Em hãy tả khu ruộng bậc thang 1
Nhắc đến người nông dân Việt Nam là nhắc đến sự chăm chỉ, cần cù và đầy sáng tạo. Đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng cao, họ phải khắc phục những khó khăn của đất đai, thời tiết để trồng trọt, sinh sống. Hình ảnh khu ruộng bậc thang vừa minh chứng cho những đức tính tốt đẹp trên của họ vừa là một hình ảnh đẹp của khung cảnh vùng cao.
Ruộng bậc thang được làm trên những quả núi, quả đồi. Địa hình vùng núi không bằng phẳng như đồng bằng nên đồng bào dân tộc đã nghĩ ra cách làm ruộng đầy sáng tạo này. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, họ rất cần mẫn, vất vả đẽo phạt, san ủi sao cho từng phần đất ở sườn núi trở nên bằng phẳng cho việc trồng cấy. Phần mặt bằng này chạy từng vòng quanh thân đồi núi từ chân lên đến đỉnh.
Hình ảnh những ruộng bậc thang đẹp nhất vào mùa đổ nước cấy và mùa lúa chín.
Mùa nước đổ từ trên cao nhìn xuống, nhìn ruộng bậc thang như bức tranh thủy mặc khổng lồ. Sau khi đã san ủi đất tạo ra mặt bằng cần thiết, người nông dân dẫn nước từ suối vào ruộng. Màu nước trắng đục đan xen với màu đất đỏ, đen. Những bậc ruộng ngoằn ngoèo chạy vòng theo thân núi. Nhìn cả khu đồi núi trập trùng với những sắc màu đan xen một cách kì lạ như vậy thật ấn tượng!
Mùa lúa chín, ruộng bậc thang lại trải rộng một màu vàng đầy mơ mộng. Khi ấy, cả một vùng lúa nương đã chín vàng rực, những hạt thóc mẩy chắc vàng giòn, những lá lúa vàng xọng. Những ngọn núi đồi kề nhau tất cả đều dậy lên một màu vàng trù phú. Đặc biệt, những dải ruộng uốn lượn theo triền núi như những đợt sóng tràn trề. Đó là hình ảnh báo hiệu cho những ngày sung túc, đủ đầy.
Từ xưa đến nay, hình ảnh các khu ruộng bậc thang vẫn luôn là một hình ảnh đẹp ở các vùng cao khiến ta cùng các nhà nhiếp ảnh say mê và tốn nhiều phim ảnh. Có thể tự hào mà nói rằng mỗi vẻ đẹp của ruộng bậc thang là những tuyệt tác do người nông dân vùng cao tạo ra. Những cảnh này không chỉ là danh thắng của quê hương, thu hút ta tới chiêm ngưỡng, mà nó còn là những bồ thóc không bao giờ vơi của đồng bào các dân tộc.
Em hãy tả khu ruộng bậc thang 2
Tôi đến với núi rừng Tây Bắc trong một buổi chiều nắng xế. Đứng trên đỉnh đồi cao, phóng tầm mắt ra xa xa, những ruộng bậc thang trải dài đẹp tựa như một bức tranh lụa thêu. Quang cảnh Tây Bắc buổi chiều tàn chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh nơi trần gian. Càng nhìn ngắm càng thêm yêu mến.
Không một cánh đồng, không một thửa ruộng nào có vẻ đẹp như ruộng bậc thang Tây Bắc khi buổi chiều nắng xuống. Nếu đứng nhìn từ xa, trên một đỉnh cao như nơi tôi đang đứng thì ruộng bậc thang Tây Bắc lung linh kì diệu như một bức tranh tuyệt cảnh nào đó mà ta hay tưởng tượng hoặc trông thấy. Đến với Tây Bắc, du khách nào cũng muốn một lần được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt diệu ấy.
Chính vì thế, mỗi khi nghĩ về Tây Bắc người ta thường nghĩ đến những ruộng bậc thang trùng trùng bất tận màu xanh lá non hoặc màu vàng tơ óng ánh chứ không phải là những dãy núi cao trơ trọi đá hay khe núi sâu thăm thẳm hoặc những vực đá chênh vênh đầy hiểm nguy.
Thật kỳ diệu thay! Có ai lại nghĩ ruộng lúa nước lại ở trên núi cao bao giờ? Thế mà người dân Tây Bắc đã làm nên điều kì diệu ấy. Có lẽ thuở ban đầu, người ta san những mảnh đất nhỏ trên núi cao để trồng cây hoa màu. Nhưng sau thấy đất giữ nước tốt nên mới mang cây lúa lên trồng chăng?
Không như ở đồng bằng, mặt đất vốn đã phẳng, việc đắp bờ ngăn giữ nước rất dễ dàng. Ở miền tây sơn cước, để có được một mảnh ruộng nhỏ, người ta phải tốn rất nhiều công sức đào đất, san bậc, đắp bờ…Cứ thế, cứ thế, những ô ruộng hình vòng cung ôm dáng núi hình thành từ trên đỉnh đồi xuống đến chân đồi. Càng xuống thấp, thang ruộng càng rộng ra. Bờ ruộng lượn theo dáng núi tạo thành những đường cong đồng tâm như một chiếc mâm xôi khổng lồ trông thật đẹp mắt.
Buổi chiều Tây bắc sương giăng mơ màng. Nhìn về hướng thung lũng, những ngọn đồi lúa xanh ngút ngàn trong buổi chiều bảng lãng khiến ta không khỏi bồi hồi. Lúa đương thì con gái xanh mơn mởn. Sau trận mưa đêm qua, lá rờn xanh thắm biếc. Thỉnh thoảng, cơn gió nhẹ lướt qua ngọn đồi, tạo nên gợn sóng lúa chạy dài đến thung lũng xa.
Phía xa là khu rừng xanh rậm lá. Những cây chò vươn cao mình như bức bình phong chắn gió che chở cho đồi lúa. Ánh nắng chiều nghiêng nghiêng trải một màu vàng mơ khắp thung lũng. Những tia nắng chiếu xuyên qua lùm cây. Ánh sáng lung linh trong tàn lá nhấp nháy như chiếc đèn màu treo giữa nền trời. Những giọt mưa còn đọng trên lá non lấp lóa ánh trời.
Tôi đứng nhìn say mê cảnh vật không muốn rời chân dù hoàng hôn đang dần xuống. Ánh sáng lùi dần nhường chỗ cho làn sương mờ đang tràn xuống từ đỉnh núi xa. Chiều Tây Bắc sương mềm mại như nhung. Trên lưng chừng núi, một khóm sương trắng bồng bềnh trôi về phía xa. Một đàn cò trắng lượn vòng rồi đáp nhẹ xuống mương nước. Chúng đứng lặng im, trầm tư như đang nghĩ ngợi điều gì đó. Trong lùm cây ở mé bìa rừng ríu rít tiếng chim kêu. Tôi nhận ra giọng hót của chú chào mào, có cả giọng gắt gỏng của cô sáo nâu và giọng leo lẻo của anh chèo bẻo nữa. Tiếng kêu rộn ràng, inh ỏi, náo động cả rừng chiều.
Thỉnh thoảng, có một con bay vút lên trời kêu chí chóe, rồi lẩn mất trong tán lá rừng thâm u. Bản đồng ca buổi chiều đôi khi im bặt rồi bất ngờ vang vang trở lại. Có lẽ, chúng đang kể cho nhau nghe những câu chuyện hay của khắp các phương trời sau một ngày kiếm ăn vất vả. Đây cũng là dịp để chúng chơi đùa, trêu ghẹo thỏa thuê trước khi vũ trụ chìm vào bóng tối. Một con cu gáy “cúc cu” cất tiếng gọi bạn trên cành cây mằng lăng đơn độc bên dòng suối.
Lúc chiều về, chúng muốn đi từng đôi. Phía cuối làng, từng đàn trâu trở về trong tiếng sáo véo von của mấy đứa trẻ. Một chú bé mặc chiếc áo thổ cẩm, ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu trắng lững thững đi đầu. Tiếng sáo trong trẻo, lanh lãnh réo rắt gọi đàn về.
Kết thúc một ngày, bóng tối bao trùm lên cảnh vật. Tôi vẫn còn kịp nhìn thấy những hàng cây cắt hình trên nền trời đen thẫm mịt mù.
Nhìn về phía bản làng, bếp nhà rông đã rực sáng, khói chiều cuộn tròn trên mái tranh. Nhìn từ xa chỉ còn thấy những đốm lửa lập lòe. Tôi vội vã trở về để kịp ăn bữa tối và dự lễ hội nhảy sập mà trưởng bản đã ưu ái dành tặng cho đoàn du khách chúng tôi trong đêm nay.