I. Lỗi lặp từ
1. Khái niệm
- Trường hợp một từ, một cụm từ được dùng nhiều lần trong một câu, một đoạn khiến câu, đoạn đó trở nên nặng nề, rườm rà được coi là lỗi lặp từ.
- Cần phân biệt lỗi lặp từ với phép lặp trong liên kết cấu và lặp tu từ (điệp ngữ) mà bạn đã học. Lỗi lặp từ chỉ thể hiện sự vụng về, thiếu cẩn thận trong việc sử dụng ngôn ngữ.
2. Cách sửa
Cách sửa lỗi lặp từ là bỏ từ ngữ bị lắp hoặc thay bằng đại từ hay các từ đồng nghĩa.
3. Ví dụ
- Câu mắc lỗi: Có lẽ thơ hai-cư dường như là thể thơ kiệm lời bậc nhất.
=> Lỗi lặp từ “thơ” 2 lần và lặp từ “có lẽ”, “dường như” vì đây là hai từ tình thái có nghĩa tương tự nhau nên chỉ cần sử dụng một trong hai từ.
- Có thể viết lại như sau: Có lẽ hai-cư là thể thơ kiệm lời bậc nhất.
II. Lỗi dùng từ không đúng nghĩa
1. Khái niệm
- Hiện tượng mắc lỗi này bắt nguồn từ việc người viết không hiểu đúng nghĩa của từ ngữ mình dùng, nhất là các thành ngữ, từ Hán Việt, thuật ngữ khoa học.
2. Cách sửa
Để khắc phục lỗi dùng từ không đúng nghĩa, cần tra từ điển tiếng Việt, từ điển Hán Việt, từ điển thuật ngữ chuyên ngành có uy tín.
3. Ví dụ
- Câu mắc lỗi: Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị, tầm thường.
=> Lỗi dùng từ “tầm thường” không đúng nghĩa, từ “tầm thường” mang hàm ý chê bai những sự vật, sự việc không có gì đặc sắc.
III. Lỗi dùng từ không đúng phong cách
1. Khái niệm
Hiện tượng này thường do người viết chưa ý thức được ngữ cảnh giao tiếp, kiểu loại văn bản, từ đó lựa chọn từ ngữ không thích hợp, làm giảm hiệu quả giao tiếp.
2. Cách sửa
Để khắc phục lỗi dùng từ không đúng phong cách, người viết cần phải quan tâm đến hoàn cảnh giao tiếp, kiểu loại văn bản, trau dồi vốn từ ngữ để làm cho khả năng biểu đạt trở nên phong phú.
3. Ví dụ
- Câu mắc lỗi: Bài thơ có nhiều lối diễn đạt hơi bị lạ so với ngôn ngữ thông thường.
=> Cụm từ “hơi bị lạ" có tính khẩu ngữ, không được dùng trong văn viết.
- Sửa lại: Bài thơ có nhiều lối diễn đạt khác lạ so với ngôn ngữ thông thường.
IV. Lỗi trật tự từ
1. Khái niệm
- Nhiều cụm từ, câu trong tiếng Việt chỉ khác nhau do trật tự sắp xếp giữa các từ, đôi khi do người viết tự ý đảo trật tự từ mà làm cho từ ngữ trong ngữ cảnh trở nên sai nghĩa.
- Cần phân biệt lỗi trật tự từ Với biện pháp tu từ đảo ngữ trong sáng tác văn học. Trong văn học, phép đảo ngữ là biện pháp thay đổi trật tự từ so với quy tắc ngữ pháp, làm tăng hiệu quả biểu đạt cho lời văn nghệ thuật, chẳng hạn:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Là là cành hoang, nắng trở chiều
(Xuân Diệu, Thơ duyên)
- Trong giao tiếp thông thường, các từ trong câu cần được sắp xếp theo trình tự đúng với quy tắc ngữ pháp. Nếu không tuân thủ thì câu bị coi là mắc lỗi về trật tự từ.
2. Cách sửa
Để khắc phục lỗi trật tự từ, cần phải nắm vững quy tắc ngữ pháp, hiểu được mục đích giao tiếp. Đặc biệt, cần thường xuyên luyện tập tiếng Việt.
3. Ví dụ
- Câu mắc lỗi: Bài thơ đã thi vị miêu tả khung cảnh mùa xuân làng quê.
- Sửa lại: Bài thơ đã miêu tả khung cảnh mùa xuân làng quê một cách thi vị.
Hoặc: Bài thơ đã thi vị hoá khung cảnh mùa xuân làng quê.