Ý nghĩa giáo huấn truyện Con hổ có nghĩa hay nhất (1 mẫu)

Dàn ý chi tiết Trình bày ý nghĩa giáo huấn của câu chuyện Con hổ có nghĩa

1/ Mở bài

Giới thiệu câu chuyện Con hổ có nghĩa: Truyện “Con hổ có nghĩa” là một loại truyện hư cấu, mà trong đó các nhà văn đã mượn hình ảnh của loài vật để nói về con người, giáo huấn về đạo đức, nhân sinh

2/ Thân bài

-Phân tích ý nghĩa giáo huấn từ việc trả ơn của hổ đực: Có thể thấy, việc trả ơn được diễn ra ngay tức thì, không đắn đo và không tính đếm.

-Qua hành động trả ơn của con hổ đực, ta thấy nó mang trong mình những hành động và suy nghĩ của một con người. Đối với gia đình hổ, nó là người chồng hết lòng với vợ con, biết quan tâm, lo lắng và chăm sóc yêu thương hổ cái lúc sắp sinh con

-Phân tích ý nghĩa giáo huấn từ việc trả ơn của hổ trán trắng: Hành động đau xót của con hổ khi đưa tang và chôn bác tiều cũng như những dịp giỗ lại đem dê hoặc lợn để trước cửa nhà bác đã cho thấy nó rất trọng ơn nghĩa.

–> Thật cảm động và khâm phục hành động của hổ trán trắng, cũng qua con hổ mà ý nghĩa giáo huấn được sáng tỏ, đó chính là đề cao lối sống nhân nghĩa, răn dạy con người trong cuộc sống nên có tình nghĩa

– Phân tích ý nghĩa nhân văn và giáo huấn của câu chuyện: Ơn nghĩa là sợi đậy kết nối con người với con người với nhau, giúp họ vượt qua rào cản của tiền bạc công danh.

–> Người làm ơn thì không nên so đo tính toán, lo thua thiệt, lấy việc giúp đỡ người khác là trách nhiệm và bổn phận của mình

3/ Kết bài

Khẳng định ý nghĩa giáo huấn của câu chuyện Con hổ có nghĩa: Như vậy, sau khi đọc xong truyện “Con hổ có nghĩa” chúng ta nhận được những bài học đạo lý sâu sắc. Vừa giáo huấn con người ta có nhân nghĩa, thương người như thể thương thân, vừa khẳng định rõ đạo lý mang ơn thì phải trả ơn.

Trình bày ý nghĩa giáo huấn của câu chuyện Con hổ có nghĩa

Những tác phẩm truyện trung đại của Việt Nam từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX là loại truyện văn xuôi chữ Hán với cách viết của truyện ngày nay. Truyện thường gần với kể, và thường mang tính giáo huấn. Truyện “Con hổ có nghĩa” là một loại truyện hư cấu, mà trong đó các nhà văn đã mượn hình ảnh của loài vật để nói về con người, giáo huấn về đạo đức, nhân sinh.

Truyện kể về con hổ cái gặp nạn tưởng chừng như không thể qua khỏi và bà Trần đã cứu được mạng nó, mẹ tròn con vuông khiến cho gia đình hổ hạnh phúc và mừng rỡ trong sung sướng. Con hổ đực cảm động và biết ơn cứu mạng của bàn liền lấy tay đào lên một cục bạc rồi tặng cho bà Trần, bà nhờ có nó mà sống qua năm mất mùa đói kém. Có thể thấy, việc trả ơn được diễn ra ngay tức thì, không đắn đo và không tính đếm. Qua hành động trả ơn của con hổ đực, ta thấy nó mang trong mình những hành động và suy nghĩ của một con người.

Đối với gia đình hổ, nó là người chồng hết lòng với vợ con, biết quan tâm, lo lắng và chăm sóc yêu thương hổ cái lúc sắp sinh con. Đến khi sinh con ra lại vô cùng vui mừng và sung sướng khi được làm cha, cảm động và biết ơn sâu sắc đối với ân nhân đã cứu mạng cả vợ và con mình. Nó hiểu được hạnh phúc gia đình mà nó có được ngày hôm nay là do bà Trần mang lại, từ chính suy nghĩ đậm chất nhân văn ấy, con hổ đã hành động cao đẹp – ân nghĩa vẹn tròn. Đó chính là đạo lý ơn nghĩa ở đời, chịu ơn thì phải trả ơn. Cũng giống như gia đình hổ kia, con hổ trán trắng cũng có lối sống nhân nghĩa báo đáp ân nghĩa như vậy. Sau khi được cứu sống trong lần hóc xương, nó đã không lần nào quên san sẻ miếng ngon cho ân nhân của mình, nó trả ơn lâu dài và mãi đến khi người tiều phu đó đã chết.

Hành động đau xót của con hổ khi đưa tang và chôn bác tiều cũng như những dịp giỗ lại đem dê hoặc lợn để trước cửa nhà bác đã cho thấy nó rất trọng ơn nghĩa. Thật cảm động và khâm phục hành động của hổ trán trắng, cũng qua con hổ mà ý nghĩa giáo huấn được sáng tỏ, đó chính là đề cao lối sống nhân nghĩa, răn dạy con người trong cuộc sống nên có tình nghĩa, khi gặp hoạn nạn phải biết giúp đỡ nhau, và khi mang ơn thì phải ghi nhớ và tìm cách trả ơn.

Ơn nghĩa là sợi đậy kết nối con người với con người với nhau, giúp họ vượt qua rào cản của tiền bạc công danh. Người làm ơn thì không nên so đo tính toán, lo thua thiệt, lấy việc giúp đỡ người khác là trách nhiệm và bổn phận của mình. Đồng thời, người chịu ơn thì phải khắc cốt ghi tâm, sự trả ơn phải xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, sự nhận thức về đạo lý.

Như vậy, sau khi đọc xong truyện “Con hổ có nghĩa” chúng ta nhận được những bài học đạo lý sâu sắc. Vừa giáo huấn con người ta có nhân nghĩa, thương người như thể thương thân, vừa khẳng định rõ đạo lý mang ơn thì phải trả ơn. Đó là phương châm sống và lẽ sống mà chúng ta đều cần phải ghi nhớ.