Câu 1 (trang 58, SGK KNTT Ngữ Văn 10, tập 1)
Đề bài: Theo phân tích của tác giả, “tiếng thu” và “tiếng thơ” tương ứng với những bình diện nào trong bài thơ của Lưu Trọng Lư?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
- Chỉ ra bình diện tương ứng của “tiếng thu” và “tiếng thơ” được nói đến trong bài.
Lời giải chi tiết:
Theo phân tích của tác giả, “tiếng thu” và “tiếng thơ” tương ứng với những bình diện trong bài thơ của Lưu Trọng Lư:
- “Tiếng thu”: Không phải là một âm thanh riêng rẽ nào, cũng không phải là một tập hợp giản đơn nôm na của nỗi thổn thức trong đất trời, nỗi rạo rực trong lòng người và tiếng xào xạc của lá rừng. Tiếng thu là một điệu huyền… Có lẽ bởi sự cộng hưởng ấy mà “bản hòa âm mùa thu” đã tìm thấy cho mình một “bảng hòa âm ngôn từ”
- “Tiếng thơ”: Đặc trưng vang lên từ đáy hồn Thơ mới chính là tiếng Xôn xao. Tiếng thu là cả một bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hòa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân.
Câu 2 (trang 58, SGK KNTT Ngữ Văn 10, tập 1)
Đề bài: Trình tự của bài viết đi từ “tiếng thu” hay “tiếng thơ”? Theo tác giả, “tiếng thu” trong bài thơ của Lưu Trọng Lư là gì?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
- Chỉ ra trình tự của bài viết.
- Chỉ ra “tiếng thu” được nhắc đến trong bài.
Lời giải chi tiết:
- Trình tự của bài viết đi từ “tiếng thu” hay “tiếng thơ”: Trình tự của bài viết đi từ “tiếng thơ”, dẫn dắt đến “tiếng thu” rồi lại “tiếng thơ”, có sự đan xen không tách rời riêng biệt.
- Theo tác giả, “tiếng thu” trong bài thơ của Lưu Trọng Lư là:
+ Tiếng thu không phải là một âm thanh riêng rẽ nào, cũng không phải là một tập hợp giản đơn nôm na của nỗi thổn thức trong đất trời, nỗi rạo rực trong lòng người và tiếng xao xạc của lá rừng. Tiếng thu là một điệu huyền.
+ Tiếng thu là cả một bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hòa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân.
Câu 3 (trang 58, SGK KNTT Ngữ Văn 10, tập 1)
Đề bài: Đánh giá về tính hợp lí của cách tổ chức và triển khai ý tưởng trong bài viết.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
- Nhận xét về tính hợp lí của cách tổ chức và triển khai ý tưởng trong bài.
Lời giải chi tiết:
Đánh giá về tính hợp lí của cách tổ chức và triển khai ý tưởng trong bài viết: bài viết được triển khai theo luận điểm rõ ràng và cụ thể, mỗi đoạn sẽ có một câu chủ đều riêng, các câu trong đoạn tập trung làm rõ cho câu chủ đề. Bài viết không hề đề cập tới những gì lan man, khó hiểu, không dẫn dắt bạn đọc “cưỡi ngựa xem hoa” mà thường tập trung làm rõ hẳn vào vấn đề một cách trực diện nhưng không kém phần cuốn hút.
Câu 4 (trang 58, SGK KNTT Ngữ Văn 10, tập 1)
Đề bài: Theo tác giả, sự khác biệt lớn nhất trong cách miêu tả thiên nhiên của Thơ mới so với thơ cổ điển là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt ấy?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
- Chú ý vào các chi tiết so sánh cách miêu tả thiên nhiên của Thơ mới và thơ cổ điển.
- Chỉ ra sự khác biệt lớn nhất trong cách miêu tả thiên nhiên Thơ mới so với Thơ cổ điển và lí giải nguyên nhân.
Lời giải chi tiết:
- Theo tác giả, sự khác biệt lớn nhất trong cách miêu tả thiên nhiên của Thơ mới so với thơ cổ điển là: Thơ xưa thiên nhiên tĩnh lặng, miên viễn. Yên bình, thanh vắng trở thành một đặc tính của vẻ đẹp thiên nhiên trong nghệ thuật cổ điển. Còn Thơ mới không như thế. Âm hưởng đặc trưng nhất vang lên từ đáy hồn thơ mới là tiếng xôn xao.
- Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt: Đó là các nhà Thơ mới không nhìn thiên nhiên bằng cái chiêm nghiệm, mà họ muốn vào dò la cái sự sống tiềm tàng chất chứa bên trong lòng tạo vật, khám phá sự sống bí mật đầy xôn xao trong lòng thiên nhiên.
Câu 5 (trang 58, SGK KNTT Ngữ Văn 10, tập 1)
Đề bài: Khi phân tích ngôn từ trong bài thơ Tiếng thu, những thao tác gì được nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thường xuyên sử dụng? Theo bạn, tại sao những thao tác ấy lại rất cần thiết trong việc cảm thụ giá trị thẩm mĩ của ngôn từ thơ?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
- Chú ý cách sử dụng từ ngữ trong tác phẩm để chỉ ra những thao tác được sử dụng trong bài và lí giải nguyên nhân tại sao những thao tác ấy lại cần thiết.
Lời giải chi tiết:
- Khi phân tích ngôn từ trong bài thơ Tiếng thu, những thao tác được nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thường xuyên sử dụng: Thao tác lập luận phân tích, chứng minh.
- Những thao tác ấy lại rất cần thiết trong việc cảm thụ giá trị thẩm mĩ của ngôn từ thơ, vì cảm nhận thơ, phải gắn liền với phân tích từ ngữ, chứng minh qua từ ngữ. Có như vậy, mới có thể hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu hay về ý nghĩa bài thơ biểu đạt.
Câu 6 (trang 58, SGK KNTT Ngữ Văn 10, tập 1)
Đề bài: Từ gợi ý trong bài viết của Chu Văn Sơn, theo bạn, sức hấp dẫn của một bài thơ nằm ở những yếu tố nào?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
- Dựa vào những gợi ý trong bài viết của Chu Văn Sơn đẻ chỉ ra sức hấp dẫn của một bài thơ theo quan điểm cá nhân.
Lời giải chi tiết:
Từ những gợi ý trong bài viết của Chu Văn Sơn, theo bạn, sức hấp dẫn của một bài thơ nằm ở những yếu tố như: Ngôn từ được sử dụng trong bài thơ, âm điệu bài thơ, vần và nhịp thơ, tín hiệu thẩm mĩ nghệ thuật của thơ (ở Tiếng thu, đó là tiếng lá xào xạc).