Trước khi đọc
Câu 1 (trang 84, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Bạn có theo dõi tin tức không? Bạn thường theo dõi tin tức trên những kênh truyền thông nào và quan tâm đến những gì khi tiếp nhận tin tức?
Phương pháp giải:
Dựa vào đời sống cá nhân của bản thân và những thông tin tìm hiểu được trên sách báo để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Học sinh tự trả lời những thông tin mà mình theo dõi và tìm hiểu.
- Gợi ý: theo dõi thông tin trên các kênh thời sự, kênh VTV trên ti vi hoặc các trang báo mạng xã hội. Thông tin quan tâm có thể là các vấn đề về đời sống kinh tế - chính trị, về tự nhiên, về môi trường, …
Câu 2 (trang 84, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Bạn biết gì về tầng ozone và đã bao giờ nghe về việc tầng ozone bị thủng?
Phương pháp giải:
Dựa vào những kiến thức cá nhân hoặc thông tin tìm hiểu được qua sách báo, mạng xã hội để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Tầng ozon là một lớp sâu trong tầng bình lưu, bao quanh Trái Đất, chứa một lượng lớn ozone. Lớp này che chắn toàn bộ Trái đất khỏi phần lớn các bức xạ cực tím có hại đến từ mặt trời. Chức năng của tầng ozone là bảo vệ Trái Đất khỏi các yếu tố gây hại từ bên ngoài. Bảo vệ cuộc sống của con người, của hệ sinh thái động thực vật trên trái đất.
- Việc tầng ozone bị thủng có thể gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng xấu đến sự sống của con người và các loài sinh vật trên Trái Đất.
+ Có thông tin cho biết tầng ozone ở Nam Cực và Bắc Cực đã bị thủng dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ozone đến mức báo động là sự giải phóng quá mức các chất clo và brom từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người.
+ Các thông tin liên quan đến việc tầng ozone bị thủng hiện nay là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Vì tầng ozon hấp thụ tia cực tím từ mặt trời, giảm sút tầng ozon dự đoán sẽ làm tăng cường độ tia cực tím ở bề mặt Trái Đất, có thể dẫn đến nhiều thiệt hại bao gồm cả gia tăng bệnh ung thư da.
Trong khi đọc
Câu 1 (trang 84, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Nhan đề và những thông tin trong phần sa-pô của văn bản có gì đáng chú ý?
Phương pháp giải:
- Nhớ lại kiến thức đã học về phần sa-pô trong văn bản thông tin.
- Dựa vào những kiến thức đã học để chỉ ra những thông tin đáng chú ý trong nhan đề và phần sa-pô của văn bản.
Lời giải chi tiết:
Nhan đề và những thông tin trong phần sa-pô của văn bản nhằm làm nổi bật và nhấn mạnh vấn đề được nói đến trong văn bản là về việc phục hổi và bảo vệ tầng ozone.
Câu 2 (trang 84, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Theo dõi thông tin về tầng ozone và vai trò của nó.
Phương pháp giải:
Dựa vào những thông tin đã tìm hiểu và được nghe về tầng ozone để chỉ ra vai trò của nó.
Lời giải chi tiết:
- Thông tin về tầng ozone là
+ Tầng ozone nằm ở độ cao khoảng 15-40km so với bề mặt Trái Đất, thuộc tầng bình lưu.
+ Chức năng của tầng ozone là che chắn tia UV, bảo vệ cuộc sống của con người, của hệ sinh thái động thực vật trên trái đất.
- Tầng ozone có vai trò rất quan trọng, như một lớp “kem chống nắng” che chắn cho hành tinh khỏi tia cực tím.
Câu 3 (trang 85, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Chú ý thông tin về hợp chất CFC.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức hóa học đã được học và những thông tin trong văn bản để tìm hiểu hợp chất CFC.
Lời giải chi tiết:
Hợp chất CFC là hợp chất nhân tạo Chlorofluorocarbon, được xem là hóa chất hoàn hảo, vừa rẻ tiền, có nhiều công dụng vừa không thâm gia phản ứng hóa học.
Câu 4 (trang 85, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Hai nhà khoa học Mô-li-nơ và Rao-lân đã phát hiện sự thật gì về chất CFC?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn văn viết về hợp chất CFC.
- Từ những thông tin đọc được và tìm hiểu được từ hóa học, chỉ ra thông tin mà hai nhà khoa học đã tìm hiểu được về chất CFC.
Lời giải chi tiết:
Sự thật về chất CFC là các phân tử khí CFC bị phân hủy dưới tia UV khi ở tầng khí quyển và mỗi nguyên tử Cl tự do sẽ “cướp lấy” một nguyên tử O, khiến O3 (khí ozone) trở thành O2 (khí oxygen).
Câu 5 (trang 85, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Những tổn hại to lớn mà chất CFC gây ra đối với tầng ozone đã được diễn giải như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn văn viết về tác hại của chất CFC đối với tầng ozone và dựa vào đó để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Những tổn hại to lớn mà chất CFC gây ra đối với tầng ozone đã được diễn giải một cách rõ ràng, giải thích về quá trình phân tách các phân tử Cl của chất ClO và các phân tử Cl tự do đó sẽ làm tổn hại tầng ozone.
Câu 6 (trang 86, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Liên hợp quốc đã có những nỗ lực gì nhằm xóa sổ các hóa chất có hại cho tầng ozone?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn văn về những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc phục hồi tầng ozone.
- Từ những thông tin đã đọc được trong đoạn văn, trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Liên hợp quốc họp bàn kế hoạch loại bỏ chất CFC – chất gây tổn hại tầng ozone và nhóm của An-đơ-sơ đã vạch ra hàng trăm giải pháp theo một hệ thống nhất định, loại bỏ chất CFC từ nhiều lĩnh vực công nghiệp.
Câu 7 (trang 87, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Đề bài: Những nhân tố nào làm nên thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn văn viết về sự thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone.
- Chú ý các chi tiết về những nhân tố góp sức trong quá trình phục hồi tầng ozone.
Lời giải chi tiết:
Những nhân tố làm nên thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone không chỉ là những cá nhân cụ thể mà còn có sự góp sức của công chúng, sự đồng thuận quốc tế và hành động nhất quán toàn cầu.