I. Chèo
- Chèo nguyên là một loại hình kịch dân gian, phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường được diễn ở sân đình trong thời gian có các lễ hội. Về sau, chèo được chuyên nghiệp hóa dần với sự hình thành của các gánh chèo, đoàn chèo
- Nghệ thuật chèo mang tính tổng hợp, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nói, hát, múa với sự hỗ trợ của các đạo cụ, nhạc khi dân tộc độc đáo, trên cơ sở một tích trò (còn gọi là tích truyện, chèo bản hay đơn giản là tích) có sẵn
- Tích trò là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của vở chèo, làm điểm tựa cho toàn bộ hoạt động biểu diễn, tuy có tính ổn định nhưng vẫn để ngỏ khả năng thêm thắt, bổ sung cho diễn viên. Vì thế, một tích trò có nhiều dị bản là một sáng tạo mang tính tập thể. Tích trò của chèo dân gian (tích chèo) thường được xây dựng dựa vào truyện cổ tích hay truyện thơ Nôm, thể hiện các đề tài sinh hoạt, đạo đức gần gũi với khán giả bình dân.
- Nhân vật của chèo không xa lạ với đời sống thường ngày của người dân lao động xưa, gồm nhiều hạng người trong xã hội, có địa vị, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác khác nhau. Xét theo tính cách, nhân vật chèo được phân thành hai loại chính: vai chín (tích cực) và vai lệch (tiêu cực). Mỗi loại nhân vật thường tự biểu hiện mình bằng một số làn điệu hát và động tác múa đặc trưng. Gây được ấn tượng mạnh nhất trong các vở chèo thường là những vai nữ, vai hề.
II. Tuồng
- Tuồng là một loại hình kịch hát cổ truyền của dân tộc, phát triển mạnh dưới triều Nguyễn ở vùng Nam Trung Bộ. Tuồng có hai bộ phận tương đối khác biệt nhau là tuồng cung đình và tuồng dân gian.
- Nghệ thuật tuồng mang tính tổng hợp, phối hợp cả văn học, ca nhạc và vũ đạo. Tích tuồng dân gian giàu yếu tố hài, hướng tới châm biếm các thói hư tật xấu hay đả kích một số hạnh người nhất định trong xã hội. Một tích tuồng thường có nhiều dị bản, do nó được bổ sung, nắn chỉnh thường xuyên trong quá trình biểu diễn, lưu truyền.