Bài giảng Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

I. NGÔN NGỮ SINH HOẠT

1. Khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt

Ngôn ngữ sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hằng ngày, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm,... đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống.

2. Các dạng biểu hiện của ngôn ngữ sinh hoạt

Gồm 3 dạng:

- Dạng nói: đối thoại, độc thoại.

- Dạng viết: nhật kí, hồi ức cá nhân, thư từ.

- Dạng lời nói tái hiện: là dạng mô phỏng lời thoại tự nhiên của ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày nhưng đã được gọt giũa, biên tập, có chức năng như các tín hiệu nghệ thuật (lời nói của các nhân vật trong kịch, tuồng, chèo, truyện, tiểu thuyết...)

II. ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH NGÔN NGỮ SINH HOẠT

Ngôn ngữ sinh hoạt có 3 đặc trưng cơ bản và tiêu biểu: Tinh cụ thể, tính cảm xúc và tính cá thể.

1. Tính cụ thể

Những biểu hiện của tính cụ thể:

- Về hoàn cảnh: có thời gian, địa điểm cụ thể.

- Về con người: có người nói và người nghe cụ thể.

- Về mục đích: đích hướng tới của  người nói.

- Về cách diễn đạt: gồm từ ngữ, cách nói năng.

2. Tính cảm xúc:

Những biểu hiện của tính cảm xúc:

- Qua giọng điệu: giọng thân mật nhẹ nhàng, giọng quát nạt bực bội, giọng khuyên bảo, giọng đay nghiến, giọng giục giã...

- Qua từ ngữ: lớp từ khẩu ngữ biểu cảm.

- Qua kiểu câu: những kiểu câu như cầu khiến, cảm thán, gọi đáp, hô ứng.

=> Không có lời nói nào nói ra lại không mang tính cảm xúc.

3. Tính cá thể

Những biểu hiện của tính cá thể:

- Giọng nói: mang màu sắc âm thanh của từng người.

- Từ ngữ: là vốn từ ngữ ưa dùng quen thuộc.

- Câu văn: là cách nói năng riêng của từng người.

=> Qua đó ta có thể phân biệt được tuổi tác, giới tính, cá tính, địa phương,... của họ.

Câu hỏi trong bài
Câu 1:

Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản sau:

Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh Dưỡng cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và gần 1/3 số trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp chiều cao theo tuổi (suy dinh dưỡng mãn tính).

Trẻ bị suy dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân, nhưng đa số do chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ năng lượng, do khả năng hấp thu kém hoặc do rối loạn tiêu hoá lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng.

Trẻ ăn nhiều vẫn bị suy dinh dưỡng có thể do lượng thức ăn đưa vào nhiều nhưng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết hoặc cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng. Hơn nữa, ăn nhiều và thường xuyên một loại thức ăn nào đó khiến cho cơ thể thiếu cơ hội thu nhận các thực phẩm khác dẫn đến thiếu chất và không có sự tăng trưởng toàn diện.

Ở mỗi cơ thể trẻ, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn rất khác nhau nên lượng thức ăn cần thiết đưa vào cơ thể cũng khác nhau. Trẻ ăn nhiều, lượng thức ăn vượt quá khả năng tiêu hóa, sẽ không có đủ khả năng tiêu hóa hết thức ăn trong khi hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn chỉnh, dẫn đến phần thức ăn dư thừa đó làm cho trẻ có cảm giác no hoặc chướng bụng, khó tiêu nên thường xuyên gây ra các triệu chứng như phân sống, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Để giải quyết tình trạng trên và cải thiện khả năng tiêu hóa của trẻ, chúng ta cần bổ sung cho trẻ một số vi khuẩn sống có ích cho đường ruột, một số vitamin, men amylase… giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột để tránh sự tăng sinh của các vi khuẩn gây bệnh, đồng thời tăng khả năng tiêu hóa thức ăn nhờ tác dụng của các men vi sinh.

( Theo Lê Thị Hải, Trẻ ăn nhiều mà vẫn…suy dinh dưỡng, Báo Khoa học và đời sống)

Câu 3:

Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản sau:

Đất nước ở trong tim

Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em

Nhưng làm được những điều phi thường lắm

Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm

Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.

 

Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao

Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng

Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận

Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.

 

Với người láng giềng đang lúc lâm nguy

Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế

Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể

Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.

 

Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

 

Với chuyến du thuyền đang khóc giữa đại dương

Mình mở cửa đón họ vào bến cảng

Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn

Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.

 

Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa

“Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”

Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi

Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.

 

Từ mái trường này em sẽ lớn lên

Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước

Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước

Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.

 

Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm.

Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả

Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa

Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!

(Cô giáo Chu Ngọc Thanh, Báo Thanh niên 22/3/2020)

Câu 7:

Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản sau:

10 4.58

Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại lại trên miền Bắc thân yêu…

 

Suốt một đêm một ngày lo lắng vì cas mổ của San, chiều nay lòng mình vui sướng xiết bao khi thấy San ngồi dậy, nét mặt anh còn in nỗi đau đớn mệt nhọc nhưng nụ cười ngượng nở trên môi. Bàn tay anh khẽ nắm bàn tay mình mến thương tin tưởng ơi người thương binh trẻ tuổi dũng cảm kia ơi, tôi thương anh bằng một tình thương rộng rãi nhưng rất sâu xa: tình thương cửa một người thầy thuốc trước bệnh nhân, tình thương của một người chị đối với đứa em đau ốm (thực ra San bằng tuổi mình) và tình thương ấy đặc biệt hơn đối với mọi người vì cộng thêm că lòng mến phục. Anh có thấy điều đó trong cái nhìn lo âu của tôi không? Có thấy bàn tay tôi dịu dàng đặt nhẹ trên vết thương, trên đôi tay xanh gầy của anh đó không .Chúc San mau bình phục để trở về với đội ngũ chiến đấu, trở về với bà mẹ già đang vò vo ngóng trông con từng giờ, từng phút.

(Trích Nhật ki Đặng Thùy Trâm)