Dàn ý chi tiết Ý nghĩa của truyện Sơn Tinh Thủy Tinh để thấy được công cuộc trị thủy của nhân dân ta
1/ Mở bài: Giới thiệu truyền thuyết Sơn tinh Thủy Tinh, nêu khái quát ý nghĩa: Qua truyền thuyết, các tác giả dân gian đã lí giải về hiện tượng lũ lụt, mưa bão
2/ Thân bài:
-Tóm tắt nội dung của truyền thuyết Sơn tinh Thủy Tinh: Vào đời vua Hùng thứ 18 có người con gái tên Mị Nương, tài sắc vẹn toàn
-Ý nghĩa hình ảnh của Sơn Tinh và Thủy Tinh: Hình ảnh của Thủy Tinh tuy dũng mãnh và đầy sức mạnh nhưng lại làm ta liên tưởng tới sức tàn phá của những cơn bão lũ
-Công cuộc trị thủy của nhân dân ta: các khó khăn do thiên tai gây nên như bão lũ, hạn hán thì người dân chúng ta vẫn luôn kiên cường, không chịu khuất phục
3/ Kết bài: Ý nghĩa của truyền thuyết Sơn tinh Thủy Tinh: Qua truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, chúng ta càng cảm thấy cảm phục hơn nữa ý chí quyết tâm và bất khuất kiên cường
Ý nghĩa của truyện Sơn Tinh Thủy Tinh để thấy được công cuộc trị thủy của nhân dân ta
Các tác giả dân gian xây dựng nên những truyền thuyết không chỉ nhằm gửi gắm những khát vọng về lẽ công bằng, về những hình tượng người anh hùng dân tộc. Mà còn qua đó giải thích các truyền thống, phong tục tập quán cũng như các đặc điểm tự nhiên thiên nhiên trong cuộc sống. Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh là một trong những truyền thuyết như thế. Qua truyền thuyết, các tác giả dân gian đã lí giải về hiện tượng lũ lụt, mưa bão, đồng thời thể hiện sức mạnh và khát vọng chinh phục tự nhiên của người dân trong cuộc sống.
Vào đời vua Hùng thứ 18 có người con gái tên Mị Nương, tài sắc vẹn toàn, vua Hùng muốn kén cho con một người chồng thật như ý. Vào một ngày có hai chàng trai là Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến tiến làm rể. Sơn Tinh là vị thần ở núi Tản Viên với tài năng vẫy tay về phía đông nổi lên những gò đất, vẫy tay về phía tây mọc lên những ngọn núi cao ngất ngưởng. Còn Thủy Tinh là vị thần của nước, có khả năng hô mưa gọi gió, điều khiển mưa gió, không hề thua kém Sơn Tinh.
Tài năng của hai chàng làm cho vua Hùng rất bất ngờ và bối rối, đành tìm ra cách bắt hai chàng tìm được các lễ vật cưới với các sính lễ khó có thế sắm như: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Cả hai đều ngay lập tức tìm kiếm những lễ vật mà vua yêu cầu, cuối cùng, vào ngày hôm sau, Sơn Tinh đã mang lễ vật tới trước và được đưa công chúa Mị Nương về với núi Tản Viên của mình. Thủy tinh tới chậm hơn, không lấy được vợ nên nổi giận, làm nên những trận mưa to gió lớn, tất cả chìm trong biển nước, hành động của Thủy Tinh làm cho mọi người đều khiếp sợ.
Tuy nhiên Thủy Tinh cho mưa lũ ngập thì Sơn Tinh lại đắp những gò đất và ngọn núi xếp chồng lên đề ngăn nước, sau nhiều ngày Thủy Tinh cũng đành chịu thua. Nhưng mỗi năm Thủy Tinh vẫn không can tâm mà cứ tiếp tục giao tranh, ảnh hưởng tới đất nước, mặc dù kết cục vẫn phải nhận thua. Hình ảnh của Thủy Tinh tuy dũng mãnh và đầy sức mạnh nhưng lại làm ta liên tưởng tới sức tàn phá của những cơn bão lũ, còn hình ảnh của Sơn Tinh lại là sức mạnh của chính người dân, chống đỡ lại sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên, vẻ đẹp của tinh thần đoàn kết chiến thắng những khó khăn thử thách của nhân dân ta.
Dù có gặp rất nhiều những khó khăn từ nhiều yếu tố khác nhau, từ chống giặc ngoại xâm hay các khó khăn do thiên tai gây nên như bão lũ, hạn hán thì người dân chúng ta vẫn luôn kiên cường, không chịu khuất phục, luôn đoàn kết chống lại những khó khăn ấy bằng mọi cách. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tinh thần và truyền thống quý giá, cao đẹp ấy vẫn luôn được người dân Việt Nam gìn giữ và phát huy.
Qua truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, chúng ta càng cảm thấy cảm phục hơn nữa ý chí quyết tâm và bất khuất kiên cường của người dân ta từ xa xưa. Những người dân lao động của đất nước ta ngày nay cũng vậy, luôn cố gắng chống chọi và khắc phục thiên tai, bão lũ. Từ đó chúng ta càng thêm tin tưởng vào tinh thần đoàn kế dân tộc, đó là điê đáng quý nhất của nhân dân Việt Nam.