Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích Sọ Dừa hay nhất

Dàn ý chi tiết Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích Sọ Dừa

1/ Mở bài

Giới thiệu truyện cổ tích Sọ Dừa và dẫn dắt vào vai trò của yếu tố thần kì: Trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam, “Sọ Dừa” là một trong những câu chuyện vừa có giá trị lại có nhiều nét độc đáo

2/ Thân bài

-Thể hiện được bản chất tốt đẹp của sọ dừa ẩn trong vẻ xấu xí: Bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa đã phải ẩn kín trong vỏ bọc bên ngoài xấu xí, dị dạng và đáng sợ

-Yếu tố thần kì giúp cho cuộc đời Sọ Dừa tiến lên một trang mới: chàng đi chăn trâu cho phú ông, chân tay mặt mũi không có nhưng lại chăn trâu rất giỏi

-Giữ cho câu chuyện phát triển tuần tự, từ thấp đến cao: Tuy nhiên lúc này Sọ Dừa vẫn ở trong cái bọc xấu xí đó mà chưa ra, chứng tỏ tác giả dân gian sử dụng yếu tố này rất có nguyên tắc

-Yếu tố thần kì giúp cho người đọc hứng thú và không bị nhàm chán: Thời điểm yếu tố thần kì được sử dụng đắt nhất, chính là khi chàng trai Sọ Dừa khôi ngô tuấn tú bước ra cùng người vợ của mình

3/ Kết bài: Ý nghĩa của các yếu tố thần kì: Sự xuất hiện của chàng trai Sọ Dừa trong lễ cưới đã kết thúc những yếu tố thần kì, khép lại giai đoạn phi thường kỳ ảo

Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện cổ tích Sọ Dừa

Trong kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam, “Sọ Dừa” là một trong những câu chuyện vừa có giá trị lại có nhiều nét độc đáo. Câu chuyện có tính chất thần kì thấm sâu và tổ chức, kết cấu tác phẩm từ đầu tới cuối nhưng ngoài những nhân vật chính ta không thấy sự xuất hiện của nhân vật thần kì riêng biệt như Tiên hay Bụt,… Bởi trong truyện “Sọ Dừa”, yếu tố thần kì nằm ngay trong nhân vật chính là Sọ Dừa, chàng là người trần có nguồn gốc thần tiên.

Bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa đã phải ẩn kín trong vỏ bọc bên ngoài xấu xí, dị dạng và đáng sợ. Đó là thử thách to lớn, khó khăn để có thể khẳng định và bộc lộ bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa. Cuộc đời của Sọ Dừa trong truyện này có thể được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn trước khi cưới vợ và giai đoạn sau khi cưới vợ. Yếu tố thần kì nằm chủ yếu ở giai đoạn đầu, mặc dù ở cả hai giai đoạn Sọ Dừa đều không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách để tồn tại và phát triển.

Sọ Dừa sinh ra là một “cục thịt tròn lông lốc” nhưng lại biết nói tiếng người, vừa rành rọt lại thấu tình đạt lý, yếu tố thần kì ở đây chính là bên trong cái thai dị dạng khác thường, lại có những cái bình thường, hợp tình hợp lý như những con người thực sự. Dù vẻ bề ngoài có gớm ghiếc nhưng bên trong lại có tình nghĩa cảm động và giàu ý nghĩa, nếu thiếu đi tiếng nói đầy tình người đó, thì cái thai ấy lại thành thứ đáng sợ, chẳng ai dám nuôi nó cả. Yếu tố thần tiên thứ hai đó chính là việc chàng đi chăn trâu cho phú ông, chân tay mặt mũi không có nhưng lại chăn trâu rất giỏi. Yếu tố đó đã thể hiện vẻ đẹp chăm chỉ, chịu khó, đồng thời lại là tiền đề cho chàng tiến lên một bước mới là gặp gỡ cô út, yêu nhau và lấy nhau.

Thật là như một lời khẳng định và đánh vào niềm tin của con người, rằng với bản chất thật thà, hiền lành, chăm chỉ như Sọ Dừa rồi cũng sẽ có được những điều tốt đẹp và hạnh phúc. Yếu tố thần kì thứ ba đã là yếu tố chủ chốt, mà tác giả dâng gian không thể không đưa vào. Khi Sọ Dừa đi hỏi vợ đã bị mỉa mai, khinh chê và dọa thách cưới rất cao, đủ thứ sang trọng trên đời, để cho Sọ Dừa không thể có được. Nhờ vào yếu tố thần kì mà Sọ Dừa không những sắm đủ cả, lại còn trang hoàng nhà cửa, chỉ sau một đêm tất cả đã rất trang trọng và đẹp đẽ. Tuy nhiên lúc này Sọ Dừa vẫn ở trong cái bọc xấu xí đó mà chưa ra, chứng tỏ tác giả dân gian sử dụng yếu tố này rất có nguyên tắc và tuần tự. Nó vừa khiến cho câu chuyện phát triển từ thấp đến cao, lại vừa cuốn hút sự hứng thú của người đọc. Thời điểm yếu tố thần kì được sử dụng đắt nhất, chính là khi chàng trai Sọ Dừa khôi ngô tuấn tú bước ra cùng người vợ của mình, hai người nắm tay nhau ra chào và cảm ơn hai bên họ hàng đang dự lễ.

Sự xuất hiện của chàng trai Sọ Dừa trong lễ cưới đã kết thúc những yếu tố thần kì, khép lại giai đoạn phi thường kỳ ảo, mở ra một giai đoạn mới với những yếu tố hiện thực, giúp cho câu chuyện lại gần với hiện thực con người hơn.