I. Tìm hiểu chung Yêu và đồng cảm (Trích - Phong Tử Khải)
1. Xuất xứ
- Yêu và đồng cảm được trích trong chương 5 cuốn sách Sống vốn đơn thuần, Tố Hinh dịch, NXB Hà Nội – Công ty văn hóa & truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2020.
2. Thể loại
- Tản văn.
3. Bố cục: 4 phần
- Phần 1: Từ đầu đến “cũng như không có tình” (câu chuyện khởi đầu và dư âm để lại).
- Phần 2: Tiếp theo đến “đồng cảm và nhiệt thành” (chiêm nghiệm về cách nhìn đời của họa sĩ).
- Phần 3: Tiếp theo đến “tâm trí của người nghệ sĩ” (luận về vai trò của sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật).
- Phần 4: Đoạn còn lại (Bài học sáng tác từ cách nhìn thế giới của trẻ em).
4. Tóm tắt
Yêu và đồng cảm là đoạn trích thuộc tác phẩm Sống vốn đơn thuần của tác giả Phong Tử Khải, đoạn trích mở đầu bằng lời kể của tác giả về một chú bé xếp đồ giúp mình, về lòng đồng cảm của chú bé với tất cả đồ vật có trong phòng. Văn bản nói về tấm lòng đồng cảm không chỉ của đứa bé hay người họa sĩ mà còn cả sự đồng cảm của mọi nghề nghiệp nhưng lòng đồng cảm và cách nhìn mọi vật của họ không giống nhau. Người nghệ sĩ cũng giống như trẻ em, luôn đồng cảm với mọi sự vật, kể cả những đồ vật từ cái bàn, cái ghế đến bông hoa, cây cỏ,... Văn bản khẳng định quan niệm của tác giả về lòng đồng cảm của người nghệ sĩ và tôn trọng, ngợi ca tấm lòng đồng cảm của trẻ em.
II. Giá trị nội dung và nghệ thuật Yêu và đồng cảm (Trích - Phong Tử Khải)
1. Giá trị nội dung
- Qua câu chuyện nhỏ của một cậu bé và tiết học nghệ thuật, văn bản miêu tả cuộc sống thường ngày một cách tinh tế đầy tình cảm, thể hiện cái nhìn và tấm lòng thơ trẻ trong thế giới của người trưởng thành. Đồng thời văn bản cũng khẳng định giá trị đích thực của nghệ thuật là tình yêu thương và sự đồng cảm với muôn loài.
2. Giá trị nghệ thuật
- Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc.
- Cách dẫn truyện tự nhiên, khoan hậu, nhân từ mà sâu sắc.
- Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, chủ quan và khách quan.