Đề 1: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực về một trong các sự việc hiện tượng hoặc con người sau: Những ngày đầu tiên bước vào trường THPT; Thiên nhiên và đời sống con người lúc chuyển mùa; Một người thân yêu nhất của anh/chị.
(VD: Cảm nghĩ về ngày đầu tiên bước vào trường THPT).
* Mở bài: Dẫn dắt về ngày đầu tiên bước vào trường THPT.
* Thân bài:
- Cảm nghĩ khi mới đến trường:
+ Cảm giác mới mẻ, náo nức: nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về quang cảnh giữa ngôi trường THCS trước đây và ngôi trường THPT hiện tại, vừa bâng khuâng nhớ trường xưa vừa náo nức trước ngôi trường mới to rộng, hiện đại.
+ Lựa chọn chỗ ngồi và tủ đồ riêng trong lớp học mới, chợt cảm thấy gắn bó với lớp học khi nghĩ sẽ trải qua ba năm THPT tại đây.
- Cảm nghĩ về buổi chào cờ đầu tiên:
+ Phấn chấn trước lời phát biểu và khích lệ học tập của cô hiệu trưởng.
+ Xúc động trước lời phát biểu của một bạn học sinh khuyết tật, bạn có điểm thi đầu vào cao nhất, được lựa chọn đại diện cho hơn 1000 học sinh của trường bày tỏ cảm nghĩ khi vào trường mới.
- Cảm nghĩ về buổi học đầu tiên:
+ Lạ lẫm, ngại ngùng khi làm quen với các bạn mới trong lớp, có ấn tượng đặc biệt với người bạn ngồi cùng bàn.
+ Hào hứng trước những giờ học mới mẻ và phong cách giảng dạy khác hẳn cấp THCS của các thầy cô giáo.
* Kết bài: Khẳng định lại những ấn tượng sâu sắc về ngày đầu tiên đi học ở trường THPT.
Đề 2: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh/chị đã học mà đến nay không thể nào quên. (VD: Nêu cảm nghĩ về truyện Chuyện người con gái Nam Xương).
* Mở bài: Giới thiệu truyện Chuyện người con gái Nam Xương (tác giả, xuất xứ) và nêu ấn tượng nổi bật nhất về tác phẩm.
* Thân bài:
- Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện.
- Nêu những cảm nghĩ ấn tượng nhất về vẻ đẹp nội dung:
+ Quý trọng những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương và thương xót cho cuộc đời bất hạnh của nàng.
+ Phẫn uất trước sự nông cạn, mù quáng, tàn nhẫn và gia trưởng của Trương Sinh.
+ Xót xa trước kết thúc của truyện, Vũ Nương chỉ được minh oan sau khi đã chết.
+ Trân trọng giá trị nhân đạo sâu sắc và tinh thần phê phán thói bất công trong xã hội mà Nguyễn Dữ gửi gắm trong tác phẩm.
- Nêu những cảm nghĩ ấn tượng nhất vẻ đẹp nghệ thuật:
+ Cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn và giàu kịch tính.
+ Nêu cảm nghĩ về tình huống hiểu nhầm (chi tiết cái bóng, hình tượng bé Đản,…)
+ Thích thú trước yếu tố thần kì trong truyện.
* Kết bài: Khẳng định giá trị của tác phẩm và bày tỏ bài học rút ra từ tác phẩm.
Đề 3: Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một nhà thơ anh chị yêu thích.
(VD: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước)
* Mở bài: Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và nêu cảm nghĩ chung khi đọc bài thơ Bánh trôi nước.
* Thân bài:
- Cảm nghĩ về vẻ đẹp nội dung của bài thơ:
+ Trân trọng sự tự ý thức của người phụ nữ về vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp phẩm chất bên trong của chính họ (câu 1, câu 4).
+ Thương cảm cho số phận bấp bênh, bé nhỏ, không thể tự quyết định cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội cũ (câu 2, câu 3).
- Cảm nghĩ về vẻ đẹp nghệ thuật của bài thơ:
+ Yêu thích chất liệu dân gian được vận dụng sáng tạo trong bài thơ: cách sử dụng motip thân em quen thuộc trong ca dao, thành ngữ ba chìm bảy nổi, cách nói ẩn dụ khi sử dụng hình ảnh chiếc bánh trôi nước để chỉ người phụ nữ.
+ Trân trọng, thú vị trước phong cách thơ trữ tình của Hồ Xuân Hương: ngôn ngữ gần gũi bình dị mà gợi cảm, bài thơ viết bằng chữ Nôm cùng cách diễn đạt mộc mạc, tế nhị khiến thể thơ tứ tuyệt Đường luật được Việt hóa rõ nét.
- Cảm nghĩ về tâm sự của HXH: liên hệ bài thơ với cuộc đời riêng của nữ sĩ.
* Kết bài: Khẳng định lại những cảm nghĩ sâu sắc về bài thơ Bánh trôi nước và liên hệ với bản thân hoặc với người phụ nữ thời hiện đại.