Viết: Viết báo cáo nghiên cứu (Về một số vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam)

Sách kết nối tri thức với cuộc sống

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam

- Báo cáo nghiên cứu về vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam là văn bản trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân giandựa trên các dữ liệu khách quan, chính xác, đáng tin cậy. 

- Vấn đề nghiên cứu về sân khấu dân gian Việt Nam được gợi ra từ loại hình dân gian mà bạn đã học.

II. Yêu cầu Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam

- Nêu được vấn đề muốn nghiên cứu về sân khấu dân gian Việt Nam.

- Biết sử dụng những phương pháp nghiên cứu phù hợp.

- Xây dựng được hệ thống luận điểm sáng rõ; làm nổi bật được các kết quả nghiên cứu với những cứ liệu minh hoạ cụ thể, sát hợp.

- Sử dụng ngôn ngữ khách quan, khoa học để trình bày kết quả nghiên cứu và thể hiện quan điểm đánh giá riêng.

- Khái quát được ý nghĩa của vấn đề sân khấu dân gian đã chọn nghiên cứu.

- Thể hiện được thái độ trung thực khi kế thừa kết quả nghiên cứu của những người khác.

III. Hướng dẫn quy trình Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề sân khấu dân gian Việt Nam

Bước 1: Chuẩn bị viết

Lựa chọn đề tài

Bạn có thể nghĩ tới một số đề tài như: nội dung thường gặp trong các tích chèo, tuồng, múa rối nước; một hình tượng nhân vật hay một lớp, màn nổi bật trong chèo, tuồng, đạo cụ của chèo, tuồng, múa rối nước; vũ điệu trong chèo, tuồng, chiếc quạt trong chèo; mặt nạ tuồng, hình thức xưng danh của nhân vật, cách bài trí sân khấu chèo, tuồng, trống và các loại nhạc cụ khác của chèo, tuồng, việc vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong lời thoại của nhân vật chèo; ...

- Đề tài được lựa chọn nên gắn liền với một vấn đề nào đó (tức là câu hỏi nghiên cứu) còn khiến bạn băn khoăn tìm lời đáp, từng gây cho bạn ít nhiều khó khăn.

- Đề tài có thể được nảy sinh qua trao đổi với bạn bè hoặc người khác, thích hoặc không thích các loại hình sân khấu dân gian. 

Thu thập thông tin

- Để có được thông tin cần thiết cho báo cáo nghiên cứu, bạn cần tìm đọc các sách, báo có liên quan. 

- Các tài liệu trên Internet cũng là nguồn cung cấp quan trọng mà bạn cần khai thác. 

Bước 2: Xây dựng đề cương

Để xây dựng luận điểm cho báo cáo nghiên cứu, cần tập trung suy nghĩ về các câu hỏi sau:

- Vấn đề được chọn nghiên cứu Có ý nghĩa gì? 

- Cần xác định hướng nghiên cứu như thế nào? Phương pháp tiếp cận nào cần được lựa chọn? 

- Những khía cạnh nào của vấn đề cần được tập trung phân tích? 

- Những cứ liệu minh hoạ nào có thể huy động? 

- Thái độ nên có trước các đối tượng được đề cập là gì? 

Cần sắp xếp các luận điểm đã có vào đúng vị trí trong bố cục của báo cáo nghiên cứu:

- Đặt vấn đề: nêu động cơ, niềm hứng thú, sự thôi thúc ở người viết khi quyết định chọn đề tài để nghiên cứu.

- Giải quyết vấn đề: lần lượt đánh giá hay trình bày quan điểm về từng khía cạnh của vấn đề.

- Kết luận: khái quát ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu và kết quả nghiên cứu đạt được. 

Bước 3: Viết

- Bám sát đề cương đã lập để viết. Ngay từ đầu, cần thể hiện thái độ trân trọng đối với kho báu nghệ thuật sân khấu dân gian mà ông cha để lại.

- Mỗi luận điểm cần được triển khai thành một đoạn văn, trong đó có câu chủ đề, những ý nhỏ, các cứ liệu phù hợp.

- Các cứ liệu được trích dẫn, phân tích phải đảm bảo độ chính xác tối đa, có xuất xứ rõ ràng.

- Cần chọn hình thức diễn đạt khách quan, cô đọng, tránh dùng các thán từ và lối kể lề lan man, không xoáy vào các luận điểm then chốt.

- Để làm tăng tính thuyết phục của báo cáo nghiên cứu cần chọn đưa vào một số sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh,... phù hợp .

Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại báo cáo nghiên cứu, đối chiếu với yêu cầu của kiều bài và đề cương đã lập để chỉnh sửa, hoàn thiện trên các mặt chủ yếu sau:

- Sự tường minh của lí do chọn đề tài.

- Sự nhất quán trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề.

- Sự khách quan, chặt chẽ trong lập luận.

- Sự tinh gọn và đầy đủ của các cứ liệu, bằng chứng.

- Sự minh bạch trong việc dẫn nguồn tài liệu hay ghi chú xuất xứ của các ý kiến được trích dẫn.

- Sự tuân thủ các quy tắc ngữ pháp và những quy định về chính tả, cách trình bày văn bản.

IV. Ví dụ

Nghệ thuật Ca trù – Vẻ đẹp thanh lịch của một Di sản văn hóa thế giới 

Bài làm

       Ngày 1 tháng 10 năm 2009, Ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sau hơn 10 năm được ghi danh, Việt Nam vẫn đang nỗ lực vực dậy loại hình nghệ thuật này. Ca trù thực tế đã có bước khởi sắc nhất định cả về số lượng, chất lượng và đang không ngừng tìm tòi con đường thu hút thêm khán giả nhằm lan tỏa hơn nữa giá trị tới cộng đồng.

        Âm nhạc là phương thức kỳ diệu nuôi dưỡng đời sống tinh thần của con người, còn Ca trù giống như chất liệu sắc nét nhất để lưu dấu tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam. Từ thể loại thanh nhạc truyền thống độc đáo và thanh lịch, Ca trù ngày nay đã trở thành di sản đáng tự hào của Việt Nam và thế giới.

       Ca trù, còn gọi nôm na là hát cô đầu / hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ XV, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

       Xuất hiện sơ khai vào đầu thế kỷ XI, bắt đầu thịnh hành trong nước từ thế kỷ XV nhưng đến nửa cuối thế kỷ XX, Ca trù mới được thế giới biết đến lần đầu tiên qua tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ (1909 – 2001). Ca trù thu hút sự chú ý và dần dần được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nước ngoài theo học, tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Ca trù có quá trình phát triển gắn liền với những thăng trầm biến cố của lịch sử, cho tới nay đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, có sức ảnh hưởng quan trọng trong nền nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Sự hòa trộn giữa tính dân gian với tính hàn lâm trong nội dung và giai điệu của Ca trù đã tạo nên nét độc đáo riêng có. Chính vì vậy, Ca trù khá kén người nghe và việc quảng bá, đạo tạo nghệ nhân kế tục cũng gặp nhiều khó khăn. Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại này dường như chưa thể thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngày 23 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày giỗ tổ nghiệp Ca trù, Google lần đầu tiên tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống này bằng biểu tượng đặc biệt thay thế tạm thời trên trang chủ, như một sự nhắc nhở đối với thế hệ trẻ ngày nay cần phải hành động mạnh mẽ hơn để bảo tồn di sản này.

       Về đặc điểm nghệ thuật, Ca trù có 5 không gian trình diễn chính: hát cửa đình (hát thờ), hát cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), hát tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi). Mỗi không gian có một lối hát và cách thức trình diễn riêng. Ca trù xưa được tổ chức chặt chẽ thành phường, giáo phường, do trùm phường và quản giáp cai quản. Ca trù có qui định về sự truyền nghề, cách học đàn, học hát, việc cho phép đào nương vào nghề (lễ mở xiêm áo), việc chọn đào nương đi hát thi… Tham gia biểu diễn Ca trù có ít nhất 3 người: một nữ ca sĩ gọi là “đào nương” hay “ca nương” hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp (phách là một nhạc cụ làm bằng gỗ hoặc tre, được gõ bằng 2 que); một nam nhạc công gọi là “kép” đệm đàn đáy cho người hát (đàn đáy là một loại đàn cổ, dài, có 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn); một người điểm trống chầu gọi là “quan viên”. Trong đó, ca nương là một trong 3 thành phần quan trọng. Để trở thành một người ca nương được mọi người công nhận, người nghệ sỹ phải trải qua quá trình học hỏi, luyện tập, trau dồi và vượt qua rất nhiều thử thách.

       Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Nổi bật lên trong nghệ thuật biểu diễn chính là ý thức về bản sắc và sự tính sáng tạo trong kế thừa nghệ thuật, được các tổ chức giáo phường chuyển giao giữa các thế hệ. Chính mối liên hệ mật thiết cũng tạo nên nét đặc trưng của hoạt động biểu diễn Ca trù, tạo nên dấu ấn và quy mô nghệ thuật có vị thế riêng, tô thắm đời sống văn hóa Việt Nam.

       Không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ riêng và thể thơ riêng làm nên nét đặc sắc của Ca trù. Các nghệ nhân dân gian chia Ca trù thành rất nhiều thể thức và giai điệu phong phú khác nhau. Hát đòi hỏi kỹ thuật phải được luyện tập tinh tế, công phu. Thể hát nói với hình thức thơ chữ Nôm đã ra đời từ Ca trù, làm phong phú và tươi sáng dòng văn học Nôm, phản ánh đời sống tinh thần hết sức sinh động, đa chiều, tinh tế của người Việt qua hàng thế kỷ. Về mặt âm thanh, nhạc cụ trình diễn trong Ca trù gắn liền với đàn đáy, phách và trống, tạo nên đặc trưng nổi bật với ấn tượng vừa mộc mạc vừa ma mị của mỗi tác phẩm nghệ thuật. Ba người ngồi trong một không gian tương đối nhỏ, với giọng hát, tiếng đàn, nhịp trống, tỏa ra ý vị tao nhã mà mê hoặc lòng người, đưa người nghe vào miền suy tưởng sâu xa đắm chìm trong cảm xúc.

       Bên cạnh việc gìn giữ những giá trị nghệ thuật cốt lõi, Ca trù ngày nay có những biến đổi và phát triển nhất định nhằm thích ứng với nhịp sống hiện đại, bằng cách lan tỏa và hòa trộn chất liệu riêng vào trong những thể nhạc khác hoặc những loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh. Ngoài việc duy trì và trau chuốt những điệu ca cổ, Ca trù còn làm mới nội dung như trong các bài ca ngợi quê hương, đất nước với ca từ hiện đại hơn. Những nét đặc trưng của Ca trù cũng được nhiều nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Phú Quang đưa vào các sáng tác của mình tạo ra âm hưởng đương đại rất độc đáo.

       Mặc dù tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới nền nghệ thuật âm nhạc nói chung, nhưng bản thân Ca trù vẫn cần được bảo vệ hơn nữa để di sản này phát huy vai trò tích cực về lâu dài. Sự hiện diện của Ca trù gắn liền với việc đầu tư và phát triển loại hình nghệ thuật này tại các câu lạc bộ và mở rộng đa dạng các hình thức biểu diễn. Ca trù cho đến ngày nay, đang hồi sinh và vẫn đầy sức lôi cuốn, việc làm thế nào để khẳng định vị thế của di sản này trong xã hội hiện đại, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và phương thức hành động của những thế hệ sau này, để Ca trù không chỉ là nghệ thuật thanh âm truyền đời, mà còn là tiếng lòng dân tộc kết nối niềm tự hào đến mai sau.

Minh Vũ