1. Khái niệm
Truyện thơ là những truyện kể dài bằng thơ, có sự kết hợp giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình, phản ánh cuộc sống của người nghèo khổ, khát vọng về tình yêu tự do, hạnh phúc và công lí.
2. Đặc trưng thi pháp truyện thơ
a. Cốt truyện truyện thơ
- Cốt truyện thơ đa dạng, không thuần nhất.
- Có thể có ba dạng cốt truyện:
+ Cốt truyện theo kiểu diễn ca, vè lịch sử:
> Không tập trung xây dựng một nhân vật nào trọng tâm mà chỉ chú ý đến sự kiện, tình tiết, diễn biến của sự kiện ít nhiều gắn với thời gian lịch sử.
> Ví dụ: Đại Hành và Bàn Đại Hội.
+ Cốt truyện theo kiểu cốt truyện cổ tích:
> Cốt truyện của truyện thơ mở rộng phạm vi, cụ thể và chi tiết hơn cốt truyện cổ tích.
> Ví dụ: Chim sáo, nàng Kim Quế, Nàng Con Côi...
+ Cốt truyện tâm trạng:
> Cốt truyện xoay xung quanh chuyện tình của đôi trai gái theo ba giai đoạn chủ yếu: Đôi bạn tình yêu nhau tha thiết - Tình yêu tan vỡ, khổ đau - Đôi bạn tình tìm cách thoát ra cảnh ép buộc ngang trái để xây dựng hạnh phúc cho mình, chuyện xoay quanh diễn biến tâm trạng của hai đối tượng, hai nhân vật chủ chốt là chàng trai và cô gái.
> Ví dụ: : “Sống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), “Nam Kim -Thị Đan, nàng Ờm - chàng Bồng Hương, nàng Dợ - Chà Tăng, Út Lót - Hồ Liêu, nàng Nga - Hai Mối
b. Đặc trưng nhân vật truyện thơ
* Nhân vật trong truyện thơ có hai dạng:
- Dạng thứ nhất là nhân vật tự bạch, ngôi thứ nhất, cái tôi trữ tình: Nhân vật trữ tình tự bạch là dạng nhân vật tâm trạng
- Dạng thứ hai là ở ngôi thứ ba, nhân vật được nhắc đến của người kể chuyện. Nhân vật qua lời kể của tác giả.
> Loại thứ nhất là nhân vật tâm trạng - trữ tình: Tác giả nhập thân vào hai nhân vật nam nữ để thể hiện vai giao tiếp. Đây là lời chàng trai nói với người yêu đi lấy chồng trong “Tiễn dặn người yêu"
> Loại thứ hai là nhân vật tự sự - trữ tình. Đây là nhóm truyện thơ kế thừa truyện cổ dân gian. Nhân vật được phản ánh với nhiều mối quan hệ, với nhiều nhân vật chứ không phải như loại nhân vật trữ tình - tâm trạng chỉ xoay quanh quan hệ với người yêu là chủ yếu.
* Nhân vật của truyện thơ là nhân vật xây dựng theo phương thức hiện thực khác với nhân vật sử thi xây dựng theo phương thức lãng mạn.
- Hoàn cảnh, tính cách, tâm trạng của nhân vật truyện thơ được lấy từ cuộc đời chứ không phải nhân vật tưởng tượng ra như trong nhân vật sử thi thần thoại hay tô vẽ thêm như trong nhân vật sử thi anh hùng.
=> Vì vậy tính hiện thực ở truyện thơ cao hơn truyện cổ tích.
c. Đặc trưng ngôn ngữ thể loại truyện thơ
- Ngôn ngữ truyện thơ là ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ của các làn điệu dân ca các dân tộc.
- Truyện thơ là một loại truyện thơ dân gian nên ngôn ngữ của nó là ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật.
- Ngôn ngữ truyện thơ được dùng chủ yếu là ngôn ngữ dân tộc theo từng truyện của từng dân tộc nhưng cũng có trường hợp dùng nguyên văn ngôn ngữ chữ viết tiếng Việt.
- Các thể thơ được dùng trong truyện thơ cũng rất đa dạng, có thể thơ 5 chữ, bảy chữ, thơ tự do, thơ lục bát như của người Việt. Nhịp điệu thơ tùy vào thể thơ và cách diễn xướng của nghệ nhân tương ứng với tâm trạng của nhân vật.
- Ngôn ngữ truyện thơ có lối nói rất riêng, lối nói của người miền núi, hồn nhiên, giàu hình ảnh
d. Không gian truyện thơ
- Không gian trong truyện thơ lịch sử là không gian bản làng, không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc, không gian sản xuất và chiến đấu của các tộc người.
+ Đó là không gian miền núi với thượng nguồn, núi non cây cối.
+ Không gian trong truyện thơ bắt nguồn từ đề tài cổ tích, phản ánh thân phận của con người nghèo khổ, là không gian làng quê, bản làng, không gian gia đình và cả không gian xã hội.
- Không gian trong truyện thơ có địa chỉ cụ thể chứ không giống như trong cổ tích chủ yếu là phiếm chỉ.