi-đơ-rô từng nói: "Không có khát vòng lớn thì cũng không có sự nghiệp lớn". Sống phải có ước mơ và ước mơ đó phải gắn khát vọng của bản thân với lợi ích của quốc gia - dân tộc. Chúng ta có thể gặp lí tưởng sống cao đẹp ấy ở mọi thời đại. Đó có thể là lòng căm thù giặc sâu sắc, cũng có thể là lòng tự hào dân tộc, nhưng lí tưởng sống được thể hiện qua "nỗi thẹn" thì thật khác thường. Nếu Nguyễn Khuyến "Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào" thì Phạm Ngũ Lão - một danh tướng đời Trần - lại "Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu". Có bạn cho rằng sự hổ thẹn của tác giả Phạm Ngũ Lão là quá kiêu kì, thái quá; ngược lại có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.
Vậy, ý kiến nào đúng?
"Thuật hoài" là một trong những tác phẩm của văn học thời Lí Trần, với thể Đường luật ngắn gọn, súc tích, bài thơ đã nói lên được ước mơ của trang nam nhi trong xã hội phong kiến.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
Học bài thơ này, có bạn cho rằng: sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ca ngợi và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước. Vậy, ý kiến nào đúng?
Hai câu thơ trên bày tỏ nỗi lòng tác giả, cũng là cái chí, cái tâm của người anh hùng. Ý kiến chê bai cho rằng sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì cũng có lí do của nó. Vũ Hầu là ai? Là Gia Cát Lượng (tức Khộng Minh), một nhân vật thời tam quốc nổi tiếng về mưu lược, tài trí hơn người. Ông đã hi sinh trọn đời cho nhà Hán, là vị quân sư - cố vấn tài ba của Lưu Bị, giúp Lưu Bị đánh bại bao đối thủ tài giỏi, góp công lớn trong việc tạo lập và cùng cố nhà Hán. Có thể coi Gia Cát Lượng là một "chính quân tử", là tấm gương trung nghĩa kiệt xuất điển hình, một tài năng quân sự. Mơ ước như Gia Cát Lượng là đúng nhưng hổ thẹn vì mình không được như Gia Cát Lượng là không tự lượng sức mình, là quá kiêu căng, thái quá, đề cao mình chăng? Nếu các bạn có suy nghĩ như vậy thì chỉ là cách nhìn một phía, mang nặng ý thức chủ quan. Đúng là không có ai có thể trở thành Khổng Minh (Gia Cát Lượng), nhưng Khổng Minh là người thông minh xuất chúng, không phải là thần linh nên ai cũng có thể cố gắng để noi gương. Hơn thế nữa, noi gương Khổng Minh là noi gương những gì? Đó là lòng trung thành, trung quân, ái quốc, là lập công giúp vua, giúp nước. Đây cũng chính là lí tưởng của những đấng nam nhi trong xã hội phong kiến.
Có thể khẳng định rằng, ý kiến thứ hai mới là ý kiến đúng: Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước.
Công danh nam tử còn vương nợ
Quan niệm "nợ công danh" đã trở thành lí tưởng sống của người anh hùng trong xã hội xưa. Thời đại Phạm Ngũ Lão, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà xây dựng lợi ích của giai cấp phong kiến, "công danh" là một khát vọng lập công, lập danh, hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước.
Sau này, Nguyễn Công Trứ cũng đã khẳng định:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
"Công danh" được xem là dấu hiệu của thành đạt, là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong nợ công danh có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với đời, với dân-, với nước. Đồng thời chí làm trai thời bấy giờ có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sần sàng hi sinh cuộc đời cho sự nghiệp lớn lao, sự nghiệp cứu nước, cứu dân để cùng trời đất muôn đời bất hủ. Phạm Ngũ Lão đã cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông mấy thu rồi mà vẫn còn thấy mình chưa trả xong nợ công danh là bởi vì cái chí ông quá lớn và cái tâm ông đẹp quá.
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
Nghĩ đến Vũ Hầu là ước muốn trở thành người có tài cao, chí lớn, đắc lực trong việc giúp vua, giúp nước. Ở đây Phạm Ngũ Lão cảm thấy thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu Gia Cát Lượng, vì chưa có tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng để từ giặc, cứu nước, khôi phục giang sơn cũng có nghĩa là thấy mình chưa xứng đáng là một đấng nam nhi quân tử. Theo tư tưởng Nho giáo, có thể thấy Phạm Ngũ Lão rất có ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đó cũng là biểu hiện khát vọng muốn góp sức mình vào sự nghiệp chung.
Hoài bão lớn của Phạm Ngũ Lão thông qua nỗi thẹn không chỉ thể hiện qua món nợ mà còn ở việc ông không hề nói suông. Ông có ước mơ lớn và đã cố gắng thực hiện hoài bão ấy. Từ một chàng trai không tiếng tăm nơi thôn xóm, ông trở thành một tướng tài, ông trả xong nợ công danh với lịch sử, lịch sử đã gọi tên ông. Thế hệ sau nhớ mãi đến ông cùng với Thuật hoài và tiếp bước lí tưởng sống của tổ tiên. Thanh niên Việt Nam ngày nay phải biết xác định con đường, ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ đó. Tuy nhiên, cần đặt sự tồn tại và phát triển của đất nước lên hàng đầu, rèn luyện đạo đức, tài năng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ kiên trì với mục đích đúng đắn của mình.
Mặc dù ra đời cách chúng ta tám thế kỉ song Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão vẫn luôn mới mẻ và hấp dẫn. Bài thơ có tác dụng giáo dục về nhân sinh quan, về lẽ sống đôì với thanh niên. Đặc biệt, qua nỗi thẹn của mình, Phạm Ngũ Lão đã cho chúng ta thấy hoài bão lớn lao và cao đẹp của cuộc đời ông. "Khi lẽ sống thiết tha đến mức trở thành tình cảm, người ta sẽ thực hiện được ước mơ của mình cho dù khó khăn đến đâu".
Bài thơ nói lên quan niệm sống trong thời kì phong kiến của những người quân tử. Bài thơ chịu ảnh hưởng ý thức hệ phong kiến và mang rõ tính chất "thi dĩ ngôn chí", đồng thời mang tính chất thời sự: Khi đất nước lâm nguy, vai trò của người anh hùng vô cùng quan trọng. "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", Người anh hùng chính là người góp phần làm nên lịch sử luôn trọng danh dự và bảo toàn danh tiết với non sông đất nước, với xã tắc, sơn hà. Vì vậy mà cái thẹn của Phạm Ngũ Lão sẽ sống mãi với lịch sử dân tộc.