1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về thể loại ca dao: Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,…
- Giới thiệu về chùm ca dao hài hước: Với tiếng cười trào lộng, hóm hỉnh, chùm ca dao hài hước thể hiện tiếng cười lạc quan, yêu đời trong ca dao, đồng thời qua đó phê phán, lên án những thói hư, tật xấu trong xã hội.
2. Thân bài
1. Bài 1: Ca dao hài hước – tự trào
a) Hình thức kết cấu
- Hình thức đối đáp
- Cặp đại từ nhân xưng: Anh – em
- Dấu hiệu nhận biết: gạch đầu dòng
=> Hình thức đối đáp được thể hiện rất nhiều, là hình thức phổ biến trong ca dao nhất là trong những cuộc vui đùa hay hát dao duyên của trai gái. Ở đây, lời đối đáp cất lên như trong chặng hát cưới của dân ca. Theo tục lệ của Việt Nam, cưới xin không thể thiếu sính lễ dẫn cưới.
b) Lời dẫn cưới của chàng trai
- Cách nói phóng đại, khoa trương: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò
=> Lối nói thường gặp trong ca dao, thể hiện ước muốn có được lễ vật sang trọng để xứng với tình yêu của cô gái dành cho mình.
- Lối nói giảm dần: voi, trâu, bò, chuột béo
=> Hành trình từ tưởng tượng về với thực tại, về với hiện thực của chàng trai.
- Cách nói đối lập: dẫn voi – quốc cấm, dẫn trâu – máu hàn, dẫn bò – co gân
=> Chàng trai là người cẩn thận, biết quan tâm, lo lắng cho gia đình của cô gái. Đồng thời, chàng trai còn là người khéo léo, giải thích có lí, có tình, thông minh, hóm hỉnh nên dễ tạo được thiện cảm với mọi người nhất là với cô gái.
- Quyết định dẫn cưới của chàng trai:
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo mời dân mời làng
+ Miễn: cứ có là được.
+ Con chuột béo: Loài vật nhỏ bé, có hại và bị người nông dân ghét bỏ, là hình ảnh đối lập với “thú bốn chân” – hình ảnh gợi nên những con vật to lớn, có giá trị.
+ Sự hóm hỉnh: Từ trước đến nay, chưa có ai lấy chuột làm vật dẫn cưới và chuột cũng không thể đủ để mời dân mời làng.
=> Cách nói hóm hỉnh, hài hước, thông minh thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của chàng trai.
c) Lời thách cưới của cô gái
- Thái độ của cô gái:
+ Không ngạc nhiên, “lấy làm sang”, qua đó thể hiện sự ý nhị, khiêm tốn của cô gái
+ Thông cảm, thấu hiểu hoàn cảnh của chàng trai: “Nỡ nào em lại phá ngang”
+ Tự tin nói lời thách cưới của mình: Một nhà khoai lang
=> Với nghệ thuật đối lập, người ta – nhà em, lợn gà – một nhà khoai lang lời thách cưới của cô gái đã thể hiện sự thông minh, dí dỏm và sự cảm thông sâu sắc của cô gái đối với chàng trai.
- Cách sử dụng lễ vật thách cưới với cách nói giảm dần:
+ Củ to: mời làng
+ Củ nhỏ: họ hàng ăn chơi
+ Củ mẻ: con trẻ ăn giữ nhà
+ Củ rím, củ hà: cho lợn, cho gà
=> Cô gái là người đảm đang, tháo vát, đậm tình nghĩa với láng giếng, họ hàng, gia đình
=> Thông qua lời dẫn cưới của chàng trai và lời thách cưới của cô gái đã cho chúng ta thấy tinh thần lạc quan, yêu đời của người lao động trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng. Đồng thời, nó còn mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc – tình nghĩa cao hơn của cải. Chàng trai tự ý thức được cái nghèo của mình mà tự trào, tự cười cợt, cô gái thấu hiểu cảnh ngộ của hai gia đình mà vui vẻ đón nhận vì cô là người coi trọng tình nghĩa hơn của cải.
2. Tiếng cười châm biếm, phê phán
a) Bài 2
- Đối tượng châm biếm: bậc nam nhi yếu đuối, không đáng sức trai.
- Nghệ thuật phóng đại kết hợp với thủ pháp đối lập:
+ Tư thế “khom lưng, chống gối”: gắng hết sức mình, gợi liên tưởng tới công việc nặng nhọc, vất vả.
+ Hành động “gánh hai hạt vừng”: hành động nhỏ bé, tầm thường.
=> Tiếng cười hài hước, châm biếm vang lên.
=> Chế giễu loại đàn ông tầm thường, yếu đuối, không đáng sức trai, không nên làm nam nhi.
=> Tiếng cười không nhằm đả kích mà dùng để nhắc nhở nhau tránh xa những thói hư tật xấu mà con người ta thường mắc phải.
b) Bài 3
- Nghệ thuật tương phản, đối lập:
+ chồng người – chồng em
+ Đi ngược về xuôi – ngồi bếp sờ đuôi con mèo
=> Thể hiện sự ngưỡng mộ “chồng người” tháo vát, tài giỏi. Đông thời, thể hiện sự thất vọng, buồn bã trước sự lười nhác, chỉ biết quang quẩn ở nhà của “chồng em”.
=> Bài ca dao nhằm phê phán, chế giễu loại đàn ông lười nhác, không có ý chí. Đồng thời, đó là bài học về phẩm chất, lối sống cho những người nam nhi.
c) Bài 4
- Hình ảnh người vợ:
+ Lỗ mũi mười tám gánh lông – râu rồng trời cho
+ Ngáy o o – ngáy cho vui nhà
+ Hay ăn quà – đỡ tốn cơm
+ Đầu rác rơm – hoa thơm
=> Chân dung người phụ nữ xấu, vô duyên, thói quen xấu và luộm thuộm trong cách ăn ở.
- Nghệ thuật:
+ Cường điệu, phóng đại, nói quá, so sánh
+ Điệp cấu trúc câu “chồng yêu chồng bảo”
=> Tạo âm hưởng vui đùa, bỡn cợt, thích thú trong lòng người đọc, người nghe.
=> Bài ca dao với tiếng cười mua vui, giải tria nhưng vẫn hàm chứa một ý nghĩa châm biếm, châm biếm, nhắc nhở nhẹ nhàng những người phụ nữ đoảng trí, vô duyên và châm biếm những ông chồng yêu chiều vợ quá mức, nhìn thấy gì cũng hay cũng đẹp.
III. Kết bài
Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của chùm ca dao hài hước.