Cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh hay nhất (2 mẫu)

Cảm nhận về truyện Thạch Sanh 1

Truyện cổ tích này rất phổ biến ở nước ta, đã được đặt thành thơ. Có một truyện Nôm khuyết danh cũng có tên là truyện Thạch Sanh. Thạch Sanh là một dũng sĩ, có nhiều đức tính tốt và có hành động anh hùng. Rất nhiều sự việc đã diễn ra trong cuộc đời chàng.

Trước hết, Thạch Sanh bị Lý Thông lừa, thay hắn nộp mạng cho Xà Tinh. Chàng đã giết được Xà Tinh, chặt được đầu nó nhưng lại bị Lý Thông lừa xuống hang sâu. Xuống hang, chàng đánh nhau với Đại bàng, một con chim dữ đã thành tinh. Cuối cùng chàng giết được Đại bàng, cứu được công chúa.

Lập công nhưng chàng phải ở lại dưới hang vì Lý Thông đã lấp cửa hang không cho chàng lên. Chàng lùng sục chỗ ở của Đại bàng và cứu được thái tử con vua Thuỷ tề. Ở đây, Thạch Sanh lại bắt được con cáo đã thành tinh. Chàng được vua Thuỷ tế đưa về cõi trần, lại được tặng một chiếc đàn làm kỉ niệm. Mặc dù suốt thời gian nghèo khổ, thiếu thốn, Thạch Sanh vẫn là một người tốt, diệt được rắn độc, trừ được chim dữ, khuất phục được cao ngạo ngược, giải thoát cho hai người - một công chúa, một thái tử - nhưng chàng không nhận sự đền ơn, không lấy vàng bạc, không ham chức tước. Vẫn là một con người bình thường, chuyên làm việc nghĩa, dù đạt nhiều thành tích huy hoàng, chàng vẫn bình dị, trong sáng.

Lý Thông là một con người gian ác. Hắn lừa Thạch Sanh nộp mang thay hắn. Thạch Sanh giết được yêu quái. Hắn tìm cách đánh lừa, nhờ chàng đi cứu công chúa. Hắn lại táng tận lương tâm, định chôn sống chàng và đưa công chúa về để lên ngôi phò mã. Ít người tàn ác đến như thế. Nhưng khi tội ác của hắn đã rõ, Thạch Sanh vẫn rộng lòng tha thứ cho hắn. Có điều người tha nhưng trời không tha. Sét đã đánh chết hắn, còn bắt hắn hóa thành bọ hung, suốt đời rúc trong đống phân.

Công chúa Quỳnh Nga cũng là một nhân vật đẹp. Nàng bị Đại bàng bắt giữ, rồi được Thạch Sanh cứu. Nàng hẹn kết duyên với Thạch Sanh, nhưng đã bị Lý Thông lừa gạt. Không thể nói ra được câu chuyện với ai, vì nếu nói cũng chẳng ai tin. Lý Thông có bao nhiêu thế lực, bao nhiêu kẻ hầu người hạ, chỉ sẽ nói tốt cho Lý Thông. Nhà vua chỉ có thấy Lý Thông đưa được con mình về chứ có thấy Thạch Sanh đâu. Sự đau đớn và bất bình của công chúa đã khiến cho nàng thành con người câm. Nàng từ chối không chịu theo Lý Thông, cũng là để giữ mối tình cảm của mình trong im lặng. Câm, thực ra là sự chung thuỷ không diễn đạt được bằng lời. Nàng chỉ nói khi nghe tiếng đàn Thạch Sanh. Truyện dân gian đã có cách thể hiện tình duyên thật kỳ diệu. Tiếng đàn là bằng chứng của hai tấm lòng cảm thông. Tiếng đàn khơi gợi tình yêu chân thành say đắm. Tiếng đàn làm cho người câm biết nói. Tiếng đàn làm rõ được trắng đen. Tiếng đàn là tiếng tơ lòng mà cũng là tiếng nói của chân lý. Tiếng đàn lại có một sức mạnh thần kỳ hơn nữa. Khi quân ngoại xâm kéo đến, Thạch Sanh đã dạo đàn lên. Tiếng đàn làm cho giặc khủng khiếp, thấy được gây sự đánh nhau là vô ích. Chúng xin đầu hàng. Tiếng đàn hoá thành một lợi khí dẹp mọi nguy nan. Đó là tiếng đàn địch vận. Thạch Sanh biết dùng âm nhạc để chinh phục lòng người. Anh còn có một phép lạ: chỉ nấu một niêu cơm mà bọn giặc đông hàng vạn người, ăn mãi không hết.

Niêu cơm Thạch Sanh tượng trưng cho của cải vô tận của nước nhà. Tiếng đàn Thạch Sanh và niêu cơm Thạch Sanh là hai vật quý có ý nghĩa tiêu biểu cho tinh thần hòa bình, cho khả năng vô tận của con người và đất nước Việt Nam. Thạch Sanh là một chàng dũng sĩ tiêu biểu cho dân tộc ta. Người Việt Nam yêu mến Thạch Sanh vì chàng hào hiệp cứu khốn phò nguy. Gặp chuyện bất bình, thay bọn người lay bọn quỷ làm hại đồng bào là Thạch Sanh xông vào tiêu diệt, không tính toán và không ham của cải, không cầu danh lợi, làm ơn không cần báo đáp và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ xấu, dù bọn xấu ấy chỉ một mực làm hại mình. Chàng còn tiêu biểu cho nguyện vọng yêu hòa bình, yêu tự do của dân tộc, và còn chứng minh cho sự bền bỉ, cho sự thịnh cường của đất nước. Hình ảnh Thạch Sanh với chúng ta luôn luôn hấp dẫn.

Cảm nhận về truyện Thạch Sanh 2

Thạch Sanh là một truyện cổ tích kì diệu nhất trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Hình ảnh chàng dũng sĩ chém Trăn tinh, bắn Đại bàng; cây đàn thần, niêu cơm thần của chàng dũng sĩ đã đem đến cho thế giới tuổi thơ bao kỳ thú, bao giấc mơ đẹp.

Thạch Sanh là con Trời. Vợ chồng Lục ông hiền lành, tốt bụng, gần xa ai ai cũng quý mến. Ngọc Hoàng đã thương tình cho thái tử xuống trần đầu thai. Khác với người trần, Thạch Sanh nằm trong bụng mẹ (Lục bà) nhiều năm mới cất tiếng chào đời. Yếu tố hoang đường ấy tạo nên chất kỳ diệu của truyện ca ngợi tính phi thường của Thạch Sanh. Vợ chồng Lục ông đã được Ngọc Hoàng thương cho đứa con trai khôi ngô tuấn tú nối dõi tông đường. Đó là niềm tin của dân gian: ở hiền gặp lành.

Mọi thứ hạnh phúc đều có giá và phải trả giá. Con đường của Thạch Sanh cũng đầy gian truân. Phải chăng Ngọc Hoàng thử thách Thái tử? Mồ côi cả bố lẫn mẹ. Nhà nghèo, một túp lều ở gốc đa. Chỉ một chiếc búa cùn, chỉ có một nghề kiếm củi độ thân. Tuổi thơ chàng bơ vơ, thật đáng thương! Thiên thần đã đến với đứa con mồ côi: dạy võ nghệ, các phép thần thông biến hoá, và trao cho chiếc búa thần. Qua các chi tiết hoang đường ấy, nhân dân gửi gắm bao ước mơ: phải có sức mạnh vô địch để sống, để tồn tại, để chiến thắng!

Cuộc đời Thạch Sanh là những năm tháng đầy gian truân thử thách, chiến công nối tiếp chiến công.

Thạch Sanh đến miếu thần là để thế mạng cho Lý Thông. Nhưng chàng đâu có biết? Trăn tinh là một yêu quái khổng lồ, có nanh sắc, có nọc độc, có sức mạnh ghê gớm, lại biết tàng hình, lắm phép lạ, người đời khiếp sợ, vua quan chịu bó tay. Trăn tinh xuất hiện bất ngờ khi Thạch Sanh đang lim dim mắt nằm ngủ... Trong thế bị động, nhưng Thạch Sanh cực kỳ dũng cảm, tài trí đã dùng phép lạ và búa thần giáng trả quái vật. Trăn tinh bị Thạch Sanh chém giết, bị cắt đầu, bị bổ xác. Chàng thu được một bộ cung tên vàng. Thạch Sanh đã diệt trừ quái vật, trừ hậu hoạ cho nhân dân. Chàng dũng sĩ có thêm vũ khí mới: cung tên thần. Thạch Sanh đã có búa thần đế đánh gần, đánh ở tầm thấp, giờ đây lại có thêm cung tên thần, đế đánh ở tầm cao, tầm xa. Thử hỏi, kẻ thù nào địch nổi chàng dũng sĩ?.

Đại bàng là một kẻ thù rất nguy hiểm vì nó ở trên trời, lại có hang sâu bí mật. Thái tử con vua Thuỷ tề còn bị Đại bàng bắt sống, giam giữ trong cũi sắt! Công chúa con vua còn bị Đại bàng quắp đi giữa thanh thiên bạch nhật trong lễ hội kén phò mã trước mắt bá quan văn võ và đông đủ anh tài trong thiên hạ! Thạch Sanh chỉ bắn một mũi tên vàng đã làm cho Đại bàng bị trọng thương. Lần theo vết máu, dũng sĩ tìm đến hang ổ ác điểu. Đại bàng có mỏ sắc, vuốt nhọn, có sức mạnh ghê gớm lao tới mổ, cắn xé Thạch Sanh. Vung búa thần giáng trả, dùng cung tên thần bắn mù hai mắt quái vật. Đại bàng bị giết, bị phanh xác. Một kẻ thù nguy hiểm nữa của nhân dân đã bị chàng dũng sĩ tiêu diệt! Chiến công diệt Đại bàng là một kỳ tích vì Thạch Sanh đã cứu được nàng công chúa và Thái tử con vua Thuỷ tề. Chiến công chấn động cõi đời mà còn vang động tới vương quốc Thuỷ tề. Từ thuỷ phủ trở về, Thạch Sanh chỉ cầm trong tay một cây đàn thần làm kỷ niệm một chuyến viễn du thú vị. Chàng lại trở về gốc đa, chốn cũ yêu thương. Với chàng dũng sĩ thì vàng bạc châu báu cũng như dinh thự nguy nga, của ngon vật lạ đều trở nên xa lạ. Túp lều gốc đa là nơi chàng đã sinh ra, lớn lên, với bao kỷ niệm buồn vui. Thạch Sanh trở về gốc đa, một tình tiết, phải chăng nói lên quan niệm nhân sinh tốt đẹp của nhân dân thời xưa: Một túp lều tranh, một trái tim vàng?

Với Thạch Sanh, cây đàn thần không phải là một nhạc cụ để mua vui mà là một vũ khí vô cùng linh nghiệm. Nơi chàng đánh đàn, gảy đàn là trong ngục. Tiếng đàn để giãi bày. Tiếng đàn như một thứ "thần dược" làm cho công chúa đang bị câm nghe tiếng đàn mà nói lên được! Nhờ tiếng đàn mà chàng dũng sĩ được gặp lại người đẹp, rồi được minh oanh, để vạch trần bộ mặt thật của Lý Thông, tên bán rượu xảo quyệt, cướp công, độc ác, âm mưu hãm hại người... Thạch Sanh không dùng búa thần, cung tên thần để giao tranh với tướng sĩ 18 nước chư hầu, mà chỉ dùng đàn thần để lui giặc. Đó là tiếng đàn hòa bình. Niêu cơm Thạch Sanh là niêu cơm hàng vạn người ăn mãi không hết; niêu cơm ấm no, hạnh phúc. Đàn thần và niêu cơm thần đã góp phần tô đậm vẻ đẹp kì diệu truyện Thạch Sanh.

Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, kẻ đã cướp công và hãm hại mình. Hành động ấy thể hiện đức độ lượng, lòng nhân ái bao dung cao đẹp.

Nhân vật Thạch Sanh thật đẹp. Với búa thần, cung tên vàng, đàn thần, với võ nghệ và phép thần thông biến hoá, chàng dũng sĩ đã chém Trăn tinh, giết Đại bàng, trừ diệt cái ác, tai hoạ cho nhân dân, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đem lại hoà bình. Thạch Sanh đã trải qua bao gian truân thử thách, lấp lánh bao chiến công hiển hách. Anh đã được kết duyên với công chúa, chàng đã thể hiện ước mơ của nhân dân, những ước mơ hồn nhiên, trong sáng và rất đẹp. Thật vậy, truyện Thạch Sanh là một truyện cổ tích thần kỳ, nói lên một giấc mơ đẹp của nhân dân ta bao đời nay.