Cuộc sống là một vòng tuần hoàn: có sinh ắt có tử; có buồn thì cũng có vui; có những lúc thăng và trầm luân chuyển; có kết thúc và cũng có khởi đầu.
“Một chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hơi:
- Sao sớm thế?
Lá vàng giơ tay lên chào, cười và chỉ vào những lộc non”
Chiếc lá kia đã sống hết một đời và tự nguyện lìa cành ra đi. Nhưng dường như nó không có vẻ gì là buồn bã hay hối tiếc. Nó ra đi với một nụ cười. Một người thầy đã từng nói với tôi rằng: khi sinh ra trên đời, con khóc oe oe và mọi người nhìn con mỉm cười; hãy sống sao để khi con từ giã cuộc đời, mọi người xung quanh con đều rơi lệ chỉ riêng mình con mỉm cười.
Câu chuyện kia ẩn một thông điệp về cách sống. Mượn chuyện chiếc lá để nói chuyện làm người. Sống khác với tồn tại. Tồn tại có thể chỉ là những tháng ngày nhạt nhẽo, vẫn ăn uống, hít thở khí trời nhưng không làm được gì, không tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống, không có sự tương tác với xung quanh. Sống, nó mang tầm vóc lớn lao hơn. Sống là cho và nhận, cống hiến và hưởng thụ, có lí tưởng của riêng mình và cố gắng không ngừng để đạt được nó. Không phải tự dưng mà phương châm sống của Walt Disney lại là “keep moving forward” – cứ tiếp tục tiến lên, không ngừng tiến tới. Disney là cha đẻ của nhân vật hoạt hình nổi tiếng: chuột Mickey, đồng thời là chủ sở hữu của 18 tượng vàng Oscar. Trẻ em trên toàn thế giới đều biết đến tên ông cũng như những bộ phim nổi tiếng truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ. Khởi điểm của ông cũng bình thường như bao người, lại thêm nỗi sợ chuột mà sau này khi ông đã nổi tiếng nó trở thành một sự gây cười: “cha đẻ” của chuột Mickey lại sợ chuột. Bằng sự chăm chỉ và bộ óc giàu sáng tạo, Walt Disney đã biến nỗi sợ của mình thành một hình ảnh mang giá trị bất tử, biểu tượng cho giấc mơ thời thơ ấu trong mỗi con người.
Chiếc lá vàng rơi còn gọi sự liên tưởng đến một câu chuyện khác. Câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O.Henry. Truyện nói về cuộc sống của ba họa sĩ nghèo trong một khu trọ tồi tàn bé nhỏ. Sue – cô họa sĩ trẻ, tuổi còn xanh nhưng sức đã tàn, lay lắt như chiếc lá trước gió, sống trong mòn mỏi chỉ nằm chờ chết. Cô nói: khi chiếc lá thường xuân cuối cùng trên cửa sổ rụng đi, cô cũng sẽ lìa đời. Để khơi dậy khát vọng sống, thắp lên hy vọng trong cô, họa sĩ già Bơ men đã dầm mưa, dầm tuyết suốt cái đem mà chiếc lá ấy rơi xuống, để vẽ một chiếc lá xanh mãi. Cụ Bơ men đã hy sinh tính mạng mình để vẽ nên tác phẩm cuối cùng, để cô gái trẻ vin vào đó mà hi vọng, khát khao được sống – cống hiến. Chiếc lá vàng rụng đi nhưng chiếc lá xanh kia còn được ở lại mãi với đời.
Quay trở về với câu chuyện ngụ ngôn. Khi rơi xuống chiếc lá vàng giơ tay lên chào cái gốc. Điều đó phải chăng thể hiện sự tri ân? Bởi gốc là nguồn, là khởi điểm của mọi thân cành. Ở đây ta nhận thêm một thông điệp: sống là phải có trước có sau, không quên ân những cội rễ của mình. Hay chính là câu tục ngữ mà cha ông ta vẫn dậy “uống nước nhớ nguồn”
Hành động sau cùng của chiếc lá “cười và chỉ vào những lộc non” thật nhiều ý nghĩa. Đó là nụ cười viên mãn, hiền hòa, an nhiên đón nhận cái chết nhưng vẫn không quên gửi gắm tình cảm vào thế hệ sau. Một vòng tuần hoàn nhỏ trong chuỗi tuần hoàn lớn đã khép lại để chương mới được mở ra. Sự khởi đầu của một kết thúc lại bắt đầu.