Viết: Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

Sách kết nối tri thức với cuộc sống

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

Văn bản nghị luận một vấn đề xã hội là kiểu văn bản dùng lí lẽ, bằng chứng để bàn luận và làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội (một ý kiến, một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng xã hội), giúp người đọc nhận thức đúng về vấn đề và có thái độ, giải pháp phù hợp đối với vấn đề đó.

II. Yêu cầu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

- Nêu và giải thích được vấn đề nghị luận.

- Trình bày ít nhất hai luận điểm về vấn đề xã hội, thể hiện rõ ràng quan điểm, thái độ (khẳng định/ bác bỏ) của người viết hướng người đọc đến một nhận thức đúng và có thái độ, giải pháp phù hợp trước vấn đề xã hội. Liên hệ thực tế, rút ra ý nghĩa của vấn đề.

- Sử dụng được các bằng chứng thực tế tin cậy nhằm củng cố cho lí lẽ.

- Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.

- Diễn đạt mạch lạc, khúc chiết, có sức thuyết phục.

- Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách của kiểu bài.

+ Mở bài: Nêu vấn đề xã hội cần nghị luận; sự cần thiết bàn luận về vấn đề.

+ Thân bài: Trình bày ít nhất hai luận điểm chính nhằm làm rõ ý kiến và thể hiện quan điểm, thái độ của người viết trước các biểu hiện đúng/ sai/ tốt xấu); sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

+ Kết bài: Khẳng định lại tầm quan trọng hay ý nghĩa của vấn đề cùng thái độ, lập trường của người viết.

III. Hướng dẫn quy trình Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

Bước 1: Chuẩn bị viết

- Xác định đề tài: Bạn có thể chọn một đề tài cụ thể trong hoặc ngoài các vấn đề được gợi ý trong đề bài. Chẳng hạn: bàn luận về động cơ, đức tính trung thực, tinh thần vượt khó,... trong học tập của lớp trẻ; vấn đề thị hiếu của thanh niên ngày nay, ứng xử trên không gian mạng; sự tương trợ đối với người gặp khó khăn, hoạn nạn,...). Tuy vậy, nên chọn đề tài theo các tiêu chí:

+ Vấn đề mà bạn quan tâm, có hứng thú trong việc trình bày ý kiến.

+ Vấn đề quen thuộc, gần gũi với bạn và những người cùng độ tuổi.

+ Vấn đề thuận lợi cho bạn trong việc tìm hiểu thực tế, chia sẻ trải nghiệm hay bày tỏ quan điểm, thái độ,... trong bài viết.

+ Vấn đề đang có những ý kiến khác biệt, thậm chí trái ngược nhau.

- Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc: Bạn cần trả lời một số câu hỏi như: Mục đích viết bài này là gì? Người đọc bài viết này có thể là ai?

- Thu thập tư liệu: Để viết được văn bản đáp ứng yêu cầu của đề bài, bạn hãy tự hỏi:

+ Vấn đề liên quan đến các khái niệm nào?

+ Xung quanh vấn đề nghị luận có những ý kiến, quan niệm khác biệt nào?

+ Việc giải quyết vấn đề có ích lợi gì và nên giải quyết thế nào?

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

* Tìm ý

Bạn nên tìm ý bằng cách nêu và trả lời một số câu hỏi dưới đây:

- Vấn đề cần được khẳng định hay bác bỏ hoặc kết hợp khẳng định với bác bỏ? 

- Cần có ít nhất mấy luận điểm? Sắp xếp luận điểm theo trình tự nào?

- Lí lẽ, bằng chung cần có cho mỗi luận điểm? 

* Lập dàn ý

Bạn hãy sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý. Riêng với dàn ý phần thân bài, bạn cần:

- Xây dựng hệ thống luận điểm cho bài viết.

- Tạo lập ít nhất hai luận điểm về nội dung và về nghệ thuật.

- Sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách: a. hình thức nghệ thuật trước, chủ đề sau; b. chủ đề trước, hình thức nghệ thuật sau; c. kết hợp phân tích, đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật trong từng luận điểm.

Bước 3: Viết

- Triển khai dàn ý thành đoạn, thành bài.

- Mỗi luận điểm nên trình bày thành một đoạn với lí lẽ và bằng chứng.

- Trong mỗi đoạn văn, cần có câu chủ đề nêu rõ nội dung luận điểm.

- Về trình tự, có thể đưa lí lẽ trước, bằng chứng sau hoặc nêu lí lẽ đến đâu, đưa bằng chứng đến đấy.

- Dùng các từ ngữ liên kết cấu, liên kết đoạn để tạo sự mạch lạc cho bài viết, giúp người đọc dễ theo dõi các ý của bài viết.

Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa

- Kiểm tra dàn ý và bài văn: 

+ Bài văn lạc ý hay thiếu ý chỗ nào không?

+ Cần thay đổi gì trong nội dung/ cách kể lại không?

- Xác định lỗi cần sửa trong dàn ý/ bài viết.

IV. Ví dụ

Viết bài văn nghị luận về vấn đề nuôi thú cưng

Bài làm

       Trong vài thập kỉ qua, đã có rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề: Có nên nuôi thú cưng? Trong quan điểm của tôi, nên có vật nuôi trong nhà. Dưới đây là một số lí do chứng minh cho việc tại sao chúng ta cần có ít nhất một bé thú cưng trong nhà.

     Thú cưng giúp chúng ta cân bằng cảm xúc. Khoa học đã chứng minh các loài vật nuôi (đặc biệt là chó) thường khá nhạy cảm với cảm xúc. Vì vậy rất dễ dàng để chúng có thể phát hiện ra những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận,... của con người. Những lúc ấy, thú cưng sẽ thay thế một người bạn tri âm, tri kỉ. Có những vấn đề mà con người khó có thể nói cho một người nào đó vì nhiều lí do cá nhân. Có một con vật lắng nghe, không phán xét những suy nghĩ, hành động của bạn là một cách để bạn giải tỏa căng thẳng và những nỗi buồn. Những cử chỉ âu yếm, vuốt ve của thú cưng có thể mang lại cảm giác an ủi, an toàn cho những rối loạn, bối rối trong lòng con người. 

     Việc nuôi thú cưng giúp con người có trách nhiệm hơn. Chăm sóc, nuôi dạy thú cưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và khoảng thời gian nhất định. Để vật nuôi có thể phát triển một cách toàn diện, chúng ta cần dành nhiều thời gian cho những hoạt động: cho ăn, tắm rửa, vui chơi, dạy dỗ,... chúng. Bởi vì đang nắm trong tay sinh mạng của một loài động vật nên con người có xu hướng có trách nhiệm hơn trong mọi việc. Bạn không thể để một con vật chết đói, chết rét,... vì những hành động vô tâm của bản thân mình được. Hơn nữa, con người sẽ trở nên kiên nhẫn hơn khi dạy dỗ một loài vật sinh hoạt có trật tự. Trước khi vật nuôi hiểu được những điều chúng được dạy, chúng sẽ mất thời gian làm quen và thời gian này sẽ trở nên rất khó khăn với chủ. Chúng phải sai nhiều lần thì mới có thể nhận thức được đâu là hành động đúng để duy trì. Vì vậy, nếu chủ nhân của chúng không kiên nhẫn thì việc huấn luyện sẽ thất bại.

     Sức khỏe con bạn sẽ được cải thiện nếu bạn nuôi dạy một loài vật nuôi đúng cách. Ví dụ như khi bạn nuôi một chú chó hay một chú ngựa (những động vật lớn, cần được vận động), bạn sẽ phải vận động nhiều hơn. Hàng ngày, một số thú cưng nhất định cần có thời gian được vận động, đi dạo, chạy nhảy. Để có thể quản lí và bảo vệ chúng, người chủ thường sẽ phải vận động theo nhịp độ của thú cưng. Hơn nữa, các bạn sẽ thức giấc và ăn ngủ điều độ hơn vì các bạn cần giữ cho thú cưng lối sinh hoạt cân bằng. Có thể nghe khó tin nhưng có bài báo khoa học còn đề cập đến việc chó có khả năng phát hiện ung thư ở người. Một đứa trẻ khi được sinh ra và lớn lên cùng động vật cũng sẽ ít có nguy cơ mắc hen suyễn và các bệnh khác hơn những đứa trẻ không tiếp xúc với động vật.