Dàn ý bài viết Bài học rút ra từ câu chuyện cổ tích Sọ Dừa
1/ Mở bài
Giới thiệu truyện cổ tích Sọ Dừa, dẫn dắt vào các bài học rút ra từ truyện: Truyện không chỉ có các tình tiết li kì hấp dẫn, yếu tố thần kì cuốn hút người xem mà còn để lại cho chúng ra nhiều bài học quý báu
2/ Thân bài
-Bài học về cách nhìn nhận, đánh giá con người, cần phải xem xét toàn diện: Truyện không chỉ có các tình tiết li kì hấp dẫn, yếu tố thần kì cuốn hút người xem mà còn để lại cho chúng ra nhiều bài học quý báu
-Đề cao lòng nhân ái, sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau: Cô út yêu Sọ Dừa chân thành “có của ngon vật lạ đều giấu đem cho chàng”
-Khẳng định niềm tin và sự công bằng trong xã hội và giá trị của lao động, cố gắng: cũng chính từ việc “ở hiền gặp lành” mà Sọ Dừa có thể sắm những lễ vật khó kiếm
3/ Kết bài: Ý nghĩa truyện “Sọ Dừa”: Truyện Sọ Dừa chỉ là một truyện cổ tích dân gian những ý nghĩa mà truyện mang lại là rất thực tế và sâu sắc.
Bài học rút ra từ câu chuyện cổ tích Sọ Dừa
Truyện cổ tích “Sọ Dừa” là một trong những câu chuyện cổ tích dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Truyện không chỉ có các tình tiết li kì hấp dẫn, yếu tố thần kì cuốn hút người xem mà còn để lại cho chúng ra nhiều bài học quý báu mà tác giả dân gian đã gửi gắm qua các nhân vật.
Mở đầu câu chuyện, tác giả đưa tới người đọc hình ảnh của Sọ Dừa khi mới sinh ra, bộ dạng ấy thật “gớm ghiếc”, chỉ là một “cục thịt tròn lông lốc”, ai trông thấy cũng bảo quái thai, dị dạng và đáng sợ. Thế nhưng khi cái thai ấy cất tiếng nói lại rất thấu tình đạt lý, vừa rành rọt lại vừa có lí tình như con người bình thường. Nếu không có câu nói ấy thì Sọ Dừa mãi mãi là một thứ quái thai, đáng sợ mà không ai dám nhận nuôi. Điều đó đã chứng tỏ tuy vẻ bề ngoài xấu xí, dị dạng nhưng bản chất bên trong của Sọ Dừa lại rất có tình người, thấu tình đạt lý.
Hơn thế, Sọ Dừa tuy chẳng có chân tay mặt mũi nhưng lại rất chăm chỉ, chịu khó, xin mẹ đi chăn trâu thuê cho nhà phú ông, chàng còn chăn rất giỏi, vốn vẻ bề ngoài ấy chẳng ai nghĩ chàng sẽ làm ăn được gì khi chỉ đi lặn lăn lông lốc. Từ hình ảnh và sự thể hiện của Sọ Dừa ta có được bài học về cách nhìn nhận và đánh giá con người, cần đề cao giá trị thực, vẻ đẹp bên trong của con người, chúng ta nên xem xét một cách toàn diện chứ không chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài. Cũng từ những phẩm chất tốt đẹp ấy của Sọ Dừa mà cô con gái út của phú ông đã nhìn ra chàng và cũng chỉ có cô nhìn thấy bản chất tốt đẹp bên trong của chàng.
Từ việc cô Út đối xử với Sọ Dừa chúng ta lại cảm nhận được lòng nhân ái và sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau mà tác giả dân gian muốn nhắc nhở chúng ta. Cô út yêu Sọ Dừa chân thành “có của ngon vật lạ đều giấu đem cho chàng”, cô là một người vừa hiền lành lại thương người, đối đãi với Sọ Dừa một cách rất tử tế, đầy lòng nhân ái. Một bài học sâu sắc nữa mà chúng ta rút ra được từ câu chuyện này đó chính là bài học về niềm tin và sự công bằng trong xã hội, sự nỗ lực lao động và cố gắng đều mang lại những giá trị nhất định.
Thể hiện ở chỗ, nhờ vào việc chăm chỉ chăn trâu mà Sọ Dừa có cơ hội gặp gỡ, yêu và lấy cô út nhà phú ông, cũng chính từ việc “ở hiền gặp lành” mà Sọ Dừa có thể sắm những lễ vật khó kiếm, trang hoàng nhà cửa còn đẹp hơn nhà phú ông để cưới vợ. Phú ông đành chấp nhận và điều đó đã xóa đi sự bất công giữa tầng lớp giàu và nghèo, nhen nhóm tia hy vọng trong xã hội công bằng hơn. Rồi khi Sọ Dừa đỗ đạt làm quan cũng chính nhờ sự nỗ lực, chăm chỉ và cố gắng, có phần thông minh của Sọ Dừa mà có được, chúng ta nên tin tưởng vào những giá trị thực tế, có nỗ lực, có cố gắng ắt sẽ mang lại kết quả.
Truyện Sọ Dừa chỉ là một truyện cổ tích dân gian những ý nghĩa mà truyện mang lại là rất thực tế và sâu sắc. Có ý nghĩa vừa nhắc nhở vừa giáo dục chúng ta về những giá trị trong cuộc sống.