Dàn ý chi tiết Ý nghĩa của truyện cổ tích Em bé thông minh
1/ Mở bài
Giới thiệu truyện Em bé thông minh: Ngay trong đời sống bình thường ông cha ta đã sáng tác ra những câu truyện cổ tích kiểu về nhân vật thông minh. Tiêu biểu đó là câu truyện “Em bé thông minh”
2/ Thân bài
– Nêu ý nghĩa của truyện em bé thông minh: Qua câu truyện đã đề cao tài trí của người lao động trong cuộc sống
Phân tích truyện Em bé thông minh:
+ Giới thiệu về em bé thông minh: Nhân vật thông minh tài trí ở đây chỉ là một em bé, không có dòng dõi khoa bảng cao sang, càng không phải là một người lớn tuổi từng trải, chỉ là một em bé nhà con thợ cày khoảng 7 – 8 tuổi
+ Lần đầu đối đáp trí thông minh với ông quan: Khi được một ông quan hỏi rằng trâu cày một ngày được mấy đường, em bé thần đồng đã hỏi vặn lại
+ Hai lần vặn lại những thử thách của vua: Ngay khi vào gặp vua em còn thông minh sắc sảo, lừa vua mắc bẫy để “tương kế tựu kế”, dùng ngón võ “gậy ông đập lưng ông”
+ Lần cuối cùng giúp vua thắng quan sứ nước láng giềng: đẩy lên tình huống cao trào khi em bé thông minh giúp vua thắng được sứ thần ngoại quốc, giữ thể diện và thanh danh cho dân tộc, đất nước
3/ Kết bài
Ý nghĩa của câu truyện em bé thông minh: Tuy nhiên những tài trí trong nhân vật của tác giả dân gian mang ý nghĩa thực tiễn nhiều hơn, chưa hình thành được nhân vật tài trí theo lối uyên bác, cao siêu, lỗi lạc.
Ý nghĩa của truyện cổ tích Em bé thông minh
Dân tộc Việt Nam ta vốn có trí thông minh vừa ứng xử nhanh, vừa đối đáp giỏi, điều này đã được ăn học ghi nhận và truyền tải lại vào trong các giai thoại đi sứ và ngay trong đời sống bình thường ông cha ta đã sáng tác ra những câu truyện cổ tích kiểu về nhân vật thông minh. Tiêu biểu đó là câu chuyện “Em bé thông minh”.
Nổi bật trong câu truyện này chính là ý nghĩa của truyện, truyện đã nêu lên một gương mặt đại diện cho tài trí của Việt Nam – một em bé thông minh thần đồng con nhà thợ cày. Qua câu truyện đã đề cao tài trí của người lao động trong cuộc sống. Nhân vật thông minh tài trí ở đây chỉ là một em bé, không có dòng dõi khoa bảng cao sang, càng không phải là một người lớn tuổi từng trải, chỉ là một em bé nhà con thợ cày khoảng 7 – 8 tuổi. Đó là một chi tiết khẳng định rằng tài trí Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, đó là trí của tác giả dân gian, của những con người lao động.
Tài trí ấy được nảy sinh ngay trên đồng ruộng quê hương kho cha em đang đi đánh cày, còn em đang đập đất. Khi được một ông quan hỏi rằng trâu cày một ngày được mấy đường, em bé thần đồng đã hỏi vặn lại rằng: “Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy nước tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi đi cày một ngày được mấy đường.” Quả là em bé có trí thông minh hơn người. Em không hề biết trước câu hỏi, không hề có sự chuẩn bị, tài trí của em bật ra ngay tức thời trước câu hỏi đột ngột của viên quan. Tiếp theo, trong tình huống bắt trâu đực phải đẻ con, ta thấy ở em bé thông minh này có sự ung dung mà chủ động tự tin hơn người.
Ngay khi vào gặp vua em còn thông minh sắc sảo, lừa vua mắc bẫy để “tương kế tựu kế”, dùng ngón võ “gậy ông đập lưng ông” khiến cho đấng chí tôn cũng phải cười dàn hòa “công nhận thằng bé thông minh lỗi lạc”, tuy nhiên phải đến tình huống bắt “một con chim sẻ dọn thành ba cỗ thức ăn” thì nhà vua khi ấy mới phụ hẳn trí thông minh của em. Em xin lại vua hãy rèn từ chiếc kim đen khâu vá thành ba con dao để thịt chim sẻ, vẫn là chiêu thức “gậy ông đập lưng ông” nhưng lần này thâm thúy hơn, có chút giễu cợt. Tất cả những tình huống trước là để đẩy lên tình huống cao trào khi em bé thông minh giúp vua thắng được sứ thần ngoại quốc, giữ thể diện và thanh danh cho dân tộc, đất nước. Như vậy, qua bốn lần thử sức, là bốn tình huống thử thách, tài trí của em bé thông minh đã được bộc lộ sáng ngời. Đó chính là trí khôn mà dân gian ta đã hun đúc tạo nên một nhân vật tài trí trong truyện cổ tích. Em đã trở thành một gương mặt tài trí của Việt Nam, đề cao tài trí của người lao động trong cuộc sống.
Tuy nhiên những tài trí trong nhân vật của tác giả dân gian mang ý nghĩa thực tiễn nhiều hơn, chưa hình thành được nhân vật tài trí theo lối uyên bác, cao siêu, lỗi lạc, có những phát minh và đóng góp vĩ đại cho đất nước. Bởi do xã hội phong kiến chưa cho phép người xưa sáng tạo ra những nhân tài như thế.